Lần đầu tiên Việt Nam có hơn 90% dân số là chủ thuê bao Internet di động
VOA, 30/07/2024
Trung bình, trong 100 người dân Việt Nam, có gần 92 thuê bao băng rộng di động, phần lớn họ sử dụng điện thoại thông minh (smartphone), Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tại một hội nghị hôm 29/7, VnExpress, Vietnambiz và một số trang tin trong nước đưa tin.
Một người sử dụng smartphone ở Hà Nội - Reuters/Kham
Điểm lại 6 tháng đầu năm, bộ đưa ra thông tin là số thuê bao băng rộng di động ở Việt Nam đã tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, đạt trung bình 91,9 trên 100 dân. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này cao hơn 90%, vượt mục tiêu là 87,5% mà bộ đề ra cho năm 2024, theo VnExpress, Vietnambiz và các báo trong nước.
Về tỷ lệ người sử dụng internet nói chung ở Việt Nam, con số ước tính là 78,1%, VnExpress, Vietnambiz và báo chí trong nước tường thuật, trích dẫn số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cùng với sự gia tăng ấn tượng về số thuê bao internet di động, lượng người sử dụng mạng băng rộng cố định cũng tăng mạnh, đạt mức 23,5 trên 100 dân, tăng 6,8% và đạt 96% kế hoạch của năm. Trong số này, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang là 82,2%.
Tuy nhiên, VnExpress, Vietnambiz và các báo dẫn thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay lượng người chưa sử dụng hạ tầng internet vẫn ở mức "tương đối lớn".
Liên quan đến điều này, ít ngày trước, Cục Viễn thông nói hôm 18/7 rằng vẫn còn khoảng 11 triệu thuê bao sử dụng những chiếc điện thoại "chỉ hoạt động trên mạng 2G và chưa tiếp cận với internet băng rộng di động".
Các bản tin trên báo chí Việt Nam hôm 29/7 viết rằng các cơ quan quản lý, nhà mạng và đại lý bán điện thoại nói họ "đang thực hiện các biện pháp nhằm phổ cập thiết bị 4G trước thời hạn tắt sóng 2G vào 15/9" nhưng không có thêm các chi tiết.
Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về lượng người sử dụng internet, theo trang Statista ở Đức, vốn chuyên thu thập dữ liệu về toàn cầu và các thông tin chuyên sâu về các doanh nghiệp.
Đứng đầu thế giới về "dân số kỹ thuật số", theo cách gọi của Statista, là Trung Quốc với 1,05 tỷ người, tiếp theo là Ấn Độ (692 triệu người) và Mỹ (311,3 triệu). Dưới 3 nước này, theo thứ tự, là Indonesia, Brazil, Nga, Nigeria, Nhật Bản, Mexico. Hai nước Philippines và Ai Cập lần lượt đứng thứ 10 và 11.
Nguồn : VOA, 30/07/2024
****************************
Đưa tin trung thực bị coi là "bôi nhọ, xuyên tạc" ?
RFA, 30/07/2024
Một số tờ báo Nhà nước Việt Nam gồm báo Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân, báo Đảng cộng sản Việt Nam luôn có những bài viết trong mục "chống diễn biến hòa bình" như "Cảnh giác với chiêu trò mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng" ; "Lật tẩy thủ đoạn "thao túng tâm lý" của các thế lực thù địch, phản động" ; "Lật tẩy chiêu trò đả kích, bôi nhọ của các thế lực thù địch sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần"…
Người dân đang đọc báo tại quán cà phê ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh : Quang Định
Nội dung những bài viết vừa nêu cáo buộc những cơ quan báo chí hải ngoại "đưa tin không trung thực" về một vấn đề nào đó xảy ra tại Việt Nam. Tác giả những bài báo "chống diễn biến hòa bình" dùng những từ ngữ như "đả kích", "bôi nhọ", "thao túng tâm lý", "xuyên tạc" gán cho cách đưa tin của những cơ quan truyền thông không phải thuộc Chính phủ Việt Nam.
"Thế lực thù địch, phản động" được liệt kê ra là những cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại, những nhà báo tự do ở nước ngoài, những facebookers đưa tin về Việt Nam.
Vì sao có tình trạng đó ?
Nhà báo Lê Trung Khoa, Thoibao.de nói với RFA :
"Đối với các blogger, báo chí hoặc mạng truyền thông, mạng xã hội tự do ở hải ngoại và một số người ở trong nước… chỉ nói lên tiếng nói tự do của họ mà thôi. Với chúng tôi, chúng tôi có những nguồn thông tin riêng tương đối chính xác để báo trước những sự kiện xảy ra trong nước, chẳng hạn như tin ông Nguyễn Phú Trọng chết vì lý do gì. Hay trước đây là trường hợp Vương Đình Huệ hay Võ Văn Thưởng, chúng tôi đều đưa tin từ rất sớm.
Điều đó đương nhiên Đảng cộng sản Việt Nam họ không muốn, vì người dân khi biết sự thật sẽ không còn tin vào báo chí của đảng nữa mà họ sẽ tìm đọc báo chí hải ngoại. Đấy là nguy cơ có thể làm cho Đảng cộng sản Việt Nam bị rối loạn, thậm chí sụp đổ khi đến một lúc nào đó, khi người dân tích tụ nguồn thông tin, biết được tất cả sự thật về Đảng cộng sản.
Điều đó thật sự nguy hiểm cho đảng cho nên họ muốn chặn nguồn thông tin này bằng cách vu cáo truyền thông, mạng xã hội hải ngoại".
Trong bài viết "Lật tẩy chiêu trò đả kích, bôi nhọ của các thế lực thù địch sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần", tác giả cho rằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là một mất mát vô cùng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhưng các "thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị" lại đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận những cống hiến, đóng góp của ông Trọng.
Cũng theo tác giả bài viết, mục đích của các "thế lực thù địch" là nhằm bôi xấu, kích động chia rẽ trong nội bộ, gây nên sự phân tâm trong các tầng lớp nhân dân về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của ông Trọng, tạo ra sự lo lắng về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết trong Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc nói với RFA :
"Trong chế độ cộng sản Việt Nam, tất cả những thông tin của báo chí đều do nhà cầm quyền đưa ra. Những thông tin đó mang tính một chiều và không hoàn toàn phản ánh đúng sự thật những diễn biến tại Việt Nam, đặc biệt trong cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng. Trong khi đó, báo chí tiếng Việt hải ngoại hay những tờ báo của những nhà hoạt động ở bên ngoài Việt Nam có những nguồn tin riêng từ nội bộ tiết lộ ra. Họ đưa lên báo để giúp người dân trong nước có cái nhìn hai chiều về một sự kiện ; họ so sánh những thông tin của nhà nước Việt Nam đưa ra với thông tin từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại để cân nhắc.
Việc vạch ra sự sai trái mà theo cách gọi của nhà nước cộng sản Việt Nam là "đả kích, bôi nhọ" là không đúng. Vì bạn đọc sẽ là người công tâm nhất xem thông tin nào đúng, thông tin nào sai và họ sẽ tin theo tuyên truyền của nhà nước hay tin theo báo chí người Việt ở hải ngoại".
Nguồn : RFA, 30/07/2024