'Siêu sốt rét' kháng thuốc đã lan sang Việt Nam (BBC, 23/09/2017)
Các nhà khoa học đang cảnh báo sự lây lan nhanh chóng của "bệnh siêu sốt rét" ở Đông Nam Á như một mối đe dọa toàn cầu đáng báo động.
'Siêu sốt rét' có thể càn quét Đông Nam Á ?
Theo các nhà khoa học, dạng biến thể nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét này không thể bị giết bằng thuốc chống sốt rét thông thường.
Ký sinh trùng này ban đầu xuất hiện ở Campuchia, nhưng sau đó đã lan sang một số khu vực của Thái Lan, Lào và đã đến miền Nam Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan nghiên cứu Y học Nhiệt đới Oxford tại Bangkok nói rằng có nguy cơ sốt rét trở thành bệnh không thể chữa khỏi.
Giáo sư Arjen Dondorp, người đứng đầu đơn vị, nói với BBC rằng : "Chúng tôi nghĩ đây là một mối đe dọa nghiêm trọng.
"Thật sự rất đáng báo động khi loại virut này đang lây lan nhanh chóng qua toàn bộ khu vực và chúng tôi sợ nó có thể lây lan xa hơn [và cuối cùng] lan truyền đến Châu Phi".
Các cuộc chữa trị không thành công
Theothông tin trong tập chí The Lancet Infectious Diseases, các nhà nghiên cứu đã mô tả chi tiết về một dạng "tiến hóa một cách đáng sợ trong thời gian gần đây" đã đề kháng với thuốc artemisinin.
Khoảng 212 triệu người mắc bệnh sốt rét mỗi năm. Bệnh sốt rét bị gây ra bởi một ký sinh trùng lây lan qua muỗi hút máu và là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em nhất.
Cách điều trị sốt rét đầu tiên là artemisinin kết hợp với piperaquine. Nhưng khi artemisinin trở nên kém hiệu quả, ký sinh trùng sẽ tiến hóa để chống lại piperaquine.
Đã có "một tỷ lệ thất bại đáng báo động".
Giáo sư Dondorp cho biết khoảng 1/3 các cuộc điều trị ở Việt Nam đã thất bại trong khi đó ở một số vùng của Campuchia tỷ lệ thất bại gần 60%.
Sự kháng thuốc đối với các loại thuốc này sẽ rất nguy hiểm ở Châu Phi, nơi 92% ca sốt rét xảy ra.
'Chạy đua với thời gian'
Hiện đang có một nỗ lực nhằm loại trừ bệnh sốt rét ở tiểu vùng sông Mêkông trước khi quá muộn.
Giáo sư Dondorp nói : "Đây là cuộc chạy đua với thời gian - chúng ta phải loại bỏ nó trước khi bệnh sốt rét trở nên không thể điều trị được nữa và khi đó sẽ mất đi rất nhiều sinh mạng.
"Nói thật, tôi khá lo lắng", ông nói thêm.
Michael Chew, từ tổ chức thiện nguyện nghiên cứu y học Wellcome Trust, nói : "Sự lan rộng của chủng siêu vi khuẩn sốt rét có thể kháng lại loại thuốc hiệu quả nhất mà chúng ta có, là một điều đáng báo động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khoẻ cộng đồng trên toàn cầu.
"Hằng năm, có khoảng 700.000 người tử vong do các chỗ nhiễm trùng kháng thuốc, bao gồm bệnh sốt rét.
"Nếu không có một hành động kịp thời, con số này có thể tăng lên hàng triệu người mỗi năm vào năm 2050", ông Chew nói.
James Gallagher
Phóng viên Sức khỏe & Khoa học của BBC News
*********************
Sốt rét kháng thuốc từ Cam Bốt đang lan sang Việt Nam (RFI, 23/09/2017)
Một loại ký sinh kháng thuốc chống sốt rét, phát hiện vào năm 2007 tại Cam Bốt, đã lan đến Việt Nam. Giới nghiên cứu kêu gọi hành động trước khi chủng mới lan đến Ấn Độ hay Châu Phi.
Muỗi anophèle, một trung gian truyền dịch sốt rét chính. Ảnh : Getty Images
Theo giáo sư Arjen Dondorp, đại học y khoa Mahidol, Bangkok, dạng sốt rét mới được phát hiện lần đầu tại miền tây Cam Bốt cách nay 10 năm đã lan đến Việt Nam, ở phía đông, như một "dây thuốc súng".
Chủng sốt rét mới này cũng đã lan đến các vùng Hạ Lào, đông bắc Thái Lan và miền đông Miến Điện, theo bản báo cáo công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào tháng 02/2017 mà giáo sư Arjen Dondorp là đồng tác giả. Được AFP đặt câu hỏi, ông cho biết thêm Cam Bốt đã sử dụng thuốc trị liệu mới, nhưng chỉ hiệu nghiệm được hai năm. Do vậy Việt Nam cũng cần phải thay đổi.
Theo giới chuyên gia bệnh nhiệt đới, cho dù số người bị lây nhiễm hiện còn giới hạn, sự xuất hiện của một chủng mới gây sốt rét tại Đông Nam Á rất đáng lo ngại, vì có nguy cơ lan đến Ấn Độ và Châu Phi.
Giáo sư Thái Lan Arjen Dondorp là người điều hợp chương trình Quỹ Thế Giới Chống Sốt Rét tại 5 nước đồng bằng sông Mêkông (Thái lan, Lào, Cam Bốt, Miến Điện và Việt Nam). Ông đề xuất cách trị liệu ở giai đoạn sớm nhất. Quỹ Thế Giới Chống Sốt Rét tung các nhóm y tế tới các làng mạc xứ chùa Tháp và một số nhóm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.
Tú Anh