Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/08/2024

Cuộc di cư 1954 : tinh hoa miền Bắc bỏ chạy vào Nam

RFA tiếng Việt

Cộng đồng Công giáo di cư 1954 đã thay đổi miền Nam Việt Nam như thế nào ?

Cách đây 70 năm, năm 1954, có một cuộc di cư khổng lồ của khoảng gần một triệu người miền Bắc vào Nam, trong đó có hai phần ba, tức là khoảng 600 ngàn người, là người Công giáo. Giáo sư Tuấn Hoàng tại Đại học Peperdine cho biết.

dicu1

Poster của chiến dịch Hành Trình Tới Tự Do năm 1954 (Lưu trữ của Cục Thông tin Hoa Kỳ, ảnh số 306-ppb-226)

Theo Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, cuộc di cư vĩ đại bị ẩn giấu trong phần lớn sách sử Việt Nam này đã góp phần thay đổi chính trị, xã hội, văn hóa miền Nam khi đó và ảnh hưởng của nó vẫn còn vang vọng đến Việt Nam ngày nay.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Alex Thái Võ ở Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, giải thích về lý do cộng đồng Công giáo chiếm đến hai phần ba số người di cư năm 1954 :

"Lý do tại sao chúng ta có con số di dân Công giáo nhiều ? Trong cải cách ruộng đất, người nông dân Công giáo bị coi là tầng lớp "phản động". Họ bị coi là thân Pháp, phản động, cho nên trở thành tâm điểm trong việc trừng phạt trong cuộc cải cách ruộng đất. 

Những vùng Công giáo ven biển ở Thái Bình, Nam Định, những khu Bùi Chu, Phát Diệm là những khu sẽ và bị cải cách ruộng đất nặng nhất. Ngoài ra, họ lại ở vùng ven biển nên thuận lợi nhất để di cư. Đó là nguyên nhân khiến cho vùng Công giáo ra đi nhiều nhất".

Cuộc di cư vĩ đại đã diễn ra như thế nào ? Cuộc di cư đó đã thay đổi xã hội Việt Nam sau đó ra sao ? Trao đổi với RFA bên lề cuộc Triển lãm về tư liệu lịch sử kỉ niệm 70 năm cuộc cải cách ruộng đất 1953-1956 và cuộc di cư 1954 - 1955, do Viện Bảo tàng Di sản Người Việt, Trung tâm Việt Nam Đại học Công nghệ Texas, Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ Đại học Oregon tổ chức, Giáo sư Tuấn Hoàng tại Đại học Peperdine cho biết cuộc di cư mang đến Miền Nam rất nhiều người Công giáo. Dĩ nhiên trước đó Miền Nam đã có nhiều người Công giáo, trường học, tu viện Công giáo. Nhưng cuộc di cư đã mang rất nhiều người Công giáo vào Nam, dẫn đến hình thành những giáo xứ mới như vùng Hố Nai ở Đồng Nai. Các vùng Tây Nguyên cũng có hoặc vùng Sài Gòn như khu vực Ngã ba Ông Tạ. Vị chuyên gia về lịch sử tôn giáo ở Việt Nam, lịch sử di cư của người gốc Á ở Mỹ nói :

"Tôi không nhớ chính xác nhưng có khoảng hơn sáu trăm mấy chục ngàn người Công giáo trong số khoảng hơn 900 triệu người di cư vào Nam. Cuộc di cư đã làm cho Miền Nam đa dạng hóa cơ sở tôn giáo miền Nam. Một số dòng Công giáo ngoài Bắc di cư vào Nam như dòng Đa Minh, dòng Tên, dòng La San. Họ cũng giúp phát triển thêm giáo dục Miền Nam mạnh hơn. Ngoài giáo dục, nó góp phần phát triển Thiên Chúa giáo sau thời thuộc địa".

Theo Giáo sư Tuấn Hoàng, sự phát triển của Công giáo ở Miền Nam Việt Nam sau cuộc di cư 1954 cũng nằm trong xu hướng phát triển chung của Công giáo ở Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ giai đoạn đó. Nhiều nhà nghiên cứu đã thảo luận về hiện tượng sau thế chiến II, khi thời đại thuộc địa bắt đầu chấm dứt, số lượng giáo dân Công giáo ở bên ngoài Châu Âu tăng lên rất nhanh. Trong bối cảnh chung đó, ở Miền Nam Việt Nam, số lượng giáo dân tăng lên do cuộc di cư 1954 giúp cho Công giáo ở Miền Nam phát triển nhanh chóng về số lượng tu sĩ, nhà thờ, trường học. Ông nhấn mạnh :

"Cuộc di cư giúp cho văn hóa - xã hội Miền Nam trở nên đa dạng, phong phú hơn. Tại vì có nhiều người giáo dân thì việc phục vụ tôn giáo mạnh hơn, rồi liên quan đến vấn đề giáo dục. Ví dụ các trường công giáo nhiều lên. Dĩ nhiên học sinh các trường này không chỉ là người công giáo mà của các tôn giáo khác nữa".

Trước 1954, phần đông giám mục Công giáo ở Việt Nam là người nước ngoài, nhưng sau đó, thời Việt Nam Cộng Hòa, nhờ cuộc di cư lớn của người Công giáo vào Nam, người Công giáo trong Nam mạnh lên và phần lớn giám mục là người Việt Nam. Theo Giáo sư Tuấn Hoàng, đó là một sự thay đổi rất lớn, đem lại niềm tự hào cho người Công giáo Miền Nam. Điều đó cũng giúp cho Công giáo Miền Nam tiếp tục xây dựng mối liên hệ, kết nối trực tiếp với Công giáo quốc tế. Điều này khác với miền Bắc khi đó là Công giáo hoàn toàn bị kiểm soát và mất sự liên lạc với quốc tế.

Lâu nay người ta thường nhìn cuộc di cư 1954 chỉ như cuộc di cư về con người, đặc biệt là di cư của người Công giáo. Tuy nhiên, thực tế, trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh phân cực thế giới làm hai khối Cộng sản - Tư bản, đó không chỉ là di cư về con người mà di cử cả thể chế chính trị - giáo dục, Giáo sư Tuấn Hoàng nói thêm.

Ông cũng giải thích thêm rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi nắm được miền Bắc thì xây dựng một xã hội không cần có luật sư. Miền Bắc đã được nếm trải cách xét xử của tòa án trong chế độ mới thông qua đấu tố trong cải cách ruộng đất. Phân khoa Luật thuộc Trường Đại học Luật khoa Paris đặt tại Hà Nội cũng di cư vào Nam. Và ông gọi đó là "instutiontal migration" (di cư thể chế). Ông giải thích :

"Việc di cư không chỉ là di cư người mà còn là di cư cơ sở, là institutional migration, tức là di cư thể chế. Vì ở ngoài Bắc, những giáo sư không phải là đảng viên cộng sản thì họ di cư vào Nam. Một số thân hữu của tôi từng ở Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn thì biết chi tiết hơn. Khi còn dạy ở ngoài bắc thì luật được dạy kiểu Pháp, còn khi vào Nam sau1954 thì dần dần cải tiến theo kiểu Mỹ. Ví dụ lúc bắt đầu chia đôi đất nước năm 1954 thì luật trong Nam vẫn dạy chương trình ba năm, nhưng sau đó thì chuyển sang bốn năm theo kiểu Mỹ. Đó là một ví dụ về việc thay đổi sau khi di cư vào Nam. Sự thay đổi đó là để phù hợp với thời đại sau thuộc địa, sau khi độc lập".

Cuộc di cư vĩ đại năm 1954 : chạy trốn cải cách ruộng đất và đi tìm tự do

Năm 2024 đánh dấu 70 năm cải cách ruộng đất (1953 - 1956) và cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam năm 1954 - 1955. Theo Giáo sư Alex Thái Võ ở Trung tâm Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas, trước đây, trong giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam, được một số tài liệu ghi lại, hai sự kiện này dường như chỉ được nhắc đến một cách sơ sài và được nhận định như là "tai nạn" chính trị của người thực hiện. Nó cũng không được coi là các sự kiện quan trọng, trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại.

dicu2

Một trang Tạp chí National Geographic số tháng 6 năm 1955 viết về chiến dịch Hành trình đến Tự do tại Việt Nam.

Cuộc triển lãm tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất và di cư 1954 do Viện Bảo tàng Di sản người Mỹ gốc Việt, Đại học Công nghệ Texas và Đại học Oregon vừa diễn ra hôm cuối tuần qua, được nói đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị, xã hội, văn hóa Việt Nam hiện đại ; đồng thời cũng là sự kiện được nhiều chuyên gia, sử học đánh giá cao.

Cải cách ruộng đất và di cư

Trao đổi với RFA, Giáo sư Alex Thái Võ cho biết "cải cách ruộng đất" mở đầu năm 1953 kết thúc năm 1956 và "cuộc di cư của gần một triệu người miền Bắc vào Nam" trong 300 ngày từ 1954 sang đầu năm 1955 có quan hệ nhân quả trực tiếp. 

Điều này trái ngược với cách hiểu đơn giản lâu nay của giới sử học về hai sự kiện này. Nhiều nghiên cứu sử học cho rằng cuộc di cư năm 1954 của gần một triệu người miền Bắc vào Nam là do hoạt động tâm lý chiến của CIA thông qua thả truyền đơn xuống miền Bắc, những người Công giáo hợp tác với Pháp nên sợ bị Việt Minh trả thù, ông Ngô Đình Diệm, một người Công giáo, trở thành thủ tướng và sau đó là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cũng thúc đẩy cộng đồng Công giáo vào Nam, cộng đồng Công giáo sợ bị đàn áp tôn giáo, các vị tu sĩ Công giáo dụ dỗ giáo dân vào Nam. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Alex Thái Võ, có khoảng gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Trong số đó, có khoảng sáu trăm ngàn người Công giáo. Như vậy, người Công giáo chiếm khoảng hai phần ba. Các lý do liên quan đến Công giáo không giải thích được cho nguyên nhân di cư của khoảng ba trăm ngàn người không theo đạo Công giáo. 

Theo Giáo sư Alex Thái Võ, những cách giải thích nêu trên phần nhiều thiếu cơ sở hợp lý. Ông trao đổi với RFA bên lề cuộc Triển lãm hôm 17 và 18 tháng 8, 2024 như sau : 

"Năm 1954 - 1955 có gần một triệu người nông thôn ở Miền Bắc bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình ở thôn quê để vào Nam. Đối với người nông thôn thời đó thì đó là một quyết định rất khó khăn chứ không phải dễ dàng. 

Có một số học giả lập luận rằng đa phần khoảng 80 phần trăm người di cư là người Công giáo. Người Công giáo miền Bắc di cư vào Nam là do các vị linh mục, các vị Cha đã dụ dỗ họ vào Nam. Chính quyền Mỹ, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng dụ dỗ họ vào Nam qua các chiến dịch thả truyền đơn của CIA, của ông Edward Lansdale. 

Theo tôi nghĩ cách giải thích đó quá đơn giản. Một con người đang sống nhiều đời ở nơi cha mẹ sinh ra mình như vậy không dễ gì chỉ vì cầm một cái truyền đơn mà bỏ cả quê hương để di cư đến nơi xa lạ. 

Có gần một triệu người phải bỏ nước ra đi. Tác động trực tiếp nhất, có ảnh hưởng mạnh nhất tới cuộc di cư đó là cải cách ruộng đất. 

Cuộc cải cách ruộng đất được bắt đầu từ 1953, sang 1954 và kéo dài đến 1956. Có nghĩa là khoảng thời gian người dân được di cư vào Nam 300 ngày sau khi Hiệp định Geneva được kí kết thì cải cách ruộng đất vẫn đang tiếp diễn. Khi đó, người dân chứng kiến hoặc nghe những câu chuyện đau thương, đấu tố, mất tài sản, từ đó họ sợ hãi mà bỏ Miền Bắc ra đi. Đó là lí do chính đưa đẩy gần một triệu người đi. Vì sao ? Vì đa phần người di cư không phải là những người giàu có ở đô thị. Những hình ảnh người di cư cho chúng ta thấy đa phần họ là nông dân, là người nghèo". 

Đồng tình với Giáo sư Alex Thái, Giáo sư Tường Vũ, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, bổ sung thêm rằng mục tiêu của cải cách ruộng đất giúp chính quyền Việt Minh lúc bấy giờ động viên thêm sức người, sức của từ nông thôn qua hình thức binh sĩ và lúa gạo cho cuộc kháng chiến vào giai đoạn cuối cùng. Mục tiêu nữa là lật đổ giai cấp địa chỉ ở nông thôn. Tuy nhiên, mức độ bạo lực tàn khốc của cải cách ruộng đất đã thúc đẩy dòng người di cư vào Nam và đó là điều những người cộng sản không mong muốn. Ông nói :

"Chính quyền Việt Minh cộng sản không muốn đẩy quá nhiều người dân miền Bắc chạy vào Nam vì như vậy sẽ mất mặt. Vì vậy họ đã cố gắng cản trở người Bắc di cư vào Nam. 

Vì báo chí lúc bấy giờ nói người dân vì ghét và sợ cộng sản nên mới bỏ miền Bắc mà đi. Vì vậy họ tìm cách giảm bớt cường độ của cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố. Nhưng sau khi hết thời hạn di cư chính thức thì họ tăng cường cải cách ruộng đất mạnh hơn. Bởi vì họ muốn tăng cường kiểm soát nông thôn mạnh hơn. Nếu thực sự có cuộc bầu cư năm 1956 thì họ cần kiểm soát nông thôn chặt chẽ để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử". 

Vấn đề "độc lập" và "tự do" 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Tuấn Hoàng ở Đại học Peperdine đồng tình với phân tích của GS Alex Thái. Ông Tuấn Hoàng còn bổ sung thêm một góc nhìn khác là vấn đề nhận thức về "độc lập" và "tự do" ở Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. 

"Để đơn giản hóa một chút lối nhìn của tôi, bây giờ mời quý vị nghĩ tới hai chữ tự do. Bây giờ nghĩ tới hai chữ tự do, nhiều người Việt Nam và người Mỹ thường nghĩ tới câu "không có gì quý hơn độc lập, tự do" của ông Hồ Chí Minh. Nhưng vấn đề này rất là phức tạp chứ không đơn giản. Vì ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam dùng từ "độc lập" để lôi kéo người dân chống lại thực dân Pháp. Họ đã thành công trong phần đó. 

Nhưng nghĩ rõ ràng hơn thì chúng ta thấy hai chữ tự do, đối với ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản, thì họ chỉ nói vậy thôi. Họ không dùng tinh thần tự do như là một nguồn gốc, động lực kéo nước Việt Nam đi tới hiện đại hóa. 

Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa) có rất nhiều vấn đề. Không ai nói là Việt Nam Cộng Hòa không có vấn đề. Nó có rất nhiều vấn đề. càng ngày các sử gia nghiên cứu về Việt Nam Cộng Hòa thì càng thấy hai chữ Tự do rất quan trọng với Việt Nam Cộng Hòa. 

Tuy nhiên, đối với Việt Nam Cộng Hòa thì tự do lại là vấn đề quan trọng. Một ví dụ là họ đổi tên đường Cabinat thời Pháp thành đường Tự do. Sau 1975 thì chính quyền cộng sản đổi thành đường Đồng Khởi. Việc đặt tên cho thấy mối quan tâm khác nhau của mỗi chế độ". 

Về cải cách ruộng đất, Giáo sư Tuấn Hoàng nhấn mạnh cả hai chế độ đều thực hiện cải cách ruộng đất vì đó là nhu cầu thực sự của Việt Nam đương thời. Tuy nhiên, cách thực hiện của miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) thì hoàn toàn khác nhau. Về cải cách ruộng đất thì cách làm của người cộng sản là không có tự do. Còn cải cách ruộng đất của Miền Nam thì dựa trên tinh thần tự do. Ngoài ra, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận ở Việt Nam Cộng Hòa cũng phát triển cao hơn ngoài Bắc, mặc dù vẫn có kiểm duyệt. Việc kiểm duyệt ở thời kỳ đó không có gì lạ, vì Việt Nam khi đó là một đất nước đang phát triển và đang có chiến tranh, nhưng đặt trong sự so sánh với miền Bắc thì sự tự do của miền Nam cao hơn hẳn. Đó là điều rất rõ - vị giáo sư ở Đại học Peperdine nhận xét.

Nguồn : RFA, 22/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 245 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)