Một chuyên gia của Bộ Giáo dục Việt Nam bình luận với BBC rằng nhiều người ở Việt Nam hiện nay "không tin tưởng vào cải cách giáo dục" đang được đề xuất.
Nhiều người ở Việt Nam hiện nay không tin tưởng vào cải cách giáo dục - Ảnh minh họa
Tiến sĩ Mạc Văn Trang thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt bên lề một hội nghị ở Budapest rằng nhà nước Việt Nam năm nay lại đưa ra một cải cách đổi mới chương trình giáo dục, nhất là sách giáo khoa và tập huấn giáo viên.
"Tuy nhiên, rất nhiều người không tin tưởng [vào đề án cải cách này] vì cách làm vẫn như cũ, hướng đi vẫn như cũ và tư duy và thể chế không có gì thay đổi", Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định.
Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói về cải cách giáo dục Việt Nam
Theo Tiến sĩ Trang, có nhiều bài báo đưa tin chi phí để làm chương trình sách giáo khoa mới là khoảng 70-80 triệu USD. Nhưng ông nói có "ít hy vọng là nó sẽ tốt hơn" vì "toàn bộ hệ thống bị sai lệch hết cả và không vượt lên được".
Ông cho rằng vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam là phát triển số lượng rất lớn nhưng chất lượng thì không đảm bảo, không đáp ứng được mong mỏi của người dân cũng như như cầu của xã hội.
Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay là "trì trệ quá và rất khó thay đổi", Tiến sĩ Trang kết luận.
Theo truyền thông Việt Nam, lộ trình triển khai thực hiện áp dụng thay sách giáo khoa mới cho tất cả các lớp của Bộ giáo dục sẽ được tiến hành từ năm 2018 và hoàn tất vào năm 2023 theo hình thức cuốn chiếu.
Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội yêu cầu : "Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông".
Cụ thể dự kiến lộ trình triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới như sau :
- Năm học 2018 - 2019 : Lớp 1, lớp 6 và lớp 10
- Năm học 2019 - 2020 : Lớp 2, lớp 7 và lớp 11
- Năm học 2020 - 2021 : Lớp 3, lớp 8 và lớp 12
- Năm học 2021 - 2022 : Lớp 4, lớp 9
- Năm học 2022 - 2023 : Lớp 5