Luật Dữ liệu : Bộ Công an thúc đẩy, doanh nghiệp lo ngại
BBC, 27/11/2024
Dự án Luật Dữ liệu mà Bộ Công an Việt Nam xây dựng dự kiến được Quốc hội biểu quyết trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, khóa 15 vào ngày 30/11. Các doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự thảo luật này.
Nhiều điều, khoản trong dự án Luật Dữ liệu mà Bộ Công an xây dựng khiến các tổ chức thương mại, đầu tư quốc tế lo ngại.
Anh N.H., nhà sáng lập một startup về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với BBC News tiếng Việt hôm 25/11 :
"Khi khách hàng sử dụng dịch vụ AI của chúng tôi, chỉ cần click vào thì chúng tôi cũng có thể thu thập được IP của họ, đếm được bao nhiêu lần truy cập. Những thứ như vậy có thể được xét là dữ liệu quan trọng không ?"
Khoản 24, Điều 3 định nghĩa dữ liệu quan trọng là "dữ liệu trong lĩnh vực, nhóm, khu vực có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến an ninh quốc gia, hoạt động kinh tế, ổn định xã hội, sức khỏe và an toàn cộng đồng khi bị rò rỉ, giả mạo hoặc phá hủy".
Với nội dung như vậy, anh N.H. chưa rõ các dữ liệu mà công ty mình nắm giữ liệu có khi nào bị quy là "gây nguy hiểm" không.
Người chủ doanh nghiệp này không phải là người duy nhất mang trong mình sự mơ hồ này, nhất là khi Luật Dữ liệu có thể sắp được thông qua.
Theo Điều 2, Luật Dữ liệu được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang đã trình bày quan điểm và mục đích về việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu.
Theo vị bộ trưởng, dự án luật này nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội ; phát triển chính phủ số ; cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính ; phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Phía Bộ Công an cũng cho rằng đây là điều cấp thiết khi các luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trong việc thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng... dữ liệu là chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, theo bộ này, hiện "chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ Internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…".
Đầu năm 2024, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu.
Dự án Luật Dữ liệu đã được Quốc hội thảo luận vào hôm 8/11. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu vào chiều ngày 30/11.
Đã có những ý kiến từ phía doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam bày tỏ lo lắng nếu như luật này được thông qua.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế có hoạt động tại Việt Nam đã lên tiếng đề nghị hoãn thông qua Luật Dữ liệu để tiến hành tham vấn thêm và giải quyết mối quan ngại của ngành về phạm vi và khả năng áp dụng các quy định của Luật Dữ liệu.
Các mối lo ngại
Ông Jonathan McHale, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông của Mỹ (CCIA), chuyên phụ trách về thương mại kỹ thuật số, bày tỏ lo lắng về những điều khoản về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới.
Theo khoản 2, Điều 22, "dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và chấp thuận".
"Việt Nam hứa hẹn là một thị trường đầy tiềm năng cho các dịch vụ kỹ thuật số tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và các cam kết rộng rãi về dịch vụ xuyên biên giới của Việt Nam, được quy định trong các quy tắc thương mại ràng buộc, là chìa khóa cho sự tăng trưởng đó.
"Khả năng của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc chuyển giao dữ liệu sang các thị trường khác cung cấp cho các công ty tại Việt Nam quyền truy cập vào công nghệ tiên tiến. Các chính sách cản trở việc chuyển giao này, bao gồm cả những chính sách trong dự Luật Dữ liệu được đề xuất, gây hại cho cả các công ty nước ngoài và nền kinh tế địa phương, vốn phát triển mạnh mẽ nhờ sự tham gia của bên ngoài", ông McHale chia sẻ quan điểm trên trang web chính thức của CCIA.
Với lý do trên, ông Jonathan McHale cũng như CCIA đề nghị chính phủ Việt Nam xem xét lại cách tiếp cận về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới
"Nếu được ban hành, dự thảo Luật Dữ liệu ('luật' hoặc 'dự thảo luật') sẽ cản trở rất nhiều đến việc xử lý dữ liệu tại Việt Nam, tác động đến khả năng hoạt động và đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong nhiều ngành và tạo ra tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái dữ liệu và kỹ thuật số vốn đang hỗ trợ nền kinh tế", trích từ bức thư của liên hiệp hội các tổ chức, công ty quốc tế gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng.
Bức thư, được viết hôm 7/11, có chữ ký của 14 tổ chức thương mại lớn, có thể kể tới Phòng Thương mại Mỹ ; Liên minh Đổi mới, Công nghệ và Dịch vụ Thế giới (WITSA) ; Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin ; Liên minh Internet Châu Á ; Hội đồng Bảo hiểm Nhân thọ Mỹ.
Trong bức thư, các tổ chức nhấn mạnh rằng khả năng xử lý dữ liệu (cho dù là dữ liệu cá nhân hay không phải dữ liệu cá nhân) cho các mục đích hợp lý, mà không có quy định cấm hoặc mang tính chỉ định, cho phép các doanh nghiệp lớn và nhỏ cung cấp các dịch vụ sáng tạo hiện đại, đồng thời vẫn xử lý dữ liệu một cách có trách nhiệm.
Các tổ chức thương mại, đầu tư quốc tế này cho rằng các khái niệm về "dữ liệu quan trọng" và "dữ liệu cốt lõi" được định nghĩa quá rộng và không rõ ràng.
Khoản 25, Điều 3 định nghĩa "dữ liệu cốt lõi là dữ liệu quan trọng có phạm vi bao phủ cao trên các lĩnh vực, nhóm, khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị khi sử dụng, chia sẻ trái phép. Dữ liệu cốt lõi bao gồm dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực an ninh quốc gia quan trọng, dữ liệu liên quan đến huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, sinh kế quan trọng của người dân, các lợi ích công cộng lớn và các dữ liệu khác được các cơ quan quốc gia".
Họ cũng nhận định các quy định về hoạt động dữ liệu xuyên biên giới trong dự Luật Dữ liệu là khá nặng nề.
Nếu luật được thông qua, hầu hết dữ liệu sẽ phải được địa phương hóa tại Việt Nam. Theo các tổ chức quốc tế này, an ninh dữ liệu được xác định bởi chất lượng và sự phù hợp của các biện pháp kiểm soát an ninh được áp dụng để bảo vệ chúng, chứ không phải nơi chúng được lưu trữ.
Điều này có thể "cản trở các doanh nghiệp và công dân Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến cũng như bỏ lỡ sự hiệu quả về chi phí cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của đất nước".
Liên quan đến vấn đề này, bà Naomi Wilson, phó chủ tịch cấp cao về chính sách, Châu Á và thương mại toàn cầu của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin (Mỹ), nhận định với BBC vào tháng 11/2024 :
"Đây là điều quan trọng. Việc chuyển giao dữ liệu và khả năng chuyển giao dữ liệu qua biên giới thực sự là nền tảng cho tất cả những gì các công ty đa quốc gia làm hằng ngày, không chỉ riêng các công ty trong lĩnh vực công nghệ.
Để trở thành một công ty toàn cầu, bạn phải hoạt động xuyên biên giới và chuyển giao dữ liệu cho mục đích nhân sự, bán hàng, sản xuất, các giao dịch thường nhật. Do đó, đây thực sự là điều cần thiết cho hoạt động kinh doanh hằng ngày. Và Việt Nam đã bắt đầu phát triển các chính sách dữ liệu trong những năm qua, một phần trong đó xuất phát từ luật an ninh mạng.
Chính phủ đã tập trung vào địa phương hóa dữ liệu vì một số lý do khác nhau. Điều này cản trở một số nhà đầu tư nước ngoài vì nó khiến môi trường hoạt động khó khăn hơn nhiều".
Trong lá thư gửi tới các lãnh đạo Việt Nam, những tổ chức thương mại này đã bày tỏ sự quan ngại cực kỳ lớn tới quyền thu giữ dữ liệu quá rộng của Đảng cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đối với khu vực tư nhân mà không có thủ tục tố tụng rõ ràng.
Cụ thể, họ cho rằng các điều khoản buộc các tổ chức, cá nhân phải cung cấp cho nhà nước khi được yêu cầu trong trường hợp đặc biệt là chưa thực sự rõ ràng. Các định nghĩa về "trường hợp đặc biệt" và "lợi ích công cộng" còn khá chung chung, theo các tổ chức thương mại quốc tế này.
Khoản 1, Điều 15 quy định : "Tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai, cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước trong trường hợp đặc biệt khi được yêu cầu".
Theo những bên cùng ký trong lá thư, bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ đối với các tổ chức để cung cấp dữ liệu nên được thực hiện theo lệnh của tòa án, bao gồm cơ hội cho các tổ chức tranh chấp yêu cầu (ví dụ : nếu dữ liệu là độc quyền hoặc bí mật thương mại ; việc cung cấp dữ liệu sẽ dẫn đến xung đột pháp luật quốc tế hoặc sẽ dẫn đến vi phạm các cam kết quốc tế ; hoặc cung cấp dữ liệu sẽ rất tốn kém).
Thêm vào đó, họ lập luận rằng Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ đầu tư chống lại việc trưng dụng, cả trực tiếp và gián tiếp, theo Điều 9.8 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Quyền thu giữ dữ liệu quá rộng của nhà nước, nếu không có thủ tục tố tụng thích hợp hoặc đảm bảo bảo vệ sở hữu trí tuệ và/hoặc dữ liệu độc quyền, có thể là sự chiếm đoạt, trưng dụng trực tiếp hoặc gián tiếp vì nó can thiệp vào quyền tài sản vô hình/lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.
Quay trở lại với N.H., vị chủ doanh nghiệp nói rằng sự không rõ ràng trong các định nghĩa về các loại dữ liệu vẫn là điều khiến anh e ngại nhất. Anh không biết liệu các dữ liệu mà công ty đang có sẽ được phân loại ra sao và công ty sẽ thay đổi thực tiễn kinh doanh thế nào nếu Luật Dữ liệu được thông qua.
Một luật sư (giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề) chuyên tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp nói với BBC rằng nhiều khách hàng của bà hiện nay lo ngại về phạm vi diễn giải khá rộng của Bộ Công an đối với luật này.
"Cụ thể, một công ty nước ngoài đặt trụ sở ở nước ngoài nhưng có xử lý dữ liệu của công dân Việt Nam, dù chỉ một người, thì cũng có thể được xem là đối tượng áp dụng của Luật Dữ liệu".
"Điều quan trọng đối với Việt Nam là phải cân bằng hợp lý (giữa các yếu tố công nghệ và chính sách). Nếu thực hiện sai, quốc gia này phải đối mặt với nguy cơ kìm hãm sự đổi mới cũng như dòng chảy đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, giải quyết những vấn đề rất phức tạp này là rất quan trọng", ông Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Business thuộc Đại học Melbourne (Úc), bình luận với BBC.
Nguồn : BBC, 27/11/2024
******************************
Các tập đoàn Thái Lan : đầu tư, thâu tóm và thu lợi tại Việt Nam
BBC, 27/11/2024
Trong khi các tỷ phú Thái Lan thu hàng tỷ đô la từ các dự án ở Việt Nam, giới quan sát cho rằng việc họ thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực mũi nhọn là một vấn đề đáng lo ngại cho Hà Nội.
Bia Sài Gòn một thời từng là niềm tự hào của người dân Việt Nam đã rơi vào tay tỷ phú Thái Lan
Hồi tháng 9/2024, chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã tuyên bố triển khai các kế hoạch hành động như một phần của quan hệ đối tác chiến lược tăng cường, với mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các nhà đầu tư Thái Lan đã cam kết rót 141,42 triệu USD vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024, đưa Thái Lan lên vị trí thứ 15 trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI trong giai đoạn này.
Tính đến cuối tháng 10/2024, Thái Lan đã đầu tư vào 755 dự án với tổng giá trị gần 15 tỷ USD tại Việt Nam.
Đầu tư và thâu tóm
Trong tháng 11/2024, tập đoàn WHA, nhà cung cấp giải pháp hậu cần và cơ sở công nghiệp tích hợp hoàn chỉnh hàng đầu của Thái Lan, đã nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc từ chính phủ Việt Nam để đầu tư một khu công nghiệp ở Thanh Hóa với tổng vốn 55 triệu USD, theo tạp chí The Investor.
Trong cùng tháng 11, Thantawan Industry Public Company Limited, một nhà sản xuất bao bì nhựa cao cấp hàng đầu của Thái Lan, đã ký một hợp đồng thuê nhà máy ở tỉnh Tây Ninh trong 30 năm.
Bên cạnh hoạt động đầu tư, nhiều tập đoàn Thái Lan đã triển khai chiến lược thâu tóm doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong 10 năm qua, và từ đó đến nay đã làm ăn rất hiệu quả, thu về lợi nhuận lớn.
Cùng tháng 11, F&N Dairy Investment - công ty con của Fraser & Neave Limited (F&N), một công ty thực phẩm và đồ uống, xuất bản và trước đây là tập đoàn sản xuất bia và bất động sản tại Singapore do tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi nắm giữ - đã công bố việc mua thành công sáu triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM), nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,65%.
F&N Dairy Investments là cổ đông lớn của Vinamilk kể từ khi công ty sữa này được cổ phần hóa vào năm 2005.
Nawaplastic Industry, một công ty con của tập đoàn Xi măng Siam (SCG) Thái Lan, bắt đầu tiến trình thâu tóm Nhựa Bình Minh vào năm 2021. Hiện tại, Nawaplastic sở hữu 55% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh.
Giới quan sát nhận định rằng, thông qua việc thâu tóm BMP và Nhựa Tiền Phong, Nawaplastic sẽ tận dụng lợi thế về hệ thống sản xuất, phân phối cũng như thương hiệu để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam.
Ngoài Nhựa Bình Minh hiện do chủ Thái Lan kiểm soát, đến nay, TCG Solutions của Thái Lan đang nắm hơn 94% cổ phần Bao bì Biên Hòa (SVI).
Indorama Venture của Thái nắm khoảng 98% cổ phần Nhựa Ngọc Nghĩa.
Trong năm 2024, SCB X Public Company Limited (SCBX), ngân hàng lớn thứ tư của Thái Lan xét theo tài sản, đã công bố thâu tóm toàn bộ vốn điều lệ tại Home Credit Vietnam với giá 860 triệu USD. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa đầu năm 2025.
Vào đầu tháng 2/2024, Central Pattana, công ty phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu của Thái Lan và là thành viên của Central Group Thái Lan, đã công bố việc công ty con CPN Global thành lập văn phòng tại Việt Nam.
Siam Cement Group (SCG) - tập đoàn xi măng lớn nhất của Thái Lan và lâu đời nhất ở Đông Nam Á - đã hoàn thành Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trị giá 5,4 tỷ USD vào đầu năm 2024 tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đầu năm 2023, gã khổng lồ bán lẻ của Thái Lan Central Retail, thành viên của Central Group, một tập đoàn đa ngành của Thái Lan thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat, gia tộc giàu thứ năm Thái Lan, công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,45 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.
Tập đoàn Central Group đang vận hành hệ thống 41 trung tâm thương mại GO !, siêu thị TOP Markets và hệ thống siêu thị Nguyễn Kim tại Việt Nam.
Central Group mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim năm 2015. Sau đó, nâng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn lên 100% vào năm 2019, hoàn tất việc thâu tóm hệ thống siêu thị này.
Ngoài ra Central Group còn mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi - thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Việt Nam.
Năm 2015, Central Group cũng thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp) trong thương vụ trị giá 1 tỷ USD.
Năm 2017, tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỷ USD thâu tóm Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với xấp xỉ 54% cổ phần sở hữu.
Mới đây, Sabeco có kế hoạch mua 43,2% cổ phần, trị giá gần 34 triệu USD, của công ty sản xuất bia địa phương Sabibeco Group (SBB) trong năm nay.
Hai công ty con của Fraser & Neave Ltd. (F&N) của tỷ phú Thái, ông Charoen Sirivadhanabhakdi - là F&N Beverages Manufacturing Sdn. Bhd. và F&N Dairy Investments Pte., Ltd. - hiện đang sở hữu hơn 20% tại Vinamilk.
TCC Group - một đại gia Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ - năm 2016 đã chi ra 655 triệu euro để thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market).
Nhiều quỹ đầu tư lớn của Thái Lan cũng đang đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam như Kasikorn Asset Management, Principal Vietnam Equity Fund, Bualuang Vietnam Equity Fund, Asset Plus Vietnam Growth RMF Fund, Asset Plus Vietnam Growth Fund…
Thu lợi
Central Retail, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan, đạt doanh thu 1,09 tỷ USD tại Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Central Retail đang có kế hoạch mở các chi nhánh mới tại Ninh Thuận, sau đó sẽ mở rộng thêm tại Hưng Yên và Yên Bái.
Trong đợt tạm ứng cổ tức năm 2024, Thai Beverage, nắm giữ 53,59% cổ phần tại Sabeco, nhận khoảng 40 triệu USD, nâng tổng số tiền nhận được sau 7 năm thâu tóm lên hơn 345 triệu USD.
Ở các doanh nghiệp khác, các đại gia Thái Lan cũng thu về lợi nhuận lớn từ những khoản đầu tư của mình.
Việc doanh nghiệp Thái Lan liên tiếp thâu tóm các ngành hàng sản xuất mũi nhọn tại Việt Nam trong 10 năm qua, theo một số nhà quan sát, là điều đáng lo ngại. Trong đó có khả năng Thái Lan thâu tóm cả sản xuất, phân phối, chiếm thị phần lớn, có thể chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng có ý kiến cho rằng đây là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập, "cá lớn nuốt cá bé" và các doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải tự cứu mình (nếu có thể).
Nguồn : BBC, 27/11/2024
*********************
Việt Nam giữa ngã ba đường : Cân bằng an ninh quốc gia và thu hút đầu tư công nghệ
BBC, 27/11/202
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, Việt Nam đã hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc cộng một" (China Plus One), thu hút những tập đoàn công nghệ của các tỉ phú lừng danh như từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đứng giữa "ngã ba đầu tư" của Big Tech
Một trong những kết quả minh chứng là kim ngạch xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ sang Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, từ 484 triệu USD vào năm 2018 lên 857 triệu USD vào năm 2023, theo CCIA, một hiệp hội thương mại phi lợi nhuận đại diện cho nhiều công ty truyền thông và công nghệ quốc tế.
Trong một báo cáo vào đầu tháng 11/2024, CCIA cho rằng đầu tư từ Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số, sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá rằng Việt Nam đang đứng ở ngã ba đường trong việc hoạch định các chính sách không gây kìm hãm đổi mới đồng thời tận dụng được cơ hội vàng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển.
Miền đất hứa
Từ Mỹ, bà Naomi Wilson, Phó chủ tịch phụ trách chính sách, Châu Á và thương mại toàn cầu của Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI), nói với BBC rằng hiện tại đang là thời điểm chín muồi để Việt Nam thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Chuyên gia cấp cao từ ITI, một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty công nghệ lớn bao gồm Meta, Google và Equinix, cho biết Việt Nam được đánh giá cao về lợi thế vị trí địa chính trị, lực lượng lao động dồi dào và tiềm năng thị trường để các tập đoàn đa quốc gia tăng cường sản xuất và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.
Thời gian gần đây, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ hàng đầu nước Mỹ tỏ thiện chí muốn đổ thêm vốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Chẳng hạn, tập đoàn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg tỏ ý họ vẫn đặt cược vào Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng và cung cấp các sản phẩm đổi mới.
Hồi cuối tháng 9, Chính phủ Việt Nam loan tin SpaceX của tỷ phú Elon Musk có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, dù không tiết lộ thời điểm hay mục đích thực sự của khoản đầu tư này.
Trong khi đó, Google được cho là đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu siêu lớn gần Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, người ta bắt gặp tỷ phú Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Nvidia, ngồi ăn phở và uống cà phê trong các quán vỉa hè hồi cuối năm 2023. CEO của gã khổng lồ chế tạo chip AI được cho là đã bày tỏ kế hoạch thiết lập một trung tâm thiết kế tại Việt Nam.
Tiếp theo, CEO Tim Cook của Apple đã đăng ảnh đi uống cà phê trứng với mẹ con ca sĩ Mỹ Linh trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 4/2024 trong bối cảnh Apple nói sẽ tăng cường cam kết với Việt Nam.
"Việt Nam đã trở thành một thị trường ngày càng quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và bán dẫn, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên toàn cầu trong vài năm qua, đặc biệt là khi các công ty tìm cách đa dạng hóa đầu tư ra ngoài Trung Quốc, Việt Nam thực sự có thể tận dụng chính sách đó", bà Wilson nhận định.
Nhà phân tích Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Business thuộc Đại học Melbourne (Úc), bổ sung rằng chính trường Việt Nam dần đi vào thời kỳ ổn định sau một khoảng thời gian liên tục có những diễn biến "long trời lở đất" trong giới lãnh đạo cấp cao.
"Trong vài tháng qua, chúng ta chứng kiến những tiến triển rõ rệt về triển vọng chính trị của Việt Nam, và khi nhìn tới, dường như có thể dự đoán về giai đoạn tiếp theo của chính trường Việt Nam một cách tương đối. Vì vậy, tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tốt cho các nhà đầu tư đang cân nhắc Việt Nam từ góc độ rủi ro chính trị", ông Robert Law trả lời BBC News tiếng Việt.
"Khi các doanh nghiệp nhìn vào Việt Nam, yếu tố ổn định chính trị có vẻ như ổn định hơn so với những năm trước, và họ sẽ theo dõi rất chặt chẽ chiều hướng hoạch định chính sách dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới", ông Law giải thích.
Theo nhà phân tích này, dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực công nghệ nói riêng và tất cả các lĩnh vực nói chung sẽ hỗ trợ mục tiêu "đầy tham vọng" của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế 7,5% vào năm 2025.
Đầu tháng 11/2024, Quốc hội Việt Nam đã giao cho Chính phủ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% và GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD.
Mục tiêu này lạc quan hơn so với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 6,1% trong năm 2025.
Yếu tố then chốt
Dù đánh giá cao tiềm năng thu hút các nhà đầu tư của Việt Nam, nhưng các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng quốc gia 100 triệu dân còn nhiều điểm yếu cần khắc phục.
Trong khi bà Wilson nhấn mạnh về việc nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực thì ông Law nhắc đến sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, điển hình là chuyện thiếu điện đã khiến nhiều nhà máy ở miền Bắc Việt Nam đã phải tạm ngưng hoạt động vào năm 2023.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực ASEAN.
"Cạnh tranh trong khu vực rất khốc liệt và mỗi nước cần phải hành động nhanh chóng", ông Rober Law nói.
Trên thực tế, khi Việt Nam vẫn chỉ trong "tầm ngắm" thì các quốc gia khác trong khu vực đã nhận được cam kết chính thức từ một số ông lớn công nghệ nước Mỹ.
Trong số đó phải kể đến Google tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Thái Lan để xây dựng trung tâm dữ liệu và đám mây, hay công bố kế hoạch rót 2 tỷ USD vào dịch vụ đám mây chủ quyền tại Malaysia, giúp tạo ra 26.500 việc làm và đóng góp hơn 3 tỷ USD vào GPD nền kinh tế của nước này vào năm 2030.
"Việt Nam có nhiều triển vọng và nhiều cơ hội so với các quốc gia Đông Nam Á khác, nhưng trong một số lĩnh vực Hà Nội vẫn còn tụt hậu hơn các nước cùng khu vực", giám đốc Asialink Business cho biết.
Nhà phân tích từ Úc nêu ví dụ Malaysia đã đạt được những bước tiến thực sự nhanh chóng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các trung tâm dữ liệu và đang định vị mình là quốc gia dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh rằng môi trường pháp lí mới thực sự là chìa khóa để Việt Nam có thể đạt được tiềm năng tối đa trong việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Các công ty công nghệ Mỹ mới đây đã cảnh báo một dự luật về dữ liệu của chính quyền Hà Nội sẽ cản trở các mạng xã hội và các trung tâm dữ liệu đang phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam đã bắt đầu xây dựng các chính sách dữ liệu trong những năm qua, một phần bắt nguồn từ Luật An ninh mạng ban đầu.
Bộ Công an Việt Nam được cho là đã thúc giục ban hành luật này (Dự thảo Luật Dữ liệu) với mục tiêu giúp các cơ quan chức năng dễ dàng tiếp cận thông tin hơn.
Theo hãng tin Reuters, Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về dự luật này trong phiên họp kéo dài một tháng và dự kiến sẽ thông qua vào ngày 30/11 "nếu đủ điều kiện".
Theo CCIA, một khi có hiệu lực, luật này "sẽ làm suy yếu thương mại kỹ thuật số song phương mang lại lợi ích cho các thực thể của cả Mỹ và Việt Nam, đồng thời đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về việc Hà Nội tuân thủ các cam kết thương mại của mình".
"Đây là một vấn đề hết sức hệ trọng", bà Naomi Wilson nói với BBC News Tiếng Việt.
Ngã ba đường
Một trong những điều khoản của dự thảo luật là yêu cầu các dữ liệu "cốt lõi" và "quan trọng", vốn chưa được định nghĩa rõ ràng, phải được phê duyệt trước khi chuyển ra nước ngoài.
Theo dự thảo luật, các công ty sẽ phải chia sẻ dữ liệu với chính quyền Việt Nam trong nhiều trường hợp với các định nghĩa mơ hồ, bao gồm cả việc "thực hiện nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công cộng".
"Việc chính phủ Việt Nam dựa vào việc bản địa hóa dữ liệu vì một số lý do khác nhau sẽ khiến cho môi trường hoạt động của các công ty nước ngoài trở nên khó khăn hơn nhiều", bà Naomi Wilson nhận định.
"Để trở thành một công ty toàn cầu, bạn phải hoạt động xuyên biên giới và chuyển dữ liệu với các mục đích nhân sự, bán hàng, sản xuất, các giao dịch kinh doanh hàng ngày… cho nên khả năng chuyển dữ liệu xuyên biên giới thực sự là nền tảng thiết yếu mà các công ty đa quốc gia thực hiện hàng ngày", chuyên gia cấp cao của ITI lí giải.
Theo ông Robert Law, đây thực sự là một thách thức lớn đối với chính phủ Việt Nam, và Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với vấn đề này.
"Các quốc gia trên khắp thế giới đang vật lộn với thách thức về cân bằng những tác động mà công nghệ có thể mang lại và cùng lúc bảo vệ an ninh quốc gia. Đó thực sự là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách vì nếu không có quy định phù hợp, công nghệ có thể gây ra những tác động tiêu cực, đặc biệt là với trẻ em", giám đốc của Asialink Business cho hay.
Vì vậy, theo ông Việt Nam cần cân bằng giữa việc bảo vệ an ninh quốc gia mà không kìm hãm sự đổi mới và đầu tư.
Giữa "ngã ba đường này", theo các chuyên gia, Việt Nam có thể tạo điều kiện cho các tập đoàn nước ngoài bằng cách thực hiện các thay đổi cụ thể và làm rõ các luật bảo mật dữ liệu và hoàn thiện luật bảo vệ thông tin cá nhân, cũng như làm rõ cách danh mục dữ liệu khác nhau để khiến các nhà đầu tư thấy rằng đây là một thị trường ổn định và có thể dự đoán, từ đó tăng cường rót vốn.
"Thực tế điều mà các công ty mong muốn nói chung là tính ổn định và khả năng họ có dự đoán các quy định của nước sở tại. Điều này có nghĩa là khi có những quy tắc và quy định mới được đề xuất, cần có cơ hội để họ góp ý và đóng góp chuyên môn vào quá trình đó, nhằm giúp chính phủ điều chỉnh các chính sách phù hợp", bà Wilson nêu quan điểm.
Nhiệm kì thứ hai của ông Trump
Trong khi những cam kết của các Big Tech trong năm nay đã khiến hãng tin Bloomberg nhận định mối quan hệ giữa Thung lũng Silicon với Việt Nam ngày càng sâu sắc, thì một nhân tố được cho là không thể bỏ qua khi Hà Nội tìm cách cân bằng chính sách và thu hút đầu tư : nhiệm kì thứ hai của ông Donald Trump.
Giới phân tích cho rằng khi tổng thống đắc cử của Mỹ lên nhậm chức sẽ có nhiều sự thay đổi về thuế, thương mại, đầu tư. Theo đó, nhiều ngành nghề và lĩnh vực tương ứng của Việt Nam có thể ảnh hưởng.
Bà Wilson cho biết khi xem xét một nhiệm kì Trump 2.0, các tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ rõ ràng đang tìm kiếm sự hỗ trợ để mở rộng và tiếp cận thị trường toàn cầu để phát huy hết tiềm năng của họ, trong đó bao gồm thị trường Việt Nam.
"Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, chúng ta thấy được một số tiền lệ và có thể dự đoán phần nào các phương pháp mà chính quyền Trump 2.0 sẽ dựa vào, cũng như những ưu tiên mới của họ", bà cho biết.
Phó Chủ tịch cấp cao của ITI nhấn mạnh rằng thâm hụt thương mại (mức chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu) từng là một vấn đề trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam và chắc chắn cần được lưu ý, cùng với vấn đề thuế quan.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp một mức thuế nhập khẩu nặng, bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu.
Bà Wilson cho biết nếu Việt Nam có thể điều hướng thành công mối quan hệ song phương này, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế tốt như một điểm đến "cộng một" trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Robert Law có cùng quan điểm và cho rằng Việt Nam đã làm tốt trong nhiệm kì đầu của ông Trump, và Hà Nội, với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, nên đàm phán để được đối xử khác với các quốc gia khác.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải coi trọng những lời của ông Trump, nhưng không phải theo nghĩa đen. Tức là chúng ta nên coi trọng việc ông ấy có kế hoạch áp dụng thêm thuế quan đối với Trung Quốc dù chưa biết bằng cách nào và vào khi nào, nhưng bạn nên chờ điều đó xảy ra. Còn về mức thuế 10-20% mà ông ấy đã nói áp dụng cho tất cả các nước khác, tôi nghĩ vẫn có thể có chỗ cho đàm phán và mặc cả", ông Law nhận định.
Vì vậy, ở giữa ngã ba đường, chuyên gia này cho rằng "theo một số cách, đây sẽ là một phép thử đối với ngoại giao của Việt Nam".
Nguồn : BBC, 27/11/2024