Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/09/2024

Việt Nam có nên theo mô hình phát triển của Nhật Bản ?

BBC tiếng Việt

Ý kiến cho rằng Nhật Bản là một nước giàu nhưng người dân không giàu của ông Nguyễn Thiện Nhân đã khơi lên nhiều tranh luận. BBC News tiếng Việt hỏi chuyện những người sống ở Nhật Bản và các nhà nghiên cứu để cung cấp thêm góc nhìn.

vietnhat1

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, cựu Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mới đây phát biểu : "Nhật Bản có dân số hơn 120 triệu người, dồn hết sức tăng vọt kinh tế nhưng cuộc sống người dân không đủ điều kiện cần thiết để họ có gia đình và nuôi được 2 con. Đất nước giàu nhưng người dân không giàu".

Câu nói của ông Nhân được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 20 vào ngày 4/9.

Ông Nhân nhấn mạnh bài học từ các nước là "giàu nhưng không tái tạo được con người cho đất nước".

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nhân nói rằng "nếu là nước thu nhập cao thì không chỉ có vui đâu, mà sẽ rất lo" khi nhắc đến mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

"Vì những nước thu nhập cao đang gặp khó khăn, có nhược điểm ta cần tránh, đó là khi đất nước càng giàu, thu nhập bình quân đầu người cao nhưng không tái tạo được con người cho đất nước mình", ông nói.

Trước đó, vào tháng 12/2022, ông Vũ Đức Đam, khi còn làm phó thủ tướng, từng cho biết "các chuyên gia nước ngoài rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là nước ta không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật".

"Các chuyên gia nói với tôi rằng, tôi đến từ các nước phát triển nhưng giá mà bây giờ được quay lại như Việt Nam và phát triển theo định hướng này", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Vũ Đức Đam.

BBC News tiếng Việt đã trao đổi với những người Việt Nam và chuyên gia kinh tế ở Nhật Bản.

'Phúc lợi xã hội rất tốt'

vietnhat03

Ảnh Bùi Hằng Nguyệt

Chị Bùi Hằng Nguyệt, một công dân Việt Nam 44 tuổi đã sinh sống tại Nhật 12 năm, đánh giá cao về hệ thống phúc lợi của Nhật Bản.

Chị Hằng Nguyệt đang sống cùng chồng và ba con tại thành phố Osaka của Nhật Bản. Ban đầu chị làm việc ban đầu là cơ sở dưỡng lão, sau đó chăm sóc trẻ em khuyết tật.

"Nói về phúc lợi của Nhật Bản, tôi muốn kể về trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật, nơi tôi đang làm việc, mang tên Swan Naniwa Social Well Aging Network ở Osaka", chị Hằng Nguyệt chia sẻ với BBC News tiếng Việt vào ngày thứ Sáu 20/9.

"Nơi đây rất đồ sộ, hệ thống rất quy mô, mỗi bé sẽ có một cô, một thầy kèm theo bé từ nhỏ đến lớn luôn. Ở Nhật Bản có rất nhiều trung tâm như vậy, không chỉ là một hay hai nơi. Chi phí cha mẹ phải trả cho các bé cũng không cao bao nhiêu và có chính phủ hỗ trợ".

Về giáo dục, chị Hằng Nguyệt cho biết con chị học từ 3 tuổi cho đến hết cấp 2 và ở trường công thì được miễn phí.

"Tôi thấy ở Nhật Bản, người ta không phân chia tầng lớp giàu nghèo. Khác với Việt Nam mình, ở Nhật Bản không có cảnh xe đen, xe đỏ đưa con đến cổng trường và đó là quy tắc. Các bé phải đi bộ đến trường và rất dễ dàng, thuận tiện vì trường nằm gần các khu dân cư và cũng có đội tình nguyện giúp đỡ", chị Hằng Nguyệt chia sẻ thêm.

Xét về y tế, chị Nguyệt kể lại với BBC về lòng biết ơn các y bác sĩ ở Nhật Bản khi con thứ ba của chị bị tim bẩm sinh đã được phát hiện sớm trong thời gian đầu của thai kỳ.

"Khi mới đến Nhật Bản, tôi cũng nghe bạn bảo thấy người dân Nhật khổ, ý là họ phải đi làm rất vất vả để kiếm sống. Thế nhưng sau thời gian sinh sống ở Nhật, tôi thấy rằng là người bình thường thì ai cũng phải làm mới có ăn. Ở đâu cũng thế thôi".

"Thu nhập của gia đình tôi phải bỏ ra nhiều nhất là thuế và bảo hiểm. Về thuế thì có thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất... Trong chi tiêu gia đình, tôi cũng làm theo kiểu 'liệu cơm gắp mắm', 'lựa bò đo chuồng'... Nơi nào cũng có người giàu, người nghèo", chị nói thêm.

'50% thu nhập chảy vào thuế'

vietnhat2

Phó Giáo sư kinh tế học Tadashi Kikuchi từ Đại học Teikyo và Giáo sư Shimizu Masaaki, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Osaka - Shimizu Masaaki/Tadashi Kikuchi

Giáo sư Shimizu Masaaki, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Osaka, chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng thu nhập hiện nay của ông "chỉ vừa đủ sống".

"Có thể công nhận GDP của Nhật Bản vẫn đang rất cao, xếp thứ 4 thế giới nên mức sống bình quân tại Nhật Bản vẫn đang ổn định. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của nhân dân Nhật Bản xếp thứ 29 trên thế giới".

"Là giảng viên đại học, một trong các nghề nghiệp có thu nhập tương đối ổn định, tôi cảm thấy thu nhập hiện nay vừa đủ đế sống mà thôi, tức vừa đủ nuôi gia đình có vợ và hai con đang học đại học và chưa có việc làm, chứ không thể tiết kiệm được tí nào để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi về hưu. Điều đó có nghĩa là sau khi về hưu chỉ nhờ vào lương hưu mà sống thôi, chứ không hưởng thụ được cuộc sống thoải mái như đã tưởng tượng từ trước. Trường hợp của tôi cũng như nhiều người công chức khác ở Nhật Bản có mức thu nhập tương đối. Theo tôi một phần của vấn đề là do giá thuế phải nộp hàng tháng rất cao".

Giáo sư Shimizu Masaaki cho biết cụ thể đang chịu thuế địa phương (10%), thuế thu nhập (hơn 20%), bảo hiểm xã hội (bắt buộc) 12-13%. Tổng cộng thì hàng tháng ông phải nộp cho chính phủ khoảng 50% thu nhập.

"Về vấn đề lương hưu, thế hệ chúng tôi cũng như thế hệ trẻ như con nhà tôi không tin tưởng vào cuộc sống thoải mái sau khi về hưu nếu chỉ có lương hưu. Bản thân tôi nghĩ chắc phải đi làm thêm hoặc thậm chí đi ra nước ngoài để tìm chỗ nào họ thực sự cần kĩ năng của tôi như là nhà nghiên cứu hoặc nhà ngôn ngữ học", Giáo sư Shimizu Masaaki cho biết thêm.

Phó Giáo sư kinh tế học Tadashi Kikuchi từ Đại học Teikyo (Nhật Bản) chuyên nghiên cứu trong khu vực Châu Á bình luận với BBC News tiếng Việt về đời sống người Nhật Bản vào ngày 20/9 :

"Ở Nhật Bản, hầu hết người dân đều thuộc giới trung lưu. Thu nhập đầu người một năm của người Nhật là 5,05 triệu yen vào năm 1994. Năm 2019 thu nhập là 3,74 triệu yen, giảm 35% và 4,37 triệu yen, giảm 16% vào năm 2023. Sau khi dịch Covid đi qua, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu hồi phục".

"Tuy nhiên, nếu nhìn sang nước khác và tính theo đồng đô la Mỹ thì câu chuyện đã khác. Bởi vì giá trị đồng yen đi xuống, mức thu nhập sụt giảm của tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn, tương ứng 47% (2019) và 67% (năm 2023), nếu tính theo đô la Mỹ".

Điều này khiến hầu hết người dân Nhật thuộc tầng lớp trung lưu cho rằng "chúng tôi đang nghèo đi".

"Tôi phải thừa nhận rằng, ngày nay ở Nhật Bản có những người dân phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, đó là nhóm người ở dưới nhóm thu nhập trung bình nói trên".

Mức sinh giảm và dân số già nhanh

vietnhat3

Hiện hai phần ba số quốc gia trên thế giới có tỷ lệ sinh thấp, trong đó Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc nằm trong nhóm thấp thế giới - David Mareuil/Anadolu/Getty Images

Giáo sư Shimizu Masaak cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất ở xã hội Nhật Bản hiện nay là tốc độ già hóa dân số nhanh.

"Hiện nay hơn 29% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi. Vả lại tỉ lệ sinh con tại Nhật đã thấp kỉ lục vào năm 2023. Điều đó có nghĩa là gánh nặng của thanh niên trong việc chăm sóc người cao tuổi sẽ càng ngày càng nặng nề".

"Tôi lấy một ví dụ, tôi có một cháu mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu kinh doanh riêng. Tuy nhiên, cháu đang gặp khó khăn trong việc nộp thuế vì quy định mới của chính phủ yêu cầu lấy hóa đơn ngay cả trong trường hợp kinh doanh cá nhân. Với lại cháu chưa có thu nhập cao mà thuế hỗ trợ người cao tuổi là quá đắt nên số tiền còn lại sau khi nộp các loại thuế không đủ để sống một mình. Cháu kêu : Sao chính phủ Nhật không nhìn thẳng vào vấn đề già hóa trong nước mà cứ nhìn ra ngoài gửi tiền cho các nước khác... Đó là tiếng kêu thực sự của nhiều người thanh niên Nhật Bản bây giờ", Giáo sư Shimizu chia sẻ.

vietnhat4

Phó Giáo sư kinh tế học Tadashi Kikuchi cho rằng vấn đề tỷ lệ sinh sụt giảm không chỉ ở những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, mà còn là vấn đề phổ biến ở các Châu Á khác. Kiyoshi Ota/Bloomberg/Getty Images

Hiện hai phần ba quốc gia trên thế giới có tỷ lệ sinh thấp, trong đó Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc nằm trong nhóm thấp thế giới.

Hầu hết các quốc gia đều giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp giống nhau, như trợ cấp cho các cặp vợ chồng mới cưới, trợ cấp giáo dục miễn phí, chăm sóc thêm, giảm thuế và tăng thời gian nghỉ hậu sản.

Phó Giáo sư Tadashi Kikuchi nói rằng vấn đề tỷ lệ sinh sụt giảm không chỉ có ở những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, mà còn là vấn đề phổ biến ở các Châu Á khác.

"Một cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ hai nguyên nhân chính, đó là những nhân tố trong nước và những yếu tố khác từ nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa. Xét về nguyên nhân từ trong nước, đúng là tỷ lệ sinh giảm là một trong số đó".

"Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt trong nền kinh tế của Nhật Bản là năng suất đã không tăng một cách hiệu quả và như kỳ vọng, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu".

"Tỷ lệ sinh giảm tự bản thân nó không phải tốt cũng không phải xấu. Đây là một xu hướng tự nhiên sau quá trình phát triển kinh tế, các gia đình có xu hướng có ít con hơn trước".

Việt Nam không nên theo mô hình của Nhật Bản ?

vietnhat5

Phát biểu khai mạc hội nghị Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 vào ngày 18/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh cần tăng tốc "về đích" thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng là "mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân" trong năm 2025.

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 2021 đã đề ra những mục tiêu cần hoàn thành để hướng tới những dấu mốc quan trọng vào các năm 2025, 2030 và 2045.

Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước : Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam : Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa : Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

vietnhat6

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước là 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Ảnh minh họa một người bán ổi tại Hà Nội vào ngày 27/2/2024 – Nhac Nguyen/AFP/Getty Images

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

"Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội 'già hóa' sang xã hội 'già'. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số".

Nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam hiện đang đối mặt với vấn đề "chưa giàu đã già".

Phó Giáo sư Tadashi Kikuchi từng làm việc với vai trò chuyên gia cho cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và là nhà nghiên cứu kinh tế tại Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận định về kinh tế Việt Nam và Nhật Bản, Phó Giáo sư Tadashi Kikuchi cho rằng tỷ lệ sinh giảm không thể là lý do chính và duy nhất dẫn đến khủng hoảng kinh tế quốc gia.

"Vì chúng ta có thể cải thiện năng suất lao động nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ sinh giảm", ông nhấn mạnh.

"Nói cách khác, tôi nghĩ Việt Nam từ bây giờ nên chuẩn bị giải quyết vấn đề già hóa dân số để hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Vì mục đích này, năng suất lao động là một vấn đề quan trọng cũng như phân phối thu nhập cân bằng ở Việt Nam".

Phó Giáo sư Tadashi Kikuchi đồng thời nhấn mạnh cần phải đảm bảo yếu tố bền vững trong mô hình phát triển của Việt Nam trong hiện tại và tương lai để đạt mục tiêu đề ra.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mức tăng trưởng trong nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ là 6,1% trong năm 2024 và có thể tăng lên 6,5% trong giai đoạn 2025-2026.

Giáo sư Shimizu Masaaki chia sẻ dù ông rất tự hào về văn hóa và tính cách con người Nhật Bản, nhưng về mặt chính sách của chính phủ Nhật hiện nay, theo ông là "có nhiều vấn đề", đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho thanh niên.

"Thanh niên phải gánh gánh nặng chăm sóc người cao tuổi, muốn bắt đầu kinh doanh cá nhân theo ý riêng và độc đáo của mình mà có nhiều trở ngại do chính sách của chính phủ".

"Tôi rất mong chính phủ Việt Nam phân tích kĩ thực trạng của các nước phát triển để rút kinh nghiệm và hướng tới tương lai với thế hệ sau", ông nói.

Nguồn : BBC, 24/09/2024

Ghi chú : Bình luận của Giáo sư Tadashi Kikuchi với BBC tiếng Việt phản ánh góc nhìn của ông ; không phản ánh góc nhìn của tổ chức mà ông đang làm việc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 158 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)