Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/09/2024

Bạo hành trẻ ở mái ấm, trẻ khuyết tật : khi đạo đức xuống cấp

RFA tiếng Việt

Một vụ bạo hành trẻ em tại một cơ sở  được cấp phép của Phòng Lao động, thương binh và xã hội quận 12 thành phố Hồ Chí Minh, được truyền thông loan những ngày qua, gây bất bình trong cộng đồng. Đau lòng hơn là tiếp đó, lại một vụ  bạo hành khác với trẻ khuyết tật năm tuổi được trông giữ tại thành phố Pleiku, khiến cháu bé này tử vong.

baohanh1

Cơ quan chức năng kiểm tra tại Mái ấm Hoa Hồng - Đời sống & Pháp luật

Trục lợi bất chính ?

Nhiều phụ huynh khi đọc các thông tin trên đều không khỏi xót xa cho các cháu bé đồng thời phẫn nộ với những người lớn – mang danh nghĩa chăm sóc trẻ, bảo mẫu.

Một người mẹ ở Đà Nẵng không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 6/9/2024 cho rằng, bạo hành ở các mái ấm, một việc đắng lòng mà cả xã hội phải vào cuộc :

"Hiện nay rất nhiều thành phần bất hảo lợi dụng lòng tốt của xã hội để trục lợi bất chính. Điều mà họ biết kiếm nhiều nhất là nơi nuôi các em bé bị bỏ rơi, bị mồ côi sẽ dược giúp đỡ rất nhiều về vật chất, cũng như về công việc chăm sóc trẻ em vào ban ngày… Họ không tốn gì nhiều và tha hồ trục lợi, chúng ta đã quá thương cảm mà bỏ qua rất nhiều thiếu sót từ các tổ chức này, từ mái ấm hoa Hồng đã rất nhiều người nghi ngờ, đã có chứng kiến mà vẫn giúp đỡ, điều này cho thấy con người bây giờ làm việc gì cũng rất hời hợt, lẽ ra cơ sở này sẽ được phát hiện sớm hơn chứ không phải là bây giờ".

Theo người Mẹ này, nhiều năm trôi qua, biết bao nhiêu trẻ em ở các mái ấm bị bạo hành, sẽ mang nhiều đi chứng trên cơ thể và cả tinh thần. Bà nói tiếp :

"Điều rất cần là thanh tra toàn bộ, rà soát lại các hóa đơn chứng từ về thu nhập, về số lượng trẻ đã vào và ra tại các trung tâm. Điều cần là giáo dục làm từ thiện văn minh chứ không phải cá nhân tập thể làm lấy tiếng, PR. Đã có các vụ mua bán nội tạng trẻ em cần đi sâu hơn về vấn đề này".

Một lãnh đạo Sở Lao động, thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh, sau vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, cho biết Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra 79 cơ sở bảo trợ xã hội gồm cơ sở công lập và ngoài công lập để thẩm định hồ sơ cấp phép cũng như kiểm tra các tiêu chí hoạt động khác. Đó là câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng" và kiểu kiểm tra "chữa cháy" của các cơ quan chức năng một lần nữa lại được nêu ra, khiến nhiều người ngao ngán.

Trong khi đó, theo số liệu của Cục Trẻ em, chỉ trong ba năm từ 2020 đến 2022, Việt Nam đã phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng xâm hại 5.904 trẻ em. Trong đó, năm 2020 trẻ em là nạn nhân dưới sáu tuổi chiếm tỷ lệ 7,02%, năm 2021 là 6,54% và năm 2022 với 6,65% ; hiếp dâm trẻ em cũng tăng cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân.

Chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF tại buổi tọa đàm về ‘Bạo hành trẻ em : Vấn nạn nóng cần chung tay xóa bỏ’, vào ngày 21/1/2022 cho rằng, con số công bố trẻ em bị bạo hành, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bà Duyên, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho RFA biết ý kiến liên quan vấn đề này :

"Bạo hành, bạo lực trẻ em có nhiều hình thức, Việt Nam căn bản là chưa thống kê được thôi chứ không chỉ có nhiêu đó. Ví dụ ngay chỗ tôi ở đây cũng thế. Đánh con mà cả bố cả mẹ hùa vào đánh chứ không phải một mình bố đánh hay một mình mẹ đánh. Mà ở Việt Nam thì tất cả những cái ấy là ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Người ta không coi đứa trẻ như một con người cần được tôn trọng và được đối xử công bằng, kiểu như trẻ con thì biết gì đâu".

baohanh2

Những hình ảnh bạo hành trẻ em gây phẫn nộ (Nguồn ảnh : Báo Thanh niên)

Lòng tốt không có sẵn

Dưới góc nhìn chuyên môn của Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, bà cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị bạo hành :

"Những nhà trẻ bây giờ phải nói là ở mức độ đông quá tải, thành ra sức của một người bảo mẫu không thể chăm sóc được hết... thì sẽ có những lúc người ta bực bội sẽ phản ứng theo kiểu bạo hành. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân khách quan. Nếu bây giờ giảm số cháu ít đi, một bảo mẫu chỉ trông ít cháu thôi, vừa sức của người ta để có thể chăm sóc tử tế, thì tình trạng đấy tôi nghĩ sẽ đỡ hơn rất nhiều. Ví dụ như những nhà trẻ tư được đầu tư tốt, số lượng cháu ít, thì tất nhiên khi đấy mất chi phí rất cao, nhưng bù lại dịch vụ cung cấp tốt hơn rất nhiều".

Nói về trường hợp trẻ bị bạo hành ở các mái ấm từ thiện, các cơ sở được cấp phép của ngành Lao động, thương binh và xã hội, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng :

"Những nơi người ta làm từ thiện hay là mái ấm hay là cái gì đó, thì tôi nghĩ ngoài chuyện quá tải, quá sức của một người có thể chăm sóc được trẻ... thì còn một vấn đề nữa là thiếu sự giám sát. Bình thường một đứa trẻ bao giờ cũng có cha mẹ, người thân để mà giám sát, hoặc để ý đến đứa trẻ, nhưng những đứa trẻ ở những nơi đấy không có cha mẹ người thân, thì chẳng ai giám sát cả... Như vậy nó hoàn toàn trông chờ vào cái gọi là ‘lòng tốt’, thế nhưng lòng tốt thì đâu có sẵn đâu, ở đời này ‘lòng tốt hiếm lắm’...".

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, ngoài việc thiếu giám sát, các cơ sở như vậy cũng thường không có điều kiện tốt :

"Hơn nữa điều kiện vật chất ở những chỗ đấy cũng kém, không được chu cấp đầy đủ, thế thì lòng tốt của người ta cũng chỉ ở một mức độ nào đấy. Mãi mãi trong một điều kiện vật chất kém thì cũng không thể duy trì được. Đấy là chưa kể còn những hình thức như kinh doanh này khác nữa, thì tôi chưa nói đến. Mà những hình thức đấy cũng không phải là không có, người ta cứ mượn danh làm từ thiện này nọ để làm những hình thức khác nữa. Có những vụ đã được đưa ra pháp luật hẳn hoi chứ không phải là không. Thành ra cái đấy là một hiện thực xã hội nó như thế".

Nguồn : RFA, 06/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 303 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)