Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/08/2024

Tổng Chủ Tô Lâm chỉ đạo công tác nhân sự Đại hội 14

BBC tiếng Việt

Điểm đáng chú ý trong chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về công tác nhân sự Đại hội 14

Sáng 21/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban Nhân sự, định hướng vấn đề nhân sự cho Đại hội 14 dự kiến diễn ra vào quý 1/2026.

chidao1

Ông Tô Lâm, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 của Đảng cộng sản Việt Nam

Đây là phiên họp thứ 2 của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14. Tham dự phiên họp gồm các thành viên Tiểu ban là ủy viên Bộ Chính trị : Thủ tướng Phạm Minh Chính ; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cùng các thành viên tổ giúp việc của Tiểu ban Nhân sự.

Với lời khẳng định kế thừa di sản của ông Trọng khi nhậm chức tổng bí thư nên những chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về công tác nhân sự có nhiều điểm tương đồng với người tiền nhiệm, khi nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của tiểu ban này.

Ông Tô Lâm còn nói rằng công tác nhân sự Đại hội Đảng "phải làm khẩn trương, thận trọng, phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ; phải bảo đảm duy trì vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nhân sự được xem xét lựa chọn phải là cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng".

Một điểm khác biệt trong những chỉ đạo của tân tổng bí thư là chi tiết "phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng". Vấn đề "đoàn kết" trong nội bộ được ông Tô Lâm nhắc đi nhắc lại, xuyên suốt trong các phát ngôn của mình.

Cụ thể, trong diễn văn nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 22/5, ông Tô Lâm đã "hứa đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt…".

Vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng không được nhấn mạnh trong các bài phát biểu của các đời chủ tịch nước gần đây. Các ông Võ Văn Thưởng, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Đại Quang khi nói đến "đoàn kết" thì thường là "đoàn kết dân tộc" hay "tinh thần đoàn kết" nói chung, chứ không nêu vấn đề đoàn kết trong nội bộ Trung ương Đảng, trong Bộ Chính trị hay Tứ Trụ.

Vào ngày 3/8, sau khi được Ban Chấp hành Trung ương bầu giữ chức tổng bí thư, ông Tô Lâm cũng đề cập đến việc "không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng" trong bài phát biểu của mình.

Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14

Theo báo chí Việt Nam, nội dung phiên họp thứ hai của Tiểu ban Nhân sự gồm việc cho ý kiến với dự thảo báo cáo, tờ trình của Bộ Chính trị tổng kết nhân sự Trung ương Đảng khóa 13 và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Trung ương Đảng khóa 14.

Bên cạnh đó là dự thảo phương hướng công tác nhân sự Trung ương Đảng khóa 14 để trình xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi lấy ý kiến góp ý của cấp ủy, tổ chức, cơ quan theo quy định.

Với vai trò là Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 của Đảng, ông Tô Lâm nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thống nhất nhận thức về vị trí, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ và việc chuẩn bị nhân sự Đại hội 14.

Ông cũng đề cập việc kế thừa tư tưởng, định hướng lớn và cụ thể của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tân tổng bí thư cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự là "đặc biệt quan trọng, khó khăn, nhạy cảm", mang tính quyết định thành công của đại hội sắp tới.

Theo diễn giải của Đảng cộng sản Việt Nam, Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 có nhiệm vụ xây dựng phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương ; kế hoạch giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng - ở đây là vị trí "Tứ Trụ".

Có thể hiểu, Tiểu ban Nhân sự có trách nhiệm giới thiệu, kiểm tra, chốt hạ, tức thống nhất trước khi trình ra tập thể đại hội, cả nhân sự cấp chiến lược gồm Tứ Trụ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trưởng các ban đảng, trưởng bộ ngành, bí thư 63 tỉnh, thành....

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC hồi tháng 5 với điều kiện ẩn danh là Tiểu ban Nhân sự quyết định quy trình lựa chọn cán bộ chiến lược trước mỗi kỳ đại hội, để đảm bảo tính kế thừa và ổn định của bộ máy nhân sự cấp cao, đặc biệt là Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

"Tiểu ban Nhân sự quyết định cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn của các vị trí chủ chốt, nên về cơ bản, Tiểu ban Nhân sự là cửa soát vé quan trọng nhất của Trung ương Đảng về vấn đề nhân sự trước đại hội", người này nói.

chidao2

Tứ trụ (thực ra la tam trụ) hiện tại : Phạm Minh Chính (Thủ tướng), Trần Thanh Mẫn (Chủ tịch quốc hội), Tô Lâm (Tổng bí thư, Chủ tịch nước)

Trưởng Tiểu ban Nhân sự có trách nhiệm điều phối công việc của tiểu ban và có thể giới thiệu nhân sự tổng bí thư, nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các ủy viên khác của tiểu ban cũng có quyền giới thiệu, lựa chọn và tất cả cùng đánh giá.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị từ Hà Nội, từng nói về quy trình làm việc của tiểu ban này với BBC như sau :

"Tiểu ban Nhân sự sẽ lên một danh sách nhân sự gồm các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước cho khóa 14. Quyết định về nhân sự là quyết định tập thể".

Cũng cần lưu ý rằng, phương án nhân sự các chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng được xếp vào dạng "tuyệt mật", theo Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020.

Việc các thành viên trong Tiểu ban Nhân sự phải giữ bí mật tuyệt đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã được cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cầm trịch tiểu ban liên tiếp ba kỳ đại hội 12, 13 và 14 - nhấn mạnh nhiều lần.

Công tác nhân sự Đại hội 14 sẽ ra sao ?

Đây là phiên họp thứ hai của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14. Phiên họp đầu tiên của tiểu ban là vào ngày 13/3, do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Tham dự phiên họp thời điểm đó có các thành viên Tiểu ban - đều là ủy viên Bộ Chính trị gồm : Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ; Thủ tướng Phạm Minh Chính ; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ; Thường trực ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Tại cuộc họp lúc bấy giờ, ông Trọng cho biết Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật "gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý". Từ thực tế đó, ông Trọng nhấn mạnh "nhiệm vụ của toàn Đảng sắp tới là rất nặng nề".

Thời điểm ông Trọng đưa ra phát ngôn này thì chưa có những cơn "địa chấn chính trị" như các vụ "xin thôi chức" của các ông Thưởng, ông Huệ và bà Mai - những ủy viên Bộ Chính trị, kiêm thành viên Tiểu ban.

Nhưng chỉ tầm một tuần sau phiên họp, ngày 20/3, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã xin thôi chức.

Đến ngày 26/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng "xin thôi". Chưa đầy một tháng sau đó, ngày 16/5, Trung ương Đảng đồng ý cho Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thôi giữ các chức vụ trong Đảng.

Trong phiên họp thứ hai của Tiểu ban vào hôm nay 21/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh phải lấy kết quả tổng kết nhân sự Trung ương Đảng khóa 13 để làm cơ sở quan trọng xây dựng phương hướng nhân sự Đại hội 14.

Thế nhưng, tính tới nay, nhân sự Đảng khóa 13 đã có tổng cộng bảy ủy viên Bộ Chính trị bị "xử lý", hàng chục ủy viên Trung ương Đảng mất chức, thậm chí bị kỷ luật và vướng vào lao lý.

chidao3

Bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức. Hàng trên từ trái qua : Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Hàng dưới : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Tính trên 180 ủy viên vào đầu khóa 13 thì tỷ lệ hao hụt cho đến nay là 14,4%, với tổng cộng 26 ủy viên Trung ương Đảng (bao gồm ủy viên Bộ Chính trị) bị loại.

Hàng loạt ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 bị bắt, khởi tố, kết án tù liên quan đến các đại án gồm : Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (18 năm tù) và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (3 năm tù), cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng (5 năm) liên quan đến vụ đại án test kit Việt Á.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vụ án Xuyên Việt Oil. Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bị khởi tố liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn ; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố vì liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An ; Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận bị bắt, khởi tố vì liên quan tới Dự án Đại Ninh...

Như vậy có thể thấy khóa 13 có nhiều ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí là Tứ Trụ bị xử lý về mặt Đảng, dù trước đó, công tác nhân sự Đại hội 13 được cho là "thành công", được Đảng "chuẩn bị kỹ lưỡng", "hết sức công phu từ dưới cơ sở lên".

Trước thực tế này, một số chuyên gia, nhà quan sát chính trị nhận định rằng công tác nhân sự Đại hội 14 sẽ gặp nhiều khó khăn. Đảng cộng sản Việt Nam có thể sẽ sửa Điều lệ, thay đổi quy định. Cụ thể, có khả năng một quy định mới về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ được ban hành, thay cho Quy định 214-QĐ/TW.

Mới đây nhất, vào ngày 16/8, khi bầu Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, bầu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trịnh Văn Quyết vào Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thực hiện sai Quy định 214 khi các ông này chưa làm trọn một nhiệm kỷ ủy viên Trung ương Đảng.

Nguồn : BBC, 21/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 218 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)