Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/09/2017

Việt Nam vẫn loay hoay tìm kiếm mô hình giáo dục

RFA tiếng Việt

Cuối tháng Tám, đầu tháng Chín, năm 2017 báo chí Việt Nam loan tin Bộ trưởng giáo dục Việt Nam là ông Phùng Xuân Nhạ đã dẫn đầu một phái đoàn làm việc với ngành giáo dục nước Phần Lan. Trong chuyến viếng thăm này, có 18 bản ghi nhớ được ký kết, và quan trong nhất là Việt Nam sẽ nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan.

mohinh1

Học sinh Hà Nội đến trường, tháng Tám, 2017. AFP

Một lần nữa Việt Nam lại tìm đến một mô hình giáo dục mới. Việc này làm dấy lên bàn luận về việc cải cách giáo dục không có hiệu quả của Việt Nam trong mấy mươi năm qua.

Mô hình Colombia

Ngay trước khi có tin Việt Nam sẽ "nhập khẩu" giáo dục từ Phần Lan, có khá nhiều tranh luận trên các trang blog, cũng như báo chí nhà nước Việt Nam về một dự án cải cách giáo dục tiểu học khác mang tên là VNEN.

VNEN là tên viết tắt từ tiếng Tây Ban Nha, Vietnam Escuela Nueva, tạm dịch là Trường học Việt Nam kiểu mới. Theo chương trình này thì các lớp học được tổ chức theo kiểu học sinh tự quản, học sinh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động có tính chất định hướng nghề nghiệp, giảm bớt gánh nặng bài tập của học sinh. Chương trình theo kiểu như vậy lần đầu tiên được tổ chức tại vùng nông thôn Colombia ở Nam Mỹ và được cho là thành công. Tại Việt Nam chương trình này nằm trong một khoản viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng thế giới, được thực hiện thí điểm từ năm 2012 đến 2015.

Theo báo cáo của nhóm làm việc của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam vào năm 2017 thì dự án VNEN đã thành công, có ảnh hưởng một cách tích cực lên các học sinh từ lớp ba đến lớp năm.

Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục trong nước thì chương trình này đã thất bại. Bộ giáo dục đã cho phép những địa phương nào phản đối chương trình này được phép dừng lại.

Trong bài viết của tác giả Phạm Thị Ly, một chuyên gia về giáo dục trong nước, đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần vào cuối tháng Tám, chương trình này thấy bại vì bị cha mẹ học sinh cũng như giáo viên phản đối. Tác giả cho rằng chương trình được triển khai mà không chuẩn bị kỹ. Theo số liệu được bà Phạm Thị Ly đưa ra, trong năm học 2015-2016 có đến 30% số trường tiểu học ở Việt Nam được áp dụng chương trình VNEN.

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, từng là chuyên gia cao cấp ở Bộ giáo dục nói với chúng tôi :

"Nguyên nhân chủ quan là từ một sự rất là vội vã, từ một khoản tiền cho không, sự chuẩn bị rất kém, rất nóng vội triển khai khoản tiền này. Đưa một mô hình từ Colombia áp đặt vào mà thiếu sự chuẩn bị. Cho nên nó khiên cưỡng gượng ép, thậm chí để đến mức độ đến bây giờ, nhân dân phản đối dữ dội, phải dừng lại. Đó là lỗi của những người lãnh đạo chứ không thể đổ cho nhân dân, hay cho giáo viên. Đây là trách nhiệm của những người lãnh đạo, từ lãnh đạo Bộ, còn cao hơn nữa thì tôi không nói".

Một nhà giáo khác là Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng dạy đại học tại Bỉ, hiện sống tại Sài Gòn có cái nhìn khá tương đồng với Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh :

"Cái sự thất bại này là chuyện phải đến. 42 năm nay, có chuyện gì mà Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện được nghiên cứu kỹ lưỡng đâu. Bộ chỉ làm theo kiểu phong trào, nay có 87,6 triệu đô la từ ngân hàng thế giới, là triển khai rầm rộ để có dịp lấy tiền nhét túi mà thôi".

Theo Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, ông có tham gia nhiều dự án giáo dục, trong đó số tiền được sử dụng là tiền đi vay chứ không phải tiền cho không như dự án VNEN, thì những người làm dự án cảm thấy có trách nhiệm hơn.

Ngoài lý do tiền bạc, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng mô hình VNEN không thể áp dụng vừa ở Colombia, vừa ở Việt Nam, là hai hoàn cảnh rất khác nhau :

"Mô hình VNEN đến từ Colombia, áp dụng cho vùng núi thưa thớt dân cư, mà đem áp dụng cho Việt Nam cho vùng đông dân đã có truyền thống giáo dục, tuy chưa tối ưu nhưng đã có nề nếp và qui cũ rồi, đem về áp dụng nguyên xi, không theo dõi điều chỉnh, không lắng nghe các giáo viên tâm huyết, các bậc phụ huynh quan tâm đến giáo dục của con em mình, thì hậu quả là một sự phá sản không hơn không kém, chẳng để lại dết tích dấu ấn nào đáng kể cả".

Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh cũng phê phán việc đem vào môi trường Việt Nam những khái niệm hoàn toàn khác lạ :

"Anh thiếu nghiên cứu một cách cẩn thận. Ở góc độ nghiên cứu, anh phải làm thí điểm, anh lấy mô hình này và cứ thế mà áp đặt vào, thậm chí anh dịch từ nước ngoài. Ví dụ như đưa vào hội đồng tự quản, hội đồng quản trị thế nọ thế kia, cho trẻ con lớp một lớp hai. Ở Việt Nam làm gì có những cái hội đồng như thế. Ở Colombia người ta áp dụng mô hình này cho các vùng dân tộc thiểu số. Thì mình cũng nên áp dụng ở những vùng dân tộc thiểu số của mình như thế, thành công rồi mình mới mở rộng ra. Ở đây ông ấy cứ thế mà làm, làm theo qui mô lớn, để tiêu tiền cho nhanh".

Mô hình Phần Lan

Khi tin tức về việc "nhập khẩu" giáo dục Phần Lan được loan tin vào cuối tháng Tám, đã có nhiều ý kiến bày tỏ qua mạng xã hội cũng như báo chí nhà nước rằng hy vọng đây là một giải pháp hay cho việc cải tổ nền giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến nói rằng đành rằng nền giáo dục ở Phần Lan rất thành công, nhưng không nên áp dụng 100% vào Việt Nam, vì hai quốc gia rất khác nhau.

Riêng Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh thì cho rằng khái niệm "nhập khẩu" giáo dục là rất khôi hài. Ông nói về chuyến làm việc và ký kết với Phần Lam của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ :

"Với tư cách là Bộ trưởng, là người làm chính sách, là tư lệnh ngành, thì ông chỉ có đi nghiên cứu những cái định hướng, tạo điều kiện cho bên dưới nghiên cứu, chọn sách, chọn thiết bị người ta học. Ở đây ông Bộ trưởng lại sang đó nhập khẩu, mua mua bán bán. Dùng từ sai, tư duy rất vớ vẫn".

Ông Tỉnh đặt câu hỏi là nếu Việt Nam nhập khẩu giáo dục từ Phần Lan, thì những điều hay ở các nền giáo dục khác, Việt Nam có quan tâm nữa hay không ?

Nói về chuyện "nhập khẩu giáo dục" từ Phần Lan, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng vấn đề mấu chốt của việc cải cách giáo dục Việt Nam nằm ở chổ khác, mặc dù, ông nói rằng, chính ông đã nói Việt Nam nên tham khảo nền giáo dục thành công của Phần Lan, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí trong nước vào năm 2000 :

"Nhưng điểm quan trọng nhất không phải là sách vở hay chương trình đào tạo, mà là quan niệm, đường lối, triết lý giáo dục. Học sinh miền Bắc Âu không phải học những bài chính trị, giáo điều, xơ cứng, những bài học lịch sử một chiều, gây phản cảm cho người đọc lẫn người dạy. Việt Nam có dám theo Phần Lan ở điểm này không ? Ban Tuyên giáo có quyết định tháo bỏ cái vòng kim cô ý thức hệ này chưa ? Chưa tháo gỡ được điểm mấu chốt này, thì nhập giáo dục từ Âu, từ Mỹ, từ Hàn Quốc, chỉ là một việc làm nửa vời".

Giáo sư Hưng nói rằng muốn cải cách triệt để giáo dục Việt Nam, cần có một kiến trúc sư không phải xuất phát từ hệ thống của Việt Nam, từ ngoài nhìn vào để có những cái nhìn mới mẽ và toàn diện.

Tiến sĩ Tỉnh thì nói cần quan tâm đến cả những cố gắng cải cách của các nhóm trong nước, ví dụ như nhóm Cánh buồm của nhà giáo Phạm Toàn. Nhóm Cánh Buồm này đã soạn thảo một chương trình trong đó không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng như truyền thống giáo dục Việt Nam từ xưa tới nay, và nhấn mạnh đến việc học sinh chia sẻ những quan điểm khác biệt để đi đến đồng thuận với nhau.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam vào năm 2012, Giáo sư Mai Trọng Nhuận, khi đó là Giám đốc đại học quốc gia Hà Nội bày tỏ lo lắng là Việt Nam đã nhiều lần cải cách giáo dục nhưng không có được một nền giáo dục đổi mới có hiệu quả.

Năm năm sau, Việt Nam lại vẫn còn tiếp tục đi tìm những mô hình giáo dục cho công cuộc cải cách giáo dục của mình.

Kính Hòa

Quay lại trang chủ
Read 740 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)