Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/07/2024

Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, ai sẽ là người giữ lửa ?

BBC - RFA

'Lò' có tiếp tục cháy ?

BBC, 25/07/2024

Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời để lại một di sản dang dở là chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, hay còn gọi là "Đốt lò".

quadoi1

Ông Tô Lâm là người thực thi chính trong chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng

Trong khi thành bại của chiến dịch này vẫn còn đang được mổ xẻ, câu hỏi đặt ra là thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Đảng cộng sản Việt Nam và người đang được đánh giá là ứng cử viên số một hiện nay - ông Tô Lâm - có tiếp tục "nổi lửa" hay không.

Giáo sư Abuza từ Trường National War College, thuộc Đại học National Defense (Mỹ) cho rằng nếu là tổng bí thư, ông Tô Lâm sẽ là một lãnh đạo "mang tính thực dụng" hơn ông Trọng vì với xuất thân trong ngành công an, ông không phải là một nhà tư tưởng cộng sản và sẽ nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam để duy trì "tính chính danh" của Đảng Cộng sản trong người dân.

Ông Tô Lâm - ngôi sao đang lên trong chính trường Việt Nam - hiện đang ở vào "thế như chẻ tre", theo nhận định của nhà quan sát chính trị Nguyễn Quang A.

Vào ngày 18/7, khi ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.

"Tất cả những ông trong Bộ Chính trị và đều đồng ý rằng ông Tô Lâm thay mặt điều hành ở Ban Chấp hành Trung ương. Như vậy có nghĩa là không ai có thể cạnh tranh với ông ấy", Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với BBC hôm 18/7.

'Đốt lò' đã thất bại ?

Bàn đến khía cạnh kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với BBC rằng : "Người kế nghiệm ông Trọng mà biết cách làm thì phải dừng việc đốt lò này, vì nó có những hậu quả nguy hiểm".

Theo phân tích của ông Quang A, chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng không những "thất bại hoàn toàn" mà thậm chí "gây hại".

Ông nói : "Nó cản trở bao nhiêu GDP của Việt Nam, cản trở bao nhiêu sáng kiến của từng địa phương, từng cá nhân.

"Vì mọi hoạt động của Việt Nam luôn cần thử nghiệm, được thì nhân rộng, sai thì chỉnh. Nhưng ai cũng sợ vào lò, không ai dám nói, không ai nêu sáng kiến. Thiệt hại này có thể đo lường bằng con số được".

"Suốt từ mấy năm nay, bản thân ông Phạm Minh Chính và các lãnh đạo khác đều kêu là phải chống lại nạn trì trệ, không dám chịu trách nhiệm, không dám làm. Vì sao lại có nạn này ? Vì họ sợ thành củi".

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam giấu tên thì nói với BBC tiếng Việt hôm 18/7 rằng theo ông, chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không bao tắt, vì không bao giờ hết tham nhũng.

"Nếu những năm 1990, các vụ tham nhũng lớn nhất cũng chỉ tới vài trăm triệu đồng thì tới nay đã lên hàng ngàn tỷ đồng.

"Các thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ tiếp tục 'đốt lò', nhưng có thể sẽ dưới các hình thức và quy mô khác. Tham nhũng không mất đi mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác", ông nói.

Các con số 'biết nói' ?

Hiệu ứng của chiến dịch đốt lò là khoảng 60.000 người từ chức chỉ trong giai đoạn 2021-2023, trong khi số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

Chỉ riêng trong hai năm 2023 và 2024, hàng loạt lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam đã mất chức, trong đó phải kể đến hai chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc (bị miễn nhiệm tháng 1/2023) và ông Võ Văn Thưởng (bị miễn nhiệm tháng 3/2024), hai phó thủ tướng là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam (tháng 1/2023), và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm ngày 2/5/2024.

Tiếp đó, vào giữa tháng 5, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng mất chức.

Đây được coi là các cơn địa chấn trong chính trường Việt Nam.

Nền kinh tế cũng chịu tác dụng phụ của các chiến dịch này.

Hồi tháng 5/2024, Reuters ghi nhận các nhà đầu tư đã giảm lượng cổ phiếu nắm giữ trên thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương gần 2 tỷ USD kể từ năm 2023, trong đó lượng bán ra nhiều nhất được ghi nhận trong những tuần biến động chính trị vào đầu năm 2024.

Ngày 16/5, Reuters trích dẫn một bức thư của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây gửi tới chính phủ Việt Nam, trong đó nêu rõ rằng Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do những trì trệ của bộ máy hành chính.

Sẽ điều chỉnh việc 'đốt lò' ?

Giáo sư Alexander L Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) hôm 19/7 nói với BBC rằng, là một người theo chủ nghĩa thực dụng, cho Tô Lâm sẽ tiếp tục đốt lò nếu việc này trao cho ông một công cụ chính trị uy quyền hơn.

"Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng nó chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình.

"Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này", ông nói thêm.

Tác giả Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang viết trên Fulcrum hôm 19/7/2024 rằng di sản chống tham nhũng của ông Trọng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách tiếp cận của người kế nhiệm.

"Bất kể ai kế nhiệm Trọng, những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Việt Nam sẽ ít có khả năng xảy ra.

"Việc duy trì sự cai trị của Đảng sẽ là ưu tiên chính của nhà lãnh đạo mới, giống như đối với ông Trọng".

Không nói tới việc nhà lãnh đạo tiếp theo có tiếp tục 'đốt lò' hay không, nhưng hai chuyên gia này cho rằng thế hệ lãnh đạo kế tiếp "sẽ có nhiều điều để học hỏi từ những chiến lược thành công của ông Trọng, những chiến lược đã góp phần đáng kể vào sự trỗi dậy của Việt Nam và tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam".

Trả lời RFI tiếng Việt ngày 19/07, ông Benoît de Tréglodé, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), nói rằng sẽ "không có đoạn tuyệt", mà là "tiếp nối" chính sách của người tiền nhiệm.

"Điều này có nghĩa là chiến dịch 'đốt lò' sẽ tiếp diễn, nhưng được điều phối để tránh ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài".

Nguồn : BBC, 25/07/2024

**************************

Quan ngại về viễn cảnh nhân quyền u ám thời Tô Lâm

RFA, 24/07/2024

Một số chuyên gia nhân quyền bày tỏ quan ngại sâu sắc về một viễn cảnh nhân quyền Việt Nam đầy u tối trong tương lai, khi ông Tô Lâm - cựu Bộ trưởng Công an - hiện là người nắm quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam.

quadoi2

Ông Tô Lâm tuyên thệ Chủ tịch nước - AFP

Quan ngại nhân quyền dưới thời Tô Lâm

Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam bày tỏ quan ngại khi ông Tô Lâm, vốn đã "khét tiếng" với những vụ đàn áp nhân quyền, nay lại thâu tóm hết quyền lực thì nhân quyền ở Việt Nam trong tương lai sẽ tồi tệ hơn rất nhiều :

"Có nhiều lý do để mà quan ngại lắm. Tôi nghĩ rằng nó (nhân quyền - PV) sẽ xấu đi rất nhiều. Trừ khi có những yếu tố ngoại cảnh mà nó tác động không lường trước được, chứ bình thường thì nó sẽ xấu đi rất nhiều vì nhiều lý do". 

Theo ông Thắng, ông Nguyễn Phú Trọng, trong 13 năm làm Tổng bí thư của Đảng gần như đã xóa bỏ hết tất cả những quy định, định chế trong nội bộ của Đảng Cộng sản, đặc biệt là trong Bộ Chính trị. Ví dụ như việc ông Trọng ở lại làm Tổng bí thư đến nhiệm kỳ thứ 3 : 

"Khi chuyển giao lại cho Tô Lâm thì các định chế không còn nữa. Thành ra Tô Lâm rất dễ để dàng bước vào và ngồi trong cái ghế của ông Nguyễn Phú Trọng và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cái sự độc đoán của một cá nhân".

Một nguyên nhân khác khiến ông Thắng tin rằng nhân quyền Việt Nam sẽ tụt dốc hơn nữa là vì ông Tô Lâm giờ đây đã làm Chủ tịch nước Việt Nam. Các nước trên thế giới thường ít khi chế tài chủ tịch của một quốc gia khác. 

Bà Minh Trang, thạc sĩ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền, nhận định trong vòng ba đến năm năm tới, nếu không có một tác nhân nào đặc biệt xảy ra, thì tình hình nhân quyền sẽ tiếp tục xu hướng ngày càng xấu đi, dưới thời Tô Lâm điều hành đất nước : 

"Cho đến thời điểm này thì tôi vẫn không thấy có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy là tình hình nhân quyền của Việt Nam sẽ tốt lên trong thời gian gắn sắp tới, ít nhất là ba năm hoặc năm năm tới. Đấy là dựa trên những thông tin hiện tại và tình hình hiện tại".

Hồ sơ đàn áp nhân quyền của Tô Lâm

Tháng 4/2016, ông Tô Lâm bắt đầu ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an. Theo bà Trang, kể từ đó, các nhà hoạt động chính trị, nhân quyền phải chịu các bản án tù dài hơn, lên đến hơn chục năm trời. Đơn cử như nhà hoạt động môi trường Hoàng Bình, Lê Đình Lượng, nhà báo Phạm Đoan Trang, các thành viên Hội nhà báo độc lập…

Bà Minh Trang dẫn chứng một luận văn thạc sĩ hồi năm 2018 của tác giả Pearl Mulkerrins, hiện là giám đốc dự án của tổ chức United Nations Association of Sweden. Luận văn này kết luận rằng tình hình nhân quyền Việt Nam vào thời điểm đó đã rất tồi tệ rồi. Những người bảo vệ nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự đều bị ảnh hưởng bởi các luật và quy định nghiêm ngặt. Người dân bị hạn chế các quyền tự do ngôn luận, quan điểm và biểu đạt, hội họp và lập hội… 

Bà Trang cho biết đó là kết quả năm 2018. Từ đó cho cho đến nay, Nhà nước Việt Nam ngày càng có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền mạnh tay và trắng trợn hơn :

"Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2023, 2024 còn tệ hơn rất nhiều so với năm 2018. Năm 2018 thì chưa có chuyện đàn áp trên diện rộng, chưa có việc nhân viên của các tổ chức phi chính phủ có đăng ký bị bắt. Tình trạng này nó đã bắt đầu xảy ra từ năm 2020, 2021 kéo dài cho đến bây giờ". 

Chính Bộ Công an, mà ông Tô Lâm là người đứng đầu đã đề xuất Luật an ninh mạng được thông qua vào năm 2018. Luật này đã ảnh hưởng lớn, vi phạm gần như tất cả các quyền dân sự - chính trị của người dân Việt Nam. Cũng theo bà Trang, thời ông Tô Lâm, Chính phủ Việt Nam còn bị xếp vào nhóm các quốc gia thực hiện hành vi đàn áp xuyên biên giới :

"Còn chưa kể là từ năm 2017 cho đến năm 2023, có ba người Việt Nam bị bắt cóc tại nước ngoài là Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái. Trong đấy có Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái được coi là nhà hoạt động và vừa là nhà báo độc lập".

Đặc biệt là vụ án Đồng Tâm làm rúng động dư luận cả trong nước và quốc tế. Đêm 9/1/2020, hơn 3000 cảnh sát cơ động và các lực lượng công quyền khác đã nổ súng, tấn công vào thôn Hoành, xã Đông Tâm, giết chết cụ Kình và 29 người thân của vụ bị bắt.

Ông Nguyễn Đình Thắng cho biết ông Tô Lâm đã tham gia vào các vụ đàn áp nhân quyền diện rộng và đẫm máu từ khi còn làm thứ trưởng Bộ Công an. Nổi cộm nhất là vụ ông Tô Lâm chỉ đạo đàn áp 7000 người H’Mông ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vào năm 2011 :

"Ông Tô Lâm không phải là khi lên làm Bộ trưởng Công an thì mới lộ ra những cái chuyện đàn áp, nhân quyền hết sức là thô bạo.

Chính ông ta là người điều động cả cái lực lượng công an để mà đàn áp 7.000 người H’Mông, có người già, phụ nữ mang thai trẻ em… Họ tập trung lại để cầu nguyện một cách hết sức ôn hòa. Họ (công an - PV) dùng đạn thật, họ đánh đập rồi họ dùng chất hóa học…".

quadoi3

Tô Lâm chỉ đạo đàn áp cuộc biểu tình của khoảng 7000 người H'Mông ở tỉnh Điện Biên năm 2011. Ảnh : CAND

Ông Ben Swanton, giám đốc tổ chức Dự án 88, từng phát biểu với AP rằng : "Với việc Tô Lâm lên làm chủ tịch nước, Việt Nam giờ đây trở thành một quốc gia công an theo đúng nghĩa đen" ; Đồng thời cho biết thêm rằng Bộ Chính trị cầm quyền của Việt Nam hiện do các quan chức an ninh hiện tại và trước đây thống trị. Ông Ben cho biết ông nghĩ rằng sự đàn áp và kiểm duyệt sẽ còn tăng cường hơn nữa trong tương lai.

Nguồn : RFA, 24/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 318 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)