Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/01/2017

Việt Nam : Tưởng niệm trận Hoàng Sa, nhiều người bị bắt tại Hà Nội

RFI tiếng Việt

Vong ân bội nghĩa (RFA, 19/01/2017)

 

vongan1

Tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa tại Hà Nội. Ảnh fb Lê Anh Hùng

Mỗi lần đi tưởng niệm các tử sĩ bỏ mình vì Tổ quốc trong các cuộc chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc, tôi mang theo một cảm xúc rất thiêng liêng, đặc biệt là đối với những tử sĩ Hoàng Sa. Cũng là vị quốc vong thân, nhưng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 hay liệt sĩ trong trận Gạc Ma so với tử sĩ Hoàng Sa thì có một sự khác nhau rất đáng kể. Đó là sự phân biệt rất khó san bằng từ phía nhà cầm quyền vì họ vẫn coi các anh là ngụy quân. Lễ tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa ở quốc nội mới chỉ diễn ra trong những năm gần đây, có thể lấy mốc từ cuộc biểu tình ngày 24/7/2011. Cuộc biểu tình đã tôn vinh các chiến sĩ đã ngã xuống Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.

Những tưởng đi tưởng niệm các tử sĩ bỏ mình vì Tổ quốc, một việc làm đúng đạo lý thì sẽ suôn sẻ, đó là sự đương nhiên. Vậy mà chúng tôi vừa bước ra khỏi nhà đã có một đám 6, 7 an ninh chực sẵn ngăn cản, chưa kể số canh vòng ngoài.

Tôi không đi được, quay vào lên mạng thấy Nguyễn Trung Lĩnh, một nhà hoạt động dân chủ nhắn tin anh cũng bị chặn. Lại thấy thông tin Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cũng bị tình trạng tương tự.

Rồi những thông tin về những người bị bắt lần lượt được đưa lên. Chị Trần Thị Thảo nhắn tin chị bị bắt từ nơi tưởng niệm đưa về công an phường Bách Khoa. Buổi trưa, tới tận 1 giờ chiều công an vẫn không cho người nhà đem cơm cho chị và cũng không cho chị xuống lấy. Tới 4 giờ chiều chị mới được thả.

Trịnh Bá Phương cũng bị bắt về công an phường Dương Nội. Tại đây, anh bị dọa giết. Theo băng ghi âm anh công bố lên mạng xã hội cho thấy công an dọa nạt, nói năng với anh như kẻ chợ búa.

Chị Vũ Thị Hải, dân oan Ninh Bình gọi điện cho biết, chính mắt chị thấy Vũ Quang Thuận và Điển Ái Quốc bị bắt, bị đánh tại chỗ trước khi chúng bắt đem về đồn công an.

JB Nguyễn Hữu Vinh, Trương Văn Dũng và nhiều người khác bị bắt sang đồn công an bên quận Long Biên. Tôi gọi điện hỏi thăm thì Trương Văn Dũng cho biết, anh bị đánh rất đau, JB Nguyễn Hữu Vinh cũng bị đánh.

Fb Hồng Thắm Phạm kể trên trang facebook của mình : Sau buổi lễ, chị và chị Gia Đức Hoài còn đứng lại chứng kiến cảnh anh em trẻ bị rượt đuổi, đánh, dồn ép lên xe buýt. Chị thấy cảnh anh em bị đánh, uất quá, không nén được, hét lên : "Đánh người". Một thanh niên bị 4-5 tên khỏe mạnh đuổi theo, đè cổ xuống và đánh rất đau.

Như vậy, các buổi lễ tưởng niệm mảnh đất Hoàng Sa và tử sĩ Hoàng Sa năm nay so với các năm trước bị đàn áp mạnh hơn cả. Việc tưởng niệm một vùng đất đã bị mất vào tay quân xâm lược và tưởng niệm các tử sĩ đã bỏ mình vì Tổ quốc, bị nhà cầm quyền đàn áp và ngăn cản có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Miệng họ thường nói đến hòa giải dân tộc, nhưng với những việc làm như thế thì ai tin được họ thực tâm hòa giải ?

Việc này chỉ có thể nói là hành động vong ân bội nghĩa.

Cần để ý rằng, buổi tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa năm nay diễn ra trong bối cảnh ông Nguyễn Phú Trọng vừa đi Trung Quốc về.

Ngày 19/01/2017

Nguyễn Tường Thụy

Phụ lục :

Danh sách số bị bắt tại Lễ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa tại Hà Nội. 

- Dân Hoàng (từ SG ra).

- Điển Ái Quốc ;

- Đỗ Thanh Vân ;

- Dung Truong ;

- Hoàng Bình ;

- Lê Dũng ;

- Lê Mỹ Hạnh ;

- Lê Trọng Hùng ;

- Lưu Quang Pháp ;

- Mộc Tiên Sinh ;

- Nguyễn Tuấn Nghĩa ;

- Trần Hải Hoàng Anh ;

- Trần Thị Thảo ;

- Trịnh Bá Phương ;

- Vũ Quang Thuận.

Tổng hợp từ các nguồn tin (15 người, có thể chưa đầy đủ)

*************************

Nguyễn Tường Thụyhoangsa1

Biểu tình tưởng niệm trận Hoàng Sa, tại Hà Nội, ngày 19/01/2017. REUTERS/Kham

Ngày 19/01/2017 nhiều người dân Hà Nội và Sài Gòn tổ chức lễ tưởng niệm trận Hoàng Sa 1974 và lên án Trung Quốc xâm lược. Công an Việt Nam đàn áp thô bạo cuộc biểu tình tại thủ đô, theo tin của AFP.

Nhiều phóng viên của AFP có mặt tại công viên Lý Thái Tổ, Hà Nội, cho biết vào ngày thứ Năm 19/01/2017, khoảng 100 người Việt Nam đã tập hợp cùng với biểu ngữ "chống kẻ thù truyền kiếp" và lên án "quân xâm lăng". Cuộc biểu tình, không được chính quyền cho phép, được tổ chức để ghi dấu 43 năm quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm.

Công an ra tay nhanh chóng, xé nát các biểu ngữ của đoàn biểu tình, bắt đi một số người và ra lệnh cho phóng viên tắt máy quay phim, rời hiện trường.

Một người biểu tình tên Phạm Văn Trội nói với AFP rằng "chính quyền Việt nam nên tỏ ra cương quyết với Trung Quốc để lấy lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Các mạng xã hội cung cấp thêm thông tin và hình ảnh biểu tình. "Phản đối Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988", "Đường lưỡi bò của Trung Quốc là vô lý và phi pháp" là nội dung một số biểu ngữ bằng tiếng Việt trong cuộc biểu tình ngày hôm nay.

Tại Sài Gòn, tuy bị kiểm soát gắt gao, nhưng hơn một chục người đã làm lễ tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng.

Tại Nghệ An, hàng chục thanh niên mang vòng hoa và biểu ngữ ra biển tưởng niệm 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hoà hy sinh trong trận Hoàng Sa tháng 01/1974.

Nhắc lại đợt biểu tình dữ dội chống Trung Quốc vào năm 2014 khi Bắc Kinh đưa một dàn khoan thăm dò dầu khí vào lãnh hải Việt Nam, AFP ghi nhận tâm lý chống Trung Quốc ngày càng mạnh tại Việt Nam.

Tú Anh

*************************

Cảnh sát chặn, bắt người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội (BBC, 19/01/2017)

Bas du formulaire

Cảnh sát hôm thứ Năm đã chặn cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, chỉ vài phút sau khi có buổi tưởng niệm vụ hải chiến Hoàng Sa giữa quân Trung Quốc và lính Việt Nam Cộng Hòa hồi hơn 40 năm về trước.

Cuộc biểu tình tại Hà Nội khởi đầu bằng một lễ kỷ niệm ôn hòa nhằm tưởng nhớ hơn 70 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống trong cuộc đối đầu hồi 19/1/1974, là sự kiện qua đó Trung Quốc chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa.

Kể từ đó, Trung Quốc đã thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Có khoảng 100 người tụ tập tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội. Tin tức nói cảnh sát đã lôi khoảng 20 người biểu tình lên xe buýt sau khi họ phớt lờ yêu cầu giải tán và bắt đầu tuần hành với các biểu ngữ, hô vang nhiều khẩu hiệu.

Các phóng viên có mặt được yêu cầu rời khỏi hiện trường và tắt máy quay, theo AFP.

Truyền thông trong nước không đưa tin về vụ việc, trong lúc chính quyền và cảnh sát từ chối bình luận, hãng tin Reuters nói.

hoangsa2

Người biểu tình tụ tập tại trung tâm Hà Nội hôm 19/1 để kỷ niệm 43 năm trận hải chiến Hoàng Sa

Lần căng thẳng nhất giữa hai quốc gia gần đây là hồi 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển có tranh chấp, dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối của người dân Việt Nam.

Quan hệ giữa hai bên kể từ đó đã được cải thiện, tuy mỗi bên vẫn âm thầm tăng cường khả năng quân sự.

hoangsa3

Biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày 19/01/2017 tại Hà Nội

Hồi tuần trước, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã cam kết sẽ kiểm soát bất đồng trên biển, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp từ lâu nay tại Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích.

Ngoài ra, còn có bốn quốc gia khác, gồm Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng tuyên bố chủ quyền tại vùng biển có tuyến hải hành quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá chừng 5 nghìn tỷ đô la được vận chuyển qua lại mỗi năm.

Chủ đề Biển Đông trở thành điểm nóng toàn cầu hồi tuần trước, khi ứng viên được đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson nói trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng Trung Quốc cần phải bị chặn, không cho tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở vùng biển có tranh chấp.

Quay lại trang chủ
Read 646 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)