Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/12/2024

Facebook làm chức năng kiểm duyệt tự do thông tin

VOA - RFA

Facebook ngày càng tăng cường kiểm duyệt theo yêu cầu chính phủ Việt Nam

VOA, 18/12/2024

Meta đã tăng cường kiểm duyệt nội dung do người dùng Facebook đăng tải tại Việt Nam theo yêu cầu từ các cơ quan chính phủ của quốc gia Đông Nam Á về những nội dung bị cho là sai lệch và làm ảnh hưởng danh tiếng của họ, theo báo cáo minh bạch bán niên mới nhất của tập đoàn công nghệ Mỹ.

facebook1

Meta Facebook ngày càng tăng cường kiểm duyệt theo yêu cầu chính phủ Việt Nam

"Chúng tôi đã hạn chế quyền truy cập tại Việt Nam đối với hơn 3.200 mục để phản hồi những báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (ABEI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) và Bộ Công an vì bị cáo buộc vi phạm luật địa phương trong việc cung cấp thông tin xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm danh tiếng của một tổ chức hay danh dự và nhân phẩm của một cá nhân theo Điều 5.1 (d) của Nghị định 72/2013/ND-CP", Meta cho biết trong báo cáo về dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024, được đăng tải trên trang Trung tâm Minh bạch của công ty.

Báo cáo cho thấy Meta, vốn sở hữu Facebook, đã chặn không cho người dùng mạng xã hội truy cập 3.280 đăng tải trong nửa đầu năm nay, cao hơn bất kỳ thống kê bán niên nào về việc hạn chế truy cập ở Việt Nam kể từ khi Meta công bố từ nửa cuối năm 2017.

Con số này còn cao hơn cả tổng số lượng đăng tải bị hạn chế truy cập trong cả năm từ 2017 đến 2022. Cho tới thời điểm này, số lượng đăng tải bị chặn trong cả năm cao nhất là vào năm ngoái, với 4.810 mục bị hạn chế truy cập. Nhưng con số của nửa đầu năm nay đã chiếm hơn 68% của tổng số cả năm ngoái.

Thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được VietnamNet trích dẫn hôm 1/12 cho thấy Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung "chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm luật Việt Nam". Theo Cục này, các nội dung bị chặn, gỡ bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 nhóm và 153 trang vi phạm, với tỷ lệ là 94%.

Theo thống kê của Cục được VietnamNet trích dẫn, không chỉ các tài khoản, thông tin "xấu độc" bị chặn gỡ, mà việc xử lý tình trạng "phát tán tin giả" trên các mạng xã hội đã được "tích cực triển khai" trong thời gian qua. Theo VietnamNet, kết quả này có được là nhờ trong năm 2024, Bộ Thông tin và truyền thông đã tổ chức khoảng 20 cuộc họp, trao đổi, đàm phán định kỳ, đột xuất với lãnh đạo cấp cao, đại diện của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok, Netflix, Apple… để nhắc nhở, đôn đốc họ tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam vào năm 2020 đã đe dọa đóng cửa Facebook vì các quan chức Hà Nội cho rằng mạng xã hội khổng lồ của Mỹ đã không làm đầy đủ những gì mà họ được yêu cầu phải kiểm duyệt những nội dung chỉ trích Đảng cộng sản.

Facebook được cho là đã buộc phải trấn áp bất đồng chính kiến để có thể duy trì tiếp cận thị trường Việt Nam ‘béo bở’, nơi được cho là đã mang về cho công ty mạng xã hội này 1 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Việt Nam có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 thế giới, với khoảng 75,3 triệu tài khoản, theo thống kê của Statista, và được xem là một thị trường lớn cho Meta.

Facebook, với phiên bản tiếng Việt ra mắt vào năm 2008, đã trở thành một diễn đàn được nhiều người dùng nhất ở Việt Nam khi là nơi những người chỉ trích chính phủ và các nhà hoạt động nhân quyền có thể bày tỏ quan điểm của mình cũng như là nơi để nhiều người tìm kiếm các nguồn tin trái triều mà họ không thể có được từ truyền thông chính thống do nhà nước quản lý.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn hồi năm 2020 cáo buộc người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã ưu tiên "lợi nhuận hơn nguyên tắc" khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam đã bỏ tù nhiều người, trong đó có những nhà báo độc lập, vì những đăng tải của họ trên Facebook, mà chính quyền cho là sai lệch hay xúc phạm các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Freedom House, trong báo cáo đưa ra hôm 16/10, nói rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến trong nước. Tổ chức này tiếp tục liệt Việt Nam vào nhóm không có tự do internet.

Nguồn : VOA, 18/12/2024

*****************************

Facebook siết chặt kiểm duyệt bài đăng chỉ trích Chính phủ ở Việt Nam, tăng gấp rưỡi trong 6 tháng đầu năm

RFA, 17/12/2024

Ngày 12/12/2024, ông Hoàng Hùng, một người gốc Việt ở Cộng hoà Czech, đăng bài viết trên Facebook với tựa đề "Quan chức Việt Nam quấy rối tình dục ở New Zealand ?"
facebook2

Nhà hoạt động Việt Dũng cầm điện thoại có màn hình hiển thị bức thư ngỏ gửi tới giám đốc Facebook Mark Zuckerberg tại Hà Nội vào ngày 10/4/2018, nêu rõ công ty của ông có thể đang thông đồng với chính quyền cộng sản để xóa bỏ bất đồng chính kiến trực tuyến - AFP

Một ngày sau, ông nhận được thông báo của Facebook nói rằng bài viết không được hiển thị ở Việt Nam vì "Chúng tôi nhận được yêu cầu từ Vietnam Ministry of Public Security (Bộ Công an- PV) đề nghị hạn chế khả năng tiếp cận bài viết của bạn".

Nói với RFA trong ngày 17/12, ông cho rằng việc chặn bài viết xuất hiện ở Việt Nam không chỉ xảy ra một lần, và việc này ảnh hưởng đến quyền tự do thông tin của người dân trong nước : "Việc chặn này ảnh hưởng đến người trong nước. Tất cả những thông tin nào mà chính quyền cho rằng không có lợi hoặc bất lợi cho chính quyền thì họ sẽ chặn".

Hạn chế bài viết ở Việt Nam vì vi phạm luật pháp địa phương

Báo cáo minh bạch của Meta (công ty mẹ của Facebook) trong nửa đầu năm 2024 cho biết, mạng xã hội Facebook đã hạn chế quyền truy cập đối với người dùng tại Việt Nam đối với hơn 3.200 mục theo báo cáo từ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (ABEI) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) và Bộ Công an (MPS) vì bị cáo buộc vi phạm luật pháp địa phương về việc cung cấp thông tin xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm danh tiếng của một tổ chức hoặc danh dự và nhân phẩm của một cá nhân theo Điều 5.1(d) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, Meta chỉ hạn chế 198 bài viết. Con số này tăng lên hơn 3 nghìn bài năm 2020, hơn 4,8 ngàn năm 2023 và chỉ nửa đầu năm nay đạt con số 3,28 ngàn.

Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, người từng bị Facebook xóa nhiều bài viết vì những lý do theo ông là "rất vô lý", cho rằng Facebook đang xâm phạm một cách tùy tiện và bừa bãi vào quyền tự do ngôn luận của người dùng tại Hoa Kỳ. Trong tin nhắn gửi RFA, ông viết : "Tôi nghĩ rằng Chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm quyền hành pháp và lập pháp phải cần biết điều này để sớm có biện pháp bảo vệ các quyền tự do đang nghiễm nhiên bị xâm phạm".

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Thông tin & truyền thông cũng như hai công ty Meta với đề nghị bình luận về cáo buộc vi phạm quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin khi chặn và xoá bài viết, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Bên cạnh đó, một ông lớn công nghệ khác của Mỹ là Google cũng xóa video, hạn chế tiếp cận các video từ người dùng Việt Nam có nội dung chỉ trích chính phủ.

Từ 2011 đến giữa năm 2024, Chính phủ đã gửi tổng cộng 2.776 yêu cầu gỡ bỏ 83.129 video/bài viết trên các nền tảng của Google (Youtube, Google Map, Google Play Apps, Blogger).

Nguồn : RFA, 17/12/2024

****************************

Dự án 88 : Lo sợ cách mạng màu, Chính phủ ra Nghị định 126 bóp nghẹt hơn quyền lập hội

RFA, 16/12/2024

Nghị định 126 "Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội" trao cho Chính phủ quyền đình chỉ và giải thể các hội - một quyền sinh sát mà trước đây Chính phủ không có, tổ chức Dự án 88 (Project 88) viết trong bản phân tích công bố ngày 16/12.

facebook3

Tổ chức xã hội dân sự No-U Hà Nội chuyển sang bóng đá để tránh các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn các cuộc họp của họ, ảnh chụp ngày 9/7/2017 – Hoang Dinh Nam / AFP

Tổ chức phi chính phủ chuyên về nhân quyền Việt Nam nói rằng văn bản có hiệu lực từ ngày 26/11/2024 được xây dựng nhằm hiện thực hoá Chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành hồi năm ngoái vốn nhằm hạn chế hoạt động của xã hội dân sự.

Dự án 88 chỉ ra Nghị định trên trao quyền cho cơ quan hành pháp tuỳ nghi diễn giải và ra quyết định về bất cứ hội nào, ví dụ như quy định "không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội…" nhưng lại không quy định chi tiết.

Theo chính phủ, Nghị định 126 là cần thiết để đảm bảo sự kiểm soát của Đảng đối với các hội, ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài vào các vấn đề trong nước và làm rõ vai trò của các hội trong việc hoạch định chính sách.

Ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cho rằng điểm đáng chú ý trong văn bản quy phạm pháp luật này nằm ở khoản 2 Điều 10 về Điều kiện thành lập hội, quy định : "Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó cùng phạm vi hoạt động".

Ông khẳng định, chính điều này đã phá vỡ căn nguyên chính của nghị định này là căn cứ theo Điều 25 của Hiến pháp "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình". Ông nói thêm với phóng viên RFA : "Có anh em đề nghị câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng nên ra đời một tổ chức hội, nhưng tôi chưa có ý nghĩ tới vì luật pháp chưa có gì rõ ràng".

Ông Phil Robertson, Giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), nhận định cho hay chế độ độc đảng ở Việt Nam coi tất cả các tổ chức xã hội dân sự mà họ không trực tiếp kiểm soát là kẻ thù tiềm tàng, vì vậy Nghị định 126 phù hợp kế hoạch của Hà Nội nhằm xóa sổ mọi nhóm độc lập hoạt động trong nước.

Ông cho rằng văn bản dưới luật mới là một rào cản khác của chế độ toàn trị ở Việt Nam với mục tiêu kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội Việt Nam, cả trong cuộc sống hàng ngày và trực tuyến, giống như hiện đang thấy ở Trung Quốc.

Phóng viên gửi email cho Chính phủ Việt Nam với yêu cầu bình luận về lời kêu gọi rút lại Nghị định 126 của Dự án 88, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nguồn : RFA, 16/12/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA, RFA
Read 62 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)