Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/11/2024

Trung Quốc vừa hợp tác máy bay vừa rút vốn bỏ chạy

RFA tổng hợp

Hãng máy bay COMAC của Trung Quốc hợp tác với Vietjet đưa máy bay vào sử dụng ở Việt Nam

RFA, 06/11/2024

Hãng máy bay quốc doanh của Trung Quốc là COMAC đang hợp tác với hãng hàng không Vietjet của Việt Nam để đưa máy bay ARJ21 vào phục vụ thị trường Việt Nam, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

tqvn1

Mẫu máy bay ARJ21 của hãng máy bay quốc doanh Trung Quốc COMAC được trưng bày tại triển lãm hàng không Trung Quốc hôm 11/11/2014 - JOHANNES EISELE / AFP

Truyền thông Nhà nước cho biết, ông Ngụy Ứng Bưu - Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc - cho biết thông tin này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 6/11 nhân chuyến làm việc của ông Chính tại Thành phố Côn Minh, Trung Quốc, để dự các hội nghị cấp cao trong khu vực.

Truyền thông trong nước cho biết, tại cuộc gặp, ông Ngụy Ứng Bưu khẳng định COMAC rất coi trọng thị trường Việt Nam khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam là một động lực của ngành hàng không khu vực.

Ông Nguỵ Ứng Bưu cũng cho biết, COMAC đã và đang kết hợp với Hãng hàng không Vietjet của Việt Nam, trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam. Người đại diện COMAC cho biết ông hy vọng, cuối năm nay, máy bay của công ty sẽ có thể chính thức bay trên bầu trời Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rất quan tâm ngành công nghiệp chế tạo máy bay của Trung Quốc, và bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa máy bay của hãng này vào khai thác chặng Côn Đảo của Việt Nam vì đường băng ở Côn Đảo rất ngắn.

Một số diễn đàn ở Việt Nam và hãng tin nước ngoài vào tháng 4 vừa qua lan truyền hình ảnh và thông tin về việc hợp tác của hãng hàng không tư nhân Vietjet với COMAC. Một tấm hình lan truyền trên mạng vào tháng 4 cho thấy một buổi lễ ký thoả thận hợp tác giữa hai hãng và hình hai máy bay của COMAC là ARJ21 và C919. Tuy nhiên cả COMAC và Vietjet lúc đó đều không đưa ra lời bình luận gì.

Vào hồi đầu năm nay, COMAC đã đưa hai mẫu máy bay ARJ21 và C919 vào bay thử ở Việt Nam.

Hôm 2/3/2024, 50 hành khách Việt Nam đã bay thử nghiệm máy bay ARJ21 chặng Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời bình luận của hai hành khách đã thử nghiệm chuyến bay với lời ca ngợi như chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái dù máy bay nhỏ, vận hành êm, thiết kế thân thiện với người dùng.

Tuy nhiên, trong một dòng trạng thái giới thiệu về máy bay của COMAC do RFA đăng tải trên Facebook vào hồi đầu năm nay, nhiều người bày tỏ lo ngại về chất lượng và độ an toàn do máy bay của Trung Quốc.

Máy bay ARJ21 được đưa vào phục vụ thương mại từ tháng 6/2016 và có sức chứa 78 đến 97 hành khách, tầm bay khoảng 2.225 - 3.700km và được sử dụng chủ yếu cho các chặng bay ngắn.

Theo truyền thông Nhà nước, dòng ARJ21 đã bán được 27 chiếc và vận chuyển thành công 11 triệu hành khách. Hầu hết đơn vị sử dụng ARJ21 đều là các hãng hàng không Trung Quốc.

Ở Đông Nam Á hiện có hãng TransNusa của Indonesia sử dụng dòng máy bay này trên bốn chặng bay nội địa, theo Tuổi Trẻ.

Nguồn : RFA, 06/11/2024

*****************************

Các công ty Trung Quốc chuyển dịch sản xuất từ Việt Nam sang các nước Châu Á khác để tránh thuế của Mỹ

RFA, 05/11/2024

Nhiều công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang chuyển dịch sản xuất từ Việt Nam sang các nước láng giềng Châu Á khác như Lào và Indonesia để tránh thuế nhập khẩu quá cao mà Mỹ áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

tqvn2

Tấm pin năng lượng mặt trời ở một trang trại điện gió ở Bình Thuận hôm 23/4/2019 - Manan VATSYAYANA / AFP

Hãng tin Reuters hôm 4/11 có bài viết phỏng vấn các nhân viên làm việc cho các công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc và các luật sư về diễn biến mới này.

Theo bài báo của Reuters, một số các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn do Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam đang cắt giảm sản xuất và nhân sự để đối phó với mức thuế cao mà Mỹ nhắm vào hàng Trung Quốc. Các công ty này đang xây dựng và mở rộng sản xuất ở các nước như Lào và Indonesia và công suất theo kế hoạch của các nhà máy này đủ để đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường Mỹ vào năm ngoái.

Trong vòng 18 tháng qua, có ít nhất bốn dự án có liên quan đến Trung Quốc đã bắt đầu đi vào hoạt động tại Indonesia và Lào, hai dự án khác cũng mới được công bố. Tổng công suất của các dự án này là 22,9 GW, theo Reuters.

Phóng viên của Reuters trong tháng 8 vừa qua đã phỏng vấn các công nhân làm việc cho các khu công nghiệp do công ty Trung Quốc đầu tư ở miền Bắc Việt Nam bao gồm các công ty như Longi và Trina Solar.

Tại tỉnh Bắc Giang, hàng trăm công nhân tại tổ hợp nhà máy Vinasolar của Longi Green Energy Technology đã bị mất việc trong năm nay, hai nhân viên nhà máy này cho Reuters biết.

Tại Thái Nguyên, Trina Solar cũng ngừng một trong hai nhà máy sản xuất các tấm pin năng lượng, Reuters dẫn lời hai nhân viên thuộc công ty này cho biết như vậy.
Tất cả các nhân viên được phỏng vấn đều không muốn nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Longi hiện chưa đưa ra lời bình luận nào với Reuters về thông tin này. Tuy nhiên, vào tháng 6 vừa qua, công ty cho biết đã ngưng sản xuất ở một nhà máy tại Việt Nam và không cung cấp thêm chi tiết. Trina cũng từ chối đưa ra bình luận. Trina vào tháng 6 vừa qua cũng cho biết một số cơ sở của hãng ở Thái Lan và Việt Nam đã phải đóng cửa để bảo trì mà không đưa thêm thông tin chi tiết.

Chính phủ Việt Nam hiện cũng chưa đưa ra lời bình luận nào về diễn tiến mới.

Theo Reuters, các công ty pin năng lượng mặt trời Trung Quốc đổ vào Indonesia vì thuế đánh lên các sản phẩm từ Việt Nam. Một nhà máy có công suất 1GW của Trina tại Indonesia sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Công ty New East Solar của Trung Quốc vào năm ngoái cũng thông báo kế hoạch về nhà máy tấm pin năng lượng mặt trời 3,5 GW tại Indonesia.

Xuất khẩu pin năng lượng mặt trời từ Indonesia vào Mỹ đang tăng gần gấp đôi lên 246 triệu đô la tính đến tháng 8 năm 2024, theo số liệu của Chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng đổ vào Lào, Theo Reuters, Imperial Star Solar của Trung Quốc đã mở một nhà máy sản xuất tấm wafer vào tháng 3 vừa qua và có công suất 4 GW.

SolarSpace của Trung Quốc cũng đã mở nhà máy công suất 5 GW ở Lào vào tháng 9/2023. Tuy nhiên công ty này cho biết việc chuyển dịch sản xuất sang Lào không liên quan đến thuế của Mỹ.

Thuế là một chủ đề quan trọng trong bầu cử Tổng thống Mỹ. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông sẽ đánh thuế 60% lên tất cả hàng hóa từ Trung Quốc. Ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris cho rằng việc đánh thuế cao như vậy sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, dân biểu và nghị sĩ ở cả hai đảng chính trị lớn tại mỹ đều ủng hộ mức thuế cứng rắn hơn với các sản phẩm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc.

Nguồn : RFA, 05/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 127 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)