Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/08/2024

Quốc hội Việt Nam lại họp bất thường, để làm gì ?

Tổng hợp

Quốc hội Việt Nam lại họp bất thường vào lúc tổng bí thư Tô Lâm đang củng cố thế lực

Thanh Phương, 24/08/2024

Theo tin từ báo chí trong nước hôm qua, 23/08/2024, vào thứ hai tuần tới, 26/08, Quốc hội Việt Nam sẽ lại được triệu tập cho một cuộc họp bất thường để “xem xét công tác nhân sự”.  

quochoi01

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng chủ tịch nước Tô Lâm khi ông nhậm chức tổng tí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 03/08/2024, tại Hà Nội, Việt Nam. AP - Duong Van Giang

Đây sẽ là kỳ họp bất thường lần thứ 8 của Quốc hội đương nhiệm. Lần đầu tiên trong lịch sử cơ quan lập pháp của Việt Nam, số cuộc họp bất thường nhiều đến như thế. Cuộc họp ngày 26/08 diễn ra trong bối cảnh tân tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm đang củng cố thế lực, đưa những người thân tín vào các chức vụ chủ chốt trong đảng.  

Trên tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay, 24/08, giáo sư Zachary Abuza, Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington, Hoa Kỳ, chuyên gia về các vấn đề chính trị và an ninh Đông Nam Á, có bài viết về những thay đổi trong guồng máy lãnh đạo của Việt Nam hiện nay. 

Giáo sư Abuza nhắc lại, được bầu làm chủ tịch nước vào tháng 4, sau khi chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng lần lượt buộc phải từ chức, ông Tô Lâm đã cố giữ cả hai chức chủ tịch nước và bộ trưởng Công an, nhưng đã gặp phải sự phản đối từ cả Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội. Trong khi những người đối lập với ông Tô Lâm muốn bổ nhiệm ông Trần Quốc Tỏ, em trai của cố chủ tịch nước Trần Đại Quang, làm tân bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã cài được ông Lương Tam Quang, một nhân vật thân tín của ông, vào chiếc ghế này.

Đến ngày 16/06, ông Lương Tam Quang đã được bầu vào Bộ Chính trị nhờ được ông Tô Lâm cất nhắc. Tân tổng bí thư còn đưa các đồng minh, chủ yếu là các cựu quan chức Bộ Công anan, vào các vị trí chủ chốt khác, cụ thể là bổ nhiệm thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh văn phòng của Văn phòng Trung ương Đảng. Trung ương Đảng sau đó đã bổ nhiệm ông Ngọc vào Ban Bí thư trong một phiên họp giữa tháng 8. Cũng tại phiên họp đó, Trung ương đã bổ nhiệm hai người khác vào Ban Bí thư : thượng tướng Trịnh Văn Quyết, tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị của quân đội và Lê Minh Trí, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Bộ Chính trị gần đây đã phê chuẩn việc bổ nhiệm thiếu tướng Công an Vũ Hồng Vân, cũng đến từ Hưng Yên như ông Tô Lâm, làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Vân được coi sẽ là tai mắt của ông Tô Lâm trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương để đảm bảo Ủy ban này không chống lại tổng bí thư hoặc các đồng minh của ông. 

Trong khi đó, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam tiếp diễn, đặc biệt với việc Bộ Chính trị cảnh cáo kỷ luật phó thủ tướng Lê Minh Khái do liên quan đến dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng. 

Theo giáo sư Abuza, vẫn còn tin đồn cho rằng tướng về hưu Lương Cường sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch nước, quay trở lại thế cân bằng quyền lực truyền thống trong cấu trúc lãnh đạo "Tứ trụ". Tuy nhiên, ông Tô Lâm có vẻ "khá thoải mái" với cả hai chức vụ. Sau chuyến thăm Trung Quốc, theo dự kiến, ông sẽ tới Hoa Kỳ vào tháng 9 để phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách nguyên thủ quốc gia. 

Thanh Phương

***************************

Quốc hội Việt Nam họp bất thường về nhân sự : bầu ai, miễn nhiệm ai ?

BBC, 23/08/2024

Hiện có một số chức danh lãnh đạo đang cần được kiện toàn, trong đó có một phó thủ tướng, bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, bộ trưởng Tư pháp.

quochoi2

Ông Đặng Quốc Khánh (trái), ông Lê Minh Khái (phải) đã được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi giữ chức vụ ủy viên vào ngày 3/8

Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức họp bất thường vào ngày thứ Hai 26/8 để kiện toàn nhân sự cấp cao.

Văn bản dự kiến Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa 15, được Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố vào chiều ngày thứ Sáu 23/8 có nội dung như sau :

"Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa 15 để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Kỳ họp sẽ diễn ra trong 01 ngày, bắt đầu từ 08 giờ 00 thứ Hai, ngày 26/8/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội".

Trong các cuộc họp bất thường gần đây, Quốc hội đã miễn nhiệm và bầu hoặc phê chuẩn một số lãnh đạo.

Chẳng hạn, vào ngày 21/3, Quốc hội đã họp bất thường để miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ngày 2/5, Quốc hội họp bất thường miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phê chuẩn phó thủ tướng, bộ trưởng ?

Hiện có một số chức danh trong chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cần phải thông qua Quốc hội.

Đầu tiên là vị trí của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Vào ngày 3/8, ông Khái đã bị Trung ương Đảng cho thôi giữ chức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vào ngày 8/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật ông Khái và đến ngày 13/8, Bộ Chính trị công bố hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông.

Nguyên nhân ông Lê Minh Khái bị kỷ luật được cho là liên quan đến vai trò của ông tại dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, trong giai đoạn ông làm Tổng Thanh tra Chính phủ, Bí thư Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2021.

Hiện ông Khái vẫn còn giữ chức phó thủ tướng. Tuy nhiên, với việc ông không còn là ủy viên Trung ương Đảng, có thể hiểu là việc miễn nhiệm ông sẽ sớm được thực hiện.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014, phó thủ tướng là chức danh được Quốc hội phê chuẩn từ đề nghị của Thủ tướng.

Do đó, việc bãi nhiệm hoặc miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng thì cần cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền, ở đây là thủ tướng chính phủ, trình lên Quốc hội để miễn nhiệm.

Việc miễn nhiệm ông Khái cũng đồng nghĩa với việc cần bổ nhiệm một nhân vật mới "điền vào chỗ trống".

Một vị trí phó thủ tướng khác cũng có thể cần được xem xét, miễn nhiệm, đó là trường hợp ông Trần Lưu Quang.

Trường hợp ông Quang không liên quan đến vấn đề kỷ luật. Tuy nhiên, sau khi ông được phân công giữ chức trưởng Ban Kinh tế trung ương theo quyết định của Bộ Chính trị vào ngày 21/8, có khả năng ông sẽ rời chính phủ. Nếu vậy, sẽ cần có thêm một quy trình miễn nhiệm và phê chuẩn cho vị trí phó thủ tướng nữa.

Ghế Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng đang cần được kiện toàn. Bộ trưởng hiện nay là ông Đặng Quốc Khánh đã được Trung ương Đảng cho thôi chức ủy viên vào ngày 3/8 tương tự như trường hợp ông Lê Minh Khái. Do đó, có thể Quốc hội sẽ miễn nhiệm ông Khánh và phê chuẩn người thay thế ông trong kỳ họp bất thường lần này.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long mới đây được bổ nhiệm vị trí phó thủ tướng. Hiện có hai khả năng : Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp tục kiêm nhiệm chức bộ trưởng Tư pháp ; hoặc sẽ có người mới thay ông ở ghế bộ trưởng. Nếu vậy, việc bổ nhiệm bộ trưởng cũng cần được Quốc hội phê chuẩn.

Cho đến nay, Quốc hội khóa 15 đã có 7 kỳ họp thường kỳ và 7 kỳ họp bất thường.

Bầu chủ tịch nước khi nào ?

quochoi3

Ông Tô Lâm hiện đang giữ hai chức Tổng bí thư và chủ tịch nước, nên Tứ Trụ chỉ còn Tam Trụ

Một trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm hiện nay là liệu Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục giữ hai chức vụ cho đến Đại hội 14 hay ông sẽ thôi làm chủ tịch nước.

Sau khi trở thành chủ tịch nước hồi tháng 5, ông Tô Lâm đã được Trung ương Đảng bầu làm Tổng bí thư vào ngày 3/8, chỉ hai tuần sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Vào ngày 15/8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết dự kiến sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2024.

Vào ngày 12/8, hãng tin Reuters dẫn lời một số quan chức Việt Nam và nước ngoài nói rằng ông Tô Lâm sẽ thôi chức chủ tịch nước khi Quốc hội họp thường kỳ vào tháng 10.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc trễ nhất là vào ngày 30/11.

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho Đại hội 14, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2026. Hai công tác được coi là quan trọng nhất là nhân sự và văn kiện.

Tại Đại hội 14, các vị trí lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - bao gồm Tứ Trụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng - sẽ được bầu lại.

Nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng ông Tô Lâm hiện đang là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế Tổng bí thư khóa 14.

Ngày 8/8, Giáo sư Jonathan London, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam, bình luận với BBC News tiếng Việt :

"Trong quá khứ gần thì Việt Nam có trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước và Tổng bí thư trong hơn hai năm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Sắp tới Việt Nam sẽ có Đại hội Đảng thì sẽ quay lại thể chế cũ, tức sẽ có bốn người trong Tứ Trụ".

"Ông Tô Lâm đã nắm cả hai vị trí nhưng tôi nghĩ chính trị của Việt Nam nên được hiểu thông qua một quá trình chứ không phải một hiện tượng, một cá nhân. Điều quan trọng là chờ đợi xem ông Tô Lâm sẽ làm được những gì cũng như ông ấy và Thủ tướng Phạm Minh Chính - hai lãnh đạo quan trọng nhất trên chính trường Việt Nam hiện tại - sẽ kết hợp với nhau như thế nào để giải quyết những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt".

Nguồn : BBC, 23/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, BBC tiếng Việt
Read 311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)