Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/10/2024

Lý Cường đến Việt Nam : Biển Đông ở đâu trên bàn nghị sự ?

BBC tiếng Việt

Thủ tướng Lý Cường đến Việt Nam sau vụ Trung Quốc tấn công tàu cá : Biển Đông ở đâu trên bàn nghị sự ?

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 14/10. Sau vụ tàu cá Quảng Ngãi bị tàu chấp pháp Trung Quốc tấn công, Biển Đông sẽ ở đâu trên bàn nghị sự ?

lycuong1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong lễ chào mừng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính vào tháng 6/2023

Chuyến thăm của ông Lý Cường được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người cũng đã thăm Bắc Kinh vào tháng 6/2023.

Ông Lý Cường thăm Hà Nội trong thời điểm có nhiều diễn biến đáng chú ý : Thứ nhất, tình hình Biển Đông đang nóng lên sau khi tàu chấp pháp Trung Quốc tấn công tàu cá, đánh bị thương ngư dân Việt Nam dẫn tới phản đối quyết liệt từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Thứ hai, đây là thời gian mà Việt Nam sắp bầu chủ tịch nước mới và công tác chuẩn bị nhân sự, văn kiện cho Đại hội 14 đang ở giai đoạn quyết định.

Chuyến công du từ 12-14/10 sẽ là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Lý Cường trên cương vị thủ tướng.

Lần gần đây nhất một thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, đến thăm Việt Nam là vào tháng 10/2013.

Trọng tâm chuyến thăm

Ông Lý Cường sinh năm 1959, từng là bí thư Thượng Hải và được cho là người có mối quan hệ thân cận với Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông trở thành thủ tướng thay cho ông Lý Khắc Cường vào tháng 3/2023.

Dù nắm vị trí là người đứng đầu nội các nhưng ghế thủ tướng của ông Lý bị đánh giá là ngày càng mờ nhạt trước quyền lực của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, với vai trò là lãnh đạo "hạt nhân", ông Tập Cận Bình ngày càng thâu tóm quyền trong quản lý nền kinh tế.

Ông Tập được cho là người bảo trợ chính trị lâu năm của ông Lý Cường. Ông Trey McArver, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn Trivium China, đánh giá với BBC rằng các quan chức đều biết ông Lý Cường là người của ông Tập.

Ông Lý Cường được xem là người có tư duy thực tế, có năng lực điều hành hiệu quả và ủng hộ khu vực tư nhân - đúng với kỳ vọng đối với người từng phụ trách một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của Trung Quốc tức Thượng Hải.

Tuy nhiên, với quyền lực bao trùm của ông Tập, giới quan sát cho rằng những việc ông Lý Cường có thể làm sẽ bị giới hạn.

"Ông Lý có thể sửa chữa đâu đó, nhưng ông ta sẽ không xé toạc bức tường và dựng nên điều gì đó mới mẻ", Trần Đạo Dẫn, cựu phó giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải và là một nhà bình luận ở Chile, nói vào thời điểm ông Lý Cường mới nhậm chức.

Theo thông tin mà BBC tiếp cận được, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự kiến sẽ gặp đủ các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội lần này.

Cụ thể, ông Lý sẽ đến chào Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tối ngày 12/10 sau khi tới Hà Nội.

Ngày 13/10, ông Lý sẽ đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó có cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính ; tiếp theo ông sẽ hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Hai nước dự kiến sẽ ký kết một số văn kiện hợp tác và ông Lý sẽ cùng Thủ tướng Chính tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc còn diễn ra trong bối cảnh Tổng bí thư Tô Lâm vừa có chuyến đi Mỹ và có cuộc gặp bên lề với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Pháp - một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu - lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Điều này có thể cho thấy Trung Quốc phần nào sốt sắng muốn gia tăng sức ảnh hưởng cũng như thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước, còn Việt Nam ngày càng hướng tới nhiều chân kiềng quan hệ ngoại giao - hay còn gọi là chủ nghĩa đa phương.

Tuyến đường sắt nối với Trung Quốc

Trong chuyến công du của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc tháng 8 vừa rồi, hai nước đã ký 14 văn kiện hợp tác sau cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo.

Trong các kế hoạch hợp tác đầy tham vọng giữa hai nước có ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm : Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng. Đây là những nỗ lực nhằm tăng cường kết nối vận tải, giao thương giữa hai nước thuộc khuôn khổ sáng kiến Hai hành lang, một vành đai kinh tế.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh Trung Quốc tham gia hợp tác trong dự án xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại miền Bắc Việt Nam.

Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 10 diễn ra từ 18-20/9, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương về xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ngày 24/9 tại thành phố Nam Ninh, Phó Thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc đã hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường. Tại đây, ông Phớc đã đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là kết nối hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ qua biên giới.

Bên cạnh các dự án đường sắt ở miền Bắc, Việt Nam hiện có dự án lớn hơn đó là đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Vào ngày 5/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Những diễn biến liên tiếp này phần nào thể hiện sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc thực hiện các tuyến đường sắt nối với Trung Quốc và đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Hiện nay, Trung Quốc có mạng lưới đường sắt - bao gồm đường sắt cao tốc - lớn nhất hành tinh. Nước này cũng làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc.

Do đó, hợp tác phát triển mạng lưới đường sắt cho Việt Nam có thể sẽ là một trong những nội dung trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường.

Hôm 9/10, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc viết rằng Việt Nam, một nước chủ nghĩa xã hội cũng "được hưởng lợi từ việc tăng cường kết nối và cải thiện hiệu quả hệ thống hậu cần nhờ vào sự hợp tác cơ sở hạ tầng với Trung Quốc, bao gồm hạ tầng đường sắt, đường cao tốc và cảng biển".

Hiện nay, gần như toàn bộ mạng lưới đường sắt lạc hậu của Việt Nam, vốn được xây dựng từ thời Pháp thuộc từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, đều sử dụng khổ hẹp 1.000 mm.

Vì vậy, các chuyên gia đánh giá rằng ba tuyến đường sắt nối gồm Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng sẽ giúp Việt Nam kết nối với Trung Á, Châu Âu thông qua Trung Quốc. Và ngược lại, giúp Trung Quốc kết nối với ASEAN qua Việt Nam, trong đó tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có đường ra biển gần hơn khi đi qua Việt Nam.

Bên cạnh đó, các công trình này sẽ giúp gã khổng lồ Trung Quốc củng cố "ngoại giao đường sắt" - một phần quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng kết nối, thúc đẩy thương mại và tăng cường sức ảnh hưởng lên khu vực Đông Nam Á và xa hơn.

Bất đồng không thể hóa giải

Tháng 12/2023, trong chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí xây dựng "cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc". Một số chuyên gia cho rằng đây là cách gọi khác của "Cộng đồng chung vận mệnh" - một sáng kiến của Bắc Kinh đã thu hút 8/10 quốc gia trong khối ASEAN tham gia (trừ Singapore và Philippines).

Reuters dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore khi đó đánh giá việc Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" chỉ là "mang tính biểu tượng".

Ông Hiệp cho rằng Việt Nam thiếu niềm tin với Trung Quốc có gốc rễ sâu xa, hầu như không có chuyện "chia sẻ chung vận mệnh" giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông.

lycuong2

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 19/8 tại Bắc Kinh

Các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc luôn nói rằng hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí vừa là anh em". Trong các cuộc gặp ngoại giao, lãnh đạo hai nước liên tục nhấn mạnh luôn coi trọng và ưu tiên nhau hàng đầu và hai bên cũng có những phát ngôn kêu gọi kiềm chế, tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) nhưng thực tế, chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mà các bên không thể nhượng bộ.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân chuyến thăm của ông Tô Lâm đến Trung Quốc hồi tháng 8 vừa rồi, hai nước đã thống nhất phương hướng "6 hơn" và "bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn" là một trong những điểm được coi trọng hàng đầu.

Thế nhưng vào ngày 29/9, có ít nhất hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi gồm QNg 95739 TS và QNg 90659 TS bị tàu Trung Quốc tấn công trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa - các thực thể địa lý mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm hữu và kiểm soát thực địa từ ít nhất hơn nửa thế kỷ qua.

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên của tàu QNg 95739 TS nói với cộng tác viên của BBC rằng có 40 người Trung Quốc leo lên tàu ông và hành hung làm bốn ngư dân thuyền ông bị thương, trong đó có người bị đánh gãy tay. Tàu cá bị cướp hết máy móc, ngư cụ và vài tấn cá, tổng thiệt hại sơ bộ khoảng 500-600 triệu đồng.

Mỹ, Anh, Canada, Úc, Philippines... đã đồng loạt lên án việc lực lượng chấp pháp Trung Quốc đánh bị thương, tịch thu tài sản ngư dân Việt Nam vào ngày 29/9.

Thực tế, đã có nhiều vụ ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, hành hung và lấy hết tài sản nhưng không được truyền thông rộng rãi, thậm chí là có phần nói giảm nói tránh khi gọi tàu Trung Quốc là "tàu nước ngoài" hay "tàu lạ".

Thế nhưng, lần này Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án thẳng thừng lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc và nói rằng đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Một nguồn tin tiết lộ với BBC rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với ông Hà Vĩ - tân Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam - để nói chuyện về việc Trung Quốc hành xử thô bạo đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam. Theo đánh giá của nguồn tin này, nếu vụ việc được đề cập với Thủ tướng Lý Cường vào chuyến thăm sắp tới đây thì cũng chỉ ở mức chừng mực, không nặng nề được.

Điều này cũng phù hợp với cách tiếp cận lâu nay của Việt Nam đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông : ngoại giao âm thầm nhiều nhất có thể và chỉ lên tiếng công khai, mạnh mẽ đối với những vụ việc nghiêm trọng hoặc khi ngoại giao âm thầm không thành công.

Tiếng Anh có câu thành ngữ : "let sleeping dogs lie" (tạm dịch : Đừng chọc con chó đang ngủ). Nói cách khác, đừng có thực hiện các hành động có thể khiêu khích đối phương. Và có lẽ vì thế, Việt Nam vẫn rất thận trọng trong các vấn quan hệ và đối thoại với Trung Quốc, nhất là về chủ quyền lãnh thổ vì Việt Nam phải chịu những áp lực nhất định từ Trung Quốc trong vấn đề kinh tế, thương mại.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Việt Nam được cho là có những bước đi mạnh bạo khi tăng cường lấn biển xây đảo ở quần đảo Trường Sa, nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng Khu vực Bắc Biển Đông, diễn tập với lực lượng cảnh sát biển Philippines, triển khai tàu hải quân tới Úc tham gia tập trận cùng các nước phương Tây.

Có thể thấy, với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, hai bên chỉ có thể làm dịu căng thẳng, kiềm chế các va chạm trên thực địa, chứ một giải pháp lâu dài để chấm dứt tranh chấp là điều khó có thể đạt được.

Nguồn : BBC, 10/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 177 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)