Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/09/2024

Việt Nam sẽ chọn đúng cán bộ khi "mở rộng dân chủ, lắng nghe nhân dân" ?

RFA tiếng Việt

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời báo nhà nước hôm 3/9/2024 cho rằng : ‘muốn chọn đúng, chọn trúng cán bộ, phải đánh giá, nhìn nhận phẩm chất đạo đức, năng lực cán bộ qua công việc hằng ngày, qua ứng xử ở gia đình, xã hội…’.

canbo1

Áp phích tuyên truyền cho Đảng cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội. Reuters

Theo ông Dĩnh, ngoài tổ chức Đảng xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan tuyển dụng cán bộ… thì mặt khác cũng phải phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của quần chúng nhân dân trong việc chọn cán bộ cho đại hội đảng các cấp và Đại hội đảng lần thứ XIV được nói sẽ diễn ra đầu năm 2026.

Dân chủ giả hiệu

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 4/9/2024 liên quan vấn đề này, nhận định :

"Đây là vấn đề khó và phức tạp, mỗi nước đều có một cách để lựa chọn những người có trình độ có đạo đức cao, để đảm nhận các cương vị lãnh đạo của một cơ quan, một tổ chức… Nhiều nước thì cũng lấy cách phải bỏ phiếu rộng rãi, rồi công khai mọi thứ liên quan đến những người sẽ được lựa chọn. Tôi cho rằng đấy cũng là những kinh nghiệm. Thời gian vừa rồi, do thông tin không được công khai một cách tốt nhất, một cách toàn diện… Ví dụ tài sản của cán bộ được làm từ đâu ra, chính vì vậy cũng đã phát hiện ra những trường hợp cấp cao cũng phải từ chức".

Từ thực tiễn đáng buồn trong thời gian qua khi hàng loạt cán bộ cốt cán của Đảng vướng án tham nhũng, giáo sư Võ cho rằng, Việt Nam đang muốn có những thay đổi trong việc lựa chọn cán bộ. Ông nói tiếp :

Tôi cho rằng hướng của Việt Nam là muốn đạt được tiến bộ lớn trong việc lựa chọn cán bộ. Để tránh như thời gian vừa rồi đã tổn thất khá nhiều cán bộ do vấn đề đạo đức, vấn đề chấp hành nhiệm vụ, vấn đề thực hiện các luật của nhà nước, cũng như của tổ chức đảng… Như vừa rồi cũng đã phát hiện, cương quyết yêu cầu từ chức…".

Một nhà quan sát chính trị từ Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói với RFA hôm 4/9 rằng, việc mở rộng dân chủ, lắng nghe nhân dân để chọn đúng cán bộ chỉ là hô hào thôi. Ông nhận xét :

"Người ta nói thế thôi chứ thực chất là chọn người cùng phe cánh với họ, cùng chạy chọt với họ. Nói cho hay thì ai chả nói được. Họ nói là phải làm cho đúng đắn, phải chọn cho được người có tài có đức. Họ tạo ra vậy để chạy chức chạy quyền. Bây giờ ông nào muốn vào trung ương, thì phải đến gặp mấy người trong ban. Hiện nay, ra đại hội thì đại biểu không được giới thiệu người mà chỉ được bầu trong danh sách do cấp ủy cũ chuẩn bị. Cấp ủy cũ thì dựa vào danh sách của mấy ông trong Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược".

Nhà quan sát tình hình chính trị này nhận định rằng cách phát biểu của ông nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khó mà đúng với thực tế, và đó "chỉ là dân chủ giả hiệu thôi". Ông nói tiếp :

"Bởi mọi người chỉ được bầu trong danh sách chọn sẵn. Cách làm như thế này là hạn chế những người có uy tín, có năng lực, có tài năng nhưng không cùng phe cùng nhóm. Không chấp nhận ứng cử của những người mà họ cảm thấy có đủ trình độ và năng lực. Nếu muốn được nằm trong danh sách bầu thì phải vào cho được cái quy hoạch của người ta. Cách làm như thế này là một dạng độc tài độc đoán chứ chẳng dân chủ gì hết".

Chọn sai, chọn lại cho đúng ?

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong tám tháng đầu năm 2024, cơ quan này đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý, 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực… Trong đó có năm ủy viên Bộ Chính trị, một ủy viên Ban Bí thư và bốn ủy viên Trung ương Đảng. Đó là chưa kể, có hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong sáu tháng đầu năm 2024 từ số liệu của Bộ Nội vụ công bố hôm 8/7/2024.

Với những con số đáng chú ý trên, liệu việc chọn đúng, chọn trúng cán bộ dựa trên phẩm chất đạo đức và năng lực để giới thiệu cán bộ vào cấp ủy các cấp theo đúng "cẩm nang" và mong đợi của ông Nguyễn Tiến Dĩnh có thể khả thi ?

Nhận định về vấn đề này, nhà hoạt động xã hội Trần Anh Quân hôm 4/9/2024 khi trao đổi với RFA nói :

"Khi ông Dĩnh muốn chọn đúng cán bộ thì tức là ông này thừa nhận trước nay đã chọn sai cán bộ rồi. Dĩ nhiên là chọn sai thì mới dẫn tới cả một hệ thống chính trị nhìn đâu cũng thấy sâu mọt như hiện nay, từ chủ tịch xã tới chủ tịch nước...".

Ông Trần Anh Quân cho rằng, ông Dĩnh từng là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chuyên tuyển chọn và đào tạo cán bộ mà còn nói như vậy, cho thấy những sai lầm trong lựa chọn nhân sự của đảng cộng sản là sai lầm từ quy trình, cơ chế, chứ không phải là sai lầm do một vài cá nhân gây ra.

Theo ông Quân, ngay cả ông Dĩnh cũng chưa chắc là một lựa chọn đúng khi được cho ngồi vào ghế thứ trưởng Bộ Nội vụ... và rằng những sai lầm về chọn lựa cán bộ thực chất là do cơ chế tuyển dụng chỉ dựa vào lý lịch, ưu tiên cho con cái các lãnh đạo. Do đó, ông Quân góp ý rằng :

"Muốn chọn đúng người tài phục vụ quốc gia thì chẳng có cách nào khác là phải có ứng cử và bầu cử tự do. Khi người dân được dùng lá phiếu để chọn lãnh đạo thì chắc chắn là dân không chọn sai. Còn đảng mà cứ khư khư giữ lại cơ chế hiện nay thì sẽ không bao giờ chọn đúng được".

Ông Quân cũng cho rằng nếu Đảng cộng sản muốn mở rộng dân chủ thì Việt Nam phải có dân chủ, chứ không thể nào mở rộng cái mà họ không có. "Mà đã không có dân chủ thì làm sao mà có chuyện lắng nghe người dân", ông Quân kết luận.

Nguồn : RFA, 04/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 323 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)