Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/08/2024

Hà Nội gia tăng kiểm soát truyền thông mạng và tự do đi lại

RFA tổng hợp

An ninh mạng ở 63 tỉnh, thành : Gia tăng đàn áp ?

RFA, 23/08/2024

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang mới đây nói trước Quốc hội Việt Nam rằng Bộ này đã bố trí lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao ở công an 63 tỉnh, thành. Mục đích là để tăng cường chống tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước bày tỏ quan ngại đây là động thái tăng cường đàn áp tự bày tỏ ý kiến của người dân trên mạng.

internet1

An ninh mạng ở 63 tỉnh, thành Việt Nam - Ảnh minh họa. AFP

Lo ngại bất ổn trong xã hội

Trong viên chất vấn sáng 22/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tân Bộ trưởng Công an cho biết Bộ này đang đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp để chống tội phạm công nghệ cao. Các biện pháp được áp dụng là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và triển khai lực lượng an ninh mạng ở tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.

Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 23/8/2024 khi trao đổi với RFA nhận định :

"Trên thực tế thì bộ công an đã thành lập phòng an ninh mạng ở các tỉnh thành từ nhiều năm nay với phòng PA05. Việc đàn áp quyền tự do ngôn luận bằng lực lượng an ninh mạng thì là điều chắc chắn rồi. Vì hiện nay kinh tế khó khăn mà tham nhũng hoành hành, người dân đang rất bức xúc. Công an phải tìm mọi cách triệt tiêu quyền tự do ngôn luận chứ nếu để người dân thoải mái chia sẻ tin thật với nhau thì rất nguy hiểm cho chế độ độc tài".

Thời gian gian gần đây, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn so với mục tiêu được Chính phủ đề ra là 6,5%, chủ yếu vẫn dựa vào xuất khẩu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). 

Các vụ án tham nhũng lớn thuộc Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được đưa ra xét xử thời gian qua cũng khiến dư luận chú ý khi kéo theo nhiều quan chức cấp cao phải vào tù hoặc mất chức như các vụ án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á… Hai phó thủ tướng của Việt Nam là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã bị mất chức do những sai phạm trong quản lý thời Covid, trong khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng phải từ chức vì những sai phạm trong thời gian này.

Trong khi đó, theo truyền thông Nhà nước, một chủ tài khoản Facebook tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên viết tắt N.T.M.H., vào ngày 11/10/2022 đã bị Công an làm việc tại cơ quan do đăng thông tin liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn (SCB) - thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, kêu gọi rút tiền tại SCB nhưng cơ quan công an cho là ‘tạo tâm lý bất an đối với những người gửi tiền, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự’.

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài - một cựu tù nhân lương tâm hiện đang sinh sống ở Đức - cho biết về việc tài khoản mạng xã hội của ông bị xóa hay chặn :

"Chỉ riêng từ tháng 6/2024 đến nay, tôi đã bị xóa đến 10 kênh YouTube. Mỗi lần tôi lập kênh YouTube mới là tôi lập hai đến ba kênh để dự phòng, nhưng sau đó họ xóa liên tục, đến bây giờ phải mượn một kênh của bạn bè để sử dụng. Còn trên Facebook ngày nào cũng bị chặn các video hay bài viết, họ nói là theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, vì những video hay bài viết này không được xuất hiện ở Việt Nam, chuyện đó xảy ra gần như hàng ngày".

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thời gian qua đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.300 video bị cho là có nội dung không phù hợp ở Việt Nam. A05 cũng đề nghị Facebook gỡ bỏ gần 550 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage có nội dung mà cơ quan này cho là xấu, độc.

Theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Chính quyền Việt Nam rất sợ tự do ngôn luận với mục đích là để thay đổi đất nước, chuyển đổi từ một thể chế độc tài độc đảng sang một chế độ dân chủ. Ông nêu dẫn chứng về những cuộc biểu tình ở Bangladesh thời gian gần đây dẫn đến việc Thủ tướng nước này phải từ chức và chạy trốn sang nước ngoài và cho rằng Bộ Công an Việt Nam cũng lo ngại về ảnh hưởng dây chuyền.

"Một trong những yếu tố dẫn đến cuộc cách mạng màu ở Bangladesh là những bất công do chính quyền gây ra. Để thực hiện được điều đó các sinh viên cũng như giới trẻ Bangladesh đã liên kết với nhau một cách rất mạnh mẽ thông qua những ứng dụng ở trên mạng xã hội. Điều này làm cho chính quyền cộng sản Việt Nam rất lo sợ, do vậy họ buộc phải triển khai những cơ quan an ninh mạng ở các tỉnh thành, để có thể theo dõi trực tiếp từ địa phương. Sau đó họ sẽ đưa ra những chính sách để đàn áp".

internet2

Điểm số về tự do của Việt Nam năm 2023 là 19/100, thuộc nhóm "không có tự do". Freedom House.

Lực lượng an ninh mạng hiệu quả đến mức độ nào ?

Luật An ninh mạng của Việt Nam đi vào hiệu lực từ đầu năm 2019 và được Chính phủ khẳng định là để đảm bảo môi trường mạng an toàn hơn cho người dùng. Các nhà hoạt động xã hội và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ ra rằng Luật này đã không phát huy được tính hiệu quả bảo vệ an toàn mạng mà thường được dùng để đàn áp các tiếng nói mà Chính phủ cho là bất đồng quan điểm với Đảng và Nhà nước.

Trước đó, vào ngày 8/1/2018 Bộ Quốc phòng cũng công bố quyết định thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng với nhiệm vụ được nói là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin trong toàn quân. Lực lượng này còn được gọi là lực lượng 47 với 10,000 người. Theo Tổ chức phóng viên không biên giới RSF, Lực lượng này chống lại những tiếng nói dân chủ và những người bị cho là chống đối chính phủ. Lực lượng 47 đã sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đe dọa, giám sát hoặc kiểm duyệt các nhà báo và do đó làm giảm nghiêm trọng quyền tự do thông tin trên Internet.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí thuộc đoàn Hà Nội, tại phiên chấn vấn hôm 22/8/2024 đã nhận định tội phạm trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp.

"Đông đảo cử tri cho rằng Chính phủ cần tổ chức một lực lượng chống tội phạm trên không gian mạng nhiều hơn, bài bản, đầy đủ hơn để đủ sức ngăn chặn tội phạm này". - ông Nguyễn Anh Trí chất vấn tại Quốc hội.

Theo số liệu của Bộ Công an, số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng trong năm 2023 tăng gấp rưỡi so với năm 2022, tức là tăng từ 8.000 lên 10.000 tỷ đồng và các vụ án đã bị khởi tố vì tội lừa đảo trên không gian mạng lên đến 1.500 vụ.

Ông Trần Anh Quân cho nhận định về vấn đề này :

"Dù lực lượng an ninh mạng được thành lập bấy lâu nay nhưng tội phạm trên mạng vẫn càng ngày càng tăng cao chứ không thấy giảm. Người dân vẫn thường xuyên bị lừa khi bấm vào các link lạ rồi bị mất toàn bộ tài sản, hoặc dính vào các đường dây cờ bạc trên mạng".

Theo ông Quân, dù lực lượng an ninh mạng được thành lập bấy lâu nay nhưng tội phạm trên mạng vẫn càng ngày càng tăng cao chứ không thấy giảm. Người dân vẫn thường xuyên bị lừa khi bấm vào các link lạ rồi bị mất toàn bộ tài sản, hoặc dính vào các đường dây cờ bạc trên mạng.

Ngay cả người được cho là có bề dày thành tích công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mạng - Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vẫn bị kết án 9 năm tù hồi năm 2018 vì bảo kê đường dây đánh bạc qua mạng.

Đàn áp trên mạng sẽ gia tăng trong thời gian tới ?

Bây giờ họ triển khai mạnh mẽ và bài bản trên toàn quốc thì điều này sẽ gây khó khăn rất nhiều cho những hoạt động, đặc biệt là người dân ở các địa phương, khi họ muốn bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người từng bị kết án tù tại Việt Nam vì dám đấu tranh cho nhân quyền, hiện phải tỵ nạn chính trị tại Đức, bày tỏ lo ngại về tình trạng đàn áp mạng sẽ gia tăng trong thời gian tới :

"Bây giờ họ triển khai mạnh mẽ và bài bản trên toàn quốc thì điều này sẽ gây khó khăn rất nhiều cho những hoạt động, đặc biệt là người dân ở các địa phương, khi họ muốn bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội. Với chính sách đàn áp như vậy thì sẽ càng ngày càng khó khăn hơn cho người dân ở trong nước, khi họ muốn lên án phê bình, hay bày tỏ những bức xúc trong cuộc sống, chứ không phải là chống đối chế độ".

Theo Báo cáo về Tự do trên thế giới 2023 có tên gọi tạm dịch là "50 năm đấu tranh cho dân chủ", của Tổ chức nhân quyền Freedom House, các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và các hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam bị hạn chế chặt chẽ. Chính quyền ngày càng kìm hãm việc người dân sử dụng mạng xã hội và Internet để lên tiếng và chia sẻ thông tin. Cụ thể năm 2023, điểm số tự do của Việt Nam là 19/100, bằng với năm 2022. Do đó, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là "không có tự do", cùng với 67 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp loại khác.

Nhà hoạt động xã hội Trần Anh Quân cho rằng, phát biểu của ông Lương Tam Quang về việc triển khai lực lượng an ninh mạng trên 63 tỉnh thành, "cũng là lời tuyên chiến với quyền tự do ngôn luận của người dân".

Nguồn : RFA, 24/08/2024

*************************

Freedom House : Chính quyền Việt Nam kiểm soát chuyên chế đối với quyền tự do đi lại

RFA, 23/08/2024

Theo báo cáo mới nhất của Freedom House, Việt Nam nằm trong số 55 quốc gia mà nhà chức trách tuỳ tiện hạn chế quyền đi lại của công dân, đặc biệt là người thuộc giới bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến.

internet3

Bản đồ các quốc gia hạn chế quyền tự do đi lại - Freedom House

Trong báo cáo tựa đề "No Way In or Out : Authoritarian Controls on the Freedom of Movement" (tạm dịch : Không được vào hoặc ra : Kiểm soát chuyên chế đối với quyền tự do đi lại), tổ chức nhân quyền này xếp Việt Nam vào khu vực màu đỏ cùng với 54 quốc gia khác - đồng nghĩa với việc chính quyền áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế quyền tự do đi lại nhằm trừng phạt, cưỡng ép hoặc kiểm soát những người mà họ coi là mối đe dọa hoặc đối thủ chính trị.

Theo tổ chức xã hội dân sự có trụ sở tại Mỹ, các chính thể toàn trị thường áp dụng bốn biện pháp chính để hạn chế việc đi lại của một nhóm người cụ thể, đó là tước bỏ tư cách công dân, không cấp giấy tờ cho việc đi lại (hộ chiếu), không cấp dịch vụ lãnh sự, và cấm xuất/nhập cảnh.

Từ chối cấp hộ chiếu

Freedom House nói chính phủ ở mỗi quốc gia chịu trách nhiệm cấp hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác cho công dân. Ở những nước độc tài, nhà chức trách từ chối cấp hộ chiếu cho những người bất đồng chính kiến như là một phương pháp trực tiếp để kiểm soát những người bị coi là đối thủ chính trị.

Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại hợp lệ, cá nhân không thể rời khỏi quốc gia của họ hoặc đi đến nước khác và có thể phải đối mặt với các trở ngại khác về nhập cư và tài chính.

Theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở thủ đô Washington, biện pháp từ chối cấp hộ chiếu hoặc tịch thu hộ chiếu được áp dụng bởi 38 quốc gia trên thế giới.

Việt Nam cũng là một quốc gia áp dụng chiến thuật này để đàn áp người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền.

Như RFA đã đưa tin, sau khi hoàn thành án tù về tội danh "xúc phạm quốc kỳ", bà Huỳnh Thục Vy ngày 6/6 vừa qua đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu mới do hộ chiếu của bà bị an ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tịch thu hồi năm 2015 khi chuẩn bị sang Bangkok.

Tuy nhiên, công an tỉnh Đắk Lắk từ chối cấp hộ chiếu mới cho bà với lý do bà vẫn còn đang ở diện bị hoãn xuất cảnh vô thời hạn vì lý do "an ninh quốc gia" nhưng không đưa ra bất kỳ văn bản nào.

Cũng trong tháng 6 vừa qua, nhà hoạt động Triệu Siêu đã bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Công an tỉnh Sóc Trăng từ chối cấp hộ chiếu. Nhà hoạt động về quyền của người Khmer Krom bị cấm xuất cảnh từ tháng 8/2023 đến tháng 8/2026 và không được cấp hộ chiếu cho đến khi được đưa ra khỏi danh sách cấm xuất cảnh của Bộ Công an.

Ông bị cấm xuất cảnh là "do các hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của người Khmer địa phương" như tham gia phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa cùng với nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác.

Cấm xuất cảnh/nhập cảnh

Freedom House nói việc ngăn cản công dân rời khỏi hoặc trở về quốc gia của họ là hình thức kiểm soát di chuyển phổ biến nhất được ghi nhận trong điều tra của tổ chức này. Có ít nhất 40 quốc gia sử dụng chiến thuật này, không chỉ áp dụng cho những người chỉ trích chính phủ mà còn cho cả người thân của họ.

Ở Việt Nam, có hai trường hợp điển hình bị cấm nhập cảnh. Đó là cô Lê Thu Hà, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, và bà Vũ Minh Khánh, vợ của ông Nguyễn Văn Đài, người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của tổ chức này.

Cô Hà bị kết án 9 năm tù giam về tội danh "hoạt động lật đổ chính quyền" trong cùng vụ án với ông Nguyễn Văn Đài, người bị án 15 năm tù. Sau đó, cả cô Hà và ông Đài được phóng thích vào giữa năm 2018 nhưng bị buộc phải lưu vong ở Đức.

Tháng 11 cùng năm, cô Hà quay trở lại Việt Nam nhưng bị giữ lại ở sân bay Nội Bài rồi bị buộc quay trở lại Đức. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với bà Khánh khi bà định về Việt Nam thăm người thân.

Chính quyền độc đảng ở Việt Nam đã thực hiện việc cấm xuất cảnh đối với hàng chục người hoạt động và cả thân nhân của họ, và phần lớn những người này chỉ được biết tình trạng bị cấm xuất cảnh khi làm thủ tục để rời Việt Nam.

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng chia sẻ với RFA trong ngày 23/8 :

"Tôi và nhiều người lên tiếng đấu tranh ở Việt Nam vẫn hay bị theo dõi thậm chí là bị cản trở trong việc đi lại. Có khi thì tôi bị ngăn cản ở nhà chẳng hạn như là cái hôm quốc tang của Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam - PV) vừa rồi. Những cái lần khác thì tôi biết là tôi vẫn luôn nằm trong cái tầm theo dõi của họ".

Ông cho biết vào ngày 07/5/2015, ông bị chặn lại ở sân bay Nội Bài trên đường đi sang Thái Lan. Công an không cho ông xuất cảnh, đồng thời tịch thu hộ chiếu của ông.

"Sau đấy thì công an thành phố Hà Nội đã mời tôi đến, họ thông báo với tôi là hộ chiếu của tôi đã bị hủy. Họ nói rất là mơ hồ, lúc nào cũng đưa ra lý do vì an ninh quốc gia", ông bổ sung.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng cho RFA biết năm 2016, ông đi Lào để tham quan nhưng bị chặn. An ninh cửa khẩu thông báo ông thuộc diện bị cấm xuất cảnh, nhưng không tịch thu hộ chiếu của ông.

An ninh Việt Nam không chỉ cấm người hoạt động xuất cảnh, mà áp dụng hình thức tương tự đối với thân nhân của họ.

Tháng 4 vừa qua, bà Phạm Thị Lân, vợ của TNLT Nguyễn Tường Thuỵ bị cấm xuất cảnh vì "an ninh quốc gia" khi đi du lịch sang Campuchia. Sau đó bà có làm đơn khiếu nại và được phía công an trả lời lý do là hay giao lưu với một số người thuộc giới hoạt động.

Truờng hợp bà Lân không phải là đơn lẻ. Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của Huỳnh Đức Thanh Bình đang chịu án tù 10 năm về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", cũng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh từ chối đổi hộ chiếu mới cho bà với lý do "bị nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh". Phía công an cho cho bà xem một văn bản của Bộ Công an cấm bà xuất cảnh vô thời hạn.

Nguồn : RFA, 23/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 400 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)