Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/08/2024

Tô Lâm sang Trung Quốc ký họp tác đường sắt hay còn gì khác ?

Tổng hợp

Thăm Trung Quốc, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt giữa hai nước

Chi Phương, RFI, 16/08/2024

Hôm 15/08/2024, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc thông báo tân tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Bắc Kinh từ ngày 18-20/08/2024, gặp tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trọng tâm của chuyến thăm là nhằm tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc.

bay1

Tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu trong cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 03/08/2024. AFP – Nhac Nguyen

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm kể từ khi được trao chức vụ tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hồi đầu tháng 8, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng chuyến thăm sẽ giúp hai bên "làm sâu sắc hơn" việc xây dựng mối quan hệ "chung vận mệnh", "đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới".

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, được Reuters trích dẫn, trọng tâm của chuyến công du này nhằm thúc đẩy hợp tác, thực hiện các thỏa thuận đã ký và "đạt được những kết quả hợp tác thực chất mới, đặc biệt trong lĩnh vực mà cả hai cùng quan tâm, ví dụ như kết nối tuyến đường sắt giữa hai nước".

Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ông Hùng Ba, trả lời báo chí Việt Nam hôm 15/08, bày tỏ mong muốn "phát triển vùng biên và hợp tác vùng biên giữa hai nước", đồng thời nêu rõ là hai bên đang có đẩy nhanh kế hoạch xây 3 tuyến đường sắt : từ Lào Cai đến Hải Phòng đi qua Hà Nội, từ Lạng Sơn đến Hà Nội và từ Móng Cái đến Hải Phòng.

Quan chức Việt Nam cho biết thêm là các thỏa thuận được kỳ vọng trong chuyến đi của ông Tô Lâm tại Trung Quốc, ngoài việc phát triển hệ thống đường sắt, còn có các khoản đầu tư khác về thương mại và nông nghiệp.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều nhà sản xuất Trung Quốc hướng xuất khẩu sang Việt Nam, do vậy việc kết nối đường sắt rất quan trọng cho chuỗi cung ứng.

Hai nước đã kết nối đường sắt từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường sắt của Việt Nam có từ thời thực dân Pháp và có cấu trúc khác với các đường sắt cao tốc của Trung Quốc, nên hành khách và hàng hóa phải đổi tàu tại biên giới.

Vào cuối năm 2023, ông Tập Cận Bình đã đề nghị viện trợ và cho vay để giúp nâng cấp đường sắt Việt Nam. Hai nước cũng đã ký hai biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác đường sắt.

Chi Phương

****************************

Trung Quốc, Việt Nam nhắm đến việc thúc đẩy các tuyến đường sắt khi ông Tô Lâm thăm Bắc Kinh

Reuters, VOA, 16/08/2024

Các tuyến đường sắt sẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi nhà lãnh đạo mới được bổ nhiệm của Việt Nam Tô Lâm đến Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới, các quan chức cho biết, trong khi hai nước láng giềng tìm cách thúc đẩy thương mại.

bay2

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tới thăm Trung Quốc trong 3 ngày bắt đầu từ 18 đến 20. Dự kiến ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác của Trung Quốc.

Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng, vì ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển một số hoạt động hướng đến xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hai nước được kết nối bằng hai tuyến đường sắt từ miền Nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội của Việt Nam và trung tâm công nghiệp phía bắc của nước này, nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam có từ thời Pháp thuộc và có khổ đường sắt khác với đường sắt cao tốc của Trung Quốc, buộc hành khách và hàng hóa phải đổi tàu tại biên giới.

Sự ngờ vực giữa hai nước láng giềng do Đảng cộng sản cầm quyền, vốn từng có cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào cuối những năm 1970 và vẫn thường xuyên xung đột về chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông, từ lâu đã cản trở tiến độ của các tuyến đường sắt, nhưng trong những tháng gần đây, những cân nhắc về kinh tế dường như đã chiếm ưu thế hơn so với những lo ngại về an ninh.

Vào tháng 12, ông Tập đã cung cấp các khoản tài trợ và cho vay để giúp nâng cấp đường sắt Việt Nam và hai nước đã ký hai biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy hợp tác về đường sắt.

Trọng tâm chuyến đi của ông Lâm tới Trung Quốc, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông được trao kiêm nhiệm chức vụ tổng bí thư vào đầu tháng 8, là thực hiện các thỏa thuận đã ký và "đạt được những kết quả hợp tác thực chất mới, đặc biệt trong các lĩnh vực cùng quan tâm như kết nối đường sắt", Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết trong một tuyên bố.

Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, Hùng Ba, đã nói với các phóng viên vào tuần này – theo bản tóm tắt mà Reuters xem được – rằng hai bên đang đẩy nhanh kế hoạch cho ba tuyến : nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có từ Lào Cai đến thành phố cảng Hải Phòng qua Hà Nội và từ Lạng Sơn đến Hà Nội ; và xây dựng tuyến thứ ba dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Hải Phòng.

Một quan chức Việt Nam cho biết các thỏa thuận mới dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến đi của ông Lâm tới Trung Quốc, bao gồm về đường sắt, các khoản đầu tư khác và thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Tài trợ của Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi tài trợ và công nghệ của Trung Quốc cho đường sắt Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6, theo truyền thông nhà nước Việt Nam, trong một động thái được cho là một sự thay đổi đáng kể về chiến lược.

Trong những tháng gần đây, ông Chính và các bộ trưởng hàng đầu cũng đã gặp gỡ các giám đốc điều hành của các công ty hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt, bao gồm nhà sản xuất tàu hỏa CRRC và China Railway Signal & Communication.

Hà Nội trong nhiều năm vẫn lập lờ về việc sử dụng các quỹ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình cơ sở hạ tầng hàng đầu của Trung Quốc, sau khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam vào năm 2018 về các kế hoạch có thể dẫn đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được đầu tư tư nhân của Trung Quốc vào Việt Nam, vốn đang bùng nổ.

Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ mạng lưới đường sắt nội địa với tuyến đường sắt cao tốc dài 1.500km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, với chi phí ước tính khoảng 70 tỷ đô la. Đây là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.

Reuters

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương, Reuters
Read 231 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)