Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/07/2024

Điểm báo Pháp - Thích Minh Tuệ gây lo sợ

RFI tiếng Việt

Thích Minh Tuệ, hành giả thiện lương gây lo sợ cho giáo hội Phật giáo và chính quyền Việt Nam

Courrier International tuần này trích dịch bài viết trên trang Fucrum nói về "Nhà sư bộ hành làm rung chuyển quyền lực" tại Việt Nam. Hành giả Thích Minh Tuệ khoác chiếc áo vá nhiều màu, đã chân đất xuôi ngược khắp nước từ nhiều năm nay. Sự khiêm tốn của ông là hình mẫu cho mọi người, nhưng lại là mối đe dọa cho giáo hội Phật giáo và đảng cộng sản.

minhtue0

Từ chiếc áo y phấn tảo của ông, chắp vá từ những mảnh vải lượm được trên đường, đã có rất nhiều bức tranh, tác phẩm điêu khắc, thơ nhạc và thời trang được sáng tạo ra.

Nhà tu khổ hạnh thành hiện tượng truyền thông

Đã từ nhiều tháng, các nhà lãnh đạo không ngừng tranh giành quyền lực, nhưng hàng triệu người Việt chỉ say mê theo dõi cuộc hành trình của Thích Minh Tuệ. Nhà sư này tu theo Hạnh Đầu Đà (dhutanga), gồm 13 "hạnh" dẫn đến vô ngã. Ông áp dụng triệt để các "hạnh" này : đi chân đất, ngủ trong rừng, nơi bụi bờ hay nghĩa địa, từ bỏ mọi sở hữu vật chất.

Sự nghiêm cẩn và khiêm tốn, nhu hòa của Minh Tuệ là nguồn cảm hứng cho người Việt thuộc mọi giới, từ trí thức, nghệ sĩ đến Việt kiều, và các nhà sư khác, kể cả linh mục Công giáo. Từ chiếc áo y phấn tảo của ông, chắp vá từ những mảnh vải lượm được trên đường, đã có rất nhiều bức tranh, tác phẩm điêu khắc, thơ nhạc và thời trang được sáng tạo ra.

Từ nhiều năm qua, nhà sư khổ hạnh đã đi bộ trên khắp các nẻo đường từ Nam ra Bắc và ngược lại. Nhưng ông chỉ trở thành hiện tượng sau khi một đội quân YouTuber, TikToker theo chân và đưa tin liên tục cho hàng triệu người theo dõi, trên đường rong ruổi ông được người dân khắp nơi chào đón. Thích Minh Tuệ là hiện tượng xã hội và truyền thông vô cùng lớn. Các nhà sư theo ông đi khất thực ngày càng nhiều, những người hâm mộ bao vây, trong khi giáo hội Phật giáo chính thức không nhìn nhận. Chính quyền thì luôn ngờ vực đối với những cuộc tụ tập đông người.

Sức lan tỏa mạnh mẽ của ánh đuốc lương thiện lẻ loi

Trên mạng xã hội, người ta ca ngợi ông Minh Tuệ là hiện thân của người tu hành đạo Phật đúng nghĩa, tương phản với một số nhà sư và chùa chiền nổi tiếng chỉ nhằm kiếm tiền, với sự ưng thuận ngầm của các quan chức nhà nước. Thích Minh Tuệ đi khất thực với chiếc lõi nồi cơm điện, vô hình trung đã trở thành mối đe dọa cho "chén cơm" của hàng ngàn sư sãi được chính quyền ưu tiên. Dù sao đi nữa, đến nay Nhà nước Việt Nam vẫn tỏ ra kềm chế. Họ không ủng hộ nhà sư, nhưng cũng không cấm ông tu hành.

Sự nổi tiếng của Thích Minh Tuệ còn chứng tỏ sức mạnh của mạng xã hội trong việc đưa thông tin đến công chúng. Những người theo dõi nhà sư trên mạng không quan tâm đến báo chí truyền thống, vốn tránh nói về ông. Theo tác giả bài viết trên Fucrum, tuy vấn đề tôn giáo hết sức nhạy cảm, nhưng chính quyền Việt Nam có thể có giải pháp tinh tế hơn.

Thay vì cấm cản tất cả những hiện tượng mà mình không thể kiếm soát hoàn toàn, Nhà nước có thể dùng hành trình của "du tăng" để chứng tỏ Việt Nam có tự do tín ngưỡng, và nhân dịp này tấn công vào nạn tham nhũng trong hệ thống Phật giáo chính thức. Như vậy sẽ củng cố được mối liên hệ với người dân, mà đa số, được gợi hứng từ nhà sư khổ tu lang thang, đã bắt đầu cuộc hành hương nội tâm của họ.

Nhà văn Mỹ trên hai chuyến xe lửa từ Nam ra Bắc

Tiếp tục phần thứ ba trong loạt bài ký sự về Việt Nam trên Le Figaro Magazine, nhà văn Douglas Kennedy lên xe lửa từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Nếu đi máy bay chỉ mất một tiếng rưỡi và 80 euro, nhưng ông bị quyến rũ bởi những cuốn tiểu thuyết như Orient-Express (Tàu tốc hành Phương Đông) của Graham Greene. Và cũng muốn thử cảm giác làm khách lạ giữa đám đông không quen, ngắm những khung cảnh xa lạ bên đường… Ông được khuyên nên đi tàu Violette với vé giường nằm hạng nhất. Thế nhưng dịch vụ trên tàu làm nhà văn thất vọng : drap giường, toa-lét đều dơ bẩn.

Đà Nẵng, thành phố từng có căn cứ Mỹ, trải dài trên 30 kilomet bờ biển, rõ ràng đã được các nhà kinh doanh địa ốc chọn làm mục tiêu cho du lịch khách đoàn, mà chủ yếu là khách Trung Quốc, với những tòa nhà cao ngất thô thiển. May thay gần khu rừng bằng thép và kính này, có Hội An, di sản Unesco. Vài ngày sau ông mướn taxi đi Huế để lên tàu Lotus Express ra Hà Nội, dọc đường có ghé thăm một nghĩa trang liệt sĩ rộng mênh mông, thăm cầu Hiền Lương từng chia đôi đất nước. Lên chuyến xe lửa ra Hà Nội, Douglas Kennedy chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi tệ hại. Tuy nhiên mọi thứ đều sạch sẽ, tiện nghi. Ông tự hỏi phải chăng miền Bắc luôn muốn chứng tỏ mình làm tốt hơn miền Nam ?

Mạng lưới TGV bị phá hoại và mưa : Hai trở ngại cho lễ khai mạc Olympic Paris

Thế vận hội Paris 2024 là hồ sơ chính của hầu hết tuần báo Pháp trong dịp ngày hội thể thao của hành tinh khai mạc tối thứ Sáu 26/07/2024. Le Nouvel Obs đăng ảnh một nữ vận động viên với dòng tít lớn "Paris 2024 : Tham gia cuộc chơi". L'Express dành rất nhiều trang báo cho chủ đề "Nước Pháp và Thế vận hội : Những bí mật của giấc mơ". Cũng liên quan đến thể thao, Courrier International giải thích vì sao phong trào chạy bộ lan rộng khắp nơi.

Về lễ khai mạc Thế vận hội Paris, Libération cuối tuần nhận định buổi lễ nhằm nêu cao giá trị của thủ đô và văn hóa Pháp đã diễn ra tốt đẹp, mặc cho trận mưa trút xuống và vụ phá hoại mạng lưới tàu cao tốc. Ngày lễ hội được hàng ngàn người âm thầm chuẩn bị trong những năm qua, để biến Paris thành trung tâm thế giới trong vài tuần lễ, đã bắt đầu như trong một cuốn phim thảm họa. Các nhà tổ chức đã giám sát dòng chảy sông Seine, đặt máy dò trong dòng sông, gởi các trực thăng và drone trên bầu trời, huy động các chuyên gia giỏi nhất về an ninh mạng, và trên mặt đất có đến 45.000 cảnh sát và hiến binh được bố trí ở Paris.

Thế nhưng họ không hình dung được từ sáng sớm mạng lưới TGV (tàu cao tốc) đã bị tê liệt trong dịp cuối tuần đông đảo người đi nghỉ, bởi một cuộc tấn công được chuẩn bị chu đáo để tạo ra thiệt hại lớn nhất. Đây là vụ phá hoại được nước ngoài giựt dây hay từ bên trong nước Pháp ? Một cuộc điều tra đã được mở ra. Chưa hết, ông trời lại nhảy vào : trong khi mặt trời chói chang trên toàn quốc, những đám mây xám lại tập trung đúng ngay trên bầu trời Paris. Mưa ban đầu chỉ rơi nhẹ, rồi ồ ạt trút xuống khán giả và các vận động viên khiến ai nấy phải trùm áo mưa. Rồi Jamel Debouze và Zinedine Zidane xuất hiện, những "hoạt cảnh" phản ánh một Paris xinh đẹp như trong bưu thiếp, ca sĩ Lady Gaga, những vũ công nhảy điệu cancan bên bờ sông Seine…

Thể thao, quyền lực mềm

Le Figaro cuối tuần cho rằng buổi lễ đã đạt được mục đích tạo không khí lễ hội tưng bừng với nhiều bất ngờ, nhưng trộn lẫn nhiều thứ, thiếu một sự hòa hợp. Trong đội ngũ có một nhà sử học, một nhà văn, một kịch tác gia, một nhà soạn nhạc, chuyên gia trang phục và sân khấu, nhưng có lẽ cần có thêm một đạo diễn ! Ấn tượng còn lại là nhân vật đóng vai "Con ma nhà hát Opéra" trao ngọn lửa thế vận cho Zidane rồi sau đó đến Nadal. Nữ ca sĩ Céline Dion nổi tiếng kết thúc buổi lễ vào lúc gần nửa đêm với bài hát "L’Hymne à l’amour" (Ngợi ca tình yêu), tháp Eiffel bừng sáng một màu xanh để trở thành hậu cảnh cho mọi lễ trao huy chương Thế vận hội. Báo chí quốc tế được Courrier International tổng hợp thì chủ yếu khen ngợi, lễ khai mạc độc đáo trên sông Seine của Thế vận hội Paris 2024 chiếm trang nhất các nhật báo.

L’Express nhận định "Thể thao là công cụ quý giá cho quyền lực mềm". Hàng chục năm sau Thế vận hội Luân Đôn 2012, ba năm liên tiếp sau đó Anh quốc trở thành thủ đô du lịch của thế giới. Paris đã là hướng đến hàng đầu của du khách, nhưng bị ảnh hưởng bởi phong trào Áo Vàng, những vụ nổi loạn. Đây là cơ hội để quảng bá những công trình lịch sử, di sản văn hóa nổi tiếng của nước Pháp. Các nhà tổ chức có tham vọng làm nên một Thế vận hội Paris mẫu mực. Nhưng dù mục tiêu ngoại giao trong trung và dài hạn ra sao đi nữa, năng lực thể thao mới tạo nên sức mạnh lâu dài của một quốc gia.

Công nghệ làm thay đổi chiến tranh

Trong bối cảnh thế giới đầy loạn lạc, Le Point giải thích "Công nghệ đã làm nên cuộc cách mạng trong chiến tranh như thế nào". Từ laser đến những "bầy" drone, hỏa tiễn siêu thanh… các loại vũ khí mới đang làm đảo lộn những cuộc chiến. Nếu trước đây phải mất nhiều thập niên thậm chí nhiều thế kỷ mới chế ra được một hợp kim mới hay thay đổi hình dạng của chiếc khiên thời cổ đại, thì nay chỉ cần sáu tháng để một loại drone trở thành lạc hậu trên chiến địa. Tướng Mark Milley, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ dự báo trong 10 đến 15 năm nữa, một phần ba quân đội Hoa Kỳ sẽ được tự động hóa, và phần lớn được kiểm soát bằng các hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI).

Tại Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc, hàng ngàn kỹ sư nghiên cứu các thuật toán nhằm phân tích tin tình báo, giám sát tự động, điều khiển những đàn drone… Giai đoạn kế tiếp là các hệ thống sát thương tự động tức Sala, đôi khi được gọi là drone sát thủ, một hướng nghiên cứu mà nhiều nước như Pháp từ chối theo đuổi. Nhiệm vụ của các drone trên bộ, trên không và trên biển là tiêu diệt tất cả những người lính xâm nhập vào một vùng đã được khoanh sẵn, hay các phi cơ có dấu hiệu radar của kẻ thù.

Những đàn drone không còn là khoa học giả tưởng. Hồi tháng 5, các kỹ sư Mỹ đã lập kỷ lục khi cho bay cùng lúc 5.293 drone trang bị đèn leg đủ màu. Không chỉ tấn công, phóng drone hàng loạt còn giúp ngụy trang điện tử cho các sở chỉ huy. Vũ khí laser cũng không còn là ảo tưởng : không cần đạn, chúng có thể hoạt động đến khi cạn nguồn năng lượng. Hỏa tiễn siêu thanh là một cuộc cách mạng, có thể bay nhanh gấp năm lần âm thanh khiến không thể chống đỡ nổi. Tuy nhiên chúng quá đắt tiền và chưa hẳn mang lại lợi thế quyết định, thế nên Nga dù sở hữu cũng vẫn không thắng nổi Ukraine suốt hơn hai năm qua. Moskva nay ưu tiên sản xuất hàng loạt drone thô sơ hay hỏa tiễn cổ điển với cái giá một hỏa tiễn siêu thanh.

Chọn J.D. Vance làm phó : Sai lầm của Donald Trump ?

Nhìn sang nước Mỹ, L’Express cho rằng "Trước Kamala Harris, ông Trump có thể tiếc nuối vì đã chọn J.D. Vance làm người đứng chung liên danh". Hai tuần sau khi trở thành người hùng qua vụ ám sát hụt, cựu tổng thống lại bị chấn động vì ông Joe Biden tuyên bố rút lui. Khi đặt lợi ích quốc gia lên trên tham vọng cá nhân, Joe Biden đã giáng một đòn nặng cho đối phương.

Lần đầu tiên kể từ rất lâu, Donald Trump phải ở vào thế thủ. Mới cách đây một tuần, ứng cử viên của đảng Cộng Hòa, nạn nhân một vụ mưu sát, như đi trên mây với làn sóng ủng hộ đông đảo. Chừng như không có gì ngăn được con đường đến với quyền lực tối cao của người sống sót nhờ "phép lạ". Khi rút khỏi cuộc đua, chủ nhân hiện nay của Nhà Trắng đã làm đảo lộn kế hoạch của ông Trump.

Trước hết vì Donald Trump vốn không ngừng chế giễu về tuổi tác của "Sleepy Joe", nay đến lượt mình trở thành ứng cử viên tổng thống già nhất trong lịch sử nước Mỹ. Dù đối thủ là phó tổng thống Kamala Harris, 59 tuổi hay một ai khác, cũng sẽ cố gắng làm quên đi cuộc tranh luận tệ hại của Joe Biden. Và cựu chưởng lý California dường như có ưu thế để đối mặt với ứng cử viên Cộng Hòa vốn thường có những sai sót và thái độ quá đáng.

Tiếp đến, khi chọn J.D. Vance làm phó, cựu tổng thống muốn thu hút giới công nhân da trắng nghèo sống tại các vùng phi kỹ nghệ hóa ở miền trung. Nhưng theo giáo sư Charles Kupchan, đại học Georgetown, "không thể thắng cử chỉ nhờ nhắm vào lớp cử tri này". Lẽ ra ông Trump nên chọn một đối tác trung dung hơn. Với ông Vance, Trump làm cho cử tri độc lập, phụ nữ và những người Cộng Hòa sống ở ngoại ô các bang quan trọng chạy về phía Dân Chủ. Ê-kíp của ông nay phải làm lại từ đầu : tìm ra những góc độ mới để tấn công – đặc biệt nếu đối thủ là Kamala Harris – để tái chinh phục một bộ phận cử tri trẻ tuổi, da đen, gốc Mỹ la-tinh. Hãy còn 100 ngày nữa mới đến kỳ bầu cử, 100 ngày sẽ thay đổi số phận nước Mỹ, và toàn thế giới.

Tập Cận Bình hủy hoại 40 năm huy hoàng của Trung Quốc  

Tại Trung Quốc, Le Point nhận định về "Cuộc đại thụt lùi hướng đến tự cung tự cấp". Tuần báo nêu ra tình trạng kinh tế đang chậm lại, công nghệ đứng yên, tiêu thụ giảm, hàng năm có thêm 12 triệu sinh viên ra trường bị thất nghiệp, người giàu ra nước ngoài sinh sống, vốn đầu tư chạy khỏi Hoa lục. Việc ưu tiên cho sản xuất thay vì tiêu thụ tạo ra số hàng hóa thừa khổng lồ, tràn ngập các nước tạo ra một làn sóng bảo hộ. Chính sách của ông Tập dựa trên tham vọng làm đại cường số một thế giới vào năm 2049, vô cùng hiếu chiến tại Châu Á-Thái Bình Dương đã gây phản tác dụng cho Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình đã dẫn đến bốn ngõ cụt. Ngõ cụt trước hết là dân số : Trung Quốc sẽ mất 200 triệu dân trong 30 năm tới. Kế đến là ngõ cụt về kinh tế, tài chánh, xã hội, bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Ngõ cụt nữa là về chính trị, khi bỏ rơi khế ước xã hội từ 1978 – người dân được làm giàu đổi lấy hạn chế một phần tự do cá nhân. Cuối cùng là ngõ cụt về chiến lược. Khi lao vào đối đầu với Mỹ quá sớm, Bắc Kinh đã giúp Hoa Kỳ tìm lại lợi thế. Liên minh với Nga đã biến Moskva thành chư hầu, nhưng với cái giá cắt đứt với phương Tây vốn là thị trường quan trọng cho hàng Trung Quốc. Cách hành xử đế quốc và chạy đua vũ trang khiến các nước Châu Á-Thái Bình Dương phải kháng cự, củng cố vai trò của Đài Loan.

Khi chọn một nền kinh tế chiến tranh để phục vụ cho tham vọng quá mức, Tập Cận Bình đã phá hủy "bốn mươi năm huy hoàng" của Trung Quốc. Không muốn nhìn nhận thực tại khủng hoảng, ông Tập đã chứng minh Lord Acton có lý khi nhấn mạnh "quyền lực làm tha hóa, và quyền lực tuyệt đối tạo nên tha hóa tuyệt đối".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 286 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)