Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/06/2024

Đường sắt cao tốc, công nghệ bán dẫn, cái nào Việt Nam cũng muốn có

RFA tổng hợp

Việt Nam muốn Trung Quốc giúp đỡ về vốn, thiết kế, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam

RFA, 26/06/2024

Đoàn làm việc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa có cuộc gặp với lãnh đạo các công ty Trung Quốc vào ngày 25/6 và bày tỏ mong muốn được Bắc Kinh giúp đỡ về vốn ODA, thiết kế, xây dựng các tuyến đường sắt cho Việt Nam, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Báo VnExpress loan tin này hôm 25/6.

bacnam1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên, Trung Quốc hôm 25/6/2024 - Pedro Pardo / AFP

Cuộc gặp giữa đoàn Việt Nam và các công ty nhà nước của Trung Quốc diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang diễn ra ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc.

Theo VnExpress, tại cuộc gặp với ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam đang có kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Ông Thắng nói, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu để thực hiện dự án này.

Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc có công nghệ tốt về phát triển đường sắt, giá thành hợp lý, nên đây là cơ hội tốt để hai bên hợp tác thông qua cơ chế hỗ trợ như vay vốn ODA, tín dụng xuất khẩu.

Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn được Trung Quốc hỗ trợ về thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội và tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng. Ba tuyến đường sắt này có chiều dài hơn 700 km và đóng vai trò thúc đẩy giao thương giữa hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc đang chỉ đạo triển khai ba dự án đường sắt kết nối hai nước, dự kiến giữa năm 2025 hai bên sẽ làm dự án đầu tiên là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Việt Nam hiện có hơn 2.000 km đường xe lửa với hơn 300 trạm đỗ nhưng hệ thống xe lửa của đất nước được đánh giá là chưa đạt được phía Trung Quốc đánh giá là chưa thực sự hiệu quả.

Trong tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc được công bố hồi tháng 12/2023 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội, hai bên cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, đồng thời đồng ý thúc đẩy việc kết nối tuyến đường sắt tiêu chuẩn xuyên biên giới.

Cũng tại cuộc gặp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn phát triển các tuyến đường sắt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại cuộc gặp với Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (PowerChina) Wang Xiaojun, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn này duy trì và mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam trong hai lĩnh vực là đường sắt và năng lượng tái tạo.

Ông Chính cho biết, Chính phủ Việt Nam sắp ban hành nghị định về thỏa thuận mua điện trực tiếp, tự sản xuất, tự tiêu dùng với năng lượng áp mái và phát triển các dự án năng lượng sử dụng khí tự hiên và khí hóa lỏng (LNG).

Ông Chính hy vọng PowerChina sẽ thúc đẩy các hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Phó tổng giám đốc Wang Xiaojun nói tại cuộc gặp với ông Chính rằng PowerChina đã hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng từ năm 2000 qua các dự án thủy điện, nhiệt điện và năng lượng mặt trời ở nhiều địa điểm khác nhau với tổng giá trị hợp đồng là hơn chín tỷ đô la.

Đại diện của PowerChina cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong các dự án đường sắt đô thị.

Việt Nam đã có kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đây là dự án bị dư luận chỉ trích nhiều vì bị đội vốn từ 553 triệu đô la lên đến hơn 868 triệu đô la và nhiều lần bị trì hoãn, chậm tiến độ. Dự án được phê duyệt vào năm 2008 và dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2015 nhưng mãi đến tháng 11/2021 mới chính thức đi vào hoạt động. Những người quan tâm đến dự án này còn bày tỏ lo lắng vì Việt Nam đã vay 669 triệu đô la từ Trung Quốc cho dự án này.

Nguồn : RFA, 26/06/2024

***************************

Việt Nam - Mỹ cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng và khoáng sản

RFA, 26/06/2024

Việt Nam và Mỹ cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác trong một loạt các lĩnh vực quan trọng bao gồm bán dẫn, năng lượng, khoáng sản, biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Đây là những cam kết hai bên đạt được tại Đối thoại kinh thế lần đầu tiên giữa hai nước vừa diễn ra vào ngày 25/6 tại Washington DC với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez.

bacnam2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez tại Đối thoại Kinh tế đầu tiên giữa hai nước ở Washington DC hôm 25/6/2024 - MPI

Đối thoại Kinh tế được thực hiện sau khi hai nước vào tháng 9 năm ngoái nâng cấp mối quan hệ hai bên lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, hai bên đã thảo luận các vấn đề bao gồm : mở rộng hợp tác trong chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn, Mỹ hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng công nghệ cao, đẩy mạnh nỗ lực giảm thiểu tác động của khí hậu, chuyển đổi năng lượng tái tạo, hợp tác trong việc khai thác các khoáng sản quan trọng, điều tiết rủi ro về a ninh trong tài chính quốc tế, tăng cường hệ thống thông tin liên lạc, an ninh mạng. Mỹ cũng sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề về môi trường luật phát để thu hút vốn đầu tư chất lượng cao và bền vững.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai bên đã đạt được một số các thỏa thuận quan trọng về bán dẫn và khoáng sản vào khi Hà Nội đang muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Mỹ đang tìm kiếm thêm nguồn đất hiếm bên ngoài Trung Quốc – nước cung cấp nhiều đất hiếm nhất trên thế giới hiện nay. Việt Nam được xác định là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, theo ước tính của Mỹ.

Nguồn : RFA, 26/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 280 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)