Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/08/2024

Nhà Trắng sẽ đón tiếp Tô Lâm và Phan Văn Giang như thế nào ?

BBC tiếng Việt

Sau Trung Quốc, ông Tô Lâm sẽ thăm Mỹ trong tháng 9 ?

BBC, 31/08/2024

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm có thể sẽ thăm Mỹ vào tháng 9, theo một số nhà quan sát.

tham1

Washington có thể sẽ là điểm đến thứ hai của ông Tô Lâm sau Bắc Kinh kể từ khi được bầu làm tổng bí thư vào ngày 3/8

Các nhận định hướng đến khả năng ông Tô Lâm có thể đến New York để tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu vào ngày 10/9 hoặc Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc (Summit of the Future) bắt đầu vào ngày 22/9/2024.

Kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ khai mạc vào ngày 10/9, với phiên thảo luận chung cấp cao bắt đầu vào ngày 24/9 và kết thúc vào ngày 30/9.

Giới quan sát nhận định ông Tô Lâm có thể thăm chính thức Mỹ trong dịp này.

Trong bài viết được đăng trên chuyên trang The Diplomat vào ngày 29/8, tác giả David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS), nhận định :

"Mặc dù Thượng đỉnh Tương lai thuộc khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một phái đoàn của Việt Nam không thể ở lại hai tuần ở New York. Việt Nam sẽ cử một số đại diện đến Thượng đỉnh Tương lai bởi vì đã tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN vào năm nay, thống nhất với sáng kiến của Liên Hiệp Quốc".

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (AFF 2024) đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/4.

Khi Việt Nam cử hai phái đoàn đến New York, giới quan sát đánh giá rất có khả năng ông Tô Lâm sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể dẫn đầu phái đoàn tham dự Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc.

Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 22 đến 23/9.

Hiện ông Tô Lâm đang giữ hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Ông sẽ dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách chủ tịch nước.

Vào tháng 10 tới, Quốc hội Việt Nam sẽ bầu chức danh chủ tịch nước trong cuộc họp thường kỳ.

tham2

Tại hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sáng ngày 3/8, ông Tô Lâm đã được bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13, thay cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhac Nguyen/AFP/Getty Images

Sẽ thăm chính thức Mỹ ?

Các nguồn tin và nhà quan sát từng chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng ông Tô Lâm có thể thăm chính thức Mỹ vào tháng 9, nhân chuyến dự họp tại Liên Hiệp Quốc. Việc ông nhanh chóng thăm Trung Quốc chỉ hai tuần sau khi được bầu làm tổng bí thư có thể là một gợi ý rằng ông sẽ thăm Mỹ, vì theo thông lệ, lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thường đi Trung Quốc trước khi đi Mỹ.

Nếu thăm Mỹ với tư cách nguyên thủ quốc gia, ông Tô Lâm sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Có một điểm cần lưu ý về sự khác biệt trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng vào năm 2015  và chuyến thăm có thể được thực hiện lần này của ông Tô Lâm.

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ với tư cách lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, qua các kênh ngoại giao, Việt Nam đã vận động mạnh để phía Mỹ chấp nhận việc tiếp một lãnh đạo đảng, chứ không phải nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ, tại Nhà Trắng. Phía Mỹ cũng mất rất nhiều thời gian để hiểu được lý do tại sao họ cần có nghi thức như vậy.

Lần này, nếu ông Tô Lâm thăm Nhà Trắng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn vì ông vừa là lãnh đạo đảng vừa là nguyên thủ quốc gia. Việc hai nguyên thủ quốc gia gặp nhau ở Nhà Trắng thì không có vấn đề gì lấn cấn về tư cách hay giao thức ngoại giao.

Trong bài viết trên The Diplomat hôm 29/8, nhà nghiên cứu David Hutt cho rằng lịch trình dày đặc của ông Joe Biden là một trong các trở ngại đối với chuyến thăm chính thức của ông Tô Lâm đến Nhà Trắng.

Thời gian làm tổng thống của ông Joe Biden hiện chỉ tính bằng tháng, nhưng cũng không loại trừ khả năng tổng thống kế tiếp sẽ là bà Harris, một đồng minh của ông Biden.

Tác giả David Hutt cũng đề cập đến khả năng về cuộc gặp bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới giữa hai lãnh đạo Việt Nam và Mỹ.

"Có thể ông Biden đến New York một ngày vào tháng 9, đồng nghĩa ông Tô Lâm có thể có cuộc gặp ngắn với ông Biden - hoặc với bà Harris - bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc".

tham3

Ngày 19/8, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết tổng cộng 14 văn kiện trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Tô Lâm- Andres Martinez Casares-Pool/Getty Images

Tiếp nối 'ngoại giao cây tre'

Nếu ông Tô Lâm thăm chính thức Mỹ, Washington sẽ là điểm đến thứ hai của ông sau Bắc Kinh kể từ khi được bầu làm tổng bí thư vào ngày 3/8.

Trước đó, từ ngày 18 đến 20/8, trong chuyến thăm ba ngày tới Trung Quốc, ông Tô Lâm đã có một lịch trình nghị sự dày đặc, với các nội dung về hợp tác chính trị, kinh tế và giải quyết bất đồng trên Biển Đông.

Bình luận với BBC ngày thứ Hai 19/8, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc cho Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Loan, nhận định về định hướng ngoại giao sắp tới của ông Tô Lâm :

"Ông Tô Lâm khó mà đưa con tàu đối ngoại Việt Nam đi trật đường ray. Kế thừa di sản của ông Nguyễn Phú Trọng là cần thiết vì nó tạo thế vững chắc cho ông Tô Lâm về quyền lực chính trị. Và khi mà chính sách cân bằng của Việt Nam (thường được biết đến với tên gọi 'ngoại giao cây tre') đã khá thành công thì không có việc gì phải điều chỉnh quá nhiều".

Xét về dòng thời gian, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đầu tiên trong số 7 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Cụ thể, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ ngoại giao ở bậc cao nhất đối với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).

Trước đó, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với BBC rằng, ở nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Trung Quốc đầu tiên vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022 vì nhiều mục đích, trong đó có việc dọn đường cho việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ vào năm 2023.

"Điều này dẫn chúng ta đến một quy tắc bất thành văn trong nghi thức đối ngoại của Việt Nam : Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nên đến Trung Quốc trước khi đến Hoa Kỳ. Làm như vậy sẽ báo hiệu sự tôn trọng của Hà Nội đối với Bắc Kinh, đây là một yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận hiện tại của Việt Nam trong quan hệ với các cường quốc".

Vì vậy, Giáo sư Vuving đánh giá chuyến đi Trung Quốc của ông Tô Lâm là phù hợp với quy tắc bất thành văn nói trên.

Về phần mình, nhà nghiên cứu David Hutt cho rằng một cuộc gặp giữa ông Tô Lâm, ông Biden và bà Harris sẽ chủ yếu "mang tính chất biểu tượng".

Đối với các điểm đến của ông Tô Lâm kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước và sau đó là kiêm chức vụ tổng bí thư, ông David Hutt cho rằng Trung Quốc là điểm đếm "hợp lý" vì chuyến đi Bắc Kinh có thể đã được lên kế hoạch vài tháng từ trước khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời vào ngày 19/7.

"Thời điểm đó, xét về mặt thời gian, thì về khía cạnh nghi thức ngoại giao hơn là có bất kỳ thay đổi đột ngột gì trong định hướng chính sách ngoại giao của Hà Nội", ông David Hutt viết trên The Diplomat.

Trong bài viết ngày 19/8 trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng nhận định chính sách ngoại giao của Việt Nam "sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể" sau khi ông Tô Lâm lên nắm quyền.

"Ông Tô Lâm sẽ tiếp tục nền ngoại giao cây tre của ông Trọng. Với xuất thân làm trong ngành công an, ông Tô Lâm có thể dễ dàng làm việc với các nhà lãnh đạo chuyên chế như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Việt Nam sẽ phớt lờ mối gắn kết với các quốc gia phương Tây".

Về phần mình, hôm 29/8, ông Tô Lâm nhấn mạnh ngoại giao Việt Nam phải vươn lên tầm cao mới để là "đội quân tiên phong" với mục tiêu "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, vì Đảng vững mạnh, vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân".

Dưới thời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam cũng đang có một số bước đi đáng chú ý, chẳng hạn như chuyến thăm Philippines của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng quốc phòng, vào hôm 30/8. Có thông tin ông Giang cũng sẽ thăm Mỹ trong thời gian tới.

Nguồn : BBC, 31/08/2024

*****************************

Đại tướng Phan Văn Giang : thăm Philippines xong 'sẽ thăm Mỹ'

BBC, 30/08/2024

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. nhấn mạnh về tình đoàn kết trong ASEAN trong vấn đề Biển Đông tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang ở thủ đô Manila vào ngày thứ Sáu 30/8.

tham4

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. tại cuộc gặp ở thủ đô Manila vào thứ Sáu 30/8

Việt Nam và Philippines đã ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương trong khuôn khổ chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang đến thủ đô Manila vào thứ Sáu 30/8.

Theo Philippine News Agency, hãng thông tấn của chính phủ Philippines, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã nói rằng chuyến thăm của Đại tướng Phan Văn Giang sẽ tạo "một động lực mới" cho việc tăng cường quan hệ về mặt quốc phòng, hàng hải và thương mại giữa hai nước.

Phát biểu của ông Ferdinand Marcos Jr. được đưa ra sau khi ông Phan Văn Giang đến chào xã giao ông Marcos Jr tại Điện Malacañang, nơi ở và làm việc của Tổng thống Philippines.

Theo lời ông Marcos Jr., chuyến thăm của ông Giang đến Philippines đánh dấu một "thời điểm rất quan trọng" trong lịch sử giữa Việt Nam và Philippines.

"Mối quan hệ [giữa hai nước] vẫn luôn có những bước tiến, từ chỗ chỉ có quan hệ ngoại giao, hiện hai nước đã có hợp tác về quốc phòng và an ninh ... và cả trong lĩnh vực thương mại", ông Marcos nhấn mạnh.

Sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong năm 2024

Về phần mình, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh hai quốc gia đã có những cuộc đối thoại "rất tích cực", đặc biệt liên quan đến các cuộc thảo luận giữa hải quân hai nước.

Đại tướng Phan Văn Giang nói quan hệ Đối tác Chiến lược của hai nước tiếp tục được củng cố theo sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến Hà Nội (từ 29 đến 30/1/2024).

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Đại tướng Phan Văn Giang đến Philippines kể từ khi được bổ nhiệm chức vụ bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 8/4/2021.

Ông Phan Văn Giang thăm Philippines theo lời mời của Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, sau cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng diễn ra vào chiều ngày thứ Sáu 30/8 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Philippines, Bộ trưởng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Gilberto Teodoro Jr. đã ký "Ý định thư giữa hai Bộ Quốc phòng về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa đường biển ; Ý định thư giữa hai Bộ Quốc phòng về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân y".

Theo Nikkei Asia, Philippines và Việt Nam có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng trước thời điểm cuối năm nay, xem đây là "những thỏa thuận an ninh toàn diện nhất" giữa hai nước cho đến thời điểm hiện tại.

"Chúng tôi sẽ ký một biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng trong năm nay. Hy vọng là kịp vào thời điểm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12)", Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Gilberto Teodoro Jr.

Ông Gilberto Teodoro Jr. cũng mô tả chuyến thăm của ông Phan Văn Giang đến Philippines là "một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử giữa hai nước".

"Chúng tôi cùng đối mặt với những mối đe dọa chung, nên chúng tôi sẽ cùng phối hợp để đối phó theo tinh thần đoàn kết của ASEAN", Bộ trưởng quốc phòng Philippines tuyên bố trong cuộc họp báo sau buổi ký kết các thỏa thuận hợp tác với Đại tướng Phan Văn Giang.

Ông Gilberto Teodoro Jr. "nhấn mạnh tinh thần đoàn kết ASEAN" trong bối cảnh đã xuất hiện các nhận định rằng Trung Quốc sẽ tăng cường chiến lược "chia để trị"  trong khu vực sau khi Việt Nam và Philippines lần đầu tập huấn chung trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, có nhận định cho rằng Trung Quốc cũng "cảnh giác" khi Nhật Bản có những động thái tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam và Philippines.

tham5

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang trong lễ đón tại trụ sở Bộ Quốc phòng Philippines ở thủ đô Manila vào ngày thứ Sáu 30/8 - Ted Aljibe/AFP/Getty Images

Chuyến thăm của ông Phan Văn Giang đến Philippines diễn ra vào thời điểm căng thẳng vẫn âm ỉ trên Biển Đông và không loại trừ nguy cơ leo thang xung đột khi Trung Quốc tiếp tục cử các đội tàu cảnh sát biển đông đảo đến các vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

Trước chuyến đi của ông Phan Văn Giang đến Manila, nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill thuộc Trường Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) nhận định với BBC tiếng Việt vào hôm thứ Tư 28/8 rằng đây sẽ là "bước tiến đáng kể" trong quan hệ song phương.

"Từ tháng 8 cho đến nay, Trung Quốc đã có hành động gây hấn đối với các tàu của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".

"Nếu Philippines và Việt Nam có thể đạt được sự đồng thuận về một mô hình an ninh chung trên biển thì có thể khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc tiếp tục hành động hung hãn".

"Đây là một bước tiến quan trọng để hai quốc gia láng giềng trong Đông Nam Á cải thiện việc xây dựng niềm tin và hợp tác trong bối cảnh chia rẽ nội bộ ngày càng gia tăng giữa các quốc gia Đông Nam Á", ông Don McLain Gill nhận xét.

Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược với Philippines từ năm 2015 và luôn khẳng định hai nước là "bạn bè tốt, đối tác tốt của nhau".

Hai nước đang hướng tới dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược (2015-2025) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2026).

Vào hôm 9/8, Việt Nam và Philippines đã thực hiện một đợt huấn luyện chung trên biển về tìm kiếm và cứu hộ cũng như phòng chống cháy nổ giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Cuộc tập huấn được nhiều nhà quan sát trong khu vực nhận định là dấu mốc "lịch sử"  và là bước đi cụ thể hóa những gì hai bên đã cam kết.

Ngay khi có thông tin Cảnh sát biển Việt Nam sẽ diễn tập chung với Philippines, vào đầu tháng 8, Trung Quốc đã hai lần cho máy bay không người lái  bay cách bờ biển Việt Nam 100km tới ngang khu vực Nam Trung Bộ.

Trong một diễn biến khác, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang "sẽ đến thủ đô của Mỹ từ ngày 7 đến 9/9 để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước". VOA cho biết thông tin này được một cán bộ tại Bộ Quốc phòng Việt Nam và một quan chức Mỹ, cả đều không muốn nêu danh tính vì chuyến đi chưa được công bố chính thức, tiết lộ.

Nguồn : BBC, 30/08/2024

*****************************

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thăm Philippines và ký các thỏa thuận hợp tác

BBC, 29/08/2024

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. nói ông và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang sẽ ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng.

tham6

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr.

Đại tướng Phan Văn Giang sẽ thăm Philippines vào thứ Sáu 30/8. Thông tin này được Philippine News Agency, hãng thông tấn của chính phủ Philippines, đăng tải hôm 28/8.

Chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang sẽ bao gồm việc ký kết các thỏa thuận "giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng và quân sự giữa hai quốc gia".

'Bước tiến quan trọng'

Thông tấn xã Philippines dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. phát biểu tại Hội nghị Hoạt động và Luật Quân sự Quốc tế vào thứ Ba 27/8 :

"Về cấp độ nhà nước, Việt Nam là một trong những nước mà tổng thống của chúng ta (Ferdinand R. Marcos Jr.) có chuyến công du để thắt chặt quan hệ song phương, trong nội bộ khối ASEAN và tôi tin rằng bước tiến trong vấn đề Biển Đông đã được tổng thống của chúng ta và chủ tịch nước Việt Nam trao đổi vào thời điểm đó. Vì vậy, (chúng ta) có thể thấy một nền tảng hợp tác vững chắc để xây dựng niềm tin".

Trước đó, vào hôm 9/8, Việt Nam và Philippines đã thực hiện một đợt huấn luyện chung trên biển về tìm kiếm và cứu hộ cũng như phòng chống cháy nổ giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Cuộc tập huấn hôm 9/8 giữa Việt Nam và Philippines được nhiều nhà quan sát trong khu vực nhận định là dấu mốc "lịch sử" và là bước đi cụ thể hóa những gì hai bên đã cam kết.

Hồi tháng 1, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến Hà Nội (29 đến 30/1/2024), hai nước đã ký kết năm thỏa thuận hợp tác, trong đó có có :

- Biên bản ghi nhớ Việt Nam-Philippines về phòng ngừa và quản lý sự cố trên Biển Đông ;

- Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Philippines từ năm 2015 và luôn khẳng định hai nước là "bạn bè tốt, đối tác tốt của nhau".

tham7

Tàu CSB 8002 dài 90 mét của Cảnh sát biển Việt Nam đã cập cảng Manila hôm 5/8, sau đó cùng với tàu tuần tra ngoài khơi BRP Gabriela Silang tham gia diễn tập mô phỏng về chữa cháy, cứu nạn và ứng phó y tế vào ngày 9/8.

Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill thuộc trường Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) nhận định với BBC tiếng Việt vào hôm thứ Tư 28/8 rằng các thỏa thuận hợp tác sắp được ký kết giữa Việt Nam và Philippines sẽ có "trọng tâm đặc biệt về phối hợp an ninh hàng hải".

Ông đánh giá đây sẽ là "bước tiến đáng kể" trong quan hệ song phương giữa hai nước.

"Cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Philippines sắp diễn ra vào thời điểm quan trọng. Từ tháng 8 cho đến nay, Trung Quốc đã có hành động gây hấn đối với các tàu của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".

"Nếu Philippines và Việt Nam có thể đạt được sự đồng thuận về một mô hình an ninh chung đối với ranh giới hàng hải thì có thể khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc tiếp tục những hành động hung hãn".

"Đây là một bước tiến quan trọng để hai quốc gia láng giềng trong Đông Nam Á cải thiện việc xây dựng niềm tin và hợp tác trong bối cảnh chia rẽ nội bộ ngày càng gia tăng giữa các quốc gia Đông Nam Á", ông Don McLain Gill nhận xét.

Trước đó, vào hôm 6/8, ông Don McLain Gill khi trả lời BBC News tiếng Việt cũng đánh giá rằng "lợi ích của Trung Quốc là một Đông Nam Á bị chia rẽ".

Hồi đầu tháng 8, khi có thông tin Cảnh sát biển Việt Nam sẽ diễn tập chung với Philippines, Trung Quốc đã hai lần cho máy bay không người lái bay cách bờ biển Việt Nam 100km tới ngang khu vực Nam Trung Bộ.

Trong ASEAN, Philippines là nước cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông trong bối cảnh họ đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ.

Bãi Sa Bin là một điểm nóng mới xuất hiện trong tranh chấp hàng hải kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines.

Các nhà quan sát lo ngại rằng tranh chấp giữa hai nước cuối cùng có thể dẫn đến một cuộc đối đầu lớn hơn trên Biển Đông.

Bãi Sa Bin, tên tiếng Anh là Sabina Shoal, được Trung Quốc gọi là Rạn Tiên Tân (Xianbin Jiao) và phía Philippines gọi là Escoda, nằm cách bờ biển phía tây của Philippines khoảng 75 hải lý (gần 140 km) và cách Trung Quốc 630 hải lý (gần 1.170 km).

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Teodoro cũng kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế để Manila thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở Biển Tây Philippines, tên gọi mà Philippines đặt cho một phần của Biển Đông.

Ông nhấn mạnh Philippines không đang chỉ đơn thuần gìn giữ chủ quyền của mình mà đây là "một phép thử về cách diễn giải mang tính đồng thuận của một thế giới văn minh đối với luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển", theo thông cáo ngày thứ Tư 28/8 từ Thông tấn xã Philippines.

Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng vệ chung và Washington đã cam kết giúp Manila chống lại các cuộc tấn công có vũ trang nhằm vào tàu bè và binh sĩ của quốc gia này tại Biển Đông.

Nguồn : BBC, 29/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)