Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/09/2017

Việt Nam dạy nhân quyền từ mẫu giáo đến đại học

BBC tiếng Việt

Một đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt sẽ đưa quyền con người vào chương trình giáo dục từ mẫu giáo tới đại học, theo truyền thông Việt Nam hôm 06/09/2017.

day1

Giáo dục Việt Nam có tham vọng bắt kịp thế giới

Ở cấp mẫu giáo, trẻ em Việt Nam sẽ được học "những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác ; đối với học sinh tiểu học là một số kiến thức cơ bản về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người".

"Đó là bình đẳng, không phân biệt đối xử, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt, và các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam quy định".

Lên tới trung học, nội dung về nhân quyền gồm các kiến thức cơ bản, giá trị về quyền con người... ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học.

Sau đó, ở cấp giáo dục nghề nghiệp, thì quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm, các cơ chế bảo vệ quyền con người... sẽ được dạy.

Lên bậc đại học, sinh viên học các quyền người được quy định trong những công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia... quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và các luật chuyên ngành ; bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội...

Công tác dạy thí điểm sẽ được đưa vào giáo dục cấp tiểu học giai đoạn 2017-20, và sau đó sẽ dạy toàn bộ từ 2025.

Nhân quyền quá nhiều hay quá ít ?

day2

Các hiểu biết chung về nhân quyền trên thế giới sẽ giúp cho thanh thiếu niên Việt Nam hội nhập tốt hơn khi đi du học hay làm việc ở nước ngoài

Trên thực tế, việc giáo dục nhân quyền đã được đưa vào rất nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam - có tài liệu nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội nêu ra 13 nghìn văn bản - nhưng vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng của nhận thức và tuân thủ cụ thể các Công ước quyền con người của Liên Hiệp Quốc.

Có vẻ như quan điểm về giáo dục nhân quyền tại Việt Nam sẽ vẫn không thể tách khỏi một chủ thể bao trùm và giám sát các lĩnh vực xã hội là Đảng Cộng sản.

Vì ở cấp đại học, sinh viên sẽ học cả "quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân", theo bài trên báo VnExpress 06/09/2017.

Trong khi đó, ở các nước phát triển khác, nhân quyền là lĩnh vực không gắn với một đảng cụ thể nào cả hoặc thậm chí đứng trên cả chính trị đảng phái.

Dù vậy, việc đưa giáo dục quyền con người vào các cấp, từ mẫu giáo đến đại học cũng là một bước tiến triển, làm xóa dần đi ấn tượng tiêu cực về chủ đề này ở Việt Nam.

Trong nhiều năm Việt Nam luôn khẳng định nước này "hoàn toàn không có vấn đề nhân quyền", như một số văn kiện chính thống nêu ra hồi 2014-2015.

Các tuyên bố này đối nghịch với phê phán về "vi phạm nhân quyền" của nhà chức trách Việt Nam mà các tổ chức quốc tế nêu ra.

Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam cũng từng bị nhìn nhận khá nặng nề, coi là một phần của "âm mưu chính trị đen tối của Mỹ và các nước phương Tây", nhằm chống phá hệ thống quyền lực của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Nhưng càng về gần đây, các văn bản chính thức cũng thừa nhận rằng nhận thức về nhân quyền thực sự cần được nâng cao cho toàn xã hội.

Giới nghiên cứu luật pháp cũng thừa nhận đây là lĩnh vực cần tạo sự tiến bộ ở Việt Nam cho các cơ quan thực thi pháp luật, kể cả giáo dục công an, cảnh sát.

Một luận văn tại Đại học luật Hà Nội từ 2013 về chủ đề này đã nêu :

"Lực lượng công an nhân dân, cảnh sát nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết và khiếm khuyết trong nhận thức về vấn đề nhân quyền đã vi phạm thậm chí xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền con người của người dân, gây bất bình trong dư luận và ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của ngành công an nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung".

Giới quan sát nói hiểu biết chung về nhân quyền được nâng cao sẽ giúp tránh được các vi phạm gây căng thẳng không cần thiết, giảm bớt xung khắc xã hội.

Ngoài ra, kiến thức về nhân quyền cũng giúp thanh thiếu niên, công nhân Việt Nam hội nhập tốt hơn khi đi ra nước ngoài lao động, học tập.

Quay lại trang chủ
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)