Việt Nam có nhiều cơ quan chống tham nhũng nhưng không hiệu quả (RFA, 07/09/2017)
Có quá nhiều cơ quan chống tham nhũng, nhưng không có hiệu quả.
Cựu giám đốc điều hành ngân hàng Ocean Bank Nguyễn Xuân Sơn đứng trước Tòa án nhân dân Hà Nội vào ngày 28 tháng 8 năm 2017. Ông này và các người liên quan bị truy tố trong vụ gian lận nhiều triệu đô la. AFP
Đó là phát biểu của ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên của Ủy ban tư pháp thuộc Quốc hội Việt Nam, trong cuộc thảo luận của Ủy ban này vào ngày 6 tháng Chín, năm 2017.
Ông Kim nói thêm là trong năm nay chỉ mới có 25 người đứng đầu các cơ quan nhà nước bị kiểm điểm về trách nhiệm của họ trong các vụ tham nhũng, như vậy là quá ít, vì theo ông Kim nạn tham nhũng đang tràn lan.
Một đại biểu quốc hội khác là Thứ trưởng Bộ công an Lê Quí Vương thì nói rằng cần phải xem xét hai lĩnh vực chính trong việc chống tham nhũng là quản lý tài chính và đất đai.
Một đại biểu của Thành phố Cần Thơ nói rằng rất khó chống tham nhũng ở Việt Nam vì không kiểm soát được tài sản của cán bộ, nên việc kê khai tài sản của họ chỉ là chuyện hình thức.
Trong cuộc họp này, Ủy ban tư pháp đã cho ý kiến về Dự luật phòng chống tham nhũng sửa đổi. Tuy nhiên các đại biểu tham dự cuộc thảo luận nói rằng vẫn còn phải theo dõi để điều chỉnh những qui định của luật.
Cũng liên quan đến việc chống tham nhũng, một cuộc hội thảo về phòng ngừa tham nhũng trong các dự án đầu tư đấu thầu khai thác và chuyển giao (gọi tắt theo tiếng Anh là BOT) do báo Công an nhân dân tổ chức diễn ra tại Hà Nội vào ngày hôm nay, 7 tháng Chín.
Một người tham gia hội thảo, đồng thời là Tổng giám đốc một công ty xây dựng nói rằng cần phải tạo điều kiện cho nhiều công ty nhỏ tham gia đấu thầu, chứ nếu chỉ có vài công ty lớn thì sẽ dễ diễn ra chuyện móc ngoặc giữa họ với các người làm công việc chấm thầu của nhà nước.
Ông Tổng Giám đốc này cũng đề nghị là các dự án lớn nên chia nhỏ các gói thầu để các công ty nhỏ có thể tham gia.
Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội lại nói rằng những gói thầu nhỏ như vậy rất khó để kiểm soát chất lượng.
Các dự án thầu BOT ở Việt Nam phần lớn được thực hiện trong các công trình giao thông công cộng. Vừa qua báo chí Việt Nam có nêu nghi vấn rằng các công ty làm dự án BOT đã nâng giá thu tiền đường, tiền cầu, đặt các trạm thu phí quá gần nhau để thu được nhiều tiền.
Điều này đã dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ của dân chúng tại Cai Lậy Tiền Giang, Cầu Giẽ Nghệ An, Văn Lâm Hưng Yên. Tại những nơi này các lái xe đã dùng tiền lẻ trả tiền thu phí dẫn đến kẹt xe trên quốc lộ hàng giờ liên lục. Một số trạm thu phí đã phải đóng cửa, hoặc hạ giá.
*******************
Ông Ninh Văn Quỳnh bất ngờ thay đổi lời khai (RFA, 07/09/2017)
Liên quan đến vụ xử tham nhũng của Ngân Hàng Ocean Bank, Phó giám đốc Công ty cổ phần Dầu Khí Việt Nam PVN là ông Ninh Văn Quỳnh bất ngờ thay đổi lời khai tại phiên tòa sáng thứ Năm, 7 tháng 9, thừa nhận đã nhận từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank khoảng 20 tỉ đồng.
Phó giám đốc PVN Ninh Văn Quỳnh bất ngờ thay đổi lời khai tại phiên tòa sáng thứ Năm, ngày 7 tháng 9. courtesy of tuoitre.vn
Tại những phiên xử trước đây, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai rằng đã chuyển cho ông Quỳnh từ 30 đến 40 tỉ đồng trong số tiền hơn 300 tỉ đồng nhận từ OceanBank. Tuy nhiên, ông Quỳnh đã phủ nhận điều này cho đến phiên tòa sáng ngày 7 tháng 9.
Ông Quỳnh khẳng định không ai ép buộc ông thay đổi lời khai, mà do ông biết không thể trốn tránh sự thật.
Tin trong nước tường thuật lời ông Quỳnh tại diễn biến phiên tòa cho biết, từ năm 2009 đến cuối năm 2013, ông đã nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn kèm theo những món quà khác như rượu, áo sơ mi. Ông cho biết tổng cộng là khoảng 20 tỉ đồng và khai thêm rằng đã dùng cho mục đích cá nhân.
Cũng theo tường thuật từ trong nước, đối chất với lời khai của bị cáo Ninh Văn Quỳnh, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn việc đưa tiền là nhằm chăm sóc cho Công ty cổ phần Đầu Khí Việt Nam PVN chứ không phải chuyển cho ông Quỳnh với mục đích cá nhân. Cũng theo lời khai của ông Sơn, số tiền đó là do chủ tịch OceanBank, ông Hà Văn Thắm tự nguyện hỗ trợ tiền chi đối ngoại.
***********************
Thủ tướng đề nghị thanh tra việc nhập thuốc của Việt Nam Pharma (RFA, 07/09/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng cần phải thanh tra việc cấp giấp phép nhập thuốc từ nước ngoài của công ty Việt Nam Pharma. Đó là nội dung của một công văn do Thủ tướng Phúc ký, trong đó ông yêu cầu cơ quan Thanh tra chính phủ thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc trị bệnh từ công ty Helix Pharmaceutical của Canada sản xuất do công ty Việt Nam Pharma tiến hành, cũng như thanh tra việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc của công ty Pharma cho các bệnh viện Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam cũng đề ra hạn chót mà cơ quan thanh tra phải làm rõ vụ việc là ngày 31 tháng 12 năm nay, 2017.
Công ty cổ phần VN Pharma - Courtesy of thanhniennews.vn
Xin được nhắc lại là trong thời gian qua, một vụ cung cấp thuốc trị bệnh ung thư của công ty Pharma đã bùng nổ với nghi vấn công ty này đã cung cấp thuốc giả cho các bệnh viện. Qua các phiên xét xử sơ thẩm, các lãnh đạo của công ty Việt Nam Pharma đã phải lãnh án buôn lậu thuốc.
Ngoài ra báo chí Việt Nam cũng đặt nhiều nghi vấn về việc một người em chồng của đương kim Bộ trưởng Y tế , bà Nguyễn Thị Kim Tiến, lại là một nhân vật trong ban lãnh đạo của Việt Nam Pharma, việc này có thể dẫn đến việc ưu ái cho Việt Nam Pharma trong các hợp đồng cung cấp thuốc.