Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/09/2024

Tham nhũng trong sách giáo khoa và cứu trợ bão Yagi

RFA tổng hợp

Hối lộ trong ngành xuất bản : thông đồng móc túi dân ?

RFA, 25/09/2024

Cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái bị đề nghị truy tố vì đã nhận tổng cộng 24,9 tỷ đồng, để nâng đỡ cho doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa. Hành động của ông Thái nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, đồng thời giúp doanh nghiệp "đưa hối lộ" lũng đoạn thi trường sách giáo khoa.

sgk1

Sách giáo khoa lớp 3. Ảnh minh họa. Courtesy baochinhphu.vn

Tham nhũng - căn bệnh trầm kha

Thông tin ông Thái bị đề nghị truy tố được nhiều phụ huynh và cả giới chức trong ngành phát hành sách, giáo dục tỏ ra hài lòng. Nhiều trong số họ còn cho rằng các ngành chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc.

Trả lời RFA hôm 24/9/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định :

"Qua việc ông cựu giám đốc nhà xuất bản giáo dục vừa bị phát hiện tham nhũng đến 25 tỷ đồng, có thể nói quan chức ở Việt Nam mấy năm gần đây cứ động đến ai là người đấy sẽ có tham nhũng. Nó cho thấy ngành giáo dục cũng như các ngành khác như xuất bản, một khi có sự bao cấp, bảo vệ, che chắn thì quan chức hế sức lộng hành. Nghiêm trọng nhất là sách giáo khoa ảnh hưởng đến toàn dân, ảnh hưởng những đứa trẻ từ bé đến lớn. Vậy mà nhiều kẻ sẵn sàng làm việc táng tận lương tâm, thông đồng nhau để móc túi người dân".

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, nhận hối lộ của các doanh nghiệp để nâng giá thành sản phẩm là một trò tham nhũng rất phổ biến ở Việt Nam :

"Các công trình xây dựng cũng rất dễ xảy ra tình trạng như thế, có thể nói nhiều công trình xây dựng trường học tại Việt Nam cũng trong tình trạng như thế, ngân sách thất thoát ít thì 30%, nhiều tới 50%. Tình trạng này cực kỳ phổ biến, do Việt Nam đang không có một cơ chế giám sát quyền lực, những vị cán bộ cầm quyền do đó mặc sức lộng hành, mặc sức tham nhũng… và rất ít khi bị phát hiện".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an C03 hôm 24/9/2024 khi trả lời truyền thông nhà nước khẳng định có 'lợi ích nhóm' trong vụ án đấu thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa ở Nhà xuất bản Giáo dục.

Tham nhũng là căn bệnh trầm kha của kinh tế nhà nước. Đó là nhận định của Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ từng giảng dạy nhiều năm ở Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA hôm 24/9 :

"Chuyện ông Thái tham nhũng số tiền lớn như vậy đó là bệnh chung của tất cả các công ty nhà nước, ít hay nhiều, khi này khi khác… Có chấm mút, có ăn cái này cái nọ là bệnh trầm kha của kinh tế nhà nước. Đây không phải vấn đề riêng của nhà xuất bản giáo dục, bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng có nạn tham nhũng ít hay nhiều. Vấn đề đặt ra là quản trị các công ty nhà nước như thế nào, trong đó có nhà xuất bản giáo dục, chứ không nên tách nhà xuất bản giáo dục ra như một trường hợp đặc biệt, như vậy thật sự không thể giải quyết vấn đề". 

sgk02

Ông Nguyễn Đức Thái, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (bìa trái), cùng ba bị can - Ảnh : Bộ Công an

Dân vẫn là người chịu thiệt thòi

Sách giáo khoa nhiều năm qua liên tục tăng giá khiến nhiều phụ huynh than vãn. Trong khi Nhà xuất bản Giáo dục là doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh đối với sách giáo khoa được biên soạn.

Trong năm 2022, những lùm xùm về độc quyền sách giáo khoa đã gây bức xúc trong dư luận và thanh tra đã phải vào cuộc. Kết luận thanh tra lúc bấy giờ cũng đã chỉ ra nhiều dấu hiệu sai phạm "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà xuất bản. Đồng thời khẳng định những sai phạm trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến phụ huynh và học sinh khi mỗi năm con em họ phải mua sách giáo khoa bắt buộc với mức giá không phù hợp.

Nhiều người đặt câu hỏi, vậy việc bồi thường cho phụ huynh học sinh đã mua sách giá cao, vì bị đội giá do chi phí hối lộ sẽ ra sao ? Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định :

"Chuyện mong muốn đó thì dân tình người ta mong muốn, nhưng có lẽ không bao giờ thực hiện được, Việt Nam là như thế… Quan chức đã tham nhũng, đã làm thiệt hại cho người dân thì người dân chịu, nhà nước mất thì nhà nước cũng chịu. Hầu như không thu hồi được và cũng chẳng bao giờ bồi thường thoả đáng cho người dân. Cho nên tóm lại nhân dân vẫn là người thiệt thòi".

Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng cho rằng rất khó để thực hiện việc bồi thường :

"Cái đó làm sao khắc phục được, chỉ có thể phòng ngừa chuyện đó đừng xảy ra. Tức là chuyện tương lai, chứ không phải chuyện quá khứ. Ngay cả chuyện trả lại tiền đã khó, huống gì tiền đâu mà trả ? Bởi vì không có thông tin gì để thu hồi tiền đó cả. Chưa kể giá sách của các nhà xuất bản đối thủ cũng bán giá như vậy thôi, họ là tư nhân nên không có vấn đề hối lộ gì cả ? Khi bán ra, một bên là nhà nước, một bên là tư nhân, giá thành cũng như nhau".

Trong khi đó ngoài chi phí sách giáo khoa, vào mỗi đầu năm học, phụ huynh học sinh phải đóng rất nhiều khoản tiền phụ thu khác nhau, mà với một số gia đình là khoản chi phí không nhỏ.

Ông Thái, một phụ huynh có hai con trong tuổi đi học ở Quảng Nam, hôm 24/9 cho RFA biết thực tế :

"Nếu cộng cả chi phí áo quần, các loại phí phải nộp đầu năm và các khoản tiền khác… thì một tháng lương của một công nhân sẽ không đủ cho chi phí đầu năm của một đứa bé đi học. Mình có may mắn là con mình ở Quảng Nam thì chỉ tốn khoảng một nửa tháng lương, từ hai đến ba triệu là xong đầu năm, vì các phí hay quỹ lớp ít. Nhưng những nơi khác thì nghe khũng khiếp lắm, có nơi mười mấy triệu, vì họ kêu gọi mua dụng cụ, học cụ nên sẽ rất là cao, một tháng lương công nhân không thể đủ".

Liên quan việc tham nhũng của cựu giám đốc nhà xuất bản giáo dục, ông Thái nhận xét :

"Vấn đề giáo dục là công việc của cả một dân tộc, khi một học sinh đến trường thì gần như năng lượng của cả dân tộc vô chỗ đó. Mà dối trá trong giáo dục có nghĩa là dối trá cả dân tộc, có tội rất nhiều so với các ngành nghề khác. Mỗi đồng tiền bỏ vô giáo dục cũng có thể là của cha mẹ giàu có hay trung bình cũng dồn hết vào cho con, nhưng cũng có những đồng tiền từ đi mò cua bắt ốc cũng dành hết yêu thương cho con… Dối trá, gian lận, hối lộ trong đồng tiền đó có nghĩa là đang ăn rất nhiều nước mắt, thậm chí xương máu của đồng bào mình. Dù sao họ cũng là người có bằng cấp mà suy nghĩ vậy là hết sức vô tri, vô trí, vô giác, mất tính người quá…"

Theo ông Thái, nhà nước nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề này thì không biết tương lai của Việt Nam đi đến đâu ? Bởi vì vấn đề giáo dục là vấn đề hàng đầu, tương lai nằm ở giáo dục.

Nguồn : RFA, 25/09/2024

***************************

Qua cứu trợ bão Yagi : niềm tin, nên được đặt đúng chỗ ?

RFA, 25/09/2024

Báo Nhân dân hôm 24/9/2024 có đăng bài viết của tác giả là Tiến sĩ- Bác sĩ Võ Toàn Trung – một Việt Kiều tại Pháp với tiêu đề "Vững niềm tin vào Đảng cộng sản cùng tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam".

sgk3

Lào Cai là một trong những tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất vì bão Yagi

Không có cơ sở

Bài viết của Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Toàn Trung bày tỏ rằng ‘tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi gian khó cũng như tầm nhìn, quyết sách của Đảng sẽ tạo bước đột phá để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững’.

Trả lời RFA từ Malaysia hôm 25/9, ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội nói ông không tin vào những nội dung trên :

"Việt kiều Pháp nói chuyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản là nói dối. Vì nếu tin vào đảng thì tại sao phải qua Pháp sống ? Ông Tiến sĩ, bác sĩ này cũng không đại diện cho đa số kiều bào Việt Nam ở hải ngoại, vì đa số người Việt tha hương là bởi vì họ không thể học tập hay kiếm sống được ở Việt Nam. Chứ nếu việc làm, giáo dục, an sinh xã hội của Việt Nam mà tốt thì chẳng ai muốn xa quê cha đất tổ để tha hương cầu thực".

Tiến sĩ Trung, trong bài viết của mình ghi nhận, hoan nghênh những quyết sách quan trọng của lãnh đạo Việt Nam đã mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng phát triển của đất nước. Trong đó ông có nhắc đến dự án đường sắt tốc độ 350km/giờ, mà theo ông đánh giá "tương đương với giao thông của Pháp". Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Quân, không thể đưa ra so sánh như vậy được, khi dự án trên vẫn còn trên giấy và vẫn đang được nghiên cứu :

"Tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung lấy ví dụ về dự án xây dựng đường sắt tốc độ 350km/giờ để ca ngợi nhà nước cộng sản thì quá kệch cỡm. Chứng tỏ bác sĩ này chẳng hiểu gì về cộng sản. Qua những dự án như Metro Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy rằng nếu muốn chờ cái đường sắt Bắc Nam 350km/giờ đó thì chắc phải chờ thêm ba đến bốn thế hệ nữa. Dân Việt Nam chẳng có mấy người tin vào tính khả thi của đường sắt Bắc Nam này".

Niềm tin bị lung lay

Nội dung bài viết còn dẫn sự ca ngợi sức mạnh đồng lòng của cả dân tộc qua việc chống chọi và khắc phục hậu quả cơn bão Yagi vừa qua. Đặc biệt, với sự dốc sức của toàn bộ hệ thống chính trị, mọi người dân vùng bão, lũ đều được hỗ trợ, giúp đỡ.

Từ Paris, thủ đô nước Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng hôm 25/9 khi nhận định với RFA cho rằng, Việt Kiều cho dù là những người qua đây lâu hay mới, thì ai cũng hướng về quê hương, đặc biệt trong lúc thiên tai bão lụt.

"Tôi nghe nói cũng có nhiều người giúp đỡ với tư cách cá nhân hoặc qua người thân của họ, chứ tôi chưa thấy một tổ chức nào quyên góp gởi về Việt Nam một cách quy mô. Tuy nhiên ông bác sĩ này muốn nói thì nói vậy thôi. Nhưng mà tôi đánh giá, đồng bào lũ lụt trong nước thì cơ quan đầu tiên phải giúp đỡ là nhà nước. Việt Nam có quỹ phòng chống thiên tai do người dân đóng góp, bây giờ lên tới hai tỷ đồng, nhưng cho đến hôm nay tôi không nghe nói quỹ đó sử dụng như thế nào ?"

Liên quan đến ý kiến ca ngợi sự lãnh đạo từ các cấp chính quyền của Bác sĩ Việt kiều Võ Toàn Trung, trong đợt bão số ba vừa qua, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói tiếp :

"Bác sĩ này nói một cách võ đoán thôi, ông ta tự xưng hoặc nghĩ rằng ai cũng như ông ta… tôi nghĩ không có đâu… Người Việt Nam ở bên Pháp, đặc biệt Paris là nơi tôi ở, thì có thể có những hội đoàn có hành động hảo tâm, nhưng trong quy mô tương đối nhỏ và chuyện đó không có nghĩa họ ủng hộ cho chính quyền, tôi nghĩ không bao giờ có chuyện đấy. Thí dụ ở bên Pháp có thiên tai, người ta đóng góp giúp đỡ thì đâu phải người ta ủng hộ ông Macron, người ta ủng hộ cho những nạn nhân bão lũ".

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay, qua vụ tham nhũng nổi cộm nhất là đại án Việt Á - thì không còn ai có thể tin tưởng vào nhà nước được nữa :

"Thậm chí ông Nguyễn Xuân Phúc được 500 đại biểu tức 100% tín nhiệm, nhưng sau đó cũng 500 đại biểu đó phế truất ông ta. Thì ai tín nhiệm ai ? Ngay cả những người mà họ cho là đại diện cho dân đặt lòng tin vào ông ta, rồi sau đó vì một mệnh lệnh đã đưa ông ta xuống, thì tôi không hiểu cái chữ tín nhiệm ở đây như thế nào ?"

Theo ý kiến của mình, Giáo sư Hoàng cho rằng, lòng từ tâm của người Việt từ Paris hay New York hay bất kỳ đâu… lúc nào cũng có, nhưng đừng lấy chuyện đó ra để nói rằng đó là ủng hộ cho nhà nước.

Thực tế đáng buồn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 9/2024, Quỹ Phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành còn dư hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó Lào Cai là một trong những tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất vì bão Yagi, nhưng quỹ phòng chống thiên tai còn dư hơn 11 tỷ.

Điều đó được hiểu như thế nào ? Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở nước Đức hôm 25/9 nói với RFA :

"Trong gần 80 năm dưới sự cai trị của đảng và chế độ cộng sản Việt Nam, thì người dân Việt Nam đều rất là thuộc, người cộng sản nói thì hay, làm thì dở, nói một đằng làm một nẻo, nói nhưng không bao giờ làm… Đây là những câu rất là chân lý khi mà những người cộng sản muốn tuyên truyền một cái gì đó. Thực tế chúng ta đã xem rất nhiều video clip về những nạn nhân của cơn bão số 3 vừa qua ở Việt Nam, hay còn gọi là bão Yagi, có những nơi người dân không được trợ cấp từ chính quyền, có người nhận được ba năm cái bánh mì…"

Ông Đài cho biết, nạn nhân bão ở Việt Nam đã trả lời trực tiếp trên mạng xã hội rằng chính quyền địa phương gần như chưa có bất kỳ động thái nào để giúp đỡ trực tiếp cho người dân, mặc dù Mặt trận Tổ quốc đã nhận trên hai ngàn tỷ đồng. Ông Đài nói tiếp :

"Trong khi tất cả người dân trong vùng bão lũ đều nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ những người đồng bào của mình, là những tổ chức cá nhân thiện nguyện. Chính quyền địa phương chỉ cử một số đơn vị quân đội đến để giải cứu người dân, chứ còn để mà nhận tiền trợ cấp từ người dân Việt Nam trong và ngoài nước góp qua chính quyền là chưa có. Chúng ta không nên tin vào những gì người cộng sản tuyên truyền".

Ngay sau khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, trên mạng xã hội Facebook vào các ngày 9 và 10/9 có nhiều dòng trạng thái kêu cứu của người dân từ các vùng ngập lụt ở Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên. Trong đó bao gồm những kêu gọi cứu trợ thuyền và áo phao, cùng lương thực và nước uống.

Anh T. (người giấu tên vì lý do an toàn) cho RFA biết hôm 16/9 rằng anh không thể ngờ rằng mọi sự chuẩn bị của mình đều không đủ vì mưa quá nhiều, lũ quá lớn đã ồ ạt đổ vào TP Thái Nguyên trong đêm ngày 9/9, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi, và cuốn đi hai thành viên trong gia đình anh gồm một con nhỏ và người em vợ. Gia đình anh không nhận được sự trợ giúp kịp thời nào từ các cơ quan chức năng và các hội đoàn từ thiện.

Theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến sáng ngày 17/9 bão Yagi đã làm 291 người chết và 38 người mất tích. Có khoảng 20 tỉnh, thành ở phía Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão, trong đó có Thái Nguyên.

Ước tính thiệt hại về kinh tế do bão Yagi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là hơn hai tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng).

Nguồn : RFA, 25/09/2024

"Thiện chí" của Tô Lâm, khi trả tự do cho 2 tù nhân lương tâm

Nam Việt, RFA, 22/09/2024

Ngay trước chuyến đi của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ, tin tức về 2 tù nhân lương tâm được trả tự do khiến cho nhiều người nức lòng. Có ý kiến nhận định rằng dường như có một sự đổi mới ngấm ngầm nào đó, và đồng thời còn cho rằng dấu hiệu cho thấy Tô Lâm sẽ là một người đem tới những cải cách.

11111111111111111111111

Nhân chuyến công tác của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mỹ, gần 100 trí thức trong và ngoài nước đã ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức.

Có thực sự Tô Lâm là một người đang giới thiệu những chỉ dấu tốt đẹp về tương lai một của một đất nước Việt Nam như vậy hay không ?

Trong những câu hỏi liên tục được xuất hiện trên mạng từ khi có tin ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do, còn có sự quan tâm về khi nào thì nhà báo Huy Đức được cho về hay chập chờn tin tức tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao được thả, rồi sau đó rút lại.

Và vì sao không phải là Phạm Đoan Trang, nhà báo nữ có số tần suất của quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cao nhất từ trước đến nay ?

Nếu quan sát thời sự và chú ý thì sẽ thấy rằng tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gặp Tô Lâm hay nói cách khác là không có một cuộc hẹn chính thức nào với Tô Lâm trong chuyến đi của ông ta đến Hoa Kỳ này.

Bản thân chính quyền của tổng thống Joe Biden cũng đang thực sự vô cùng rát mặt trong thời gian gần đây, qua những lời chất vấn và chỉ trích của với chính trị gia, và các tổ chức quốc tế về việc luôn giơ cao đánh khẽ với Hà Nội để giành vị trí chiến lược địa chính trị với Trung Quốc. Chính Hà Nội cũng nhận ra lợi thế này, cho nên phớt lờ tất cả những lời cảnh báo, gia tăng đàn áp và thậm chí không ngại ngần tấn công vào giới tự do tôn giáo, bất chấp 2 lần danh sách SWL (Special Watch List – theo dõi đặc biệt về vi phạm quyền tự do tôn giáo) đang treo trên đầu của chính quyền Hà Nội.

Chắc chắn là Tô Lâm đi Mỹ là muốn hội đàm riêng với ông Joe Biden, sau chuyến đi quỳ gối rõ ràng trước Tập Cận Bình. Và việc không ra một lịch hẹn cụ thể cũng cho thấy ông Joe Biden đang ra một cái giá với Tô Lâm về vấn đề nhân quyền.

Thường thì Hà Nội chưa bao giờ thiện chí đưa ra một cái tên, hay một danh sách để trả tự do khi có những cuộc gặp quốc tế quan trọng, hoặc những bước đi ngoại giao cần thiết, mà phần lớn là các tòa Đại sứ luôn lên tiếng về vấn đề nhân quyền như Mỹ, Châu âu, trước đây là Thụy Điển đức, Đức, Anh… luôn có những cuộc gặp sớm trước khi có những chuyến đi, mà họ có thể tác động vào vấn đề trả tự do cho tù nhân lương tâm. Một nguồn tin ẩn danh cho biết Tòa đại sứ Hoa Kỳ lần này đã đưa một danh sách và đề nghị Việt Nam bộc lộ một thiện chí về nhân quyền, để tránh những rắc rối khi đến Mỹ - lần này là đứng trước Liên Hiệp Quốc - và cũng gây không gây khó cho tổng thống Joe Biden nếu như có một cuộc gặp riêng.

Và trong các giải pháp được đề nghị Tô Lâm đã chọn Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng để xoa dịu cả hai phía Hoa Kỳ và Châu âu.

Với Trần Huỳnh Duy Thức là một sự kiện vẫn gây nhức nhối cho các chính trị gia Hoa Kỳ, và cũng là một vấn đề bẽ bàng của Hà Nội, khi ông Thức đặt lại về những điểm cải cách luật của chính Hà Nội, theo đó thì ông Thức chỉ nhận án tù nhiều nhất là 5 năm. Đồng thời ông Thức cũng chỉ ra việc giam giữ ông cho đến hơn 15 là bất hợp pháp. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã nhiều lần không dám trả lời việc xét lại này, và luôn im lặng để chờ thời điểm có thể giải quyết êm đẹp nhất. Lời đề nghị từ phía Hoa Kỳ lúc này giống như hàng cứu trợ giữa bão lũ với Hà Nội : món hàng đổi chác con tin sắp hết hạn tù, không còn lợi dụng được giá trị như trước, bên cạnh đó, việc không phải trả lời những chất vấn về mặt luật pháp của ông Trần Huỳnh Duy Thức, vốn đang làm mất tính chính danh của một hệ thống pháp luật được bịa ra để kềm giữ con người.

Còn bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà vận động môi trường sạch, người có nhiều giải thưởng quốc tế và có tầm hoạt động lớn từ trước đến nay, đột nhiên bị bắt về cáo buộc dựng cớ trốn thuế đã khiến nhiều người bất ngờ vì không nghĩ bà Hồng có thể rơi vào tình trạng này. Dù không liên quan trực tiếp đến những vấn đề về chuyển đổi năng lượng xanh như Đặng Đình Bách, Ngô Thị Tố Nhiên hay Ngụy Thị Khanh, nhưng để làm cho ra vẻ công bằng pháp luật xã hội chủ nghĩa, thì bà Hồng cũng phải bị bắt với cùng tội danh như những người khác. Nhưng bên cạnh đó dường như còn một lý do khác : "Bà Hồng bị đánh giá là thành phần tự diễn biến, quá gần với phương Tây", một nguồn tin từ Hà Nội ẩn danh nhận định như vậy.

Trả tự do cho bà Hồng, cũng là một giải pháp làm giảm nhiệt phía Châu Âu, vốn ngày càng bị điều tiếng là nhân nhượng Việt Nam để kiếm lợi, bất chấp môi trường, con người và luật (Lao Động) luôn bị Hà Nội đàn áp.

Như vậy cho thấy, rằng Tô Lâm không phải là người có đủ thiện chí để tự ông ta đi tới một sự cải cách hay thay đổi nào mang tính tử tế của một nhà lãnh đạo độc tài - bất ngờ một ngày xuất thần trở thành người lãnh đạo dân chủ. Trả tự do cho 2 tù nhân lương tâm, chỉ là giải pháp tình thế. Sự gấp rút thả tự do vào giờ chót cho ông Thức và bà Hồng, cho thấy sự thúc hối từ giới ngoại giao, và miễn cưỡng của chính quyền Tô Lâm.

Trong đường lối ngoại giao cây tre mà Nguyễn Phú Trọng ăn cắp của Thái Lan, rồi để lại cho hệ thống lãnh đạo cộng sản Việt Nam hôm nay, nó còn ẩn chứa một điều khác, đó là sự lươn lẹo của những nhà lãnh đạo ăn đằng sóng nói đằng gió, quay đầu này nói khác, quay đầu kia nói lại. Tô Lâm khi đến Bắc Kinh, đã lập tức thể hiện tính cách độc tài khi tuyên bố rằng mối quan hệ Việt Nam Trung quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, như những quốc gia, khác nhưng "ưu tiên" hơn. Ưu tiên chỉ là một ý kiến nghiêng về ý thức hệ, nhưng hoàn toàn phản bội các chính sách được ghi trong tài liệu ngoại giao được công bố của Hà Nội.

Và đã ưu tiên Trung Quốc một cách công khai đến mức đó, thì Tô Lâm không cần phải gặp Joe Biden để làm gì, mà nên cứ để tiến trình bình thường của một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đi tới một cách tự nhiên. Nhưng rõ là Tô Lâm có ý muốn, và chính Trung Quốc cũng cảm thấy được điều này, nên đã lên giọng "chỉnh huấn" Hà Nội vài lần trước chuyến đi của Tô Lâm

Mà bản chất đổi chủ, xoay đầu là một tính cách không thể nào quên được của Tô Lâm.

Năm 2009, triều đại công an trị dưới thời của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng luôn tạo ra những vấn đề phức tạp đối với mối quan hệ Việt Mỹ đặc biệt qua vấn đề các nhà tranh đấu và tù nhân lương tâm. Trường hợp nổi cộm công khai trên báo chí đó là cuộc tiếp xúc của đại sứ mỹ Michael Michalak và kỹ sư Phương Nam Đỗ Nam Hải. Báo Tuổi Trẻ lúc đó bị ép đăng một bài viết mạ lị chính phủ Mỹ và bản thân ông đại sứ Mỹ. Nhưng trong một công điện của Đại sứ mỹ Michael Michalak (về sau bị tiết lộ bởi Wikileak) gửi về Washington, có kể về một nhân vật tên là Tô Lâm. Ông Đại sứ mô tả Tô Lâm là một người có thiện chí cải cách, cởi mở, và có vẻ thân phương Tây. Nhưng dĩ nhiên đó là một bộ mặt của Tô Lâm khi chưa có quyền lực, và đang xoay ở mọi hướng để tìm lợi thế.

Nhiều niềm tin của dân chúng lúc này đang bắt đầu được dựng lên về ông Tô Lâm sẽ là người cải cách và trở thành một tổng thống chế mới của Việt Nam. Nó không khác gì thời của Nguyễn Tấn Dũng mở miệng nói câu "Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa", đã làm nức lòng nhiều người miền Nam. Nhưng rồi mọi thứ cũng chỉ là cái bánh vẽ của những kẻ độc tài để dành chút cảm tình từ dân chúng, và tận dụng thời gian và cơ hội để vơ vét cho bản thân và băng nhóm.

Không chỉ là Trần Huỳnh Duy Thức hay Hoàng Thị Minh Hồng. Nếu Tô Lâm thực sự là một người yêu đất nước và muốn một đổi thay tốt đẹp cho dân tộc, thì ngay lúc này, điều đầu tiên là ông phải trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến và hủy bỏ các điều luật 117 và 331 vốn đang đẩy đất nước vào sự bế tắc và khủng hoảng trong sự cầm quyền độc tài của cộng sản Việt Nam.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 22/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, Nam Việt
Read 217 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)