Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/08/2017

Quy định 90 : chỉ có đảng viên đảng cộng sản mới có quyền lãnh đạo đất nước

Tổng hợp

Việt Nam  ban hành tiêu chuẩn lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ (RFA, 22/08/2017)

Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn của các lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

quydinh1

Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ảnh minh họa chụp hôm 5/10/2016 tại Hà Nội.  AFP

Theo qui định này, Tổng bí thư đảng phải là người có đạo đức, biết lý luận chính trị, biết đề ra tư tưởng chiến lược, và đặc biệt là phải biết tìm người kế nhiệm mình.

Một vị lãnh đạo ở Ban tổ chức trung ương đảng còn nói với báo Tuổi trẻ trong nước rằng : Tổng bí thư đảng phải được lựa chọn trong số các Ủy viên Bộ chính trị đã có thâm niên trên một năm ở cơ quan quyền lực cao nhất này của đảng cộng sản.

Ngoài ra vị lãnh đạo này còn nói rằng ứng viên cho chức vụ Tổng bí thư phải là người hoàn thành xuất sắc các chức vụ lãnh đạo ở những cơ quan cấp tỉnh trở lên.

Ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch quốc hội được qui định là do Quốc hội bầu ra, và mỗi chức danh có những tiêu chuẩn riêng, trong đó :

Chủ tịch nước là người phải có hiểu biết sâu rộng các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, và quốc phòng, và là người có thể đoàn kết được với người Việt ở nước ngoài.

Thủ tướng chính phủ phải là người hiểu biết sâu rộng về hành chính, kinh tế, xã hội, và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch quốc hội phải là người có thể diễn dịch các nghị quyết của đảng cộng sản thành các bộ luật của Việt Nam, đồng thời phải hiểu rõ luật pháp và thông lệ quốc tế.

Đối với các chức danh Bộ trưởng, qui định số 90 ghi rõ là những người được bổ nhiệm phải "không bị chi phối bởi lợi ích nhóm".

Ngoài ra quy định nêu trên cũng đưa ra tiêu chuẩn cụ thể với từng chức danh như thường trực Ban bí thư, trưởng ban Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội...

Đây là lần đầu tiên đảng cộng sản Việt Nam công bố công khai những tiêu chuẩn cho cán bộ cao cấp trong bộ máy đảng và nhà nước.

https://youtu.be/rg_xMrasDhw

***********************

Tiêu chuẩn cho tứ trụ 'chỉ theo ý Đảng' ? (BBC, 22/08/2017)

Một nhà quan sát ở Hà Nội bình luận với BBC rằng "vấn đề không phải là tiêu chuẩn cho tứ trụ mà là việc bầu chọn những người này có đảm bảo tính dân chủ, phù hợp và tuân thủ hiến pháp hay không".

quydinh2

Ông Đinh Thế Huynh (phải) hồi năm ngoái còn được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Truyền thông Việt Nam hôm 22/8 cho hay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ban hành tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

Theo đó, ứng viên cho chức danh Tổng bí thư phải "bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực : Uy tín cao trong trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng ; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị…".

Bên cạnh đó, người này phải "có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài ; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc ; có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư ; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm".

Ngoài ra, người này phải "là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương ; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành trung ương quyết định)".

Tài liệu này cũng đề cập về tiêu chuẩn cho các ứng viên chức danh chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.

quydinh3

Sự vắng bóng của ông Trần Đại Quang trong các hoạt động chính thức, công khai trong thời gian gần đây là chủ đề cho các tin đồn đang lan truyền trên Internet

'Dân chủ trong Đảng'

Hôm 22/8, trả lời BBC từ Hà Nội, Luật gia Nguyễn Đình Hà, nói : "Với tôi, chức danh tổng bí thư cần phải đảm bảo tiêu chuẩn gì không phải mối quan tâm, vì đó là chuyện nội bộ của Đảng và tôi không phải đảng viên cộng sản".

"Còn trên tư cách một cử tri, tôi quan tâm đến cơ chế bầu cử để chọn ra người đại diện cho dân trong cơ quan dân cử, quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước".

"Cơ chế bầu cử phải thực sự dân chủ, đảm bảo tranh cử công bằng, công khai, có sự giám sát của người dân và mọi người dân được thực hiện quyền của mình mà không bị gây khó khăn".

"Mặt khác, báo chí phải thực sự tự do để người dân có thông tin đa chiều, chính xác, không bị bưng bít".

"Theo tôi, với chức danh thủ tướng, chủ tịch nước, tiêu chuẩn quan trọng nhất là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân cao hơn lợi ích của đảng phái, phe nhóm ; tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền công dân, quyền con người của người dân ; và phải là con người trong sạch, được người dân và báo chí giám sát".

Đề cập về việc công bố các tiêu chuẩn làm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng ở thời điểm này liệu có liên quan gì đến tin đồn về sức khỏe chủ tịch Trần Đại Quang cũng như tin sẽ hợp nhất chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước, ông Nguyễn Đình Hà cho hay : "Cho đến hiện tại, thông tin về sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang chưa có gì rõ ràng. Vấn đề hợp nhất chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước đã được nói nhiều lần, nhưng chưa bao giờ có sự tham vấn ý kiến người dân".

"Điểm mấu chốt là việc bầu chọn các chức danh lãnh đạo nhà nước có đảm bảo tính dân chủ, phù hợp và tuân thủ Hiến pháp hay không, hay chỉ "dân chủ trong đảng", đảng làm theo ý đảng mà thôi".

Trong một diễn biến khác, hôm 20/8, Chủ tịch Trần Đại Quang có phát biểu được đăng trên website chính phủ về sự cần thiết của việc tăng cường đối phó với các nguy cơ an ninh mạng và sự cần thiết của việc phát triển hệ thống kiểm duyệt mạng chặt chẽ hơn.

Chính phủ trong năm qua đã đẩy mạnh việc trấn áp các nhà hoạt động với những vụ bắt giữ và ra án tù nặng, nhưng không có mấy dấu hiệu cho thấy giới chức dập tắt được các ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội.

Chủ tịch nước nói các thế lực thù địch đã sử dụng Internet để tổ chức những chiến dịch công kích làm "giảm uy tín của các lãnh đạo Đảng và nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các lực lượng nòng cốt, các đảng viên và người dân".

Sự vắng bóng của ông Trần Đại Quang trong các hoạt động chính thức, công khai trong thời gian gần đây cũng là chủ đề cho các tin đồn đang lan truyền trên Internet, theo Reuters.

Quay lại trang chủ
Read 857 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)