Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/11/2024

Tại sao Trung ương Đảng cộng sản họp bất thường vào lúc này ?

VOA - BBC

Trung ương Đảng họp bất thường, quyết tinh gọn hệ thống chính trị

VOA, 26/11/2024

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XIII vừa tổ chức một cuộc họp bất thường hôm 25/11, trong đó, việc thực hiện "cuộc cách mạng" về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được xem là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, theo thông cáo báo chí của Ban được đăng trên trang tin của chính phủ Việt Nam.

trunguong1

Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/11/2024.

"Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị", Tổng bí thư Tô Lâm nói trong bài phát biểu bế mạc hội nghị chỉ kéo dài có nửa ngày.

Người đứng đầu Đảng cộng sản yêu cầu việc kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong Quý I năm 2025. Trong đó, ông yêu cầu phải "khách quan, dân chủ, khoa học", tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài… để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy.

Ngoài ra, việc tinh gọn bộ máy phải gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, có biên chế hợp lý, và có chính sách thu hút và sử dụng người có năng lực nổi trội, vẫn theo lời của tổng bí thư Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Tô Lâm cũng thừa nhận vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ đại hội đảng nhưng "còn nhiều việc chưa làm được" khi hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, việc phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Vì vậy, Tổng bí thư Việt Nam yêu cầu phải "thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính".

Hiện hệ thống Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bao gồm 8 ban : Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dận vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương.

Chính phủ có 18 bộ : Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Ngoài ra, còn có 4 cơ quan ngang bộ : Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Phía Quốc hội, với 10 cơ quan chuyên môn và 9 ủy ban, cũng được yêu cầu phải quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban theo hướng giảm cấp phó và ủy viên thường trực.

Tổng bí thư Việt Nam yêu cầu bộ máy mới sau khi được tinh gọn phải "tốt hơn bộ máy cũ" và đi vào hoạt động ngay để không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

Về vấn đề nhân sự, Ban chấp hành Trung ương Đảng tại hội nghị đã quyết định khai trừ khỏi đảng các ông Phạm Văn Vọng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ; ông Ngô Đức Vượng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ ; ông Nguyễn Doãn Khánh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ. Các ông này bị cho là "đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo tại các Đảng bộ tỉnh, "vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm".

Với cáo buộc vi phạm chung chung tương tự, Ban chấp hành Trung ương cũng xem xét, cho thôi giữ chức ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đối với ông Bùi Văn Cường, cựu Tổng Thư ký Quốc hội, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Một nội dung khác cũng được đề cập đến tại hội nghị bất thường của Trung ương Đảng là vấn đề điện hạt nhân. Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân là rất cần thiết để chuẩn bị cho tương lai. Ông nói quyết định dừng thực hiện điện hạt nhân trước đây của Trung ương đảng là "do một số khó khăn nhất định", nhưng không nêu cụ thể khó khăn gì. Theo ông, việc tái thực hiện nghiên cứu phát triển điện hạt nhân hiện nay là do yêu cầu phát triển của đất nước và do đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết.

Nguồn : VOA, 26/11/2024

*************************

Trung ương Đảng họp bất thường, xử lý hàng loạt nhân vật cấp cao

BBC, 25/11/2024

Sáng 25/11, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã triệu tập hội nghị bất thường, với nội dung bao gồm việc kỷ luật cán bộ đảng viên cấp cao. Hội nghị chỉ diễn ra trong nửa ngày.

trunguong2

Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bất thường, trong đó có vấn đề xem xét kỷ luật Đảng viên có vi phạm khuyết điểm.

Theo thông cáo do Văn phòng Trung ương Đảng vừa ban hành, tại hội nghị, Trung ương Đảng đã đồng ý để cựu Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải, thôi ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quyết định khai trừ đảng các ông : Phạm Văn Vọng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cựu Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ; Ngô Đức Vượng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ ; Nguyễn Doãn Khánh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Tinh gọn bộ máy

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Chính trị, Ban Bí thư "đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt" triển khai nhiệm vụ lớn mà hội nghị lần thứ 10 Trung ương Đảng khóa 13 đã xác định. Trong đó, quan trọng là xin ý kiến Trung ương về chủ trương tổng kết sớm toàn diện Nghị quyết số 18 và tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu quả, nhất là cấp Trung ương.

Việc tinh gọn bộ máy đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đi nhắc lại liên tục trong các cuộc họp gần đây.

Hàng loạt các tờ báo Việt Nam như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí đều có nhiều bài viết lấy ý kiến của các chuyên gia hiến kế, góp ý theo chiến thuật truyền thông "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng".

Điều này phần nào thể hiện quyết tâm chính trị của tổng bí thư nói riêng và của ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước nói chung. Chính ông Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ thực hiện tinh gọn bộ máy "với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị".

Tổng bí thư Tô Lâm trong buổi sáng 25/11 đã nhấn mạnh rằng tinh gọn bộ máy là vấn đề đặc biệt quan trọng, tác động đến sự phát triển của đất nước, tâm tư tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Do vậy, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương Đảng về chủ trương triển khai tổng kết để thống nhất định hướng cách làm và đề xuất cụ thể về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Phát biểu của ông Tô Lâm cho thấy sự phức tạp của việc tinh gọn bộ máy, dự kiến sẽ có nhiều biến động nhân sự từ trung ương đến địa phương. Ví dụ một số ban, bộ, ngành bị giải thể hoặc sáp nhập sẽ đặt ra bài toán về tình trạng dôi dư nhân sự.

Để thực hiện điều này, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18, ban hành Quy chế hoạt động phân công trách nhiệm, kế hoạch thực hiện hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương ; tiến hành tổng kết theo đề cương và có định hướng cụ thể.

Ban Chỉ đạo nói trên do Tổng bí thư Tô Lâm làm trưởng ban. Tổng bí thư Tô Lâm mới đây đã nhấn mạnh : "Tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Không tinh gọn bộ máy không phát triển được".

Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thủ tướng Chính là trưởng ban, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm phó trưởng ban, năm phó thủ tướng còn lại cùng một số bộ trưởng làm ủy viên.

Quốc hội cũng thành lập Ban Chỉ đạo tương tự để sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng ban, Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm phó trưởng ban thường trực ; các phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương làm phó trưởng ban. Các thành viên Ủy ban Thường vụ quốc hội là ủy viên.

trunguong3

Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy

Trong các bài viết cũng như phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm, điểm nghẽn thể chế được xác định là "điểm nghẽn của những điểm nghẽn". Do đó, theo ông, cần quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và ông cũng xác định đây là "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng" để có thể đưa đất nước đến với "kỷ nguyên vươn mình dân tộc".

Thời kỳ nắm quyền ở Bộ Công an, ông Tô Lâm đã thực hiện tinh giản biên chế trong ngành công an. Kết quả là số cơ quan ở cấp trung ương và cấp tỉnh được rà soát và tinh giản, giảm bớt số tướng tá cấp trung ương. Tuy nhiên, lực lượng công an cấp cơ sở lại phình to.

Mới đây, tranh luận tại nghị trường ngày 4/11, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) đã tiết lộ như sau :

"Có đồng chí bộ trưởng nói với tôi rằng nếu bộ của họ giảm 30-40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì".

Thực tế bộ máy cồng kềnh - bao gồm đảng, chính quyền, đoàn thể - là điều ai cũng thấy và Tổng bí thư Tô Lâm không phải lãnh đạo đầu tiên nêu vấn đề này. Đã có nhiều lãnh đạo Đảng và chính phủ hô hào tinh giản bộ máy, cải cách thể chế, nhưng kết quả là không tinh giản được bộ máy mà thể chế thì vẫn "nghẽn".

Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương 12 ra đời chứng minh cho sự cấp bách của việc tinh gọn bộ máy. Nhưng vấn đề tinh gọn này đã không được thực hiện một cách quyết liệt dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã tái lập các ban đảng để phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình.

Dưới sự nắm quyền của tân Tổng bí thư Tô Lâm, vấn đề tinh gọn lại nổi lên và có thể sẽ có nhiều bước đi ngược lại thời kỳ của ông Trọng.

Loại trừ và khai trừ

Như đã đề cập ở trên, Trung ương Đảng đã xem xét, cho thôi giữ chức ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 đối với ông Bùi Văn Cường, cựu Tổng Thư ký quốc hội, cựu Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk ; ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Các ông này được Đảng xác định đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước đó, ngày 15/11, Bộ Chính trị đã kỷ luật cảnh cáo đối với ông Bùi Văn Cường.

Như vậy, đến nay Trung ương Đảng khóa 13 (2021-2026) đã có 28 người bị "cho thôi" chức vụ, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị.

Tại hội nghị bất thường hôm 25/11, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quyết định khai trừ đảng các ông : Phạm Văn Vọng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cựu Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ; Ngô Đức Vượng, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ ; Nguyễn Doãn Khánh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Bộ Chính trị cũng đã quyết định giới thiệu Quốc hội khóa 15 phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giao thông vận tải ; bầu ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Hiện nay, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang kiêm chức Bộ trưởng Tài chính. Ghế bộ trưởng Giao thông vận tải do ông Nguyễn Văn Thắng đảm nhận. Với thông báo rằng sẽ có thay đổi ở vị trí bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Giao thông Vận tải, dự kiến ông Nguyễn Văn Thắng sẽ chuyển sang làm bộ trưởng Tài chính. Vị trí bộ trưởng Giao thông mà ông Thắng để lại sẽ do một bí thư tỉnh ủy đảm nhận.

Vấn đề kỷ luật của các cựu Tứ Trụ

Sau khi hàng loạt lãnh đạo chủ chốt, cấp cao mất chức thì Đảng đã kiện toàn hầu hết các chức danh bị khuyết. Trong đó, việc bầu tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và việc bổ nhiệm thường trực Ban Bí thư là những sự kiện gây chú ý.

Nhiệm kỳ 2021-2026 chứng kiến bốn sự thay đổi về chủ tịch nước gồm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường.

Tương tự, thường trực Ban Bí thư cũng có bốn lần thay đổi nhân sự : ông Võ Văn Thưởng, bà Trương Thị Mai, ông Lương Cường, ông Trần Cẩm Tú.

Vị trí chủ tịch quốc hội cũng có biến động khi ông Vương Đình Huệ bị miễn nhiệm, sau khi được Trung ương Đảng cho thôi chức, và ông Trần Thanh Mẫn đã lên thay ông Huệ.

Sự kiện chấn động nhất là việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người nắm giữ quyền lực gần ba nhiệm kỳ với 13 năm - đột ngột qua đời. Sau đó, ông Tô Lâm đã được bầu lên làm tổng bí thư, kiêm nhiệm cả hai chức đứng đầu đảng và nhà nước trong vòng hơn hai tháng.

Như vậy, bốn vị trí quyền lực nhất (Tứ Trụ) thì ngoại trừ chức thủ tướng của ông Phạm Minh Chính, ba chức danh còn lại đều có sự thay đổi so với đầu khóa.

Trong số những biến động nhân sự nói trên có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai là những người phải xin nghỉ vì mắc khuyết điểm.

Mới đây, ông Vương Đình Huệ, sau khi mất hết chức vụ, đã bất ngờ bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo. Ông Võ Văn Thưởng thì tạm thời chưa bị xem xét kỷ luật do đang điều trị bệnh. Từ diễn biến này, đã có những câu hỏi đặt ra về số phận của ông Nguyễn Xuân Phúc và cựu Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.

Theo Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị có thẩm quyền thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, kể cả kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư.

Còn vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức hoặc khai trừ thì thẩm quyền thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có nhiệm vụ báo cáo để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những nhân vật trong Tứ Trụ dù mắc khuyết điểm nhưng vẫn được cho "đường lui" bằng việc chủ động nhận trách nhiệm và xin thôi chức. Quy trình này thường được gọi là "hạ cánh an toàn", "rút lui trong danh dự" và đã được chính ông Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023. "Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi". "Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất". Có lẽ với tinh thần như vậy mà khi Đảng đưa ra thông cáo về việc cho ông Huệ thôi chức hồi cuối tháng 4 dù nói đến những khuyết điểm, sai phạm của ông nhưng đã không đề ra bất kỳ hình thức kỷ luật nào. 

Tuy nhiên, dưới thời Tổng bí thư Tô Lâm, mọi chuyện dường như đổi khác. Cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trở thành nhân vật trong Tứ Trụ đầu tiên bị kỷ luật sau khi đã rời cương vị.

Dù các hình thức kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo cơ bản cũng chỉ mang tính hình thức, nhưng người bị kỷ luật cũng bị tổn hại về danh tiếng, chứ không êm đềm "rút lui trong danh dự" như chủ trương trước đây của ông Nguyễn Phú Trọng. Do đó, nếu Bộ Chính trị quyết định các vi phạm, khuyết điểm của một số lãnh đạo, cán bộ nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật với hình thức nặng hơn thì các trường hợp này được trình ra Trung ương Đảng.

Hiện nay, ngoài trường hợp cựu Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo, các trường hợp cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn tạm thời an toàn, dù trước đó Trung ương Đảng đã cho thôi chức và khẳng định các ông này có vi phạm.

Ông Phúc được dư luận nhắc tên khi cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" - có lời khai trong quá trình điều tra vụ án tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Kết luận điều tra được báo Người Lao Động dẫn lại cho biết, vào ngày 16/1/2021, ông Nguyễn Cao Trí hẹn gặp ông Mai Tiến Dũng ăn sáng tại Nhà khách 35 Hùng Vương (Hà Nội). Tại cuộc gặp, ông Trí cho biết đã được ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, hướng dẫn tiếp tục gửi đơn.

Theo kết luận điều tra, tại thời điểm này, ông Mai Tiến Dũng cũng nhận được ý kiến của "cấp trên" chỉ đạo quan tâm, giúp đỡ ông Trí nên ông Dũng bút phê 2 lần vào đơn với nội dung "chuyển Vụ I" và sau đó là "chuyển Vụ I (giải quyết sớm)".

Ông Mai Tiến Dũng được xác định là đã nhận 200 triệu đồng tiền "cảm ơn". Câu hỏi đặt ra là "cấp trên" của ông Mai Tiến Dũng vào thời điểm đó là ai ?

Ông Mai Tiến Dũng là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11 và 12 (từ năm 2011-năm 2021). Ông là bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2021. Thời điểm đầu năm 2021, ông là bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng từng biện minh về sự dính líu của gia đình ông trong Đại án Việt Á, một chi tiết mà sau đó báo chí do nhà nước quản lý đã đục bỏ.

Cụ thể, vào ngày 4/2/2023, tại lễ bàn giao công tác trước khi rời cương vị, ông Phúc đã được báo chí đưa tin rằng ông "xin nói thêm một ý về vụ Việt Á". "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng". Tuy nhiên, lời thanh minh hiếm hoi của một trong những Tứ Trụ đã bị báo chí đồng loạt gỡ bỏ sau đó.

trunguong4

Tờ báo của tỉnh ủy Quảng Nam trước và sau khi đục bỏ lời thanh minh của ông Nguyễn Xuân Phúc

Còn ông Võ Văn Thưởng, như thông báo của Đảng ngày 21/11 thì "tạm thời chưa xem xét kỷ luật" do ông đang điều trị bệnh.

Về vấn đề liệu có hay không khả năng kỷ luật đến mức hình sự một trong các Tứ Trụ, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu là khách mời thuộc Viện nghiên cứu ISEAS của Singapore, từng phân tích với BBC rằng việc này là câu chuyện mà Đảng phải cân nhắc khi tiến hành chiến dịch chống tham nhũng :

"Rõ ràng chống tham nhũng là để bảo vệ tính chính danh của hệ thống chính trị Việt Nam, nhưng nếu đưa ra những quyết định xử phạt rất nặng, đối với Tứ Trụ chẳng hạn, thì sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của người dân đối với hệ thống. Thứ hai nữa là muốn đảm bảo một số giới hạn nhất định, rằng khi là lãnh đạo quốc gia, là chủ tịch nước, hay là thủ tướng hay là tổng bí thư thì họ sẽ có những ưu tiên nhất định" - Tiến sĩ Khắc Giang phân tích.

Vì vậy, dự kiến nếu những sai phạm, khuyết điểm của các nhân vật trong Tứ Trụ nghiêm trọng, Đảng cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức khiển trách, cảnh cáo - hoặc nặng tay hơn là cách chức, chứ không đến mức khai trừ, khởi tố hình sự.

Nguồn : BBC, 25/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA, BBC
Read 173 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)