Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/10/2024

Cần miễn học phí hay bỏ mọi khoản thu khác ?

RFA tiếng Việt

Học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 tại sáu tỉnh, thành tại Việt Nam gồm Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đà Nẵng sẽ được miễn đóng học phí 100% trong năm học 2024-2025.

hocphi1

Trong một lớp học ở Mù Cang Chải - AFP

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 26 diễn ra chiều 26 tháng 9 vừa qua, Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Quảng Nam thông qua nội dung chi hơn 158 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trong hai năm học 2024 - 2025 và 2025 - 2026.

Nghị quyết 12/2024/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng từ năm học 2024 - 2025. Theo đó, mức học phí hàng tháng cho một học sinh nhà trẻ từ 120 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng ; mẫu giáo từ 100 ngàn đồng đến 160 ngàn đồng ; cấp tiểu học và trung học cơ sở từ 30 ngàn đến 60 ngàn đồng ; trung học phổ thông từ 100 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nói với RFA quan điểm của ông về vấn đề học phí, các khoản thu của học sinh tại Việt Nam :

"Thực sự mà nói, mức học phí nhà nước quy định ở các trường công lập đều rất thấp, mỗi tháng chỉ từ 150 ngàn đến 300 ngàn thôi. Học phí thì không đáng kể nhưng thực tế, các khoản thu trái phép mà các trường bịa ra để thu ngoài quy định là rất lớn. Lớn gấp nhiều lần học phí công lập nhà nước quy định. Khoảng 20 năm nay, tất cả các cấp lãnh đạo đều biết tình trạng thu ngoài quy định nhưng họ im lặng. Khi báo chí phản ánh thì xử lý đối phó. Xong đâu lại vào đấy. Đây là điều làm khổ PHHS rất nhiều. Theo tôi, phải cấm tiệt các khoản thu trái phép. Học phí để nguyên cũng được".

Chuyện học phí và các khoản phí được dư luận đề cập đến vào mỗi đầu năm học. Theo đó, mức học phí không nặng bằng các loại phí bị cho là không tên khác.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định :

"Ở Việt Nam hiện nay thực tế vẫn chưa có giáo dục miễn phí cho học trò, khi nói miễn phí là nói trên danh nghĩa thôi, còn người ta vẫn phải nộp tiền này tiền kia đủ các thứ".

Chiều 30/5/2018, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về sửa đổi hai dự án luật giáo dục, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị miễn học phí cho học sinh cấp 2. Ông Nhân nêu, giai đoạn 2012-2013, thu học phí cả năm học đối với cấp học này khoảng vài ngàn tỉ đồng, chỉ bằng 10-15km xây đường cao tốc.

Tuy vậy, tại hội nghị triển khai thực hiện đề án ủy quyền và đề án thu nhập tăng thêm của UBND TP diễn ra sáng 9/11/2018, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân lại phát biểu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm tối đa mức học phí thay vì miễn học phí cho cấp trung học cơ sở.

Nói đến những khoản thu bị coi là vô lý đầu năm học, truyền thông nhà nước đưa thông tin hàng loạt trường học đã bị phát hiện lạm thu khi năm học 2023-2024 mới bắt đầu được hơn một tháng. Theo đó, Trường Trung học Cơ sở Tứ Hiệp ở Thanh Trì, Hà Nội phát ra bản dự kiến chi tiêu với tiền quỹ cha mẹ học sinh lên đến hơn nửa tỉ đồng ; Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi ở Hải Dương có tới 16 khoản thu từ học phí cho đến tiền mua bàn, ghế, ti vi, hỗ trợ cơ sở vật chất lên đến gần 4 triệu đồng một học sinh… Hầu hết các trường hợp bị phát hiện thì hiệu trưởng chỉ bị khiển trách, bị phê bình nội bộ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục rằng : "Với những cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu, tôi đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu - hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải kiểm điểm trước cơ quan cấp trên là Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo để không xảy ra tình trạng tương tự. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở kiểm điểm mà phải thi hành kỷ luật, thậm chí, nếu cần thiết có thể xem xét cách chức hiệu trưởng".

Ngoài 6 tỉnh, thành miễn 100% học phí từ cấp mầm non đến trung học, một số tỉnh, thành khác cũng có chính sách giảm học phí cho học sinh các cấp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất giảm học phí cho tất cả các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó bậc trung học cơ sở giảm học phí xuống còn 1 phần 5 so với năm học trước. Tuy vậy, bà Lan, một phụ huynh có con học cấp 2 ở Sài Gòn nói với RFA quan điểm của bà :

"Tôi không cần miễn học phí. Cái tôi cần là bỏ hết các khoản thu đầu năm học như : kinh phí hoạt động cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp ; kinh phí hoạt động cho ban đại diện cha mẹ học sinh trường ; tiền bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường ; tiền trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh ; tiền học thêm trong nhà trường ; thu tiền viện trợ, quà biếu ; thu tài trợ ; tiền đồng phục…

Những cái đó nhà nước phải lo, không phải việc của phụ huynh học sinh".

Theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, trường công lập là trường học trực thuộc của nhà nước, trung ương hoặc địa phương. Các khoản kinh phí, đất đai, nhà cửa, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập ở trường học… đều được trang bị từ nguồn vốn nhà nước.

Điều 37 Hiến pháp Việt Nam quy định trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục ; Điều 39 Hiến pháp Việt Nam cũng quy định công dân có quyền và nghĩa vụ học tập. Ngoài ra, Quyền Trẻ em cũng quy định trẻ em có quyền được học tập ; trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí ; gia đình, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập ; học hết chương trình giáo dục phổ cập phải được tạo điều kiện theo học ở trình độ cao hơn.

Nguồn : RFA, 03/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 77 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)