Việt Nam : Một bài viết ký tên chủ tịch nước kêu gọi siết chặt Internet
Báo chí Việt Nam ngày 20/08/2017 đã công bố một bài viết ký tên chủ tịch nước Trần Đại Quang đề cập đến vấn đề an ninh mạng ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi siết chặt quyền kiểm soát trên mạng internet, và chống lại các mối đe dọa do tin tặc.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ngày 30/08/2016 - Ảnh : AFP
Bài viết trên báo Thanh Niên mang tựa đề "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới" đã lo ngại rằng trong thời gian qua, "các thế lực thù địch và tội phạm mạng" đã "gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập thông tin, bí mật nhà nước, bí mật nội bộ, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin".
Bên cạnh đó, bài viết cũng tố cáo các thế lực đó là đã "sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia".
Hậu quả của các "hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ" đó, theo bài viết, "đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà Nước".
Trên cơ sở đó, bài báo cho rằng Việt Nam cần phải chú ý nhiều hơn đến việc kiểm soát thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các mạng xã hội, và cần một giải pháp hiệu quả "để ngăn chặn các trang web thông tin và blog có nội dung xấu và nguy hiểm".
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, bài viết của chủ tịch nước Việt Nam xuất hiện vào lúc rộ lên nhiều tin đồn loan truyền trên Internet về ông, do việc không thấy ông xuất hiện trước công chúng từ cuối tháng Bảy.
Lời kêu gọi tăng cường giám sát Internet cũng được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam tăng cường trấn áp, không chỉ những người chỉ trích chính quyền, mà cả những quan chức chính phủ bị cáo buộc tham nhũng.
Reuters nhắc lại sự kiện Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia đứng đầu về số người sử dụng Facebook, trong lúc YouTube cũng rất được ưa chuộng.
Riêng về lời báo động về các mối đe dọa đối với an ninh mạng, Reuters ghi nhận hai yếu tố. Một là hồi tháng Năm vừa qua, hàng ngàn máy tính ở Việt Nam đã bị virus WannaCry ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong một bản báo cáo ba tháng trước đây, công ty an ninh mạng FireEye tại Hoa Kỳ cho rằng hacker làm việc cho chính phủ Việt Nam đã đột nhập vào các máy tính của các công ty đa quốc gia trong nước. Báo cáo này đã bị chính quyền Việt Nam cực lực bác bỏ.
Trọng Nghĩa
*********************
Chủ tịch Quang kêu gọi ngăn thông tin ‘độc hại' (VOA, 21/08/2017)
Báo chí trong nước hôm 20/8 đăng tải một bài được cho là do Chủ tịch Trần Đại Quang viết về tình hình an ninh mạng ở Việt Nam, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về sức khỏe của ông.
Chủ tịch Việt Nam tại Hội nghị APEC ở Peru cuối năm 2016.
Báo điện tử VietNamNet dẫn bài viết có tựa đề : "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới".
Bài viết nhân một dịp kỷ niệm của ngành công an có đoạn nói rằng "các thế lực thù địch và tội phạm mạngđã sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia".
"Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm ; sử dụng các trang mạng, blog liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại ; tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.."., bài báo viết tiếp.
Chủ tịch Việt Nam nhiều ngày qua đã trở thành tâm điểm của các tin đồn trên mạng xã hội về chuyện sức khỏe sau khi ông vắng bóng trước công chúng từ cuối tháng Bảy, nhưng cho tới ngày 20/8, Hà Nội vẫn chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận các đồn đoán này.
Những ngày gần đây, ông Quang cũng được báo chí cho biết rằng đã gửi điện chúc mừng tới nhiều nước khác nhau nhân dịp quốc khánh của các quốc gia này.
Bài viết hiện được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội được cho là của ông Quang kêu gọi "tập trung quản lý các loại hình thông tin trên mạng, nhất là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog" và "có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các trang thông tin điện tử, blog có nội dung xấu, độc hại, tin nhắn rác" cũng như "phải có chế tài đối với những người vi phạm, đưa tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội".
Đây không phải là lần đầu tiên quan chức trong nước nhấn mạnh tới thông tin "xấu, độc" trên mạng xã hội. Việt Nam từng yêu cầu Google hay Facebook xóa bỏ các bài viết hay video có nội dung mà Hà Nội coi là "độc hại".
Theo Reuters, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có nhiều người sử dụng Facebook trên thế giới, trong khi YouTube của công ty Google là một trong những mạng chia sẻ video được ưa thích ở Việt Nam.