Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/10/2024

Lãnh đạo lại thừa nhận thể chế gây vướng mắc

RFA tiếng Việt

Nhưng có thể thay đổi ?

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội ngày 5/10/2024 đã cho rằng ‘cái vướng xuyên suốt vẫn là thể chế'…

theche1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP Photo

Theo ông Nên, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế, chính trị, công nghệ, giáo dục đào tạo, xã hội… muốn vươn mình lên kỷ nguyên mới thì Thành phố Hồ Chí Minh phải vượt qua những điểm nghẽn đang vướng. Muốn vậy phải gỡ được những vướng mắc về thể chế.

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 8/10/2024, nhận định với RFA :

"Đây không phải lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận mọi vướng mắc ở Việt Nam từ vấn đề cải cách hành chính, cải cách nhà nước pháp quyền, cho đến các quyền tự do dân chủ của người dân, đều vướng mắc ở vấn đề thể chế. Đã có rất nhiều quan chức của đảng cộng sản Việt Nam từ thời ông Võ Văn Kiệt, rồi sau này ông Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng… cũng đều nhìn nhận rõ vấn đề thể chế. Nhưng như truyền thống, rất là khó tin những người cộng sản".

Ông Nên nói như vậy thôi, mà nếu không có sử ủng hộ của người dân, thì chắc chắn không có một quan chức cộng sản nào có nhận thức như ông Nên dám làm.
-Luật sư Nguyễn Văn Đài

Theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người cộng sản nhận thức thì được, nhưng ở tầm cỡ một Bí thư Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị như ông Nguyễn Văn Nên thì cũng không đủ tầm để có thể thay đổi được thể chế. Ông Đài nói tiếp :

"Phải cần nỗ lực từ chính nhân dân Việt Nam, chỉ khi nào người dân Việt Nam đều nhìn nhận những gì họ đang phải chịu đựng từ vấn đề kinh tế chính trị, văn hóa xã hội, mọi vấn đề… là đều do thể chế đó gây ra. Khi người dân gây áp lực lên, thì những quan chức có một chút nhận thức tiến bộ như ông Nguyễn Văn Nên, thì họ mới có động lực và có sự ủng hộ của người dân, thì họ mới dám làm được. Chứ ông Nên nói như vậy thôi, mà nếu không có sử ủng hộ của người dân, thì chắc chắn không có một quan chức cộng sản nào có nhận thức như ông Nên dám làm".

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho rằng, muốn cải cách thể chế thì Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do dân chủ của người dân. Trước hết là phải nới lỏng hoàn toàn không gian mạng xã hội, cho phép người dân tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của họ… Từ đó dẫn đến thành lập các tổ chức xã hội dân sự, dẫn đến việc thành lập các tổ chức chính trị… Để từ đó những tổ chức này tham gia tiến trình cải cách một cách triệt để thể chế chính trị độc đảng hiện nay. Còn nếu không có sự tham gia của người dân thì theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, không một cải cách nào có thể đi đến cái đích cuối cùng của nó.

Một người dân Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn khi trả lời RFA liên quan vấn đề thể chế cho rằng :

"Thể chế độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính vì rằng thể chế đó là độc quyền đảng trị và đường lối cán bộ phạm phải những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó".

Trước đó vào tháng 8 năm 2024, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm khi trả lời báo nhà nước cho biết sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế. Theo ông Tô Lâm, mục đích cải cách thể chế nhằm đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Đồng thời ông Tổng bí thư cũng cam kết ‘quyết tâm xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam vững mạnh’.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nhận định với RFA về vấn đề này khi đó cho rằng, Đảng cộng sản đang đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn. Thứ nhất đó là cuộc khủng hoảng về thể chế lý luận chính trị và thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế :

"Thể chế kinh tế phát triển dựa vào nhân công thô, nguyên liệu thô, và những ưu đãi về thuế hiện đã đạt đến ngưỡng. Chính vì sự khủng hoảng kinh tế này mà nhu cầu đòi cải cách thể chế tăng cao. Nhu cầu đòi cải cách không chỉ trong nhân dân, mà ngay cả trong đảng cộng sản, khi mà những đảng viên đã trở thành những nhà tư bản. Nhưng cải cách thể chế lại đi ngược lại vai trò độc tôn của đảng cộng sản".

Việc cải cách về thể chế kinh tế theo ông Nguyễn Huy Vũ hiện đã đạt tới giới hạn, khi mà nền kinh tế đã gần như mở hoàn toàn. Nền kinh tế Việt Nam hiện đã được mở hoàn toàn. Khúc mắc lớn nhất đó là sự hiện diện của các công ty nhà nước và các công ty chống lưng bởi các đảng viên đảng cộng sản đã nhận được những ưu đãi lớn từ chính quyền. Những việc này khó mà xoá bỏ nếu mà đảng cộng sản vẫn còn nắm độc quyền. Ông Vũ giải thích thêm :

"Mặt khác, đảng cộng sản hiện nay chưa đặt vấn đề về cải cách chính trị. Các chức vụ trong chính quyền từ lớn đến nhỏ đều bố trí cho các đảng viên đảng cộng sản. Điều này nó giới hạn khả năng của những người có năng lực khác tham gia vào việc điều hành chính quyền. Chính vì vậy mà chừng nào chưa cải cách thể chế chính trị, năng lực điều hành chính sách và kinh tế quốc gia vẫn còn chưa nâng cao lên được.

Việc điều hành đất nước nó không chỉ tập trung vào một vài người ở trên mà nó cần một bộ máy xuyên suốt từ trên xuống dưới của những người có năng lực. Trong các thể chế dân chủ, tất cả các cấp bậc, các vị trí trong chính quyền được bầu chọn dựa trên năng lực và do đó nó giúp nâng cao khả năng quản trị".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, chừng nào mà đảng cộng sản không cải cách thể chế, thay đổi về dân chủ, thì chừng đó khả năng quản trị của nhà nước vẫn còn tắc nghẽn và khủng hoảng vẫn còn tiếp tục. Việc cải cách thể chế do đó nó sẽ đi ngược với việc duy trì sự độc đảng cầm quyền của đảng cộng sản.

Nguồn : RFA, 08/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 109 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)