Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/10/2017

Học sinh giỏi, quyền lập hội và biểu tình, cần cách mạng bộ máy

Tổng hợp

Tại sao những học sinh giỏi cứ đổ xô đi học ngành y hay công an, quân đội ? (GDVN, 02/10/2017)

"Tôi có chút buồn khi nghĩ những học sinh giỏi cứ đổ xô đi học ngành y hay các trường hot... trong khi xã hội còn rất nhiều lĩnh vực rất cần người giỏi".

Trò chuyện với sinh viên tại chương trình "Chào tân sinh viên 2017" tổ chức ngày 24/9, các chuyên gia giáo dục đã chia sẻ về những chủ đề học, sống và chơi như thế nào khi trở thành sinh viên

Theo ông Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX (FPT University X), tức Đại học  Phát triển Đầu tư Công nghệ (Financing and Promoting Technology) cho rằng, việc học phải gắn liền với hành và cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân.

Ông Nam thổ lộ bản thân có chút buồn khi nghĩ những học sinh giỏi cứ đổ xô đi học ngành y hay các trường hot... trong khi xã hội còn rất nhiều lĩnh vực có nhu cầu thực sự và rất cần những người rất giỏi.

"Chúng tôi có một ít thành công chẳng qua là chúng tôi là những người chịu học, học bất cứ cái gì mà cuộc sống yêu cầu. Trường đời chính là trường đại học lớn nhất của mình", ông Nam chia sẻ. 

Nói đến đây, ông Nam kể một câu chuyện của chính mình với mong muốn gửi gắm lời khuyên tới các bạn tân sinh viên. 

hoc1

Ông Nguyễn Thành Nam (bên phải)- Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX cho rằng, việc học phải gắn liền với hành và cần xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân. (Ảnh : Hà Linh)

Ông Nam kể : "Khi ở tuổi của các em, tôi nghĩ học mãi sẽ chán vô cùng, có gì hay đâu. Tuy nhiên, trong quá trình đi học, tôi nhận ra rằng, còn quá nhiều thứ mà bản thân chưa biết.

Bài học đầu tiên vào đại học của chúng tôi là mỗi em phải tự trồng và thu hoạch 25kg rau. Khóa đó, chúng tôi là những học sinh xuất sắc nhất mà khi đi trồng rau... rất lúng túng. Chúng tôi quyết định trồng bí đỏ.

Và đó là quyết định hết sức sai lầm vì không thể trồng loại cây đó trên đồi.

Các nhóm có kinh nghiệm đã chọn trồng rau ngải cứu, lấy được cả thân và rễ, cân lên lại rất nặng. Đó chính là bài học sâu sắc giúp tôi nhận ra rằng, thực chất còn rất nhiều điều mình không biết.

Rồi sau khi tốt nghiệp 8 năm chuyên ngành toán tại nước ngoài về nước, nhiệm vụ đầu tiên tôi nhận được là đi bán nước.

Và tôi tiếp tục loay hoay không biết làm cách nào và lại phải đầu tư nghiên cứu. Và từ đó, tôi nghiệm ra rằng, chữ học phải gắn liền với hành và phải xuất phát từ nhu cầu thực tế". 

Nói đến đây, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng các bạn trẻ không nên đặt nặng chuyện thành công khi còn trên ghế giảng đường. Tuy nhiên, ở môi trường đại học có rất nhiều cái hay, không nên bỏ phí.

"Thứ nhất là kết bạn. Ở đại học là quãng thời gian tốt nhất để xây dựng cộng đồng bạn bè. Bạn ở đây có thể là cả các thầy cô chứ không chỉ gói gọn nghĩa bạn bè cùng khoa, cùng lớp.

Thậm chí, các em có thể kết bạn được với đại diện của các công ty khi họ vào trường. Đó chính là các mối quan hệ.

Hiện giờ, sinh viên rất ít để ý đến việc xây dựng các mối quan hệ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường mà em thường chờ tới khi tốt nghiệp xong, nhưng như vậy là hơi muộn. 

Thứ hai là cần có tiếng Anh và công nghệ thông tin. Cũng nên xem vị thế của công nghệ thông tin như một thứ ngoại ngữ, chứ không phải là một ngành nghề. Đó là chưa kể, mạng internet còn là một kho tư liệu vô cùng to lớn", ông Nam nói. 

Trong khi đó, ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng để quãng thời gian đại học hiệu quả, thì việc đầu tiên các sinh viên phải xác định mục tiêu là cái đích phải đến và cái đam mê mà mình cần phải có. Đặc biệt là cần phải có tinh thần tự giác. 

Bởi lẽ, kiến thức học được ở trường mới chỉ là nền tảng, và việc tự học và học tập suốt đời mới là điều quan trọng để sinh viên trưởng thành sau này. 

hoc2

Ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng để quãng thời gian đại học hiệu quả, thì việc đầu tiên các sinh viên phải xác định mục tiêu là cái đích phải đến và cái đam mê mà mình cần phải có. (Ảnh : Thùy Linh)

Ông Tớp chia sẻ, trên thực tế, nhiều sinh viên vào được các trường đại học mơ ước với chất lượng đầu vào rất tốt, nhưng sau đó số bị đào thải cũng không ít bởi rất nhiều lý do.

"Môi trường đại học yêu cầu chúng ta phải tự chủ, tự giác trong học tập. Nếu không chủ động lập kế hoạch thì dễ bị lao dốc, đặc biệt với các em có tâm lý "nghỉ ngơi", cho phép mình lơ là sau 12 năm phổ thông".

Chính sinh viên phải tự vượt qua bản thân mình bởi không có ai giám sát, khác hẳn sự sát sao của thầy cô và cả bố mẹ nữa khi ở nhà", ông Tớp nói. 

Ngoài ra, cũng theo vị này, sinh viên cần phải xác định hướng đi tương lai của mình, bởi nếu học xong mà không có việc làm thì rất đáng buồn. Ông Tớp cho rằng các trường đại học cũng phải có trách nhiệm trong chuyện này.

Cùng đó, ông Tớp chỉ ra những ngộ nhận, thói quen sai lầm của hầu hết sinh viên hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến căn bệnh lười và thụ động khi tiếp nhận kiến thức.

Cả hai chuyên gia giáo dục này đồng quan điểm rằng, học sinh thế hệ mới cần biết xác định kỹ năng học tập tự định hướng. Đây chính là chìa khóa quyết định kết quả học đại học.

Khi học đại học, sinh viên chính là người lập kế hoạch học tập và lựa chọn môn học, tham gia hoạt động ngoại khóa và chủ động trau dồi kĩ năng cần thiết cho công việc sau này. 

Hà Linh

*******************

Tuyên bố về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình (RFA, 02/10/2017)

Các tổ chức xã hội dân sự và người Việt sinh sống trong và ngoài nước ra Tuyên bố về Quyền Tự do Lập hội và Quyền tự do Biểu tình vào ngày 28 tháng 9 và công bố với truyền thông vào ngày 1 tháng 10 năm 2017.

hoc3

Công an ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 7 năm 2016 - AFP

Nội dung của bản tuyên bố nêu ra 5 yêu cầu, đó là : Quyền tự do lập hội và biểu tình là quyền công dân cần được tôn trọng ; Nhà nước phải thay đổi nhận thức về các tổ chức xã hội dân sự là thành tố không thể thiếu của nhà nước pháp quyền ; Nhanh chóng thông qua luật về quyền tự do lập hội theo điều 25 của Hiến pháp ; Yêu cầu Quốc hội xem xét trách nhiệm của chính phủ và cơ quan nhà nước trong việc soạn thảo dự án luật lập hội ; Và cuối cùng là tôn trọng Hiếp pháp.

Bản tuyên bố được 5 tổ chức xã hội dân sự và hơn 70 cá nhân tham gia ký tên. Mặc dù quyền biểu tình cũng như nhiều quyền cơ bản của công dân được qui định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, kể từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp gần đây nhất 2013 nhưng dự án luật Biểu tình đã nhiều lần bị Quốc hội và chính phủ trì hoãn với lý do cần chuẩn bị kỹ hơn.

*****************

Ông Lê Khả Phiêu : Cần 'cách mạng bộ máy' (BBC, 02/10/2017)

Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam than phiền nhiều ban bệ 'rườm rà, không nên tồn tại', và kêu gọi 'cách mạng bộ máy'.

hoc4

Ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư từ 1997 đến 2001

Trả lời báo Tuổi Trẻ trước thềm Hội nghị Trung ương 6, ông Lê Khả Phiêu nói thẳng nên bỏ cả ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

"Mình từ đầu đã đề nghị thôi. Bây giờ thì thấy rồi đấy, các anh ấy đang xem xét để thôi rồi".

Ông Phiêu cũng than phiền bộ máy Đảng chồng chéo, ít hiệu quả.

"Như Chính phủ có Ban cán sự Đảng thì được rồi và ở cấp bộ cũng vậy, chính ra chỉ cần ban cán sự thôi, sau này lại "đẻ" thêm ra đảng ủy bộ nữa".

Ông nói thêm : "Còn hai "ông" Đảng ủy khối doanh nghiệp nhà nước và Đảng ủy khối các cơ quan trung ương mới sinh ra sau này chứ trước đây làm gì có".

Hội nghị Trung ương 6 khai mạc ngày 4/10, sẽ bàn đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Ông Lê Khả Phiêu gợi ý nhập lại những đơn vị có chức năng tương đồng.

"Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo (chức năng nhiệm vụ)".

Ông lại than phiền bộ máy đảng, nhà nước phình to.

"Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là "cách mạng", tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.

"Tôi nói thế, các anh ấy đồng ý, nhưng làm được hay không là chuyện khác".

hoc5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Ai Cập sang thăm Việt Nam

Cùng ngày 2/10, tiếng nói của ông Lê Khả Phiêu cũng xuất hiện trên một số tờ báo khác, bàn về chống tiêu cực.

Theo VnExpress, cựu Tổng bí thư đề cập vụ kỷ luật mới đây với dàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

"Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh từng trường hợp để xử lý, như vụ Đà Nẵng là phải xử lý, nhưng quan trọng là mức độ nào".

"Riêng thời kỳ này, tôi thấy rằng ta dám làm, làm kiên quyết và tinh thần là cấp cao cũng không né tránh. Nhưng còn nữa thì sao, nếu như cấp cao khác hoặc cấp cao hơn có tiêu cực thì sao ? Tôi cho rằng cũng phải mạnh mẽ đấu tranh, đừng để tinh thần chống tiêu cực nguội đi".

Ông Lê Khả Phiêu cho biết ông vừa gặp Tổng bí thư hiện nay Nguyễn Phú Trọng, theo trang VietnamNet.

"Tôi và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ngồi với nhau cũng có nói đến vấn đề này. Chúng ta vừa qua đã làm được nhiều việc, nhưng tại sao mấy ông phụ trách về kinh tế, ngân hàng lại để xảy ra nhiều sai phạm như vậy".

Còn trang web Đài tiếng nói Việt Nam lại dẫn lời ông Lê Khả Phiêu khen ngợi quyết tâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Vừa qua làm được như thế là đáng mừng, không phải hời hợt đâu, tiến bộ đấy, nhưng cũng không phải như thế là hết, mà vẫn còn".

"Qua thực hiện có kinh nghiệm và tiếp tục làm hơn nữa, cứ như thế nhân dân và trong Đảng ủng hộ để các đồng chí Trung ương và Tổng bí thư làm mạnh mẽ".

Ông Lê Khả Phiêu được bầu giữ chức Tổng bí thư tại một hội nghị trung ương tháng 12/1997, sau khi ông Đỗ Mười có đơn đề nghị chuyển giao chức vụ.

Đến tháng Tư 2001, tại Đại hội IX của Đảng, ông Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng bí thư.

Quay lại trang chủ
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)