Một chặng đường hoạt động
"Thứ nhất thấy mình đã lớn lên được một chút. Hai mươi năm tuy không dài nhưng đó là một chặng đường hoạt động, nhất là trong thời buổi này khi có nhiều đoàn thể chỉ duy trì hoạt động được 1-2 năm , thì mình cũng thấy tự hào khi mình đã đi được 20 năm. Đó là điều chúng tôi cảm thấy có nhiều cảm xúc nhất trong giai đoạn này, trong ngày hôm nay".
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng (giữa) trao tặng bằng tưởng lục tri ân Tập Thể Quân Dân Cán Chính San Diego (trái) và Ban Tù Ca Xuân Điềm (phải). RFA PHOTO/Ngọc Lan
Đó là cảm nghĩ đầu tiên của Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban phối hợp, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam ).
Tối thứ Sáu, 18 tháng Tám, 2017, tại nhà hàng Seafood Paracel thuộc thành phố Garden Grove, đông đảo quan khách, dân biểu liên bang, tiểu bang, hội đồng thành phố Wesminster, Garden Grove, Hội đồng liên tôn, cùng nhiều tổ chức hội đoàn, mạnh thường quân đã đến tham dự, chúc mừng nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng lưới nhân quyền Việt Nam.
Nhân dịp này, giáo sư Nguyễn Thanh Trang, một trong những thành viên đầu tiên tham gia thành lập mạng lưới nhân quyền Việt Nam, đã tóm lượt vắn tắt về nguồn góc ra đời của mạng lưới, khởi thủy từ việc vận động thành lập Đài Á Châu Tự Do :
"Nỗ lực thành lập mạng lưới nhân quyền manh nha từ lúc anh em chúng tôi ở San Diego thành lập một ủy ban vận động thành lập đài Á Châu Tự Do năm 90-91. Lúc đầu ủy ban đó có 21 người tại San Diego, mà tôi là chủ tịch. Sau đó mỗi thành viên trong ủy ban móc nối với tất cả những bạn bè thân hữu, những người đấu tranh ở khắp các tiểu bang ở Mỹ, thành ra một network. Chúng tôi mới tổ chức những cuộc vận động dân biểu, thượng nghị sĩ tại địa phương, rồi sau đó mới tổ chức những cuộc vận động hành lang tại quốc hội.
Sau khi Tổng thống Bill Clinton ban hành đạo luật đã được Quốc Hội thông qua năm 1995, ngày 30 tháng 4, 1995 và đến Tết ta năm 1996 là buổi phát sóng đầu tiên về Việt Nam.
Sau khi đài Á Châu Tự Do được thành lập rồi thì nhóm người tham gia thành lập lúc đó, chúng tôi móc nối một số anh em lại, những người tiếp tục hoạt động về dân chủ và nhân quyền sau một thời gian vận động kéo dài một năm mỗi tháng chúng tôi đều có họp để bàn về vấn đề nhân quyền và làm sao để kết hợp tất cả các tổ chức nhân quyền và các nhân sĩ hoạt động nhân quyền ở Việt Nam khắp nơi quy tụ lại với nhau. Tháng 11 năm 1997, chúng tôi tổ chức một hội nghị quốc tế về thành lập Mạng lưới nhân quyền ở một khách sạn ngay tại Little Saigon".
Trong 20 năm qua, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã khởi xướng và tiến hành một số hoạt động trong ba lãnh vực : thông tin giáo dục, quốc tế vận và yểm trợ quốc nội.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang (phải) trao Giải Thưởng Nhân Quyền 2009 cho Mục sư Nguyễn Công Chính (trái) tại buổi kỷ niệm 20 năm thành lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. RFA PHOTO/Ngọc Lan
Ở lãnh vực thông tin giáo dục, Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam đã thiết lập được trang mạng vietnamhumanrights.net để phổ biến tin tức nhân quyền, phiên dịch và xuất bản bộ luật Quốc Tế Nhân Quyền, thực hiện bản báo cáo nhân quyền hằng năm bằng hai ngôn ngữ Anh Việt được nhiều chính phủ và cơ quan nhân quyền quốc tế tham chiếu, tổ chức buổi hội thảo và hội nghị nhân quyền tại Canada, Úc, Đức, Pháp và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ
Trong lãnh vực vận động dư luận quốc tế, Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam đã thường xuyên tiếp xúc với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, các chính phủ, hành pháp cũng như lập pháp của một số quốc gia để yêu cầu họ gây áp lực trên nhà nước Việt Nam trong vấn đề tôn trọng nhân quyền. Mạng lưới nhân quyền cũng đã tạo được những mối liên hệ rất tốt với các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Với mục tiêu yểm trợ các chiến sĩ và phong trào nhân quyền trong nước ; Mạng lưới nhân quyền đã có những kế hoach thường xuyên cũng như bất thường nhằm giúp đỡ vật chất cho những nhà hoạt động bị bắt bớ, tù đày. Giải Nhân Quyền Việt Nam được thành lập từ 2002, và cho đến nay đã trao cho 3 tổ chức và 39 cá nhân chính là nhằm yểm trợ tinh thần cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước.
Băn khoăn về thế hệ trẻ kế thừa
Mặc dù đạt được những thành tựu không nhỏ trong 20 năm qua, nhưng điều ưu tư, băn khoăn lớn nhất của những người đứng đầu Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam vẫn là việc khó lôi kéo được người trẻ dấn thân theo con đường của họ.
Khi được hỏi, liệu Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam đã có một sự chuẩn bị một lực lượng kế thừa cho hoạt động sắp tới hay chưa, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng cho rằng :
"Đó là điều ưu tư của chúng tôi. Điều đó rất là khó chứ không dễ, bởi vì những thế hệ trẻ lớn lên bên này chúng tôi không nói họ không để ý đến hiện tình đất nước, nhưng chiếc cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau chưa hoàn chỉnh. Do đó chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm sao thuyết phục để cho họ thấy rằng việc đấu tranh nhân quyền trong nước là ưu tiên số một, hơn cả vấn đề phát triển kinh tế. Bởi vì chính trị chi phối cả đời sống con người chứ không phải chỉ vấn đề kinh tế. Vì có đôi bạn trẻ ở đây nói rằng chỉ cần phát triển kinh tế thì vấn đề nhân quyền sẽ đến sau, nhưng chúng tôi nghĩ ngược lại, đối với người cộng sản chừng nào chế độ cộng sản còn thì không thể phát triển được. Đó là điều chúng tôi mong truyền đạt được cho thế hệ trẻ để mong họ thông cảm với. Có thể có nhiều suy nghĩ khác biệt, nhưng đó là suy nghĩ của chúng tôi".
Giáo sư Nguyễn Thanh Trang cũng cùng suy nghĩ :
"Mạng lưới nhân quyền là một phạm vi hoạt động nhân quyền càng ngày càng phổ thông, nhưng rất khó thu hút những người trẻ để họ có thể làm việc, tranh đấu, lý do là vì mình tranh đấu nhân quyền không có ồn ào, không phải như đi biểu tình, cộng sản không sợ biểu tình, trái lại những cuộc vận động nhân quyền mà mình đi vào quốc hội, vào bộ ngoại giao, đi vào các cơ quan nhân quyền quốc tế đã tạo được những áp lực đối với nhà nước cộng sản.
Bên cạnh thành quả đó thì cái khó là tìm những người trẻ vào để kêu gọi họ tiếp tục làm việc là cả một chuyện không dễ, bởi vì tuổi trẻ năng động và họ muốn thấy kết quả trước mắt, trái lại nhân quyền tranh đấu không thấy được. Như giờ hỏi thành quả cụ thể của Mạng lưới nhân quyền là gì thì rất là khó nói".
Tại buổi kỷ niệm 20 năm thành lập mạng lưới, Mục sư Nguyễn Công Chính, người vừa thoát khỏi nhà tù cộng sản, bị trục xuất sang Hoa Kỳ, đã được nhận lại bằng tưởng lục cho giải thưởng Nhân Quyền Việt Nam năm 2009 mà ông được chọn nhưng chưa có cơ hội nhận vào lúc đó.
Cũng trong buổi này, mạng lưới đã tri ân và tuyên dương những tổ chức, cá nhân có những đóng góp thiết thực cho Mạng lưới nhân quyềnViệt Nam trong thời gian qua, trong đó có Ban Tù Ca Xuân Điềm, Tập Thể Dân Quân Cán Chính San Diego, Luật sư Đoàn Thanh Liêm và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh.
Ngọc Lan, thông tín viên RFA