Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/10/2024

Tù nhân chính trị ở Việt Nam tuyệt thực tập thể để phản đối ngược đãi

VOA tiếng Việt

Gia đình nói các tù nhân chính trị ở Việt Nam tuyệt thực tập thể để phản đối ngược đãi

Ba tù nhân chính trị, gồm Bùi Văn Thuận, Đặng Đình Bách và Trịnh Bá Tư, đang tuyệt thực tại Trại giam số 6 ở Nghệ An để phản đối điều kiện giam giữ của trại vốn do Bộ Công an quản lý, theo gia đình của các tù nhân này cho biết hôm 10/10.

tuyetthuc1

Các tù nhân chính trị (từ trái qua phải) Lê Trọng Hùng, Đặng Đình Bách và Trịnh Bá Tư,  những người đang bị thụ án tù tại trại giam số 6 ở Nghệ An, Việt Nam.

Ông Thuận, một giáo viên ở Thanh Hóa, và ông Tư, một nhà tranh đấu cho quyền đất đai ở Hà Nội, đang bị giam giữ ở đây với bản án 8 năm tù mỗi người, với cùng tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước". Còn ông Bách, một luật sư về môi trường, đang thụ án 5 năm tù về tội "Trốn thuế".

Nói với VOA hôm 10/10, bà Trịnh Thị Nhung, vợ ông Thuận, cho biết rằng chồng bà cùng ông Bách và ông Tư đều bị giam giữ theo chế độ ‘chuồng cọp’ ở Trại giam số 6 ở huyện Thanh Chương và đã tuyệt thực đến ngày thứ 13.

"Anh Thuận nói là các anh ấy vẫn sẽ tiếp tục tuyệt thực và chưa có ngày dừng lại trừ phi bên trại (giam) đối thoại với mình để thay đổi điều kiện giam giữ khắc nghiệt, vô nhân tính", bà Nhung nói khi cho biết về những gì chồng bà nói với bà khi gia đình tới thăm hôm 5/10.

Bà Bùi Thị Thu, chị dâu của ông Tư, cũng cho VOA biết hôm 10/10 về việc tuyệt thực của 3 tù nhân lương tâm này. Theo bà Thu, gia đình bà sẽ được thăm gặp ông Tư theo định kỳ hàng tháng vào tuần tới để biết thêm về việc tuyệt thực.

VOA chưa thể kiểm chứng các thông tin này từ gia đình các tù nhân vì các cuộc gọi của VOA tới Bộ Công an và Trại giam số 6 đều không được hồi đáp.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với VOA đầu tháng này, ông Trần Huỳnh Duy Thức nói rằng ông Thuận, ông Tư và ông Bách là những người bạn tù của ông ở Trại giam số 6 trước khi ông "bị cưỡng bức" ra tù trước thời hạn, và 3 người bạn tù này của ông "đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 28/9".

"Họ đã trao đổi với tôi trước khi tôi bị tống ra khỏi nhà tù", ông Thức nói và cho biết ông cùng những tù nhân này "bị nhốt trong cái chế độ chuồng cọp, không thể ra bên ngoài được, không thể trao đổi học hành với nhau".

Bà Nhung nói rằng chồng bà, ông Thuận, cho biết điều kiện giam giữ ở phân trại 1 của Trại giam số 6 "quá khắc nghiệt".

"Theo thông tin từ anh Thuận, từ ngày anh ấy vào (Trại giam số 6) vào tháng 4/2024 là anh ấy bị giam trong chuồng cọp và không được ra ngoài sân sinh hoạt chung mà trong đó có nhiều người lớn tuổi có bệnh trong người, mọi người không được ra ngoài thể dục thể thao để giao lưu với nhau, để hít thở không khí ở bên ngoài", bà Nhung nói. "Việc giam giữ trong chuồng cọp rất ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của các anh ấy".

Theo bà Nhung, trại giam đã từng cho các tù nhân này ra bên ngoài vào cuối tuần sau khi bị phản đối nhưng nay lại "ngắt các buổi ra ngoài sân chung và nhốt trong chuồng cọp".

"Các anh ấy là những người đang còn trẻ nên đồng loạt cùng nhau góp lên tiếng nói phản đối còn những người khác, đa số là người lớn tuổi và có bệnh nên không thể cùng tham gia cuộc tuyệt thực", bà Nhung nói và cho biết ông Thuận đã sụt 5,5kg sau ngày tuyệt thực thứ 8 và "đã thấy mệt và choáng khi ngồi xuống, đứng lên".

"Cái chế độ giam giữ hà khắc đang gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe tinh thần của tù nhân chính trị", ông Thức, người bị kết án 16 năm tù với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" và cũng từng tuyệt thực trong tù vì phản đối chế độ này của trại giam, nói với VOA trong cuộc phỏng vấn hôm 2/10.

Điều kiện giam giữ hà khắc trong Trại giam số 6 đã được biết đến trước đây.

Tại trại giam này, ông Tư bị đánh đập và cùm chân vào tháng 9/2022 khiến gia đình phải kêu cứu khẩn cấp tới các tổ chức quốc tế. Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW và Ân xá Quốc tế sau đó đã kêu gọi điều tra cáo buộc đó trong khi các luật sư kiến nghị bãi bỏ biện pháp giam giữ hà khắc này. Ông Tư cũng đã tuyệt thực trong 14 ngày để phản đối việc ngược đãi đó.

Ông Bách hồi tháng 6 cũng đã tuyệt thực để "truyền thông điệp về môi trường, công lý và khí hậu" khi một nhóm làm việc nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ra kết luận rằng ông bị chính quyền tống giam với cáo buộc trốn thuế là tùy tiện.

Một báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ trước đây đã nói đến "tình trạng tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục bởi các nhân viên chính phủ" của Việt Nam. Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc đó đã phản bác rằng "chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân".

Ông Lâm, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 24/9, nói trước nhiều lãnh đạo thế giới rằng "lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta".

Nguồn : VOA, 10/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA tiếng Việt
Read 223 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)