Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/08/2024

Thấy gì qua chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tô Lâm ?

BBC tiếng Việt

Vì sao ông Tô Lâm nhanh chóng thăm Trung Quốc ngay sau khi làm Tổng bí thư ?

BBC, 18/08/2024

Sáng 18/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly cùng đoàn đại biểu cấp cao đã tới Quảng Đông, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc.

tolam1

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị mới, sau khi được bầu làm Tổng bí thư vào ngày 3/8.

Thông thường, một chuyến thăm cấp nhà nước tiêu tốn thời gian lên đến vài tháng cho công tác chuẩn bị. Trước đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên thường là sau khi nhậm chức khoảng 4-9 tháng. Trong khi đó, chỉ hai tuần sau khi được bổ nhiệm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc.

Tham gia đoàn công du có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Tổ chức trung ương Lê Minh Hưng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Đây đều là các ủy viên Bộ Chính trị.

Trong đó, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến và ông Lương Tam Quang là những người được bầu bổ sung giữa khóa, sau khi có đến bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức. Riêng ông Quang chỉ mới tham gia nhóm quyền lực nhất này vào ngày 16/8, ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc.

Một số ý kiến cho rằng việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bất thường để bầu riêng ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có thể là để tăng tiếng nói của ông trong các cuộc gặp với các lãnh đạo Trung Quốc.

Theo báo chí Việt Nam, các đại biểu tham gia chuyến thăm còn có Trưởng ban Đối ngoại trung ương Lê Hoài Trung, Chánh Văn phòng trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Khắc Định, cùng một số lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc ?

Trong hai nhiệm kỳ Tổng bí thư 2001-2006 và 2006-2011, ông Nông Đức Mạnh đã đến thăm Lào đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu và thăm Trung Quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai.

Trước ông Mạnh, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đến Lào trước khi thăm Trung Quốc.

Tới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trọng đã thăm Trung Quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhất (2011) và thứ ba (2021). Ở nhiệm kỳ thứ 2 (2016) thì ông đi Lào đầu tiên.

Có thể thấy Lào là điểm đến lâu nay của các đời Tổng bí thư sau khi nhậm chức, tới thời ông Trọng thì ông chọn Trung Quốc trước tiên.

Với chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/8, ông Tô Lâm đã nối bước ông Trọng, chọn Trung Quốc đầu tiên.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định chưa thể kết luận rằng Trung Quốc sẽ là điểm đến truyền thống mới vì trước khi được bầu làm Tổng bí thư thì trên cương vị chủ tịch nước, vào tháng 7, ông Tô Lâm đã thăm Lào và sau đó là Campuchia.

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với BBC rằng, ở nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Trung Quốc đầu tiên vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022 vì nhiều mục đích, trong đó có việc dọn đường cho Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ vào năm 2023.

"Điều này dẫn chúng ta đến một quy tắc bất thành văn trong nghi thức đối ngoại của Việt Nam : Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nên đến Trung Quốc trước khi đến Hoa Kỳ. Làm như vậy sẽ báo hiệu sự tôn trọng của Hà Nội đối với Bắc Kinh, đây là một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận hiện tại của Việt Nam trong quan hệ với các cường quốc".

Vì vậy, Giáo sư Vuving đánh giá chuyến đi Trung Quốc của ông Tô Lâm là phù hợp với quy tắc bất thành văn nói trên, khi ông Tô Lâm ông dự kiến sẽ tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 với tư cách là chủ tịch nước Việt Nam và sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.

"Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của ông Tô Lâm với Tổng thống Mỹ trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam (về cả mặt đảng lẫn nhà nước). Do đó, chuyến đi Trung Quốc của ông Tô Lâm vào tháng 8 này là để trấn an Bắc Kinh về bất kỳ bước tiến triển nào trong quan hệ Việt-Mỹ", theo ông Vuving.

Lịch trình hoạt động của ông Tô Lâm tại Trung Quốc bắt đầu bằng việc thăm các địa chỉ mà ông Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng, sau đó gặp chính quyền và người dân địa phương, rồi mới lên Bắc Kinh gặp lãnh đạo trung ương, gợi ý rằng ông là người đi theo truyền thống lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo lịch trình thì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, hội kiến với Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh.

Với việc nắm giữ cùng lúc hai chức danh then chốt là Chủ tịch nước và Tổng bí thư, ông Tô Lâm được coi là "đồng cấp" với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và việc hai lãnh đạo đồng cấp sớm gặp nhau được đánh giá là bước quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân hai ông cũng như phát triển quan hệ hai nước.

Vấn đề Biển Đông

Báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong chuyến thăm này, hai nước đều kỳ vọng sẽ đạt thành quả trên một số phương diện, trong đó có tiếp nối và phát huy xu thế phát triển của quan hệ Việt - Trung sau các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai đảng, hai nước thời gian qua.

Ông Sơn cũng nói Việt Nam - Trung Quốc sẽ cùng xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển quan hệ hai đảng, hai nước.

Trước khi làm Tổng bí thư, ông Tô Lâm với vai trò là Chủ tịch nước đã có cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba vào ngày 11/6 ở Hà Nội và đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Theo đó, ông Tô Lâm nhấn mạnh hai bên cần "kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển cũng như tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tích cực tìm kiếm biện pháp xử lý thỏa đáng phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982".

tolam2

Ngay trước khi Việt Nam chuẩn bị có cuộc diễn tập chung trên biển với Philippines vào ngày 9/8, trong chưa đầy một tuần, một máy bay không người lái (UAV) được xác định là loại Wing Loong-10 (WZ-10) của Trung Quốc đã bay gần bờ biển Việt Nam, lần lượt vào ngày 2/8 và 7/8, theo thông tin từ Global Defense NewsNewsweek và Reuters.

Máy bay WZ-10 xuất phát từ đảo Hải Nam, bay cách bờ biển Việt Nam khoảng 100km và quay trở lại sau khi đến ngang khu vực Nam Trung bộ của Việt Nam, theo bản đồ lộ trình đường bay được Dự án Đại Sự ký Biển Đông chia sẻ với Reuters.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và điều này không chỉ thách thức Việt Nam mà còn cả Philippines, Malaysia và Brunei - những quốc gia có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Trong quan hệ Việt - Trung, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một trong những vấn đề bất đồng nhất giữa hai nước khi Trung Quốc thực hiện chiến thuật vùng xám để củng cố yêu sách "đường lưỡi bò" của mình.

Tháng 11/2002, Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đồng thuận, bên cạnh những điều khác, bao gồm "thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, giữa các nước… và xử lý những khác biệt của họ một cách xây dựng".

Hai mươi năm sau, tháng 11/2022, Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất trong Tuyên bố chung "xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển… thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả [DOC]… và kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, không hành động làm phức tạp thêm tình hình và mở rộng tranh chấp…" trong chuyến công du đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở nhiệm kỳ 3 đến Trung Quốc để chúc mừng ông Tập Cận Bình nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3. Tuy nhiên, DOC được giới quan sát đánh giá là không thực chất, bởi không có tính ràng buộc.

Điều này thể hiện trên thực tế là, trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục điều tàu thuyền các loại từ nghiên cứu đến khảo sát, theo sau là các tàu hải cảnh - đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Một số tàu như Hướng Dương Hồng 10 còn tiếp cận các lô dầu khí mà Việt Nam cùng Nga khai thác vào tháng 5/2023, bất chấp lời kêu gọi rời đi của Việt Nam.

Trước những hành động này của Trung Quốc, Việt Nam thường xuyên lặp lại lời phản đối, gọi đó là hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông nhưng Trung Quốc lờ đi.

tolam3

Yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông

Bên cạnh những mâu thuẫn là láng giềng, Trung Quốc và Việt Nam có nền chính trị với nhiều điểm tương đồng, và là đối tác kinh tế quan trọng của nhau.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 171,9 tỷ USD. Thương mại 6 tháng đầu năm tăng 24,1%.

Kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 64% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Vũ Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Chính trị học tại Trường Đại học Boston (Boston College), nói với BBC rằng chuyến đi của ông Tô Lâm đến Trung Quốc cho thấy Hà Nội luôn ưu tiên Bắc Kinh trong hệ thống cấp bậc ngoại giao, dù có nâng cấp lên Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.

Theo ông Khang, Việt Nam khác với Mỹ về ý thức hệ còn Trung Quốc thì không, nên Trung Quốc có thể giúp Việt Nam - người anh em cộng sản - đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội và duy trì ổn định chính trị, những yếu tố phù hợp với lợi ích của Trung Quốc trong việc bảo vệ biên giới phía nam của mình.

Nguồn : BBC, 18/08/2024

*************************

Ông Tô Lâm thăm Trung Quốc : tăng cường kết nối đường sắt

BBC, 17/08/2024

Các quan chức cho biết kết nối đường sắt sẽ là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình từ 18-20/8.

tolam4

Chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư của ông Tô Lâm là tới Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình

Các tuyến đường sắt liền mạch được coi là rất quan trọng cho chuỗi cung ứng, khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hai quốc gia hiện được kết nối bằng hai tuyến đường sắt từ miền nam Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội, cũng là trung tâm công nghiệp phía bắc của Việt Nam.

Nhưng cơ sở hạ tầng của Việt Nam có từ thời Pháp thuộc và có khổ đường ray khác với đường sắt cao tốc của Trung Quốc buộc hành khách cũng như hàng hóa phải đổi tàu.

Hãng tin Reuters viết sự thiếu tin cậy giữa hai nhà nước cộng sản - đã từng đánh nhau trong một cuộc chiến tranh biên giới ngắn vào cuối thập niên 1970 và thường xuyên xảy ra tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông - từ lâu đã cản trở tiến trình xây dựng các tuyến đường sắt.

Nhưng trong những tháng gần đây, cân nhắc về kinh tế dường như đã vượt lên lo ngại về an ninh.

Vào tháng 12/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất các khoản trợ cấp và cho vay để giúp nâng cấp các tuyến đường sắt của Việt Nam và hai nước đã ký hai bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác đường sắt.

Trọng tâm chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông đảm nhận vị trí Tổng bí thư vào đầu tháng 8/2024, là thực hiện các thỏa thuận đã ký kết và "đưa hợp tác thực chất đạt tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như kết nối đường sắt", Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết trong một bài trả lời phỏng vấn.

Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ông Hùng Ba, nói với truyền thông Việt Nam trong tuần này rằng hai bên đang đẩy nhanh kế hoạch cho ba dự án : nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có từ Lào Cai đến thành phố cảng Hải Phòng qua Hà Nội và từ Lạng Sơn đến Hà Nội ; và xây dựng một tuyến thứ ba dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Hải Phòng.

Một quan chức Việt Nam cho biết các thỏa thuận mới dự kiến sẽ được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Lâm, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến đường sắt, các khoản đầu tư khác và thương mại nông sản.

Hỗ trợ của Trung Quốc

Theo truyền thông Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi hỗ trợ tài chính và công nghệ từ Bắc Kinh cho đường sắt Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6/2024, đây dường như là một sự thay đổi chiến thuật đáng kể.

Ông Phạm Minh Chính và các bộ trưởng cũng đã gặp gỡ các giám đốc điều hành của những công ty hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt trong vài tháng gần đây, bao gồm nhà sản xuất xe lửa Trung Quốc Trung Xa (China Railway Rolling stock Corporation, CRRC) và Trung Quốc Thông Hiệu (China Railway Signal & Communication, CRSC).

Hà Nội trong nhiều năm vẫn lập lờ về việc sử dụng quỹ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, chương trình cơ sở hạ tầng chủ chốt của Trung Quốc, sau khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam vào năm 2018 đối với các kế hoạch có thể dẫn đến mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn được đầu tư tư nhân của Trung Quốc vào Việt Nam, vốn đang bùng nổ.

Việt Nam đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt nội địa với tuyến đường sắt cao tốc dài 1.500 km từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, dự án hạ tầng lớn nhất của quốc gia từ trước đến nay.

tolam5

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên, gặp gỡ vào tháng 6/2024

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Riêng bảy tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng sinh hoạt hằng ngày.

Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy, quyết tâm thách thức trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu thời hậu Chiến tranh Lạnh và sẽ có sức ảnh hưởng mang tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Việt Nam thì lại thuộc nhóm quốc gia quyền lực tầm trung, khai thác tối đa lợi ích và an ninh trong lúc vẫn cân bằng quan hệ Mỹ - Trung nhưng vẫn coi trọng giao hảo truyền thống lịch sử với Nga.

Về đường sắt, một trong những công trình nổi bật của Trung Quốc tại Đông Nam Á là tuyến đường sắt cao tốc từ biên giới Lào - Trung tới thủ đô Vientiane của Lào. Sau khi khai trương vào năm 2021, tuyến đường sắt này đã vận chuyển hàng triệu lượt khách mỗi năm, riêng năm 2023 là 3,1 triệu lượt.

Mới đây, Thái Lan đã triển khai một tuyến tàu nối thủ đô Bangkok với Vientiane, tạo thành một tuyến đường sắt khá thông suốt (chỉ ngắt một đoạn khoảng 20km ở thủ đô Vientiane) từ Singapore, bán đảo Mã Lai, lên Thái Lan, Lào và lên Trung Quốc. Trong tương lai gần, khi tuyến đường sắt cao tốc Bangkok–Nong Khai của Thái Lan hoàn tất, giai đoạn 1 dự kiến vào năm 2027, sự kết nối sẽ trở nên liền mạch hơn.

Nguồn : BBC, 17/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 648 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)