Lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam chối bỏ cáo buộc nhận tiền (RFA, 05/09/2017)
Các lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Liên doanh dầu khí Việt Xô, thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam nói rằng họ không nhận tiền chi ngoài lãi suất từ Ngân hàng Đại Dương.
Giao dịch tại ngân hàng OceanBank. Courtesy of cafef.vn
Các vị này nói như vậy trước tòa, tại Hà Nội, trong ngày thứ sáu của phiên xử vụ án Ngân hàng Đại dương.
Về phía các bị cáo của ngân hàng Đại Dương, các bị cáo nói rằng đã chi theo thỏa thuận một số tiền ngoài tiền lời, cho Việt Xô Petro, trong đó đưa cho kế toán của liên doanh này 70%, còn 30% là dành cho Tổng giám đốc.
Ngoài ra bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại dương còn nói rằng ông đã nhiều lần tặng tiền, từ tám đến 10 lần, cho các lãnh đạo Việt Xô Petro. Trị giá các mỗi lần tặng tiền là khoảng 10 ngàn đến 20 ngàn đô la Mỹ.
Liên doanh dầu khí Việt Xô là khách hàng lớn nhất của Ngân hàng Đại dương, với số tiền gửi vào thời điểm cao nhất là 100 triệu đô la Mỹ và 1000 tỉ đồng tiền Việt Nam, theo lời ông Võ Quang Huy, nguyên kế toán trưởng của Việt Xô Petro.
Vụ án Ngân hàng Đại dương được báo chí Việt Nam gọi là một vụ đại án với số tiền thất thoát lên đến hàng ngàn tỉ đổng, và hàng chục người đã bị bắt.
*******************
Phiên tòa lịch sử ? (RFA, 01/09/2017)
Cùng lúc đại án Ocean bank đang xử, với lời khai về những bó tiền hối lộ khổng lồ cung phụng "bề trên", hôm qua 31/8/2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PVN.
Quyết định khởi tố hình sự Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào ngân hàng thương mại Đại Dương ngày 31/08/2017
Những đốm lửa từ cái "lò" ông Trọng đang bén gần hơn, phả nóng cánh cửa tư gia của những kẻ mà chưa cần nhắc tên, ai cũng biết.
Hình dáng về một phiên tòa lịch sử đang rất gần. Có thể, khó để lôi được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra toà, nhưng dàn bị cáo trước vành móng ngựa sẽ hiện diện, chắc chắn ít nhất một cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nhân vật từng được kỳ vọng cho ngôi vị Thủ tướng.
Cựu Bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Xem ra, Đinh La Thăng khó có cơ hội làm "người tử tế" như Ba Dũng.
Trương Duy Nhất
*******************
Ngân hàng Nhà nước vi phạm về giám sát, phòng chống tham nhũng (VOA, 02/09/2017)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị phát hiện có nhiều sai phạm và thiếu sót, bao gồm giám sát kém đối với các tổ chức tín dụng và phòng chống tham nhũng chậm chạp và chưa đúng nguyên tắc, theo kết luận của một cuộc thanh tra mới được công bố hôm 1 tháng 9.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tháng 6/2013
Thông báo của Thanh tra Chính phủ, đăng trên website của chính phủ, được đưa ra giữa lúc Việt Nam đang tăng cường trấn áp tình trạng tham nhũng đã khiến nhiều nhà lãnh đạo công ty nhà nước và các quan chức chính phủ bị chú ý.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy ngân hàng chậm chạp và không tuân thủ các quy định kê khai và công khai tài sản, thu nhập của mình, báo cáo cho biết, nhưng không giải thích chi tiết.
Theo quy định, các quan chức chính phủ phải công khai thu nhập và tài sản của mình cho công chúng.
Các thanh tra viên cũng chỉ ra những vi phạm của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, một bộ phận chịu trách nhiệm giám sát và kiểm tra các tổ chức tín dụng, từ năm 2010 đến năm 2015.
"Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng [Ngân hàng Nhà nước] chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời ; không rà soát và phối hợp với kết quả giám sát từ xa đề xây dựng kế hoạch dẫn đến các năm luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động", thông báo của Thanh tra Chính phủ nói.
Thanh tra Chính phủ kêu gọi thống đốc ngân hàng nhà nước điều tra những tập thể và những cá nhân đằng sau vi phạm này.
Phản hồi về kết quả thanh tra tối ngày 2 tháng 9, Ngân hàng nhà nước thừa nhận những khuyết điểm, bất cập và cam kết "nghiêm túc thực hiện đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng".
************************
Việt Nam bắt giữ nhân vật số hai của PetroVietnam (RFI, 02/09/2017)
Ngày 01/09/2017, công an Việt Nam bắt tạm giam ông Ninh Văn Quỳnh, phó tổng giám đốc tập đoàn dầu khí Nhà nước PetroVietnam, trong khuôn khổ cuộc điều tra về ngân hàng Ocean Bank, mà 51 bị cáo đang bị xét xử từ ngày 28/08 ở Hà Nội.
Trụ sở Ocean Bank và PetroVietnam- Hà Nội.Reuters
Cùng với 3 viên chức khác của PetroVietnam, ông Ninh Văn Quỳnh, bị bắt về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", vì bị xem là đã góp phần làm cho tập đoàn PetroVietnam bị thiệt hại khoảng 34 triệu đôla.
Cụ thể là ông Ninh Văn Quỳnh bị cáo cuộc đã vi phạm các quy định của Nhà nước khi dùng số tiền nói trên để đầu tư vào ngân hàng tư nhân Ocean Bank, hiện gần như bị phá sản. Còn cựu chủ tịch Ocean Bank thì bị cáo buộc đã cấp các khoản vay trái phép tổng cộng 23 triệu đôla vào năm 2012.
Từ Sài Gòn, thông tín viên RFI Frédéric Noir gởi về bài tường trình :
"Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bắt giữ vẫn gây ầm ĩ dư luận. Lần này, chính nhân vật số hai của PetroVietnam và ba cộng sự viên bị tạm giam vì bị xem là đã khiến cho tập đoàn Nhà nước này bị thiệt hại khoảng 34 triệu đôla.
Số tiền nói trên đã được đầu tư dưới hình thức góp vốn vào Ocean Bank, ngân hàng đang bị điều tra về một vụ lừa đảo quy mô lớn và 51 người của ngân hàng này đang bị xét xử.
Những người nói trên thêm vào danh sách rất dài những nhân vật có dính líu trong vụ này, trong đó có cựu lãnh đạo PetroVietnam (Đinh La Thăng), đã bị cách chức ủy viên Bộ Chính trị.
Vào tháng trước, cũng vụ này đã gây khủng hoảng ngoại giao thật sự giữa Hà Nội và Berlin, chính phủ Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam đã tổ chức vụ bắt cóc cựu lãnh đạo một công ty thuộc PetroVietnam (Trịnh Xuân Thanh) tại Berlin, trong khi ông này đang chờ xét đơn xin tị nạn tại Đức.
Với những vụ bắt giữ theo chỉ đạo này, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như muốn khôi phục hình ảnh và uy tín đối với người dân. Nhưng chính sách chống tham nhũng này cũng nhằm mục tiêu loại trừ các đối thủ chính trị, vào lúc đương kim tổng bí thư đảng và lãnh đạo số một của Việt Nam sẽ sớm rút lui".
Thanh Phương
**********************
Khởi tố và bắt thêm cán bộ của Tập đoàn dầu khí (RFA, 01/09/2017)
Thêm năm cán bộ cao cấp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị khởi tố, liên quan đến những vụ bê bối tài chính ở ngân hàng Đại Dương.
Từ trái qua phải : Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn.
Đó là các ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên của PVN, ông Ninh Văn Quỳnh nguyên kế toán trưởng, đương kim phó Tổng Giám đốc, các ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường là nguyên ủy viên Hội Đồng Thành Viên hoặc Hội Đồng Quản Trị của PVN.
Trong số những người này thì ông Nguyễn Xuân Sơn đang bị tạm giam để điều tra việc ông đã chi tiền lời ngoài sổ sách cho PVN.
Hai ông Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng bị bắt tạm giam trong ngày 1 tháng Chín.
Hai người còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo cáo trạng được truyền thông nhà nước loan tải thì năm người này bị qui kết cố ý làm trái, gây thiệt hại số tiền trị giá 800 tỉ đồng khi đóng góp vốn điều lệ vào Ngân hàng Đại dương- Oceanbank.
Trước vụ việc này, Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam lên tiếng cho biết PVN đang hợp tác với cơ quan điều tra, và những vụ bắt bớ trên không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của tập đoàn này. PVN cũng lên tiếng kêu gọi sự cảm thông của người Việt trong nước.
Trong suốt hai năm qua nhiều viên chức hoặc cựu viên chức của Tập đoàn dầu khí Việt Nam bị truy tố, bắt giam hay bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó nổi tiếng nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí, bỏ trốn sang Đức, rồi được cho là bị bắt cóc để đưa về Việt Nam hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Ngoài ra người từng chịu trách nhiệm cao nhất của Tập đoàn dầu khí là ông Đinh La Thăng cũng bị kỷ luật, mất chức Ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản cũng như chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.