Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/06/2024

Mỹ lấn cấn về các quyền tự do của người Việt Nam

RFA tổng hợp

Phúc trình về Tự do tôn giáo Quốc tế 2023 của Hoa Kỳ : Việt Nam vẫn vi phạm, giới hạn quyền này

RFA, 27/06/2024

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken vào ngày 26/6 (giờ miền Đông nước Mỹ) chính thức công bố phúc trình thường niên năm 2023 về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới, trong đó có phần về Việt Nam.

tudotongiao1

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken công bố phúc trình thường niên năm 2023 về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới (26/06/2024)

Đối với Việt Nam, phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại dù Hiến pháp nước này quy định rõ mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo, luật lại cho phép chính phủ kiểm soát đáng kể việc hành đạo cũng như có những điều khoản mơ hồ cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo theo lý do an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc. Giới chức địa phương được phép ra những quyết định võ đoán về yêu cầu đăng ký và công nhận đối với những nhóm tôn giáo hoặc nơi thờ phượng mới.

Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo của Việt Nam duy trì quy định về tiến trình đăng ký và công nhận qua nhiều giai đoạn đối với các nhóm tôn giáo mà mỗi giai đoạn trong tiến trình này đều phải có quyết định riêng.

Phúc trình ghi nhận có hai tổ chức tôn giáo mới được cơ quan chức năng Việt Nam công nhận sau hơn bốn năm không có công nhận mới nào.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn lại báo cáo của các Tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) và các tín hữu về những trường hợp giới chức Nhà nước xâm phạm thể lý tín đồ các nhóm tôn giáo thiểu số; đặc biệt người sắc tộc tại Tây nguyên và Tây Bắc, dù không rõ những trường hợp được báo cáo như thế chỉ liên quan duy nhất đến niềm tin tôn giáo.

Việt Nam tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì can dự hoặc dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Nguồn : RFA, 27/06/2024

*************************

Dự án 88 : Bộ Ngoại giao Mỹ nâng hạng Việt Nam trong Báo cáo buôn người là "vô lương tâm" !

RFA, 26/06/2024

Báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố đã vấp phải chỉ trích của tổ chức Dự án 88 (Project 88), cho rằng Mỹ đã nâng hạng cho Việt Nam với mục đích chính trị và đề nghị minh bạch các tài liệu liên quan đến quyết định này.

nhanquyen1

Những người phụ nữ Việt lao động tại Saudi Arabia kêu cứu - BPSOS/CAMSA International

Hôm 26/6, tổ chức chuyên tập trung vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam gửi thông cáo báo chí cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam được nâng lên Cấp 2 (Tier 2) từ Danh sách theo dõi Nhóm 2 (Tier 2 Watch list) trong báo cáo phát hành năm 2023.

"Cấp 2" bao gồm các quốc gia chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về xóa bỏ nạn buôn người nhưng "đang nỗ lực đáng kể để tuân thủ".

Trong khi đó, "Danh sách theo dõi Nhóm 2" đề cập đến các quốc gia nơi số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng với ít nỗ lực chống lại nạn buôn người. 

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ bày tỏ : 

"Bộ Ngoại giao nên công bố tất cả các tài liệu nội bộ liên quan đến quyết định nâng hạng của Việt Nam trong báo cáo về Buôn người (TIP) năm 2024 để hỗ trợ cho tuyên bố của mình rằng quyết định này không mang tính chính trị".

Quyết định nâng hạng mang tính chính trị

Trong phúc trình năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tổng thể ngày càng tăng so với kỳ báo cáo trước trong phòng chống nạn buôn người, tuy nhiên, Dự án 88 nói rằng trước đó đã cung cấp bằng chứng với thông tin hoàn toàn trái ngược với đánh giá này.

Sau khi cung cấp thông tin về thực tế nạn buôn người ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ, Dự án 88 đã công bố báo cáo với tựa đề "Có phải Bộ Ngoại giao giúp Việt Nam trong vấn đề buôn người ?" trong đó tổ chức này đã phân tích tài liệu nội bộ của Chính phủ Việt Nam và chỉ ra rằng Hà Nội đã không trừng phạt các quan chức chính phủ liên quan đến nạn buôn người, chính trị hoá việc phòng chống vấn nạn này bằng cách sử dụng đòn bẩy ngoại giao với Hoa Kỳ để nâng cấp thứ hạng TIP của mình, và lừa dối Hoa Kỳ về nỗ lực giải quyết nạn buôn người của mình.

Trong buổi họp báo công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu, khi bị chất vấn bởi Dự án 88 về việc nâng hạng cho Việt Nam, bà Cindy Dyer- Đại sứ lưu động Hoa Kỳ phụ trách Giám sát và Chống buôn bán người giải trình rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người, cũng như tăng cường điều tra, truy tố và kết án những kẻ tình nghi buôn người.

Michael Altman-Lupu, nhà nghiên cứu Nhân quyền của Dự án 88, được trích dẫn cho biết :

"Chính phủ Việt Nam đã cố tình đánh lừa Bộ Ngoại giao về quy mô và bản chất của nạn buôn người trong nước cũng như những nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ vấn đề này.

Những lời biện minh mà Bộ Ngoại giao đưa ra để nâng cấp trạng thái TIP của Việt Nam thật buồn cười. Với những bằng chứng do Dự án 88 đưa ra, lời giải thích khả thi duy nhất cho công việc nâng cấp là Bộ Ngoại giao đã chính trị hóa báo cáo TIP để mang lại lợi ích cho Việt Nam".

Dự án 88 nói theo tài liệu mà tổ chức này nhận được nhưng RFA không thể kiểm chứng độc lập, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức (Chánh văn phòng Bộ Công an- PV) tuyên bố rằng phía Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã làm việc với Bộ Công an để bao che cho các quan chức này.

Vì điều này sẽ phản ánh không tốt về Việt Nam nên ông này khuyến nghị chính phủ "không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào (về vụ việc) để tránh phức tạp".

Tổ chức này cho biết đã trình bày những phát hiện của mình với các quan chức Bộ Ngoại giao, các quan chức đại sứ quán và các thành viên của Văn phòng Giám sát và Chống Buôn bán Người trong Bộ Ngoại giao Mỹ, tuy nhiên, không một quan chức nào chỉ ra những gì, nếu có, đã được thực hiện để điều tra các cáo buộc.

Dự án 88 nhận định, dường như tính trung thực của báo cáo TIP đã bị hy sinh như một phần của chiến lược địa chính trị nhằm lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc, báo cáo này chỉ đơn thuần dựa vào các tiêu chí khách quan nhưng đã bị chính trị hóa.

"Theo Chính phủ Việt Nam, ‘việc nâng hạng Việt Nam và quyết định trước đó không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam khi xếp vào Cấp 3 trong Báo cáo TIP 2022 cho thấy Mỹ coi trọng sự hợp tác tổng thể với Việt Nam’.

Việc các quan chức Mỹ miễn cưỡng xác minh những tuyên bố trong các tài liệu mà Dự án 88 thu được cho thấy rằng các quan chức Mỹ có thể đồng lõa trong nỗ lực chính trị hóa báo cáo của Việt Nam," thông cáo báo chí của Dự án 88 khẳng định.

Không cho xã hội dân sự trợ giúp nạn nhân buôn người

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng biện minh cho việc nâng hạng của Việt Nam là Hà Nội đã làm được nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân buôn người. Tuy nhiên, Dự án 88 dựa theo tài liệu mà tổ chức này nhận được cho rằng Thiếu tướng Đặng Hồng Đức đã đề nghị Chính phủ không cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài trực tiếp thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân buôn người ở Việt Nam.

"Có vẻ như Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các bước để hạn chế các dịch vụ trợ giúp cho nạn nhân buôn người và khả năng các tổ chức quốc tế tiếp cận những nạn nhân này, thay vì mở mọi con đường để bảo đảm nạn nhân nhận được hỗ trợ đầy đủ," Dự án 88 nói.

Theo tổ chức này thì khuyến nghị của ông Đức nhất quán với các chính sách và thực tiễn gần đây của nhà nước đã hạn chế khả năng của các nhóm xã hội dân sự trong việc nhận viện trợ và hoạt động từ nước ngoài.

Trong Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị tháng 7 năm ngoái, ban lãnh đạo Việt Nam bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của nước ngoài và các cuộc cách mạng màu, đồng thời ra lệnh cho lực lượng an ninh trấn áp xã hội dân sự và hạn chế hợp tác quốc tế.

Phóng viên gửi email cho Quỹ trẻ em Blue Dragon, một tổ chức phi chính phủ chuyên về từ thiện giúp đỡ trẻ em đường phố và giải cứu nạn nhân khỏi nạn nô lệ và nạn buôn người ở Việt Nam, để hỏi về phúc trình của Mỹ, tuy nhiên tổ chức này từ chối bình luận.

Câu hỏi cũng được gửi cho Bộ Ngoại giao của cả Hoa Kỳ và Việt Nam về những vấn đề được Dự án 88 nêu ra trong thông cáo báo chí, tuy nhiên chưa lập tức nhận được phản hồi.

Nguồn : RFA, 26/06/2024

***************************

Luật sư bị khởi tố theo Điều 391 khi phiên tòa đã chấm dứt : Có hợp lệ ?

RFA, 26/06/2024

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư Cần Thơ ới đây bị ông Trần Trí Dũng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh này - ký văn bản gửi thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị khởi tố do có dấu hiệu gây rối trật tự phiên tòa. 

nhanquyen2

Thế nào là gây rối trật tự phiên tòa khi lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa đã chấm dứt ?

Thiếu cơ sở, tạo cớ để buộc tội ?

Theo truyền thông Nhà nước, văn bản kiến nghị khởi tố nêu rõ, sau khi nghe hội đồng xét xử đọc phần nhận định và tuyên án thì luật sư này cùng với thân chủ của mình đã có hành vi gây rối, có thái độ và cư xử vi phạm pháp luật. Theo ông Dũng, hành động có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự phiên tòa theo Điều 391 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có hơn 20 năm hành nghề luật sư trong nước cho rằng, thông tin từ truyền thông trong nước đưa thiếu chi tiết, dễ tạo sự hiểu lầm đối với công chúng về sự việc, khi cho rằng, luật sư đã có hành vi thiếu chuẩn mực trong khi tòa án đang xét xử. Ông phân tích :

"Khi tôi được xem vài hình ảnh cắt ra từ camera thì cho thấy sự việc hoàn toàn khác hẳn. Thực tế, có hai chi tiết cần lưu ý : Thứ nhất là luật sư đập bàn sau khi lời tuyên án của chủ tọa phiên tòa đã chấm dứt. Khi ấy, một nữ thẩm phán đã ngồi xuống và đang sử dụng điện thoại di động. Thứ hai, luật sư chỉ tay về phía hội đồng xét xử, khi ấy các thành viên của hội đồng xét xử đã rời ghế ngồi.

Về phương diện pháp lý, phiên tòa được thiết lập với mục đích xét xử vụ án. Khi chủ tọa đọc hết lời tuyên án trong bản án, thì phiên tòa cũng đã chấm dứt tức thì vì mục đích thiết lập phiên tòa đã hoàn thành. Khi ấy, hội đồng xét xử không còn gì để xét xử cả ngoài việc rời khán phòng. Luật sư có hành vi gì đi nữa vào lúc này thì cũng nằm ngoài phạm vi phiên tòa xét xử. Do đó, cáo buộc luật sư tội danh "Gây rối trật tự phiên toà" theo Điều 391 Bộ luật hình sự là không có cơ sở, vì thiếu yếu tố định danh "phiên tòa".

Hơn nữa, nếu cho rằng phiên tòa chưa chấm dứt, thì sẽ không thể giải thích được lý do tại sao một nữ thẩm phán đã ngồi xuống và đang sử dụng điện thoại ? Ngoài ra, quy chụp hành vi của luật sư bao gồm đập bàn và chỉ tay là hoàn toàn thái quá so với một hành vi tội phạm theo điều luật".

Một luật sư đang hành nghề ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh, cho biết quan điểm của ông với RFA về sự việc trên :

"Bây giờ họ mạnh tay hơn với các luật sư với mục đích răn đe các luật sư dám lên tiếng với các vấn đề luật pháp và xã hội. Họ muốn tăng vị thế của họ bằng cách đó vì quyền lực nằm trong tay họ. Tôi hành nghề hơn chục năm nay thì tôi chưa thấy trường hợp nào bị khởi tố vì hành vi như thế cả. Có chăng là họ đuổi ra khỏi toà. Hơn nữa, khi toà tuyên án xong, tức phiên toà đã chấm dứt thì về mặt nguyên tắc, phản ứng của thân chủ hay của luật sư như thế là không phạm luật gì cả.

Theo tôi, họ muốn "diệt từ trong trứng" phản ứng của luật sư, mà dễ nhất là trường hợp này vì họ lấy cớ nó xảy ra ngay trong phòng xử, dù không phải trong phiên tòa".

Xâm phạm quyền của luật sư

Theo quy trình xét xử tại tòa thì bản án, quyết định của tòa án là phán quyết sau cùng đánh dấu sự kết thúc của quá trình xét xử vụ án.

Điều 391 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác hoặc người tham gia phiên tòa có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm ; nếu hành hung Thẩm phán, Hội thẩm, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác, hoặc hành vi dẫn đến phải dừng phiên tòa thì bị phạt tù.

Với sự việc trên, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng :

"Theo luật về tòa án thì không cho phép hội đồng xét xử được phép khởi tố bất kỳ vụ án nào trong phiên tòa xét xử. Thế nên việc một luật sư tranh cãi với tòa án, mà tòa án lại khởi tố để bịt miệng luật sư thì điều này nó xâm phạm quyền của luật sư.

Nếu luật sư có vi phạm vấn đề về đạo đức hay lời lẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của việc tranh luận thì có hai mức. Thứ nhất là trong phiên tòa có đại diện Viện kiểm sát. Viện này giữ hai quyền, một là quyền công tố trước phiên tòa, hai là quyền giám sát quy trình xét xử của phiên tòa đó.

Lẽ ra, vị đại diện Viện kiểm sát phải có trách nhiệm nhắc nhở người luật sư kia nếu trong quá trình xét xử, người luật sư đã vượt quá thẩm quyền, hay vượt quá hành vi đạo đức của người luật sư. Nó không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, của ông chủ tọa, ông thẩm phán hay thành viên Hội đồng xét xử".

Với sự việc vừa xảy ra như nêu trên, có ý kiến chia sẻ rằng, việc kiến nghị khởi tố luật sư, mục đích nhằm hạ uy tín luật sư. Điều này đã từng xảy ra với nhóm luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai.

Cụ thể, cách đây hơn hai tháng, hai luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh với lý do được nói là do nợ phí thành viên liên tục nhiều năm.

Hai luật sư này nằm trong nhóm năm luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai, từng nhiều lần nhận giấy triệu tập từ công an Long An với lý do được nêu là có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

Luật sư Trần Văn Sỹ bị án hai năm tù với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật hình sự. Vị luật sư này bị cho là đã thực hiện nhiều buổi live stream trực tuyến trên không gian mạng với phát ngôn có nội dung bịa đặt dù biết thông tin không đúng hoặc chưa kiểm chứng ; xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân ; công khai trên mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng và chồng Huỳnh Uy Dũng, trái quy định của pháp luật.

Hệ thống tư pháp Việt Nam được một số đại biểu Quốc hội cho là cần phải thay đổi rất nhiều. Ngay cả tân chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề cập đến ngành tư pháp, khi ông tham gia một buổi họp với Toà án nhân dân tối cao ở Hà Nội giữa tháng 6 vừa qua. Khi đó, ông Lâm phát biểu : "Cần xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời tuyệt đối không

Nguồn : RFA, 25/06/2024

Quay lại trang chủ
Read 627 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)