Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/12/2024

Nguyễn Xuân Phúc hết còn sống những ngày vô tư

RFA - RFI - BBC

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai bị kỷ luật

RFA, 13/12/2024

Bộ Chính trị tiếp tục tạo ra tiền lệ mới khi thi hành kỷ luật đối với cựu Chủ tịch nước, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước đó cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đã cảnh cáo cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhưng tạm tha cho cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

nxp01

Từ trái qua : các ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai - AFP/ RFA edited

Thông tấn xã Việt Nam hôm 13/12 loan tin cho biết, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và khiển trách cựu Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai sau kỳ họp thứ 52 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng do ông Trần Cẩm Tú chủ trì.

Cơ quan thường trực của Ban chấp hành trung ương Đảng cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương ; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Bộ Chính trị nêu những sai phạm của ông Trương Hòa Bình và Trương Thị Mai tương tự đối với ông Phúc, nhưng không nêu chi tiết hành vi của ba cựu lãnh đạo cấp cao này.

Điểm đáng chú ý là cơ quan này chỉ ra những lỗi sai của ông Nguyễn Xuân Phúc xảy ra trong thời gian giữ chức Thủ tướng, ông Trương Hòa Bình giữ chức Phó Thủ tướng và bà Trương Thị Mai giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Cả ba nắm các chức vụ này trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021 trước khi nghỉ hưu như ông Trương Hòa Bình, hay thăng tiến trong các vị trí khác như Chủ tịch nước hay Thường trực Ban bí thư.

Số phận của ông Nguyễn Xuân Phúc được quan tâm nhiều hơn kể từ đầu tháng 11/2024, khi truyền thông Nhà nước loan tin ông Mai Tiến Dũng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, bị truy tố.

Ông Dũng khai được "cấp trên" chỉ thị giải quyết các yêu cầu của công ty Sài Gòn Đại Ninh, dẫn đến những quyết định trái pháp luật vào năm 2020. Cấp trên của ông Dũng thời điểm đó là ông Trương Hòa Bình và Nguyễn Xuân Phúc.

Kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời hồi tháng 7/2024 và sau đó ông Tô Lâm kế vị, Đảng cầm quyền đã thi hành kỷ luật các cựu lãnh đạo cấp cao trong tứ trụ, điều mà ông Trọng không làm được trong chiến dịch "đốt lò" và phải nghẹn ngào khi nhắc đến "đồng chí X"- tức cựu Thủ tướng Nguyễn Tuấn Dũng hồi năm 2012.

Nguồn : RFA, 13/12/2024

*****************************

Bộ Chính trị cảnh cáo cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Anh Vũ, RFI, 13/12/2024

Báo chí chính thức Việt Nam hôm 13/12/2024, đưa tin Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam quyết định thi hành kỷ luật ba cựu ủy viên Bộ Chính trị : "Cảnh cáo" cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cựu phó thủ tướng Trương Hòa Bình, "khiển trách" bà Trương Thị Mai, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, vì những vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.

nxp1

Ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về vụ Việt Á lúc còn tại chức - Ảnh minh họa

Báo đài Việt Nam đồng loạt trích đăng phát biểu này nhưng ngay sau đó đồng loạt gỡ bỏ, kèm theo dư luận dồn dập phủ nhận lời phát biểu này của ông Phúc.

Các trang báo chính thức Việt nam nhất loạt đăng tải nội dung công văn (số 12557-CV/VPTW) của Văn phòng Trung ương Đảng về việc Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên.Theo báo Nhân Dân, hôm nay, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật những đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, vì trong thời gian giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, thủ tướng chính phủ, ông bị xem là đã "vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong phòng chống tham nhũng tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm… gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước".

Nội dung kết luận như trên được ngầm hiểu đó là những vi phạm có liên quan đến những vụ án tham nhũng lớn đang được điều tra để đưa ra xét xử hoặc đã được xét xử.

Những kết luận tương tự như trên cùng hình thức kỷ luật cảnh cáo cũng được quyết định đối với phó thủ tướng thường trực trong chính phủ của ông Phúc là ông Trương Hòa Bình.

Ngoài ra, bà Trương Thị Mai bị kỷ luật dưới hình thức khiển trách vì những vi phạm khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Chức vụ cuối cùng của bà Trương Thị Mai trước khi từ nhiệm là trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Công văn của Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan chức năng "thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng".

Như vậy sau ông Vương Đình Huệ, cựu chủ tịch quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc là người thứ 2 trong 4 lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, vẫn được gọi là Tứ trụ, bị kỷ luật cảnh cáo.

Tháng 3 năm nay, chủ tịch Võ Văn Thưởng đã được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước. Đến tháng 11 vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật ông Thưởng, nhưng chưa xem xét hình thức kỷ luật vì ông đang điều trị bệnh.

Các ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật nói trên trước đó đều đã xin thôi các chức vụ đảng và chính quyền, khi thấy mình có dính dáng đến các vụ điều tra tham nhũng, tiêu cực.

Anh Vũ

*************************

Vì sao Bộ Chính trị cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc ?

BBC, 13/12/2024

Sau ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Xuân Phúc là "Tứ Trụ" thứ hai bị kỷ luật cảnh cáo sau khi đã mất chức.

nxp2

Ông Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa

Diễn biến này xảy ra khi ngày 13/12/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Cụ thể, theo tường thuật của VOV, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy :

"Ông Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương ; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước".

Vì thế, Bộ Chính trị quyết định "Cảnh cáo" ông Nguyễn Xuân Phúc.

Thông thường, việc các lãnh đạo cấp cao bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật sẽ được thông báo trước, sau đó Bộ Chính trị sẽ có thời gian xem xét, quyết định.

Theo Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị có thẩm quyền quyết định các mức "Khiển trách" và "Cảnh cáo", còn vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức hoặc khai trừ thì thẩm quyền thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có nhiệm vụ báo cáo để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Nhưng đối với trường hợp của ông Phúc, quy trình từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị đến Bộ Chính trị đã không được đưa tin cho đến khi Bộ Chính trị ra hình thức kỷ luật.

Với thông báo mới nhất này, ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhân vật thứ hai trong "lãnh đạo chủ chốt", một cách gọi khác của Tứ Trụ, sau ông Vương Đình Huệ, bị kỷ luật cảnh cáo sau khi đã mất chức.

Dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những nhân vật trong Tứ Trụ dù mắc khuyết điểm nhưng vẫn được mở "đường lui" bằng việc chủ động nhận trách nhiệm và xin thôi chức.

Quy trình này thường được gọi là "hạ cánh an toàn", "rút lui trong danh dự" và đã được chính ông Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội vào tháng 5/2023.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng bí thư Tô Lâm, mọi chuyện dường như đổi khác. Trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội ngày 5/12, ông Tô Lâm nói rằng lần đầu tiên, Bộ Chính trị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với "lãnh đạo chủ chốt" của Đảng.

Lãnh đạo chủ chốt, theo ngôn ngữ của Đảng, chính là bốn nhân vật "Tứ Trụ" ; ở đây ông Tô Lâm đang đề cập đến cựu Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, nhấn mạnh rằng "không có gì dừng lại mà phải tiếp tục".

Một lãnh đạo chủ chốt khác cùng đợt với ông Huệ là ông Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch nước, lẽ ra cũng chịu kỷ luật, tuy nhiên do ông này đang trong thời gian điều trị bệnh nên Bộ Chính trị vẫn chưa đưa ra quyết định.

Lần này, việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Phúc đã minh chứng cho câu nói của Tô Lâm.

Rõ ràng, vị tân Tổng bí thư đã có cách xử lý mạnh tay hơn người tiền nhiệm của mình đối với những lãnh đạo, kể cả nhóm "Tứ Trụ".

nxp3

Ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vương Đình Huệ thành hai Tứ Trụ hiếm hoi bị kỷ luật cảnh cáo sau khi đã mất chức

Ông Nguyễn Xuân Phúc vi phạm gì ?

Theo thông báo của Đảng, vi phạm của ông Nguyễn Xuân Phúc xảy ra trong thời gian giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ và có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Nguyễn Xuân Phúc được dư luận nhắc tên khi cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" - có lời khai trong quá trình điều tra vụ án tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Khi đó, kết luận điều tra được báo Người Lao Động dẫn lại cho biết, vào ngày 16/1/2021, ông Nguyễn Cao Trí hẹn gặp ông Mai Tiến Dũng ăn sáng tại Nhà khách 35 Hùng Vương (Hà Nội). Tại cuộc gặp, ông Trí cho biết đã được ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, hướng dẫn tiếp tục gửi đơn.

Theo kết luận điều tra, tại thời điểm này, ông Mai Tiến Dũng cũng nhận được ý kiến của "cấp trên" chỉ đạo quan tâm, giúp đỡ ông Trí nên ông Dũng bút phê 2 lần vào đơn với nội dung "chuyển Vụ I" và sau đó là "chuyển Vụ I (giải quyết sớm)".

Ông Mai Tiến Dũng được xác định là đã nhận 200 triệu đồng tiền "cảm ơn".

Câu hỏi đặt ra là "cấp trên" của ông Mai Tiến Dũng vào thời điểm đó là ai ?

Ông Mai Tiến Dũng là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa 11 và 12 (từ năm 2011-năm 2021), là bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2021.

Thời điểm đầu năm 2021, ông là bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng biện minh về sự dính líu của gia đình ông trong Đại án Việt Á, một chi tiết mà sau đó báo chí do nhà nước quản lý đã gỡ bỏ.

Cụ thể, vào ngày 4/2/2023, tại lễ bàn giao công tác trước khi rời cương vị, ông Phúc đã được báo chí dẫn lời "xin nói thêm một ý về vụ Việt Á" :

"Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng".

Tuy nhiên, lời thanh minh hiếm hoi của một trong những Tứ Trụ đã bị báo chí đồng loạt gỡ bỏ sau đó.

Nội các "tiên phong" của ông Phúc được cho là có nhiều thành viên bị kỷ luật và dính vòng lao lý nhất.

nxp4

Đoạn phát ngôn của ông Phúc về sự liên quan của gia đình ông đến vụ án Việt Á được đăng tải sau đó bị gỡ bỏ

Hiện tại ông Phúc bị Bộ Chính trị cảnh cáo nhưng không rõ là ông chịu trách nhiệm về vụ việc gì nhưng trong giai đoạn ông làm thủ tướng, ông đã ban hành một số chính sách gây tranh cãi, chẳng hạn như Zero Covid.

Thời điểm ông Phúc rời nhiệm sở vào đầu năm 2023, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên minh bạch lý do ông Phúc thôi chức.

Ông Phúc phải thôi chức chủ tịch nước vì "chịu trách nhiệm người đứng đầu" khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng ; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Điểm khác biệt giữa ông Phúc với hàng loạt lãnh đạo chủ chốt, cấp cao phải thôi chức sau này là ông Phúc chỉ "chịu trách nhiệm người đứng đầu", trong khi các ông Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai, khi bị cho thôi chức, đều bị Đảng thông báo có "vi phạm, khuyết điểm".

Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Thưởng và ông Huệ đã "vi phạm những điều Đảng viên không được làm", gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.

Sau đó, vào tháng 11, ông Vương Đình Huệ bị Bộ Chính trị cảnh cáo.

Lần này, trong thông báo mới nhất của Đảng, ông Phúc cũng thuộc diện "vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương ; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước", vì thế nhận quyết định cảnh cáo.

Cảnh cáo ông Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai.

nxp5

Ông Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai - BBC/VGP

Cũng trong chiều nay, thông báo kỷ luật nhắc đến tên hai cựu Ủy viên Bộ Chính trị là ông Trương Hòa Bình, người giữ chức Phó thủ tướng Thường trực nhiệm kỳ 2016-2021" và bà Trương Thị Mai, cựu Thường trực Ban Bí thư.

Theo đó, ông Bình trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Ban cán sự đảng, Phó thủ tướng Thường trực đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ; vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Vi phạm của ông Bình "gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước", và nhận kỷ luật "cảnh cáo".

Còn bà Mai bị kỷ luật "khiển trách" vì các vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Nguồn : BBC, 13/12/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Anh Vũ, BBC tiếng Việt
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)