Việt Nam : 2025 ưu tiên hạ tầng, cải cách lương ; không miễn giảm thuế phí nữa
VOA, 16/07/2024
Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc nói tại một hội nghị hôm 15/7 rằng đất nước sẽ phải thực hiện "chính sách tài khoá thắt chặt" kể từ năm 2025, do đó, các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sẽ chấm dứt, VietnamNet, Tiền Phong và một số báo trong nước đưa tin.
Tiền tại một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội.
Nói tại hội nghị về công tác tài chính-ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm và bàn việc thực hiện các nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý rằng "Chính sách tài khoá mở rộng của chúng ta hết năm nay là kết thúc để cho một chu kỳ mới", theo tường thuật trên VietnamNet, Tiền Phong và một số báo Việt Nam.
"Giờ cần đầu tư năng lực tài chính công để làm sân bay, cao tốc, cải cách tiền lương… Cho nên chúng ta phải thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, không giảm thuế phí nữa", ông Phớc nói thêm, được báo chí trích dẫn.
"Chúng ta cần thông điệp ra để Quốc hội, Chính phủ ủng hộ, để 2025 chúng ta thôi thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, đẩy nền kinh tế lên, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp", vẫn lời vị bộ trưởng tài chính, hàm ý về việc đơn giản hóa hoặc cải cách các quy định, thủ tục, giấy tờ...
Người đứng đầu ngành tài chính cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến giải ngân đầu tư công, nếu không tháo gỡ được vấn đề này sẽ rất khó thúc đẩy kinh tế phát triển, các bản tin của VietnamNet, Tiền Phong và một số báo trong nước viết.
"Số tiền không giải ngân được nằm ở kho bạc là hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi vay vốn ODA 6%. Doanh nghiệp vay vốn tới 12%/năm. Đây chính là một sự lãng phí, cho nên phải quan tâm đầu tư công", ông Phớc thúc giục.
Bộ trưởng Phớc cũng đề nghị ngành của ông và các bên liên quan cần quan tâm đến bất động sản, vì theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nợ thuế sử dụng đất toàn quốc là 98 nghìn tỷ đồng, một thực trạng cho thấy ngân sách bị thất thu, nguồn lực xã hội bị lãng phí, bên cạnh đó, điều này còn tạo ra xung đột trong xã hội.
Điểm lại kết quả nổi bật của ngành tài chính, Bộ trưởng Phớc cho biết thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023.
Ngành của ông "đã hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế theo các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn", ông nói, bao gồm "chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến 184 nghìn tỷ đồng trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn". Nhưng với sự thay đổi về các ưu tiên, các ưu đãi đó sẽ không còn nữa trong năm sau, ông nhấn mạnh.
Nguồn : VOA, 16/07/2024
*****************************
Bộ Công an đề nghị Trung Quốc và Anh tương trợ pháp lý vụ bà Trương Mỹ Lan
RFA, 15/07/2024
Bộ Công an Việt Nam đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp tới Trung Quốc, Hong Kong và hai vùng lãnh thổ thuộc Anh để xác minh pháp lý và mối quan hệ của 11 tổ chức, hai cá nhân trong vụ án bà Trương Mỹ Lan - cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/3/2024 - AFP
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao hôm 15/7 đã tống đạt cáo trạng đối với bà Trương Mỹ Lan và 34 người khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc có hành vi lừa đảo hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ đô la.
Bộ Công an đã gửi công văn yêu cầu tương trợ pháp lý tới Trung Quốc, Hong Kong và Tổng trưởng lý các quần đảo British và Cayman thuộc Anh, đề nghị xác minh về pháp lý của 11 tổ chức và giám đốc đại diện của họ. Những tổ chức này được cho là có quan hệ với vợ chồng bà Trương Mỹ Lan và ông Chu Lập Cơ (Chu Nạp Kee).
Hai cá nhân cũng bị đề nghị xác định là Chiu Bing Keung Kenneth, Chen Yi Chung. Tuy nhiên hiện tại chưa có trả lời gì từ các nơi được gửi công văn.
Truyền thông Nhà nước dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát cho biết, người tên Chiu Bing Keung Kenneth (có quốc tịch Anh và Bắc Ireland) là luật sư, đại diện cho bà Trương Mỹ Lan quản lý các công ty, tổ chức nước ngoài thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.
Theo cáo trạng, Chiu Bing Keung Kenneth có hành vi tạo lập loạt hợp đồng khống giữa các công ty trong nước với công ty nước ngoài để làm hồ sơ chuyển tiền đi và ngược lại.
Ông này bị cáo buộc đã chuyển đi hơn 556 triệu đô la và nhận về hơn 940 triệu đô la trong giai đoạn từ 2014 - 2022.
Chen Yi Chung (quốc tịch Hong Kong) - quyền Tổng giám đốc SCB - bị cáo buộc đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài hoặc nhận về Việt Nam cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát trong giai đoạn từ 10/2020 - 5/2021. Tổng số tiền là hơn 700 triệu đô la.
Cáo trạng mới nhất dành cho bà Trương Mỹ Lan là giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ở giai đoạn một của vụ án đã bị đưa ra xét xử vào tháng ba năm nay. Bà Lan bị tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và 20 năm tù về "Đưa hối lộ".
Nguồn : RFA, 15/07/2024