Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/08/2024

Chùa xây dựng không phép, giáo dục liêm chính, kêu gọi Việt kiều

RFA tổng hợp

Các công trình của chùa do ông Thích Chân Quang trụ trì sẽ bị tháo dỡ vì xây dựng không phép

RFA, 28/08/2024

Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) hôm 28/8 cho báo chí Nhà nước biết về kế hoạch cưỡng chế 35 công trình xây dựng không phép của chùa Phật Quang do ông Thích Chân Quang trụ trì tại địa phương.

bestme - 1

Chùa Phật Quang tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu - Người Lao Động

Chùa Phật Quang – trước có tên là Thiền tôn Phật Quang – đã từng bị cơ quan chức năng thanh tra và chỉ ra hàng loạt vi phạm về xây dựng và đất đai. Thanh tra xác định có 36 công trình xây dựng, trong đó 35 công trình không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng đã lập 33 biên bản vi phạm, ban hành 11 quyết định xử phạt và các quyết định yêu cầu khắc phục, tháo dỡ... nhưng chùa không thực hiện.

Ngoài ra, thanh tra cũng xác định chùa được xây dựng trên diện tích hơn 25.000 mét vuông bao gồm phần diện tích rừng phòng hộ đã bị phá dỡ, sử dụng sai mục đích.

Báo Nhà nước cho biết UBND thị xã Phú Mỹ đang lên kế hoạch để tháo dỡ 35 công trình này nhưng không nói thời gian cụ thể khi nào.

Chùa Phật Quang chỉ có một công trình duy nhất được cấp phép là xây dựng và sửa chữa Chánh điện trên diện tích 228 m2. Nhưng trên thực tế, chùa đã xây dựng trên diện tích 445 mét vuông, hiện công trình này đã được tháo dỡ, theo báo Nhà nước.

bestme - 2

Chùa Thiền Tôn Phật Quang

Những ngày qua, nhiều báo trong nước và mạng xã hội đã liên tục đưa tin về các công trình xây dựng trái phép của chùa Phật Quang.

Theo báo Nhà nước, những ngày qua, tại cổng chùa Phật Quang, rất nhiều người đến để livestream, chụp ảnh, quay phim. Tuy nhiên, nhiều người đã bị bảo vệ chùa đề nghị không quay phim, chụp ảnh và không được vào bên trong khuôn viên chùa, với lý do đang hạn chế người để tổ chức khóa tu, sợ ảnh hưởng đến người khác tu tập.

Vấn đề về các công trình xây trái phép ở chùa Phật Quang được khơi lại vào khi trụ trì chùa là ông Thích Chân Quang bị mạng xã hội và báo chí chỉ trích vì những bài thuyết giảng trên mạng phản cảm, công kích sư Thích Minh Tuệ, một vị sư tu theo hạnh đầu đà, đi bộ chân đất khất thực dọc Việt Nam gây nhiều cảm hứng trong dân chúng.

Ông Thích Chân Quang cũng bị chú ý vì cáo buộc trên mạng xã hội là đã mua bằng tiến sĩ luật và có thể là cả bằng tốt nghiệp trung học.

Vào ngày 19/6 vừa qua, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong vòng hai năm đối với ông Thích Chân Quang sau khi Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận được các văn bản và đơn thư của Phật tử, người dân cũng như những thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và mạng xã hội phản ánh về nội dung những bài giảng pháp của Thượng tọa Thích Chân Quang. Những bài giảng này bị xác định là gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm niềm tin vào Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội.

Nguồn : RFA, 28/08/2024

*****************************

Giáo dục liêm chính để ngừa tham nhũng hay kích thích tham nhũng nhiều hơn ?

RFA, 28/08/2024

"…Tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa".

vn1

Ngày 20/8/2024, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học "Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực trạng và giải pháp"

Đó là phát biểu của trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc được truyền thông loan Nhà nước loan trong ngày 20/8/2024. Ông Trạc nói như trên sau khi cũng chính ông, trong ba tháng trước thông báo Việt Nam đã thực hiện khởi tố hơn 1.800 vụ án tham nhũng, chức vụ với hàng ngàn cán bộ, đảng viên bị bắt về các tội tham nhũng. Và, cũng theo ông Trạc, con số vụ án tham nhũng trong năm 2024 tăng hơn 60% so với năm ngoái.

Giải pháp giáo dục có hiệu quả ?

Một người dân ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 28/8/2024 cho RFA biết ý kiến về giải pháp phòng ngừa tham nhũng của trưởng ban Nội chính trung ương :

"Liêm chính tức là thanh liêm và chính trực. Cán bộ đang nắm giữ quyền lực là những đảng viên Đảng Cộng sản. Vì vậy, chỉ cần họ thực hiện đúng, đầy đủ quy định 19 điều đảng viên không được làm, đã bao hàm những vấn đề thuộc về 'liêm chính", do Đảng ban hành là tốt rồi. Mặt khác, cán bộ, đảng viên lúc nào cũng phải "học tập và làm theo tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh" vẫn chưa đủ hay sao mà phải "tăng cường giáo dục liêm chính với cán bộ đang nắm quyền lực ?"

Việc "tăng cường giáo dục"… theo người dân này không thể chấm dứt được nạn tham nhũng, vì lẽ :

"Ngay từ khi học sinh còn đang ngồi học các cấp học đều có môn học Giáo dục Công dân, đã dạy con người phải trung thực, sau này ra làm việc, nếu là công chức thì phải liêm chính không được ăn cắp của công. Vì bản chất con người nói chung, cán bộ, công chức nói riêng là tham lam nên muốn chống tham nhũng thì Nhà nước phải ban hành các cơ chế kiểm soát bằng luật pháp chứ không phải bằng biện pháp giáo dục này nọ".

Người dân này đặt câu hỏi : vì sao nhiều nước không có hô hào giáo dục "liêm chính" đối với cán bộ công chức như Việt Nam mà họ chống được tham nhũng ? Qua đó, ông cho rằng :

"Đó là vì họ có cơ chế kiểm soát tốt. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng nói, đại ý là muốn chống tham nhũng thì không phải dùng biện pháp "đốt lò" mà phải bằng thể chế !"

Tại Hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính được tổ chức vào ngày 27/8/2024, Ban Nội chính Trung ương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã kỷ luật hơn 4.000 đảng viên do suy thoái, 230 đảng viên vì tham nhũng, bao gồm 45 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Đại biểu quốc hội Tô Văn Tám thuộc Đoàn Kon Tum, khi phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội hôm 31/10/2023 cho rằng, những đại án hình sự, kinh tế cho thấy sự xuống cấp về văn hóa và đạo đức. Theo ông Tám đạo đức, lối sống xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội. Những người chịu sự phán xét của pháp luật và dư luận lại nằm trong số một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống.

vn2

Hội thảo "Giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực : Thực trạng và giải pháp". Courtesy tuyengiao.vn

Hoàn thiện cơ chế để chống tham nhũng

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, Nhà Nghiên cứu Ngôn ngữ từng làm việc nhiều năm ở trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 28/8/2024 nhận định với RFA về việc chống tham nhũng của Việt Nam :

"Người ta cứ theo cái cách gọi là đức trị thì muôn đời không thành công. Bởi vì mình bỏ viên mỡ túi trước con mèo và bảo ‘mèo ơi đừng ăn mỡ, ăn mỡ xấu lắm’… con mèo sợ uy chủ nhưng mà khi chủ quay đi thì nó cũng ăn… Cho dù nói những lời lẽ hay đến đâu đi nữa thì nó không thay thế được một cơ chế. ‘Đồ ăn thức uống mà muốn con mèo không ăn vụng’ thì phải bỏ vào tủ khóa thật kỹ. Rồi ‘nếu con mèo cạy tủ ăn vụng’ thì phải có đòn, để nó thất kinh lần sau không ăn nữa. Và phải cho mèo ăn no, thì nó không cần phải cạy tủ mà ăn".

Do đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng phải có ba phương cách cần thực hiện để làm sao không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và cũng không cần tham nhũng. Còn "giáo dục liêm chính" như ông Trạc phát biểu, theo giáo sư Dũng, chỉ là rao giảng đạo đức :

"Còn bây giờ chỉ nói là đem giáo dục, thì dù đem tư tưởng Hồ Chí Minh ra giáo dục đi nữa, nói ‘mèo ơi ăn xấu lắm’ thì quay đi nó vẫn ăn. Thành ra tôi muốn nói rõ, chống tham nhũng là chống cả một cơ chế, chống bằng một cơ chế… Chứ không phải bằng mấy lời rao giảng đạo đức… Cách giải quyết như thế là không bao giờ xong được cả".

Từ Hà Nội hôm 28/8/2024, cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí cho RFA biết ý kiến :

"Tất cả những điều mà ông Phan Đình Trạc nói tăng cường giáo dục liêm chính v.v… thì không phải là người đầu tiên nói vấn đề này. Cách đây khoảng năm năm đã có một vị giáo sư ở học viện quốc gia Hồ Chí Minh còn đề nghị thành lập cả Viện đạo đức, để có thể dạy cho cán bộ đảng viên những bài học về đạo đức. Thế cho nên tất cả những lời vừa rồi chỉ là chót lưỡi đầu môi, câu chuyện bên lề cho vui… Chứ còn đối với tất cả cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp càng cao, là những người có tuổi, có thực tiễn công tác, có hiểu biết đầy đủ… thì có lẽ không ai có thể giáo dục cho họ".

Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, biện pháp duy nhất là áp dụng nghiêm pháp luật, nếu sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, như vậy mới chính là hình thức răn đe, hình thức giáo dục có hiệu quả nhất. Ông nói tiếp :

"Như vừa rồi có tình trạng rất nhiều cán bộ phạm tội ở mức độ rất cao, có thể đã tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng… nhưng đều xử với mức án tù tương đối nhẹ nếu so với dân thường. Và chỉ sau một thời gian, ví dụ như có tin sắp tới những người đã khắc phục hậu quả kiểu như là Nguyễn Thành Long cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, hay là Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh… đã khắc phục hậu quả thì có thể được tha tù trước hạn".

Ông Vũ Minh Trí cho rằng, tha tù trước hạn như vậy là hoàn toàn phản giáo dục, và chỉ có thể là kích thích cho bọn tham nhũng sẽ tham nhũng nhiều hơn mà thôi.

Nguồn : RFA, 28/08/2024

**************************

Kiều bào với lời kêu gọi đầu tư và đóng góp chất xám từ Hà Nội

RFA, 27/08/2024

Vào những năm cuối thế kỷ 20, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đang ở Paris – Thủ đô của nước Pháp, thấy có một số trí thức quanh ông về Việt Nam làm việc, đóng góp chất xám cho đất nước. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, những người này đã phải rời khỏi Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau.

vn4

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn tri thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài 2024, hôm 22/8/2024 ở Hà Nội. Courtesy scov.gov.vn

Về và ấm ức ra đi

Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng, nếu đã quyết định về nước làm việc thì phải chấp nhận nhiều thứ không hài lòng. Ông kể lại câu chuyện trên với RFA hôm 27/8/2024 :

"Thời điểm đó tôi thấy xung quanh tôi có một số người họ về Việt Nam trong một thời gian ngắn, rồi phải ra đi trong sự ấm ức. Tôi có cảm nhận họ chờ đợi một cái gì đấy ở Việt Nam, nhưng không đáp ứng được, có thể là tiền lương, nhưng cũng có thể là điều kiện làm việc… Nhưng khi họ về họ thấy điều kiện làm việc, đặc biệt là những người lãnh đạo không đủ tầm, thấy xung quanh họ nhiều người phá hơn là làm, cho nên họ ra đi trong sự ấm ức".

Ông Hoàng cho biết, riêng ông khi đó nghĩ rằng, nếu về Việt Nam thì cho dù điều kiện làm việc không như ý, nhưng đã chọn về thì phải cố gắng trụ lại như trường hợp của ông :

Tôi về Việt Nam năm 2000 và tôi làm việc ở Đại học Bách Khoa đến năm 2010, tôi dạy trong khoa Toán. Lý do họ bắt bỏ tù tôi vì tôi tổ chức một khóa dạy về kỹ năng mềm. Đối với tôi cái đó rất quan trọng cho sinh viên sắp ra trường. Vì là kỹ sư phải có những nhu cầu như nói chuyện trước công chúng, làm việc nhóm, giải quyết những xung đột lúc làm việc…".

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, tất cả những kỹ năng mềm đó rất cần cho sinh viên, nhưng trong trường Đại học Bách Khoa không dạy hoặc chỉ dạy hàn lâm. Ông kể tiếp :

"Sau đó họ bắt bỏ tù tôi với lý do tổ chức những khóa đó là kiếm người cho đảng Việt Tân. Nhờ chính phủ Pháp can thiệp tôi được ra tù sau 17 tháng, nhưng họ vẫn coi tôi là một mối nguy tiềm tàng, họ không muốn thấy hình ảnh Phạm Minh Hoàng đứng trước mặt những người trẻ. Ở Việt Nam một người thầy ít nhiều cũng có ảnh hưởng nào đấy, cho nên họ tống tôi đi nước ngoài bằng cách tước quốc tịch Việt Nam của tôi".

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/8/2011 đã tuyên án Giáo sư Phạm Minh Hoàng ba năm tù giam và ba năm quản chế, với cáo buộc tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, theo điều 79 Bộ Luật hình Sự. Đến ngày 29/11/2011, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên xử phúc thẩm đã giảm án cho ông Phạm Minh Hoàng xuống còn 17 tháng tù giam và ba năm quản chế.

vn5

Người Việt ở Mỹ tổ chức Hội chợ Tết. RFA.

Cần sự cải tiến, minh bạch

Vào ngày 22/8/2024, tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn tri thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài 2024, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kêu gọi kiều bào đầu tư và đóng góp chất xám cho đất nước. Nói về lời kêu gọi này, ông Ngô Hoàng Phong, một Việt Kiều ở Đức hôm 26/8 cho rằng :

"Rất đơn giản, nếu anh không ủng hộ một chế độ độc tài, không ủng hộ chế độ vô nhân, không ủng hộ một chế độ chà đạp nhân quyền… thì không đầu tư vào Việt Nam. Còn những người làm ăn họ bán lương tâm họ đầu tư, họ không biết dân tộc là gì, họ chỉ biết chạy theo đồng tiền đầu tư vộ Việt Nam… thì cũng sẽ ‘ôm đầu máu’ chạy về. Trong mấy chục năm nay đã có nhiều người như vậy, như ông Trịnh Vĩnh Bình chẳng hạn… Làm sao một người theo Quốc gia mà có thể về Việt Nam làm ăn được ? Vì làm ăn ở Việt Nam phải làm theo lề, làm trái luật thôi…".

Ông Tiến Nguyễn, chủ một Công ty Môi giới Đầu tư Địa ốc ở Virginia – Hoa Kỳ (Proplocate Realty, Llc) hôm 26/8 cho RFA biết ký kiến :

"Đã chạy đến nỗi xém chết thì về đầu tư làm chi nữa, làm sao mà được ? Về đầu tư bất động sản thì ai là quyền sở hữu và luật pháp thì ai bảo đảm ? Họ có thể bẻ luật ngay ngày hôm sau. Bây giờ họ nói luật bắt đầu cho Việt Kiều về mua nhà, nhưng họ không nói rõ việc đem tiền vô bao nhiêu, đem tiền ra như thế nào. Họ nói sẽ sửa đổi luật sở hữu 25 năm, ai tin thì làm thôi… Nó không phải như bên Mỹ với bên Europe, chuyển tiền qua lại có luật rõ ràng, có tự do… Còn bây giờ mình chuyển chui về Việt Nam được, thì phải chuyển chui ra, thì không có hợp lý đâu mà đầu tư, làm sao mà có thể làm ăn. Không có quy định chi tiết thì làm sao làm, tôi sẽ không đầu tư đâu. Còn người nào có tiền mà đầu tư theo kiểu đó thì tôi nghĩ là dại. Hơn nữa, bên Việt Nam còn giàu hơn Việt Kiều bên này, không có tiềm lực tài chính thì làm sao mà cạnh tranh được, đó là vấn đề. Chỉ có thể về mua một căn nhà để về hưu về thì còn được, chứ còn vấn đề đầu tư ở Việt Nam thì đừng nghĩ đến".

Ông Tuấn, sống ở Cộng hòa Czech khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, muốn thu hút Việt Kiều về nước đóng góp trước hết phải cải tổ các thủ tục hành chính, giảm quan liêu về giấy tờ, tạo điều kiện cho những người còn quốc tịch Việt Nam khi đi gia hạn giấy tờ… Vì hiện nay bộ máy hành chính rất là quan liêu và không rõ ràng minh bạch.

Việc người Việt Nam ở nước ngoài nếu hướng về quê hương để đầu tư xây dựng đất nước là một việc rất là đáng mừng và đáng được khuyến khích. Nhưng hiện nay những chính sách của nhà nước thật sự là chưa được rõ ràng và chưa có gì thật sự hấp dẫn.
-Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Còn Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy thì cho rằng, phải tạo ra một cơ chế để người Việt ở nước ngoài có tiếng nói trong việc giúp quốc gia phát triển, cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ông nói tiếp :

"Muốn vậy thì phải hình thành một ủy ban đại diện cho người Việt ở nước ngoài đúng nghĩa. Đối với những nước có đông người Việt, mỗi vùng hay bang hay nước, tuỳ lượng người, nên để cho họ bầu ra một đại diện vào ủy ban đại diện cho người Việt ở nước ngoài. Còn ở những nơi ít người Việt thì có một đại diện chung cho người Việt ở vài vùng. Uỷ ban này sẽ làm việc liên tục với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của chính quyền để đưa ra những khuyến nghị giúp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và giúp cả nước Việt Nam".

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, người từng ở nước ngoài nhiều năm, khi trả lời RFA từ Việt Nam hôm 26/8 cho rằng :

"Hiện nay người Việt Nam ở nước ngoài lên tới con số gần sáu triệu người, đa số là có địa vị xã hội và kinh tế khá tốt ở mọi nơi. Việc người Việt Nam ở nước ngoài nếu hướng về quê hương để đầu tư xây dựng đất nước là một việc rất là đáng mừng và đáng được khuyến khích. Nhưng hiện nay những chính sách của nhà nước thật sự là chưa được rõ ràng và chưa có gì thật sự hấp dẫn. Tôi không muốn góp ý kiến về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dịp tôi sẽ góp ý trực tiếp qua các cơ quan nhà nước".

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, vào năm 2020 có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao.

Nguồn : RFA, 27/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 220 times

1 comment

  • Comment Link Tiếu Ngạo jeudi, 29 août 2024 16:42 posted by Tiếu Ngạo

    Những người được xem là "trí thức" này có thể khá về chuyên môn nhưng hiểu biết về chính trị, về CS thì gần như một con số không to tướng nên mới nghĩ đến chuyện về VN đóng góp xây dựng quê hương dưới sự lãnh đạo toàn diện của tặc quyền VC.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)