Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/06/2024

Tô Lâm yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Tổng hợp

Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói gì với Đại sứ Hùng Ba của Trung Quốc ?

BBC, 12/06/2024

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm hôm 11/6 nói với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ông Hùng Ba, rằng điều quan trọng là các tranh chấp trên biển phải được giải quyết và lợi ích của mỗi quốc gia được tôn trọng, theo Văn phòng Chủ tịch nước.

hungba1

Ông Tô Lâm tiếp ông Hùng Ba tại Phủ Chủ tịch trong bối cảnh Việt Nam-Trung Quốc tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới

Cuộc tiếp đón diễn ra tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới.

Trong cuộc gặp, ông Tô Lâm nhắc lại tình láng giềng "núi liền núi, sông liền sông", "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai nước, theo báo điện tử Chính phủ.

Hai ông cũng nhắc lại các chuyến thăm nhau mang tính "lịch sử" của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình trong các năm 2022 và 2023 – khi hai bên nhất trí cùng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng hai nước láng giềng do đảng cộng sản lãnh đạo đã bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp hàng hải kéo dài nhiều năm ở Biển Đông, bài viết trên Reuters bình luận.

Ông Tô Lâm nói tại cuộc gặp ở Hà Nội rằng các nước cần tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhau.

Hai bên cần "tích cực tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Tô Lâm nói.

Hôm 6/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động "khảo sát trái phép" này.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc nói việc triển khai hoạt động của tàu này là để góp phần bảo vệ các rạn san hô và phát triển các cấu trúc đảo của nước này trong khu vực.

Trong cuộc gặp hôm 11/6, ông Tô Lâm cho biết phát triển tình hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác, bao gồm cả về đường sắt, trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023.

Ông Tô Lâm nhắc lại sự cần thiết phải tăng cường kết nối đường sắt giữa hai nước trong cuộc gặp với Đại sứ Hùng Ba và yêu cầu Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản Việt Nam.

Bắc Kinh có thể hưởng lợi từ bất ổn chính trị tại Việt Nam ?

Theo một số nhà quan sát, những "rạn nứt" trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam thời gian qua có thể làm suy yếu đi khả năng đoàn kết trong đảng để đối phó với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp Biển Đông và các vấn đề khác.

Từ đó, Bắc Kinh có thể hưởng lợi từ những cải tổ chính trị Việt Nam, theo một bài viết ngày 5/6 trên báo South China Morning Post (SCMP).

Cũng trong bài viết nói trên của SCMP, Tiến sĩ Bill Hayton từ Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng việc Trung Quốc quá cứng rắn với những yêu sách trên Biển Đông đang gây tổn hại tới niềm tin vào năng lực lãnh đạo của Đảng cộng sản ở Việt Nam.

Theo ông, "nếu Trung Quốc khôn ngoan, họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Việt Nam [về các vấn đề trên Biển Đông], điều đó sẽ củng cố vị thế cho những người bạn của họ ở Hà Nội".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hayton nhận định rằng Việt Nam dường như đang đi theo "đường lối chính trị hướng nội" của Trung Quốc.

Theo ông, Việt Nam đang tập trung nhiều hơn vào "an ninh chính trị và sự tồn vong của chế độ hơn là phát triển kinh tế".

Phó Giáo sư Jonathan London từng nêu ý kiến tương đồng trong một bài viết ngày 9/5 trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore).

Theo Phó Giáo sư London, việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong nỗ lực chống tham nhũng đang gây ra "tình trạng tê liệt chính trị trên toàn hệ thống và đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng trong đầu tư công".

Trong bài viết ngày 22/5 trên Nikkei Asia, Giáo sư Ryuichi Ushiyama từ Đại học Keiai (Nhật Bản) cũng đề cập tới khía cạnh này. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ để ý hơn tới việc gia tăng quan hệ, cũng như tăng cường hỗ trợ cho các chính trị gia thân Trung Quốc ở Việt Nam.

Bài viết ngày 1/6 trên SCMP trích lời Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng từ Quỹ Taiwan NextGen Foundation (Đài Loan) bình luận về vai trò của ông Tô Lâm trong duy trì mối quan hệ với Trung Quốc :

"Quan chức Trung Quốc biết rằng họ luôn có thể tin tưởng ông Tô Lâm vì tình đồng chí cộng sinh với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".

Ông Sáng cũng nói thêm rằng, vào tháng 1/2024, ông Tô Lâm đã hỏi xin lời khuyên từ các nhà lãnh đạo an ninh Trung Quốc về cách duy trì sự "kiểm soát và lãnh đạo toàn diện" của Đảng cộng sản Việt Nam.

Trước và sau khi ông Tô Lâm chính thức nhậm chức chủ tịch nước, đã có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam ngày càng mang đậm dấu ấn của một nhà nước "công an trị".

Trong bài diễn văn nhậm chức hôm 22/5, ông Tô Lâm cũng đề cập tới những mục tiêu như nâng cao năng lực cầm quyền và lãnh đạo của Đảng, cam kết "chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Theo ông Trương Minh Lượng, Phó Giáo sư chuyên về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu), phát biểu nhậm chức của ông Tô Lâm thể hiện rõ mục tiêu ổn định chính trị của Việt Nam, điều mà ông Trương cho rằng chỉ có thể đạt được bằng việc hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc.

Nguồn : BBC, 12/06/2024

*************************

Ván bài tệ của Tô Lâm !

Nam Việt, RFA, 12/06/2024

Đối với các lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cách lấy lòng dân nhanh nhất là tỏ thái độ cứng rắn với chính quyền Trung Quốc, kẻ thù trong tâm thức người Việt, bất chấp đó là trình diễn ngoại giao hay có thật. Lịch sử cầm quyền và mị dân từ hai thập niên nay của các tay lãnh đạo Ba Đình đã chứng minh điều đó.

hungba1

Chủ tịch Tô Lâm tiếp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba hôm 11/6/2024 - TTXVN/Nhan Sáng

Khởi đầu, người đã làm hàng triệu người Việt nô nức, lầm tưởng và đến nay vẫn còn lại một số nạn nhân, đó là trường hợp của Nguyễn Tấn Dũng. Cách mà Dũng, khi ở chức thủ tướng, ứng xử với Trung Quốc đã tạo nên một tư thế đặc biệt với ông ta. Vào tháng 5/2014, khi đi Philippines và được báo chí nước ngoài phỏng vấn, Dũng đã nói công khai là "Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói". Báo chí Việt Nam như mở hội, lòng người Việt như mở cờ.

Thậm chí, sự theo dõi chặt chẽ về thái độ của quan chức Việt với Trung Quốc cũng là cách đánh giá và thiện cảm của dân chúng. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh với bức ảnh lạnh lùng liếc quan chức Trung Quốc trong một lần tiếp, được dân Việt kháo nhau, chuyền tay nhau như một tín hiệu đáng tin cậy. Chuyện vẫn tiếp diễn, cho đến khi ông phải chọn từ chức, vì sai phạm của cấp dưới vào năm 2023.

Lần này, đang đứng trước những làn sóng chỉ trích "tội phạm quốc tế, kẻ tàn bạo quốc gia", ông Tô Lâm với vị trí Chủ tịch nước đã chọn thủ pháp dân túy quen thuộc khi tiếp Đại sứ Hùng Ba của Trung Quốc, hôm 11/6/2024.

Theo tường thuật của báo chí Nhà nước, ông Tô Lâm khởi đầu không có chút ấn tượng gì khi nói vài điều mang tính xã giao với Bắc Kinh. Ông Lâm nói "tình hữu nghị truyền thống" giữa hai nước láng giềng là tình đồng chí, tình anh em cần được gìn giữ, kế thừa và phát huy".

Và điều sau đây, không thấy báo Nhà nước nói đến, nhưng được tờ SMCP dẫn với tít, cụ thể "Việt Nam nói với Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích hàng hải của nhau". Đây được coi là cách nói ngang hàng và được nhiều tờ báo quốc tế chú ý nhấn mạnh. "Cả hai bên cần thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và nhận thức chung, kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng trên biển, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau", ông Lâm nói với Đại sứ Hùng Ba, trực tiếp đề cập đến yêu sách lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông.

Bắc Kinh và Hà Nội từ lâu đã xung đột về tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông. Trong vụ bùng phát tranh cãi ngoại giao mới nhất, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/6/2024 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Chủ tịch Tô Lâm nói hai bên cần "tích cực tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982". Đây là điều thú vị, vì hầu hết các ngôn ngữ mang tính thể hiện chủ quyền lâu nay, các lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn để cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng, phần họ vẫn sử dụng những từ ngữ mềm dẻo, thậm chí là nhún nhường với Bắc Kinh trong các cuộc họp chính thức cấp cao giữa hai bên.

Tô Lâm muốn nói điều gì khi để những ngôn ngữ này lọt ra ngoài, trong cuộc gặp ra mắt ngoại giao ở chức vụ Chủ tịch nước với đại sứ Hùng Ba của Trung Quốc ?

Rõ ràng ông Lâm đang nhắm đến hai yếu tố. Một là, bắn tiếng với Trung Quốc, rằng mình là một người có thực quyền, mặc dù sự lựa chọn của Trung Quốc trước đây dường như nghiêng về phía Vương Đình Huệ. Hai là, ông muốn tạo một mối thiện cảm giả tưởng đối với dân Việt Nam, trong bối cảnh tình hữu nghị thuộc về ý Đảng nhưng chưa bao giờ là lòng dân.

Đừng quên trong cuộc sát phạt để giành quyến bính, người dân Việt Nam đã được chứng kiến chuyện Vương Đình Huệ đi Trung Quốc để chầu Tập Cận Bình, xin một vé ủng hộ cho chiếc ghế Tổng bí thư tương lai. Lúc đó, vào tháng 4, Vương Đình Huệ đã cúi mặt nghe Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình răn dạy "Hà Nội cần phải sử dụng sự khôn ngoan chính trị" để giữ mối quan hệ với Bắc Kinh, chứ đừng có dại mà ngả nghiêng theo Mỹ. Huệ không hề dám có một ý kiến nào ngang hàng để đáp trả. Ông Chủ tịch quốc hội Việt Nam khi đó, đã cung cúc hô to rằng Hà Nội sẽ kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.

"Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện đúng đắn các nhận thức chung cấp cao, triển khai hiệu quả các biện pháp hợp tác do hai nước đề ra, thúc đẩy hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa các khu vực, kiểm soát và giải quyết tốt hơn những khác biệt liên quan đến biển", các báo tiếng Việt đưa lời ông Hùng Ba điềm tĩnh trả lời như vậy. Có lẽ ông ta đủ kinh nghiệm để biết câu nói dân gian "chó sủa là chó không cắn" !

Nhưng lần này, có vẻ không có ai lầm trò "làm dáng" của ông Lâm, như kiểu mọi người từng bị lầm với tuyên bố của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : "Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông", từng làm cả nước mê đắm và bàn tán.

Lâm vẫn là Lâm, kẻ tráo trở và là tay sát thủ hạng một trong lò sát sinh của chế độ cộng sản Việt Nam lúc này. Và nếu người dân Việt Nam biết thêm rằng sau khi nói những điều cứng rắn với đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam như vậy, Lâm đã cười hề hề và nhắc với phận con dân : Năm sau, kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên cần phải nâng quan hệ lên tầm cao mới !

Nam Việt

**************************

Tân chủ tịch nước Việt Nam mong muốn tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc được kiểm soát tốt

VOA, 11/06/2024

Tân Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm, vào ngày 11/6 bày tỏ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, rằng điều quan trọng là kiểm soát tốt vấn đề tranh chấp lãnh hải và quyền lợi của mỗi quốc gia phải được tôn trọng.

hungba2

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba hôm 11/6/2024 - TTXVN/Nhan Sáng

Reuters loan tin trong cùng ngày dẫn thông cáo của Phủ Chủ tịch về bày tỏ của ông Tô Lâm như vừa nêu.

Theo thông cáo của Phủ Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm, phát biểu trong cuộc gặp ở Hà Nội với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba rằng các quốc gia phải tôn trọng quyền lợi hợp pháp của nhau ; và hai phía Việt Nam - Trung Quốc cần tích cực tìm những giải pháp thích hợp phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên biển.

Mặc dù Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, hai nước trong suốt nhiều năm có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Vào ngày 30 tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của một tàu khảo sát của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại cuộc gặp ngày 11/6 ở Hà Nội với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, Chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam phát biểu rằng công tác phát triển tình hữu nghị và hợp tác với phía Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hà Nội.

Vào tháng 12 năm ngoái, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ký hàng chục thỏa thuận hợp tác ; trong đó có thỏa thuận về kết nối tuyến xe lửa.

Trong cuộc gặp ngày 11/6, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm lặp lại nhu cầu cần tăng cường kết nối tuyến xe lửa giữa Việt Nam và Trung Quốc ; đồng thời kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường thêm nữa cho hàng nông sản của Việt Nam.

Nguồn : VOA, 11/06/2024

*****************************

Việt Nam hàm ý gì khi phản đối tàu Haiyang-26 của Trung Quốc ?

RFA, 11/06/2024

Hôm 6/6/2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối  Trung Quốc đưa tàu khảo sát Haiyang-26 vào khảo sát trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khu vực tàu Haiyang-26 hoạt động được cho biết là ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. 

hungba3

Tàu khảo sát Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam (không xác định được ngày tháng) - B ộ Ngoại giao Việt Nam

Điều đáng chú ý là các lần xâm nhập vào vùng biển Việt Nam để tuần tra, khảo sát, các tàu Trung Quốc đều bật tín hiệu định vị AIS (hệ thống định vị tự động), do đó, không chỉ Việt Nam mà các nhà quan sát quốc tế đều biết hoạt động của Trung Quốc. Ở những lần đó, Việt Nam cho tàu đi theo giám sát nhưng hiếm khi phản đối công khai. Lần này, tàu Haiyang-26 tắt tín hiệu định vị AIS (hệ thống định vị tự động). Do đó, các nhà quan sát quốc tế đều không biết hoạt động của Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại lên tiếng phản đối công khai. 

Hoạt động của tàu Haiyang-26 và phản đối của phía Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Chương trình AMTI của Trung tâm CSIS công bố khảo sát  qua vệ tinh cho thấy Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp đảo từ tháng 11/2023 đến nay. Trong đó, bãi Thuyền Chài được bồi đắp dài đến 4.318 mét.

Câu hỏi đặt ra liệu xung đột giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough có phải là nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa từ khoảng tháng 11 năm 2023 và hiện nay, công khai phản đối tàu Trung Quốc xâm nhập ? 

Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình AMTI của CSIS nói với RFA rằng rất khó để biết xung đột Philippines và Trung Quốc có tác động đến quyết định của Việt Nam hay không. Theo ông Greg Poling, hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam dường như có nhiều khả năng bắt nguồn từ hành vi quấy rối mạnh mẽ của Trung Quốc đối với tàu Việt Nam quanh Bãi Tư Chính kể từ năm 2021, chứ không phải những gì đang xảy ra với Philippines.

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng đúng là Trung Quốc đã xâm nhập rất nhiều lần vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Không chỉ Việt Nam, mà Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Indonesia, Philippines. Việt Nam đã nhiều lần không phản đối công khai. Còn lần này Việt Nam đã phản đối công khai tàu Haiyang-26. Ông giải thích với RFA : 

"Như vậy lần này phải có một lý do gì đó đặc biệt. Lý do đặc biệt này là gì ? Theo tôi được biết, tàu khảo sát Haiyang-26 có nhiều vấn đề. Một, đây là con tàu mới đóng và rất lớn, trở thành một thứ "biểu tượng" của hải cảnh Trung Quốc. Hai là chúng ta nhớ là năm ngoái thì Việt Nam chỉ phản đối tàu sau khi tàu Trung Quốc xâm nhập, khảo sát 29 ngày, chứ không phải Việt Nam phản đối ngay. Lần này thì Việt Nam phải đối. 

Chúng ta có thể đặt động thái này của Việt Nam trong bối cảnh chung trên Biển Đông. Philippines và Trung Quốc ngày càng căng thẳng trên bãi Cỏ Mây, bãi cạn Scarborough. Thậm chí, Philippines tố cáo Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo trên đá Sa Bin. 

Có thể Trung Quốc đang "dương đông kích tây", nhân lúc dư luận quốc tế tập trung vào xung đột Philippines - Trung Quốc thì họ sẽ làm gì đó nhắm vào Việt Nam. Nếu Việt Nam không thận trọng và nếu quốc tế quan tâm không đủ thì có thể bị Trung Quốc "ra tay".

Tôi cho rằng có thể Việt Nam đã phát hiện ra Trung Quốc làm điều đó nên đã quyết định công khai phản đối".

Vẫn không liên kết 

Việc Việt Nam công khai phản đối tàu khảo sát Haiyang-26, thu hút sự quan tâm của quốc tế, đặt ra câu hỏi là liệu nước này có cần đến hỗ trợ từ nước khác ? Liệu những cơ sở vật chất mới mà Việt Nam có thể đưa lên đảo nhân tạo vừa bồi đắp, mở rộng, có đủ khả năng giúp nước này phòng thủ đuợc truớc Trung Quốc không ? 

Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng Việt Nam "không tin tưởng vào sức mạnh răn đe của chính quyền Biden" đối với Trung Quốc. Kể từ khi chính quyền Biden rút khỏi Afghanistan, hình ảnh mạnh mẽ của Mỹ đã biến mất. Ngoài ra, việc Nga gây hấn ở Ukraine vào năm 2022 đòi hỏi Mỹ phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ Ukraine. Năm 2023, Mỹ cần sử dụng nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ Israel. Theo Tiến sĩ Nagao, trong khi Mỹ phải xuất kho vũ khí hỗ trợ Ukraine và Israel thì Trung Quốc bảo tồn được kho vũ khí của mình. Họ chỉ hỗ trợ Nga bằng cách cung cấp nguyên liệu sản xuất vũ khí cho Nga. Điều này có nghĩa là kho vũ khí Mỹ đang giảm dần nhưng kho vũ khí của Trung Quốc vẫn giữ nguyên. Do đó, Việt Nam có thể lo lắng về việc họ có thể nhận được bao nhiêu nguồn lực quân sự từ Mỹ nếu xung đột trên Biển Đông với Trung Quốc xảy ra. Tiến sĩ Nagao cho rằng đó là lý do Việt Nam phải nỗ lực tự bảo vệ các đảo mình đang quản lý.

Theo Tiến sĩ Nagao, việc Hoa Kỳ không ngăn cản hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông các năm trước đây cũng làm cho Việt Nam không tin tưởng vào khả năng ngăn chặn Trung Quốc của siêu cường này. 

Ngoài ra, sự khác biệt về giá trị dân chủ và thể chế chính trị cũng là vấn đề ngăn cản khả năng liên kết của Việt Nam với Hoa Kỳ. Theo Tiến sĩ Nagao, chính quyền Biden tiến hành các hoạt động "Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ" nhưng Việt Nam không thể tham gia. Mối liên kết chặt chẽ của Việt Nam với Nga cũng làm cho Việt Nam không thể nằm trong vòng vây của Mỹ chống lại Nga. Do đó, theo Tiến sĩ Nagao, mối quan hệ Mỹ - Việt hiện nay không mấy bền chặt. Việt Nam lo lắng về chính sách của Mỹ và Mỹ cũng lo lắng về chính sách của Việt Nam.

Trao đổi với RFA, ông Greg Poling nhấn mạnh rằng "liên kết" không phải là sự lựa chọn của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam có thể củng cố cơ sở vật chất của mình, đồng thời hợp tác với Philippines và các nước khác để gây áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi hướng đi.

Hôm 11/6/2024, Chủ tịch nước Việt Nam ông Tô Lâm, mới nhậm chức hôm 22/5, đã nói với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam là ông Hùng Ba rằng hai bên cần kiểm soát tốt vấn đề tranh chấp lãnh hải và quyền lợi của mỗi quốc gia phải được tôn trọng. 

Nguồn : RFA, 11/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nam Việt, VOA, RFA
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)