Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/08/2024

‘Thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ ai ?

RFA tiếng Việt

‘Công an Nhân dân cần rèn luyện để xứng đáng là thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân’.

baokiem0

‘Công an Nhân dân cần rèn luyện để xứng đáng là thanh bảo kiếm sắc bén, lá chắn thép vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân’.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm viết như vừa nêu trong thư gởi Hội thảo khoa học quốc gia ‘55 năm Công an Nhân dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh’ được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 14/8/2024.

Chính sách cũ - hiệu quả mới

Nhà báo Lê Anh Hùng từ Việt Nam hôm 16/8/2024 nhận định với RFA về câu chữ mà ông Tô Lâm sử dụng:

"Câu nói này xưa nay người ta vẫn nói, bây giờ ông Tô Lâm nói cũng chỉ là lặp lại lời nói của các vị tiền nhiệm, các lãnh đạo trước ông Tô Lâm, điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong hệ thống chính trị ở Việt Nam thì bao giờ người ta cũng ưu tiên đặt Đảng lên trước Tổ quốc, trước Nhân dân... Cho nên ông Tô Lâm có nói thanh kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, rồi mới đến bảo vệ Nhân dân cũng là điều rất bình thường, chẳng có gì bất ngờ cả".

Theo ông Lê Anh Hùng, đây cũng là sự thận trọng của một vị lãnh đạo mới lên, mới đảm nhiệm vị trí đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam, cho nên không có gì khó hiểu khi ông Tô Lâm viết như vậy.

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhiều lần nói ‘Quân đội và công an là hai lực lượng thanh kiếm và lá chắn, hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước’.

Nhìn nhận về sự việc trên, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ nước Đức nói với RFA hôm 16/8/2024:

"Trước đây thời ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư trong mỗi lần Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, hay Hội nghị Quân ủy Trung ương cũng đều nhấn mạnh việc quân đội và công an là ‘thanh kiếm và lá chắn’ để bảo vệ đảng bảo vệ chế độ. Nhưng thời ông Tô Lâm thì không hẳn như vậy, có lẽ lực lượng công an bây giờ gần như bảo vệ quyền lực của ông Tô Lâm là chính. Thậm chí những cơ quan khác trong hệ thống chính trị, từ Bộ chính trị, Ban bí thư, kể cả Ban chấp hành Trung ương... cho đến Quốc Hội... chúng ta đã chứng kiến thực tế xảy ra trong vài tháng vừa qua, khi những gì bản thân ông Tô Lâm muốn, hay Bộ Công an muốn... thì những cơ quan quyền lực như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị và Quốc hội đều phải làm theo họ".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, bây giờ công an không còn là ‘thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ đảng hay chế độ nữa, mà nó chỉ bảo vệ cho quyền lực cá nhân của ông Tô Lâm là chủ yếu.

Dân trị dân sẽ ra sao ?

Một Nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 16/8/2024 khi trả lời RFA cho biết, ‘Thanh kiếm và lá chắn’ thật ra là tựa một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga - Vadim Kozhevnikov, kể về câu chuyện tình báo thời xô viết trong bối cảnh đệ nhị thế chiến, thanh kiếm là để tấn công, lá chắn là để bảo vệ tổ quốc. Đó là nguồn gốc của câu ‘thanh kiếm và lá chắn’ đã có từ rất lâu, cho đến khi ông Nguyễn Phú Trọng dùng câu này thì người ta nghe như một sự mới mẻ, chứ thật ra chẳng mới gì. Tuy nhiên theo nhà báo này, ông Trọng đã dùng sai so với bối cảnh chiến tranh trong cuốn tiểu thuyết, ông Trọng dùng là trong bối cảnh Việt Nam chỉ mới khoảng tám năm thôi.

Vị Nhà báo này cho biết thêm :

"Ông Trọng dùng ‘thanh kiếm và lá chắn’ để ca ngợi hai lực lượng quân đội và công an đã bảo vệ chế độ chống lại thế lực thù địch. Bây giờ tới ông Tô Lâm sử dụng lại câu này, tuy nhiên ông Tô Lâm đã bỏ mất lực lượng quân đội mà chỉ dùng ‘thanh kiếm và lá chắn’ cho lực lượng công an... Ở đây ông Tô Lâm với tư cách Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nó nổi lên tính chất công an trị rất rõ, thay vì pháp trị. Tôi muốn nhấn mạnh, công an trị dưới thời ông Tô Lâm sẽ được triệt để và có phần khốc liệt hơn so với thời trước. Bởi vì có thể nói bây giờ ông Tô Lâm đã thu tóm quyền bính thật sự trong tay, đặc biệt là ổng thao túng được lực lượng công an".

Cũng theo vị nhà báo này, công an trị sẽ dựa trên hai yếu tố căn bản. Thứ nhất là trấn áp. Thứ hai là biến dân trở thành công cụ, tức là dùng dân trị dân và biến từng người dân trở thành công cụ thay mặt cho công an, để mà công an "trị" dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn và trên hết là đội ngũ công an sẽ không phải mang nhiều điều tiếng trước dư luận xã hội.

Tuy vậy, nhà báo này cho rằng "chiêu công an trị" của tân Tổng bí thư sẽ khiến cho xã hội ù lì. Ông lý giải :

"Tuy nhiên chính sách dùng dân trị dân bề ngoài sẽ làm cho có vẻ là xã hội yên ắng, nhưng thật ra đó là một xã hội ù lì và một xã hội đang liệm dần. Bởi vì chính sách dùng dân trị dân nguy hại của nó là phá nát nhân tâm, từng người dân có quyền theo dõi nhau, rình mò nhau... ngay trong gia đình, nhóm bạn, hàng xóm, đồng nghiệp... Chính vì vậy có thể nói nó len lõi vào trong những cái tế bào quan trọng của xã hội, và ai cũng trở nên rình mò lẫn nhau để đạt được những lợi ích cho cá nhân".

Nhà báo này cho rằng, câu chuyện ông đề cập như trên, nghĩa là dùng dân trị dân, sẽ quay trở lại như thời ông Vũ Thư Hiên đã viết tác phẩm ‘Đêm giữa ban ngày’... tức là từng người dân sẽ trở thành mật thám. Và đó, theo ông là điều nguy hại của chính sách công an trị. Nó sẽ làm phá nát nhân tâm, đố kỵ, rình mò và không ai tin ai. Một xã hội như vậy tưởng rằng yên lành, nhưng thật ra nó là một xã hội điêu tàn. Vì vậy nhà báo này cho rằng, cần phải có một thời gian, để xem tác hại của đường lối công an trị, từ tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm.

Nguồn : RFA, 16/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 266 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)