Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/09/2017

Chống tham nhũng tránh đụng tới cán bộ cấp trung ương

Tổng hợp

Khó khăn trong việc giám sát cán bộ cao cấp (RFA, 08/09/2017)

Khó khăn lớn nhất là giám sát lãnh đạo cấp cao.

Đó là thông tin được ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại Tọa đàm về việc ban hành quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư".

canbo1

Giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại Đại hội đảng lần thứ 12, tháng Giêng, 2016. Photo : AFP

Đồng tình với quan điểm của ông Thường, ông Lý Ngọc Thạch – Trưởng ban Dân chủ và pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nói rằng việc giám sát cán bộ cao cấp là khó khăn do nơi ở kín cổng cao tường và có bảo vệ. Thậm chí đoàn giám sát tới, bảo vệ mời đi chỗ khác.

Ngoài ra ông Thạch cũng cho biết là hầu hết những người giám sát là cấp dưới của các cán bộ cao cấp. Ông cho rằng cấp dưới giám sát cấp trên là rất khó.

Trước những khó khăn trên, ông Đỗ Duy Thường chỉ ra rằng cần phải dựa vào người dân để giám sát những cán bộ này qua bốn hình thức phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là sử dụng báo chí, mạng xã hội để giám sát cán bộ, vì theo ông nhiều hành vi phản cảm của cán bộ bị dân phơi bày trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.

********************

Người dân yêu cầu tòa hủy quyết định tạm đình chỉ vụ kiện lãnh đạo tỉnh Lào Cai (RFA, 08/09/2017)

Người dân ở thành phố Lào Cai kháng cáo lên Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai liên quan quyết định tạm đình chỉ 3 vụ án mà họ khởi kiện Chủ tịch thành phố, Chủ tịch tỉnh và Ủy ban Nhân dân thành phố Lào Cai.

canbo2

Người dân đến dự phiên tòa Thành phố Lào Cai  - Courtesy dantri.com.vn

Theo thông báo của Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai gửi đến các cơ quan chức năng, cho biết ba người dân ngụ tại tổ 54, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai ; bao gồm bà Phạm Thị Nghĩa, ông Văn Kha và bà Phạm Thị Nga đồng loạt kháng cáo về quyết định của Tòa án tạm đình chỉ 3 vụ kiện đối với Chủ tịch thành phố Lào Cai là ông Lê Quang Minh và Chủ tịch tỉnh Lào Cai là ông Đặng Xuân Phong.

Trước đó, ba cư dân vừa nêu đã đệ đơn khởi kiện Ủy ban Nhân dân thành phố Lào Cai cùng 2 ông Chủ tịch thành phố và Chủ tịch tỉnh về quyết định hành chính trong lãnh vực quản lý đất đai, cụ thể liên quan đến dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Nhà máy gạch tuynel.

Phiên xét xử diễn ra vào ngày 22 tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử của Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ cả 3 vụ kiện do xét thấy dự án có dấu hiệu tội phạm và chuyển hồ sơ cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Lào Cai.

Đơn kháng cáo của 3 cư dân phường Kim Tân yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ vụ án của Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai.

*********************

Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước bị khởi tố (RFA, 08/09/2017)

Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Đặng Thanh Bình, vừa bị khởi tố vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285, Bộ luật Hình Sự và bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho báo chí biết như vậy vào hôm 8/9.

canbo3

Nguyên Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình - Courtesy 24h.com.vn

Ông Bình bị khởi tố vì liên quan đến vụ đại án kinh tế ở ngân hàng Xây dựng gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng. Đây là một trong 12 đại án kinh tế và là 1 trong 5 đại án về ngân hàng được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm trong năm 2017.

Các lãnh đạo của ngân hàng này bao gồm nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Công Danh, nguyên Tổng giám đốc Phạm Thành Mai và nguyên giám đốc chi nhánh Sài gòn Mai Hữu Khương đã bị khởi tố và bắt giam hôm 29 tháng 7 năm 2014.

Phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong vụ án gây thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng đã diễn ra vào ngày 19 tháng 7 năm 2016. Bị cáo Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù. Hai lãnh đạo khác là Phan Thành Mai bị tuyên 22 năm tù và Mai Hữu Khương là 20 năm tù.

Ông Đặng Thanh Bình là người có 25 năm công tác trong ngành tài chính ngân hàng. Ông được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước vào năm 2005 dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến khi về hưu năm 2014.

Với cương vị Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đặng Thanh Bình được giao chuyên trách về nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong một thời gian dài. Đây cũng là giai đoạn các ngân hàng ở Việt Nam gặp phải vấn đề về nợ xấu tồn đọng lớn đòi hỏi phải có xử lý kịp thời, hoạt động của hệ thống ngân hàng yếu kém.

Để giải quyết tình trạng này, vào tháng 6/2013 Ngân hàng Nhà nước đã quyết định thành lập Công ty mua bán nợ các tổ chức tín dụng VAMC với nhiệm vụ chính là mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ….

Ông Đặng Thanh Bình đã được giao thêm nhiệm vụ là Chủ tịch Hội đồng thành viên đầu tiên của VAMC. Nhưng ông Bình chỉ ở vị trí này 1 năm thì phải bàn giao lại chức vì đã đến tuổi về hưu vào năm 2014.

********************

Khởi tố cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình (BBC, 08/09/2017)

Việt Nam hôm thứ Sáu chính thức khởi tố một cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

canbo4

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là nơi cựu Phó thống đốc Phạm Thanh Bình làm việc

Bộ Công an trong một tuyên bố ra hôm 8/9/2017 nói rằng ông Đặng Thanh Bình, 63 tuổi, bị khởi tố với tội danh buộc "thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Cáo buộc được đưa ra liên quan tới những sai phạm tại Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số tổ chức khác trực thuộc ngân hàng trung ương.

Chịu trách nhiệm về vai trò trong thời gian 2013-2014 ?

Cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, ông Phạm Công Danh hồi tháng 1/2017 bị phiên tòa phúc thẩm giữ y án tù 30 năm về tội làm thất thoát 9 nghìn tỷ đồng (400 triệu đô la) trong thời gian 2012-2014.

Vụ án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng là một trong những đại án kinh tế mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chỉ thị phải 'kiên quyết xử lý'.

Trong quyết định khởi tố mới nhất, cảnh sát cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm ông Bình đi khởi nơi cư trú.

Là một quan chức kỳ cựu trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam, ông Đặng Thanh Bình từng lần lượt giữ vị trí vụ trước Vụ các định chế tài chính, Vụ Pháp chế, và Vụ Tổ chức Cán bộ của Ngân hàng Nhà nước.

Ông đảm nhận chức Phó thống đốc từ 2005, phụ trách mảng nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

canbo5

Ông Phạm Công Danh hồi tháng 1/2017 bị phiên tòa phúc thẩm giữ y án tù 30 năm trong vụ Ngân hàng Xây dựng

Từ giữa năm 2013 tới 5/2014, ông kiêm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên đầu tiên của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), là đơn vị chuyên mua và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ông Bình sau đó nghỉ hưu, đảm nhiệm chức vụ cuối cùng trước khi rời nhiệm sở là Phó thống đốc.

Hồi đầu tháng, Thanh tra Chính phủ nói đã có những lỗ hổng trong công tác quản lý tại Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc giám sát yếu kém đối với các tổ chức tín dụng, và việc phòng chống tham nhũng kém hiệu quả.

Việt Nam đang mở rộng việc trấn áp tình trạng tham nhũng trong các lĩnh vực ngân hàng và năng lượng, với vụ án Oceanbank đang được xét xử và PetroVietnam bị đưa vào tầm ngắm.

Khoản thất thoát trị giá 800 tỷ đồng mà PetroVietnam vốn vào Oceanbank, tương đương 20% vốn trong ngân hàng này, và bị thất thoát là một trong các nội dung chính được hội đồng xét xử muốn làm rõ.

Xử lý các quan chức cao cấp

Cho đến nay, một số quan chức cao cấp, gồm cả đương chức lẫn đã nghỉ hưu, bị kỷ luật dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đáng chú ý nhất là ông Đinh La Thăng mất ghế ủy viên Bộ Chính trị, và bà Hồ Thị Kim Thoa bị mất chức thứ trưởng Công Thương.

Hồi tháng 4/2017, ông Thăng bị kỷ luật liên quan tới giai đoạn 2006-2008, là thời gian ông lãnh đạo PetroVietnam.

Bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật hồi 8/2017, liên quan tới vai trò của bà trong thời gian lãnh đạo ở Công ty Bóng đèn Điện Quang, 2004-2010.

Ngoài ra, ông Võ Kim Cự, cựu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, cùng hai cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, bị kỷ luật với hình thức xóa tư cách, trong lúc cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bị cảnh cáo.

Tuy nhiên, ông Cự vừa mới đây được bổ nhiệm vị trí mới. Ông được trao chức Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới hợp tác xã vào hôm 7/9.

Quay lại trang chủ
Read 710 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)