4 trong số 5 luật sư vụ Tịnh Thất Bồng Lai đã đến Mỹ tị nạn chính trị
RFA, 10/12/2024
Ông Trịnh Vĩnh Phúc, luật sư thứ tư trong nhóm năm luật sư bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (sau đổi thành Thiền am bên bờ vũ trụ), đã rời Việt Nam sang Mỹ tị nạn.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc trong một bức ảnh chụp ngày 9/12/2024 tại thành phố Durham, tiểu bang North Carolina – Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc/RFA edited
Vợ chồng ông Phúc rời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 03/12 và đến New York, sau đó bay về tiểu bang North Carolina, miền Đông của Mỹ vào ngày 4/12.
Chia sẻ với RFA trong ngày 09/12, ông Phúc cho biết việc rời khỏi đất nước và chấm dứt hành nghề luật sư sau hơn 30 năm là một quyết định khó khăn, ông cho rằng "áp lực nặng nề suốt gần hai năm qua từ Công an tỉnh Long An và việc bảo toàn danh dự, phẩm giá" khiến ông quyết định rời đi.
Theo ông Phúc, ở Việt Nam khi luật sư tham gia bào chữa cho các vụ án nhạy cảm, nhất là các vụ việc đụng chạm đến quyền hành của công an luôn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bị xử lý ngược, có thể bị khởi tố, bắt giam và tù đày. Ông khẳng định trong tin nhắn với phóng viên :
"Tình trạng này đang dần triệt tiêu sự tham gia của luật sư vào các vụ án nhạy cảm, bóp nghẹt tiếng nói phản biện trong xã hội, làm thụt lùi các định chế dân chủ, gây méo mó hoạt động tư pháp và kìm hãm sự phát triển của xã hội".
Phóng viên đã gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với đề nghị bình luận về trường hợp luật sư Trịnh Vĩnh Phúc rời Việt Nam sang tị nạn ở Mỹ nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hồi năm 2022, ông Phúc cùng bốn đồng nghiệp Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân, và Ngô Thị Hoàng Anh bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai trong vụ án "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Trong vụ này, các luật sư đã làm đơn gửi ban lãnh đạo Việt Nam tố cáo các cơ quan tố tụng của huyện Đức Hòa và tỉnh Long An có nhiều sai phạm nghiêm trọng, tuy nhiên chẳng những không được giải quyết mà họ còn bị cho là"có dấu hiệu tội phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Tới tháng 4/2023, cả năm luật sư đều bị Công an tỉnh Long An triệu tập do có tin báo về tội phạm từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) về các hành vi phát tán các thông tin trên không gian mạng.
Tháng 6/2023, ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân đào thoát đến Hoa Kỳ tị nạn sau khi công an phát thông báo truy tìm các ông.
Nguồn : RFA, 10/12/2024
******************************
Luật sư thứ 4 trong vụ án Thiền Am Bên bờ Vũ Trụ đến Mỹ tị nạn
VOA, 10/12/2024
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc vừa rời Việt Nam đến Hoa Kỳ tị nạn sau thời gian gần hai năm ông "liên tục bị áp lực nặng nề" từ công an tỉnh Long An. Ông là luật sư thứ tư trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ đã phải rời khỏi đất nước.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc tại North Carolina, Mỹ, ngày 9/12/2024.
"Chúng tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ thông qua các tổ chức hữu trách đã giúp đỡ, tiếp nhận, có phương cách hữu hiệu đảm bảo sự an toàn cho vợ chồng chúng tôi vào định cư nước Mỹ", luật sư Trịnh Vĩnh Phúc viết cho VOA hôm 9/12.
Ông cho biết thêm rằng ông và gia đình rời Việt Nam hôm 3/12, đến bang North Carolina của Mỹ hôm 4/12.
"Việc phải rời Việt Nam sang Hoa Kỳ, xa quê hương Việt Nam yêu thương và từ bỏ nghề luật sư tranh tụng mà tôi theo đuổi hơn 30 năm với nhiều tâm huyết và sự dấn thân là một quyết định khó khăn đối với tôi", luật sư Phúc bày tỏ. "Tuy nhiên, áp lực nặng nề suốt hơn 20 tháng qua từ Công an tỉnh Long An và việc bảo toàn danh dự, phẩm giá khiến tôi quyết định rời đi".
VOA đã liên lạc Công an tỉnh Long An, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đến Mỹ để lánh nạn, nhưng chưa được phản hồi.
Trong vụ án xảy ra tại Tịnh Thất Bồng Lai hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, có 5 luật sư tham gia bào chữa gồm Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân và Ngô Thị Hoàng Anh.
Luật sư Trinh Vĩnh Phúc lúc còn tác nghiệp - Ảnh minh họa
Theo truyền thông nhà nước, hồi tháng 4/2023, cả 5 luật sư này đều bị công an tỉnh Long An triệu tập do có tin báo về tội phạm từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) về các hành vi phát tán các thông tin trên không gian mạng, bị cho là "có dấu hiệu tội phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ", theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Đây cũng chính là điều luật mà các thân chủ của họ tại Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ bị khởi tố và phạt tù.
Vào tháng 11/2022, một phiên tòa phúc thẩm ở Long An tuyên y án tổng cộng 23,5 năm tù đối với 6 thành viên tại Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, với mỗi bị cáo lãnh án từ 3 năm đến 5 năm tù cho tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ", theo Điều 331.
Truyền thông Việt Nam cho hay luật sư Phúc và luật sư Anh đã đến trình diện công an tỉnh Long An theo giấy mời, trong khi ba luật sư kia không xuất hiện.
Hồi tháng 6/2023, như VOA đã đưa tin, ba luật sư gồm Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân đến Mỹ tị nạn sau khi các ông bị công an truy tìm.
Ngày ba luật sư đến Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông điệp nói rằng chính quyền Việt Nam chớ nên trả thù các luật sư.
"Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử công bằng như đã được đảm bảo theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc đảm bảo các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết qua email.
Vào tháng 4/2024, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã xóa tên luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng.
"Ở Việt Nam, luật sư khi tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, các tù nhân lương tâm, các vụ án liên quan đến chính trị, tôn giáo, sắc tộc, giúp đỡ pháp lý cho dân oan mất đất trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất, tháo dỡ nhà, nhất là các vụ việc đụng chạm đến quyền hành của công an luôn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bị xử lý ngược, có thể bị khởi tố, bị bắt giam, bị tù đày", luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bày tỏ những rủi ro đối với việc hành nghề của các luật sư.
Nguồn : VOA, 10/12/2024