Cách tiếp cận lạc đề !
Bài viết mới đây trên một tờ báo của tỉnh ủy Đồng Nai với tựa đề "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương: Có hạn chế phát huy dân chủ?", tác giả bài viết đặt vấn đề thời gian qua nhiều cán bộ bị kỷ luật đã tạo ra tâm lý sợ sệt, không dám làm, khiến phần nào đó hạn chế phát huy dân chủ. Tuy vậy, tác giả bài viết lại khẳng định, thực tế cho thấy, kỷ luật, kỷ cương càng nghiêm thì dân chủ càng được nâng cao. Lý luận này không nhận được sự đồng tình từ các nhà quan sát, theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, với nhiều lý do.
AFP Photo
Không có sự bình đẳng
Theo luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở nước Đức, khi trao đổi với RFA hôm 26/6, việc tăng cường kỷ cương là cần thiết với các quan chức trong bộ máy đảng lãnh đạo, còn với dân thì không cần thiết. Ông phân tích :
"Khi mà nói đến việc tăng cường kỷ luật kỷ cương thì có hai nhóm người mà người ta hướng đến. Thứ nhất đối với người dân Việt Nam, trong suốt gần 80 năm dưới chế độ cộng sản thì người dân Việt Nam lúc nào cũng phải chấp hành tất cả mọi kỷ luật kỷ cương của nhà nước rồi. Và người dân Việt Nam thì hầu như tất cả những người vi phạm pháp luật dù thường phạm hay những vấn đề liên quan chính trị… thì đều bị nhà nước cộng sản Việt Nam trừng trị rất nghiêm khắc".
Do đó, ông nhấn mạnh rằng, việc đề cao kỷ luật kỷ cương đối với người dân là không cần thiết, mà nếu họ càng tăng cường kỷ luật kỷ cương đối với người dân, thì người dân càng bị bắt nạt hơn nữa về các quyền tự do dân chủ. Mặc khác, ông nói tiếp :
"Nhóm người mà cần phải tăng cường kỷ luật kỷ cương ở đây, chính là với quan chức của chế độ từ trung ương đến địa phương. Những quan chức này thường là họ coi thường kỷ cương pháp luật do chính họ làm ra, những nhóm người đó mới cần tăng cường. Mà khi tăng cường kỷ luật kỷ cương đối với đội ngũ quan chức của chế độ, thì mới làm cho người dân Việt Nam dễ thở hơn".
Còn ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 26/6/2024 khi trao đổi với RFA, cho rằng :
"Muốn đảng viên có kỷ luật kỷ cương thì chỉ cần đối xử công bằng giữa dân và cán bộ cộng sản. Ai cũng được bình đẳng trước pháp luật thì tự khắc sẽ có kỷ luật kỷ cương. Dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn đảng viên làm sai thì tự phê bình, kiểm điểm, xin lỗi là xong, như vậy thì không bao giờ có kỷ luật kỷ cương gì".
Theo ông Quân, Đảng cộng sản đang đánh tráo khái niệm giữa xây dựng đảng và xây dựng đất nước dân chủ :
"Kỷ luật kỷ cương của Đảng là chuyện nội bộ của Đảng, người dân không tác động tới chuyện nội bộ của Đảng được thì chuyện xây dựng đảng độc tài không thể thúc đẩy được nền dân chủ. Dân chủ là để người dân làm chủ đất nước, người dân có thể dùng lá phiếu để bầu chọn ra lãnh đạo, bỏ phiếu để phúc quyết hiến pháp. Muốn có dân chủ thì Đảng cộng sản phải giao quyền làm chủ lại cho người dân, để nhiều đảng phái được tranh cử và người dân có quyền lựa chọn".
Còn trong thể chế độc tài đơn đảng này theo ông Trần Anh Quân, dân không có quyền lựa chọn thì không thể có dân chủ được.
Không có dân chủ
Một nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 26/6 nhận định với RFA liên quan vấn đề này với một góc nhìn đa chiều hơn. Về mặt lý thuyết, ông thừa nhận :
"Còn vấn đề kỷ cương, kỷ luật với dân chủ… thì về mặt lý thuyết dân chủ là một thiết chế chính trị để quản trị quốc gia. Còn kỷ luật kỷ cương là những cái quy tắc được đặt ra trong tổ chức, mà mọi người trong tổ chức phải tuân theo. Như vậy nếu nhìn ở góc độ toán học thì kỷ luật kỷ cương là một trong các tập hợp con của tập hợp lớn, tức là tập hợp dân chủ. Tức là cách tiếp cận cho rằng, kỷ luật kỷ cương càng nghiêm thì dân chủ càng cao, đó là cách tiếp cận sai với học thuật mang tên đảo ngược nhân quả. Vì vậy phải nói cho chính xác dân chủ càng cao thì kỷ luật kỷ cương mới càng nghiêm".
Nhưng, ở góc nhìn thực tế về Việt Nam, theo nhà báo này, rõ ràng vấn đề trọng đại nhất của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là chống tham nhũng và đúng là họ đã xử lý rất nhiều. Tuy nhiên vị này cho rằng, bề ngoài tỏ ra là kỷ luật kỷ cương rất nghiêm, nhưng dân chủ ở Việt Nam bao nhiêu năm nay không có. Ông giải thích thêm :
"Nói cho chính xác hơn thì dân chủ ở Việt Nam đã được Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định trong văn bản đàng hoàng, đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cái đó nó vô nghĩa giống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không có quốc gia nào công nhận, bởi vì dân chủ không thể gắn liền với xã hội chủ nghĩa được. Ở Việt Nam nói riêng và ở các quốc gia độc đảng nói chung, thì đã là độc đảng toàn trị thì không thể có dân chủ".
Nhà báo này cho rằng, không có dân chủ thì kỷ cương kỷ luật chỉ là một vỏ bọc, một bình phong trong một thời đoạn để tuyên truyền mà thôi, chứ nó không có giá trị gì. Tóm lại theo người này, cách tiếp cận cho rằng kỷ luật kỷ cương càng nghiêm, thì dân chủ càng cao là cách tiếp cận hoàn toàn lạc đề.
Nguồn : RFA, 26/06/2024