Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/08/2024

Dân Nhật lo ngại nạn trộm cắp của thực tập sinh Việt Nam

VOA - BBC

Nạn trộm cắp, tội phạm của thực tập sinh Việt Nam gây nhiều lo ngại ở Nhật Bản

VOA, 30/08/2024

Ngày càng có nhiều thực tập sinh người Việt bị bắt giữ ở Nhật Bản vì trộm cắp và các tội khác gây ra những lo ngại ở đất nước này cũng như báo hiệu về những vấn đề sâu xa hơn bên dưới bề mặt, tờ báo lâu đời của Nhật Asahi Shimbun nêu ra trong một phóng sự hôm 28/8.

tromcap01

Trang The Japan Times đưa tin hai người Việt trộm xe đạp ở Tokyo, ngày 11/7/2024.

Trước đó, VOA và nhiều báo, đài khác của Nhật đưa tin về hàng loạt các vụ trộm cắp, phạm tội do người Việt gây ra ở quốc gia Đông Bắc Á.

Theo tìm hiểu của VOA, hiện có khoảng 570.000 người Việt sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, 35% là các thực tập sinh, theo Asahi Shimbun. Việt Nam đang đứng đầu nhóm 15 nước đưa thực tập sinh, người lao động tới đất nước này. Họ góp phần duy trì các ngành quan trọng như xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe.

Nhưng kèm theo sự hiện diện của họ là nhiều vụ phạm tội gây phiền lòng người dân sở tại, theo quan sát của VOA. Đã có một loạt các bản tin của VOA và các trang tin Việt ngữ ở hải ngoại về ít nhất 10 người Việt bị nhà chức trách Nhật bắt giữ về tội trộm cắp hoặc ăn cướp trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay.

Gần đây nhất, NHK và một số đài, báo Nhật đưa tin về một nhóm người nói tiếng Việt đánh cắp 11 xe ô tô hồi rạng sáng ngày 19/8 tại một đại lý của hãng Honda ở thành phố Otawara, tỉnh Tochigi.

Phóng sự hôm 28/8 của Asahi Shimbun nêu ra trường hợp một người đàn ông Việt Nam 32 tuổi bị đem ra xét xử ở tỉnh Fukuoka vì bị cáo buộc đã nhiều lần ăn trộm trong các căn nhà vắng chủ hồi năm ngoái. Ông này đã nhận tội với cảnh sát.

Ông này đến Nhật năm 2015 làm thực tập sinh nhưng bị người chủ chê trách về thái độ làm việc. Sợ bị trả về nước, ông ta bỏ trốn và bắt đầu đi ăn trộm sau khi được một người quen cũng là người Việt khuyến khích, Asahi Shimbun cho biết, dẫn thông tin từ các điều tra viên.

Vẫn các điều tra viên nói rằng ông này nợ số tiền hơn 171,5 triệu đồng sau khi trả các loại phí cho công ty môi giới để được đi Nhật và đã không thể trả số nợ đó. Ông ta khai rằng khi trộm cắp được, ông ta gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam, theo phóng sự của Asahi Shimbun.

Tờ báo này nói rằng con số công dân Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản bắt giam vì bị tình nghi dính dáng đến các vụ tội phạm đã tăng lên trong những năm gần đây. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật, 1.608 người Việt đã bị bắt trong năm ngoái, tăng thêm 27 người so với năm kia. Họ chiếm 28% trong toàn bộ những người nước ngoài bị bắt ở Nhật và là con số cao nhất trong 4 năm liên tiếp.

Nhiều thực tập sinh Việt Nam, khoảng 80%, gặp khó khăn do nợ những khoản tiền lớn vì phải trả phí môi giới, Asahi Shimbun viết. Trong khi đó, về nguyên tắc, họ không được thay đổi chỗ làm trong 3 năm đầu tiên.

Gặp vấn đề về bắt nhịp với nơi làm việc, song lại không thể chuyển chỗ làm, trong khi vẫn phải chịu gánh nặng nợ nần là những yếu tố đẩy nhiều thực tập sinh người Việt vào con đường phạm tội, các chuyên gia nói trong phóng sự của Asahi Shimbun.

Theo tìm hiểu của VOA, hồi giữa tháng 12 năm ngoái, khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản ở tại Tokyo, ông đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam, bao gồm cả Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo, phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho người lao động Việt Nam.

Thủ tướng Chính nói rằng cần phải tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa, để người lao động Việt Nam có thể an tâm học tập, làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, được sống trong một môi trường hiện đại với bản sắc văn hoá Nhật Bản, giảm thiểu các trường hợp vi phạm pháp luật.

Nguồn : VOA, 30/08/2024

*******************************

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản : ‘Tôi gửi tiền ăn trộm về cho gia đình'

BBC, 29/08/2024

Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ nần từ những khoản vay để trả phí môi giới khiến nhiều thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm tội.

tromcap1

Tính tới cuối năm 2023, có khoảng 203.000 thực tập sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – lượng thực tập sinh nước ngoài lớn nhất ở quốc gia Châu Á

Cuối tháng Bảy, một người Việt Nam (32 tuổi) đã bị bắt giữ tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) do bị nghi ngờ đã nhiều lần ăn trộm từ những ngôi nhà bỏ hoang.

Báo Asahi Shimbun hôm 28/8 dẫn thông tin từ cảnh sát tỉnh cho biết người đàn ông này đến Nhật Bản vào tháng 5/2015 với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật và làm thợ hàn ở tỉnh Nagasaki.

Tuy nhiên, sau khi bị khiển trách về thái độ làm việc, ông ta lo sợ sẽ bị đưa về Việt Nam nên đã trốn ra ngoài tự tìm việc.

"Tôi bắt đầu phạm tội trộm cắp vào khoảng tháng 3/2023, chủ yếu ở tỉnh Fukuoka, sau khi được một người quen người Việt Nam khuyến khích", cảnh sát dẫn lời người đàn ông.

"Tôi đã gửi số tiền ăn trộm được về cho gia đình ở Việt Nam".

Theo điều tra viên, người đàn ông này đã vay hơn 1 triệu yen (hơn 170 triệu VND) để trả phí cho một công ty đưa ông ta đến Nhật Bản, nhưng sau đó không thể trả được khoản nợ.

tromcap2

Số quần áo bị ăn cắp được cảnh sát Nhật tịch thu - Ảnh : Cảnh sát Fukuoka

Năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật Bản, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ và là con số cao nhất tính từ năm 2019, báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (Nhật Bản).

Một khảo sát của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, được thực hiện trên 2.100 thực tập sinh trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 tới tháng 4/2022, cho thấy hơn một nửa số thực tập sinh nước ngoài đã vay trung bình 540.000 yen (khoảng hơn 97 triệu VND vào thời điểm tháng 4/2022) để đến Nhật Bản.

Trong số đó, khoảng 80% đến từ Việt Nam và Campuchia.

Có 20% số người tham gia khảo sát cho biết mức lương ở Nhật Bản thấp hơn họ tưởng. Khảo sát này cũng cho thấy rằng nhiều thực tập sinh đã trốn ra ngoài là để tìm việc khác để có tiền trả nợ.

Từ cuộc khảo sát, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng cho rằng thực tập sinh sang Nhật Bản đang phải chịu mức chi phí "không công bằng".

Ảnh hưởng khi đồng yen sụt giá

Việc tỷ giá JPY/VND xuống thấp cũng khiến thực tập sinh khó trả nợ hơn. Cuối tháng 3/2022, giá 1 yen nhật (JPY) xuống dưới mức 190 đồng và vẫn chưa quay lại mức này cho tới nay. Có những thời điểm trong tháng 7/2024, 1 yen chỉ đổi được 157 – 160 VND. Hiện tại, 1 yen đổi được 172 VND.

Hôm 28/6, Nhật Bản vừa thay quan chức phụ trách ngoại hối khi đồng yen giảm xuống mức 161,27 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986. Thời điểm đó, nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản nói với BBC họ đang "lao đao" do đồng yen xuống giá trong thời gian dài.

tromcap3

Tỉ giá JPY/USD ngày 28/6/2024 là thấp nhất kể từ tháng 12/1986

Trong bài viết ngày 23/8/2023 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, việc đồng yen rớt giá "khiến người lao động ở Nghệ An đi ba năm lo không đủ tiền trả nợ".

Bài viết nói rằng nhiều người lao động ở Nhật nhận lương xong cũng không dám quy đổi tiền để gửi về cho gia đình do tính ra bị "lỗ nặng". Nhiều người lựa chọn phương án "giữ tiền" chờ đợi đồng yen hồi phục lại mới đổi.

Theo bài viết ngày 29/8 trên NikkeiAsia, nhiều người Việt nói rằng tỷ giá JPY/VND suy giảm khiến họ không còn muốn tới Nhật Bản làm việc.

"Do đồng yen yếu, thu nhập thực tế đã giảm, chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu hút lao động trừ khi chúng tôi tìm tới các vùng nông thôn", Khanh Ly, một nhân viên tại một trung tâm môi giới thực tập sinh qua Nhật Bản ở Hà Nội, nói.

Người phát ngôn của các chính quyền địa phương Nhật Bản cũng đồng tình với quan điểm này, theo NikkeiAsia.

Ba năm mới được đổi chỗ làm

Theo luật hiện tại ở Nhật, trong vòng ba năm đầu tiên, thực tập sinh không được chuyển chỗ làm khỏi công ty tiếp nhận ban đầu.

Việc này khiến nhiều người bất mãn với môi trường làm việc, giờ làm, mức lương… chỉ có ba lựa chọn : tiếp tục làm việc, đi về Việt Nam hoặc trốn ra ngoài.

Theo bài viết ngày 19/6 trên NikkeiAsia, nhiều thực tập sinh Việt Nam e ngại không dám lên tiếng khi bị người sử dụng lao động quấy rối tình dục, hoặc ngược đãi theo cách khác, do sợ sẽ mất việc.

Quay lại khảo sát nói trên của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, một số nguyên nhân khiến thực tập sinh trốn ra ngoài bao gồm : ngược đãi bằng lời, bạo lực và không trả lương

Vào tháng 12/2023, Chính phủ Nhật Bản và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền từng bất đồng về việc rút ngắn thời gian cho phép thực tập sinh chuyển việc.

Trong khi chính phủ nước này đề xuất thời gian một năm, LDP phản đối "một sự thay đổi lớn như vậy" và cho rằng thực tập sinh phải làm ít nhất hai năm mới được chuyển chỗ làm, báo Japan News đưa tin.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi có những chỉ trích cho rằng việc buộc thực tập sinh nước ngoài phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt trong nhiều năm là một trong những lý do khiến nhiều người bỏ trốn khỏi nơi làm việc và mất tích.

Vào tháng Sáu, Tham Nghị viện (cơ quan tương đương thượng viện) đã thông qua Luật Kiểm soát Di trú và Nhận diện Người tị nạn sửa đổi.

Luật này bãi bỏ hệ thống thực tập sinh đặc định và thiết lập một hệ thống mới nhằm thu hút và bồi dưỡng người lao động nước ngoài, theo báo Asahi Shimbun.

Theo luật này, thực tập sinh có thể đổi chỗ làm sau một hoặc hai năm làm việc tại công ty tiếp nhận ban đầu.

Tuy nhiên, ông Shinichiro Nakashima từ Hiệp hội Kumusutaka về Sống chung với Người Di cư, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người ngoại quốc sinh sống ở Nhật Bản, đã chỉ trích luật mới, cho rằng "đây chỉ là một sự mở rộng của hệ thống cũ".

Theo ông Nakashima, chính phủ Nhật Bản cần có những chính sách lâu dài hỗ trợ việc cư trú tại Nhật Bản.

Người Việt xuất khẩu lao động tại Nhật

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 23.000 lao động tới Nhật Bản làm việc.

Tại thời điểm cuối năm 2023, có khoảng 203.000 thực tập sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – lượng thực tập sinh nước ngoài lớn nhất ở quốc gia Châu Á, theo NikkeiAsia.

Từ năm 2019 đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng của nguồn thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản là 12% - được đánh giá là đang "chững lại". Để so sánh, con số này ở Indonesia là 56%, Nepal là 23%, Philippines là 10%.

Vào tháng Sáu, NikkeiAsia đưa tin rằng chương trình thực tập sinh hiện thời của Nhật Bản đã bị chỉ trích khi mà thực tập sinh Việt Nam phải vay một số tiền lớn để có thể sang làm việc. Trung bình, một người phải trả hơn 112 triệu đồng để các công ty môi giới giúp qua Nhật Bản làm việc.

NikkeiAsia dẫn nguồn tin cho biết Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hợp tác với chính phủ Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để giảm gánh nặng tài chính cho những người học việc đi Nhật Bản.

Nguồn tin này cho biết JICA, chính phủ Việt Nam, ILO và các bên khác sẽ sớm ký một thỏa thuận thành lập sáng kiến Tuyển dụng Công bằng và Đạo đức Việt Nam-Nhật Bản (VJ-FERI).

VJ-FERI dự kiến sẽ được áp dụng vào mùa thu năm nay.

Theo đó, JICA và các đối tác sẽ tạo ra một cơ chế yêu cầu nhà sử dụng lao động Nhật Bản sẽ cần trả hơn 50% số phí tuyển dụng mà thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các công ty môi giới.

Hiện tại, Nhật Bản đang dần mất ưu thế tuyển dụng lao động nước ngoài trước các quốc gia khác, chẳng hạn Hàn Quốc.

Lương trung bình của lao động không có kỹ năng ở Hàn Quốc đã tăng lên mức tương đương hơn 46 triệu VND/tháng, so với hơn 36 triệu VND/tháng ở Nhật Bản.

Nguồn : BBC, 29/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA, BBC
Read 335 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)