Có ý kiến cho rằng cáo buộc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vụ ông Hồ Ngọc Thắng bị cơ quan tị nạn Đức cho nghỉ việc làm dấy lên sự nghi ngờ về "bàn tay bí mật" trong cộng đồng người Việt ở quốc gia phương Tây.
Ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức trước khi bị "bắt cóc".
Trong bối cảnh đó, một tờ nhật báo có tiếng ở Nhật hôm 1/9 đăng bài viết nói về "mặt tối của Đảng [cộng sản Việt Nam]" liên quan tới vụ việc của cựu quan chức từng bị Hà Nội truy nã gắt gao.
Ông Thắng, một nhân viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức, mới đây đã bị cho nghỉ việc sau khi lên tiếng trên Facebook về sự việc đã đẩy mối bang giao Việt – Đức xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Một bài viết của ông Thắng trên Facebook.
Bà Edith Avram, phát ngôn viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông Thắng "là nhân viên của cơ quan này từ năm 1991" và "không đảm trách việc xét duyệt người tị nạn từ Việt Nam".
Bà nói : "Cơ quan của chúng tôi không hay biết về những gì nhân viên này viết trên mạng xã hội, vì nói chung, chúng tôi không có quyền thẩm tra sự hiện diện trên mạng xã hội của các nhân viên. Các đồng nghiệp trực tiếp của ông ấy cũng không đề cập gì tới chuyện này. Cơ quan của chúng tôi chỉ biết khi nhận được yêu cầu của báo chí ngày 7/8/2017 và đã ngay lập tức làm rõ sự việc".
"Nhân viên này đã ngay lập tức được mời tới họp và được cho tạm thời ngưng nhiệm vụ cho tới khi kết luận vụ việc. Sau khi hoàn tất việc xem xét, Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức đã ngay lập tức chấm dứt mối liên hệ về nghề nghiệp [với nhân viên này]. Theo những gì chúng tôi hiện nay được biết, không có mối liên hệ trực tiếp giữa nhân viên này và vụ cáo buộc bắt cóc", nữ phát ngôn viên này nói thêm, nhưng không cho biết rõ lý do vì sao lại chấm dứt công việc với ông Thắng.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các nhân viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức có nghĩa vụ phải trung thành và trung lập.
Bà Edith Avram, phát ngôn viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức, nói.
Bà Avram nói tiếp : "Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các nhân viên của Văn phòng Di trú và Tị nạn Liên bang Đức có nghĩa vụ phải trung thành và trung lập. Cơ quan chúng tôi đặt tầm quan trọng vào các yếu tố đó trong tiến trình xét duyệt tị nạn. Đây là những điều chúng tôi thường xuyên nhấn mạnh tới các nhân viên trong các khóa tập huấn cũng như qua các quản lý của họ".
Trong một bài viết trên Facebook hôm 4/8 có tựa đề "Quan hệ ngoại giao Đức - Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh ?", ông Thắng viết : "Tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh trong thủ tục xét tị nạn. Bà ta không phải là nhân chứng, bà chỉ nghe người khác kể lại… Tên bà được nhắc trên báo và truyền hình và đó là quảng cáo rộng rãi mà không tốn tiền, chỉ tốn nước bọt. Nhưng bọn phản động trong và ngoài nước còn khai thác đề tài này lâu hơn".
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Thắng để phỏng vấn ông về những thông tin trên.
Một cuộc biểu tình của người Việt ở Đức cũng nhắc tới vụ Trịnh Xuân Thanh.
Sau vụ việc liên quan tới ông Thắng, bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch tổ chức có tên gọi Liên hội người Việt tị nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho VOA Việt Ngữ hay rằng "nỗi nghi ngờ có bàn tay bí mật lèo lái những người Việt làm trong các cơ quan di dân của Đức lại càng tăng thêm".
"Phải nói rõ là người Việt tị nạn tại Đức rất hiếm khi, hầu như là không có làm việc trong các cơ quan di trú Đức. Chúng tôi phần lớn làm việc trong nhà thương, hãng xưởng, ngân hàng... ; ngay đến con cháu thế hệ 2, 3 cũng vậy. Còn những người Việt nhập cư bên Đông và du sinh rất thường làm việc trong các cơ quan di trú tị nạn hoặc hợp tác nghiên cứu về người Việt hải ngoại. Có phải đó là một chính sách của nhà nước hay chỉ là cách chọn nghề tình cờ của những người này. Câu hỏi đó chưa có câu trả lời", bác sĩ Lâm nói thêm.
VOA Việt Ngữ không thể tìm thấy số liệu liên quan tới việc làm của người Việt ở Đức để xác nhận lại những quan sát của bà Lâm.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những cáo buộc về chuyện gọi là "Việt Cộng nằm vùng" trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở Mỹ.
Bộ Ngoại giao Đức mới đây cho VOA Việt Ngữ biết rằng Hà Nội đã chủ động "tiếp cận" đối thoại với Berlin nhằm hóa giải vụ việc đang gây sóng gió trong quan hệ hai nước.
Trong một diễn biến khác liên quan, trang tin The Japan News của tờ Yomiuri Shimbun hôm 1/9 đăng bài viết nói về "mặt tối của Đảng Cộng sản Việt Nam", trong đó có dẫn vụ Trịnh Xuân Thanh, cũng như tình trạng đàn áp nhân quyền và kiểm duyệt Internet ở Việt Nam.
Tác giả bài báo, ông Kenichi Yoshida, trưởng văn phòng của Yomiuri Shimbun ở Hà Nội, viết rằng tình cảm của người Nhật dành cho Việt Nam không chỉ bởi "lịch sử hào hùng chống lại cường quốc Mỹ" hay "mối lo ngại chung về Trung Quốc".
Tuy nhiên, nhà báo này viết, "như đã thể hiện qua vụ bắt cóc, ta không nên quên rằng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo độc đảng của Đảng Cộng sản, có quan điểm chính trị đối cực với Nhật Bản, đất nước có chính sách dân chủ mang tính quốc gia".
Viễn Đông