Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/10/2017

Sau Hội nghị trung ương 6 : rồi gì nữa ?

Tổng hợp

Đã nhúng chàm liệu còn rửa được không ? (BBC, 12/10/2017)

Bài phát biểu của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 hôm thứ Tư có những điểm gây 'khó hiểu', theo một cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

hoi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyên các đảng viên cộng sản Việt Nam 'tránh để tay nhúng chàm' và 'đi vào vết xe đổ'.

Bình luận về Hội nghị vừa kết thúc sau bảy ngày làm việc và đặc biệt về diễn văn bế mạc của ông Nguyễn Phú Trọng, hôm 12/10/2017, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC :

"Bài diễn văn đó cũng là một cách để khái quát hóa lại [Hội nghị], nhưng có một chữ mà tôi nghe tôi không hiểu chữ đó được hiểu như thế nào, tức là từ đây trở đi, những sai phạm thì phải xử lý. Từ đây trở đi là được hiểu thế nào ?

"Tức là những sai phạm mới à ? Từ đây trở đi, còn những sai phạm vừa qua, các ngày vừa qua thì thế nào ?"

Diễn văn bế mạc của Tổng bí thư Trọng hôm thứ Tư có đoạn : "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và cùng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân...

"Cần khẳng định ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".

Luật sư Thuận bình luận tiếp : "Rồi tay đã lỡ nhúng chàm thì phải tự sửa, mà ở Việt Nam, theo tục ngữ Việt Nam, người ta đã dùng chữ nhúng chàm thì không sửa được, mà bây giờ đã nhúng chàm tự sửa được ? "

'Chưa thấy đả động đến'

Cũng trong diễn văn hôm 11/10, nhà lãnh đạo Việt Nam có đoạn nhắc nhở đảng viên của đảng cộng sản : "tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa".

Cựu quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam hôm thứ Năm đưa ra nhận xét tiếp với BBC :

"Cho nên cách nói như thế, tôi nghe trước đây có những vụ này, vụ kia, người ta cũng nói như thế, thì được hiểu rằng phải chăng là bất đầu mở ra là không đánh những vụ án vừa qua, những vụ đại án vừa qua liên quan đến những vụ ngân hàng này kia, không biết có mở rộng tiếp hay không hay là từ đây trở đi ?

"Thì chữ 'từ đây trở đi' tôi rất chú ý đến chữ đấy, không biết chữ đấy nội hàm như thế nào ? Đây là một cách nói, nhưng từ ngữ không rõ ràng, tôi hiểu là từ đây trở đi, thì những vụ phát sinh mới, còn những vụ cũ thì từ từ khép lại bớt hay sao ?"

Về các vụ đại án được Việt Nam đưa ra xét xử thời gian gần đây và liên quan các thông tin kỷ luật được đưa trước kỳ Hội nghị, Luật sư Thuận nhìn lại Hội nghị 6 và bình luận :

"Những vụ liên quan vụ đại án, lớn nhất là một vụ ngân hàng và một vụ đại án, liên quan đến những người bây giờ đang ở vị trí rất cao trong bộ máy của Đảng, thì chưa thấy đả động đến, đặt ra, người ta mong chờ như thế. Và cũng ngay cả vụ Ocean Bank, các luật sư cũng nêu ra cái thư mà ông Đinh La Thăng gửi cho các đơn vị thành viên, thì cũng không thấy đả động đến.

"Hay như nói một cách nào thì những vị trí mấu chốt đó, rõ ràng chưa thấy động đến.

"Cho nên cái người ta mong muốn là những người ở cấp cao đó liên quan đến các vụ án thì phải xử, đó cũng là trách nhiệm gây thiệt hại hàng vạn tỷ, để lại nợ xấu khổng lồ hàng triệu tỷ như thế, thì rõ ràng phải có trách nhiệm".

Và Luật sư Thuận nêu tiếp băn khoăn, thắc mắc của mình về việc này, ông nói :

"Nhưng không hiểu là cách xử làm sao ? Không biết là người ta có thủ thuật để làm giãn ra đến [Hội nghị] Trung ương 7 thì xử tiếp, hay là giữa, từ Hội nghị Trung ươn 6 đến Trung ương 7, người ta sẽ tiếp tục làm các vụ án cụ thể hơn, thuyết phục hơn ?

"Cho nên tôi cũng thường nói là những người nhóm lợi ích có một tỷ lệ khá lớn, mà phải nói trên 50% là trong Đại hội và trong Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, bỏ phiếu họ mới chúng cử, như vậy đại diện cho khối đó, khối đó bây giờ như thế nào ?

"Và ai chi phối khối lớn bầu cho, tạm gọi như là, 'chiến hữu của Đồng chí X' mà người ta gọi là nhóm lợi ích ?

"Bây giờ họ vẫn còn đó, như vậy khối đó bây giờ như thế nào, không thấy ai phân tích, đánh giá cho rõ", Luật sư Trần Quốc Thuận nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.

******************

‘Nhất thể hóa’ lãnh đạo ở Việt Nam mới chỉ là ‘thử nghiệm’ (Người Việt, 12/10/2017)

Trong bài phát biểu bế mạc Hội Nghị Trung Ương 6 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng do báo Việt Nam đăng toàn văn, không thấy nhắc đến khái niệm "nhất thể hóa". Tuy vậy, người ta thấy ông nói đến việc "thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân ; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện".

hoi2

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang (phải) là hai trong "tứ trụ" của hệ thống chính trị Việt Nam. (Hình : Báo điện tử Kiến Thức)

Tức là, nếu áp dụng "nhất thể hóa" thì ở mỗi xã, mỗi huyện sẽ chỉ có một chức danh lãnh đạo duy nhất, thay vì có từ 2 đến 3 lãnh đạo như hiện nay.

Trước đó, một số báo trong nước đã rục rịch đăng chuyện áp dụng mô hình "nhất thể hóa" tại các địa phương. Báo Lao Động hôm 6 Tháng Mười đăng bài "Nhất thể hóa các chức danh tại Quảng Ninh : Giảm chi, gọn nhẹ, tăng hiệu quả, hiệu lực bộ máy".

Bài báo có đoạn : "Quảng Ninh là tỉnh đi tiên phong trong việc ‘nhất thể hóa’ một loạt các chức danh từ cấp xã tới huyện, đồng thời sáp nhập một số phòng ban, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, trong đó nổi bật lên mô hình ‘nhất thể hóa’ bí thư kiêm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện ở Cô Tô, Tiên Yên".

"Theo ông Vũ Ngọc Giao, trưởng ban Tổ Chức Tỉnh Ủy Quảng Ninh, đến nay chưa có đánh giá chính thức về vấn đề trên, nhưng qua thực hiện cho thấy, ngoài việc tiết kiệm chi tiêu, còn tạo ra một bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, bởi có khá nhiều cơ quan ở bên chính quyền và bên đảng có những chức năng, nhiệm vụ giống nhau", theo báo Lao Động.

Việc truyền thông trong nước đưa tin "nhất thể hóa" tại các địa phương cũng dấy lên suy đoán rằng Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chỉ dấu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Hôm 12 Tháng Mười, Luật Gia Nguyễn Đình Hà, người từng tự ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2016, viết : "Muốn ‘nhất thể hóa’ hai chức bí thư và chủ tịch huyện/xã thì phải sửa luật, chứ không phải đảng bảo thế mà làm được ngay. Chủ tịch huyện/xã do Hội Đồng Nhân Dân cùng cấp bầu ra, chứ bí thư là bí thư của đảng, do đảng tự bầu ra, dân không bầu ra bí thư. Do vậy, về cơ bản, muốn ‘nhất thể hóa’ thì phải sửa đổi chí ít hai luật – bầu cử và tổ chức chính quyền địa phương. Nhưng, xét đi xét lại, nếu bí thư ngồi vào ghế chủ tịch huyện/xã rồi, thì cần gì bầu bán chủ tịch trong phiên họp đầu, kỳ họp đầu mỗi khóa Hội Đồng Nhân Dân ? Làm gì còn cạnh tranh ? Và liệu có còn dân chủ ở cơ sở, dù chỉ hình thức ? Hay chỉ còn dân chủ trong đảng ?"

Ông Nguyễn Trường Sơn, công tác tại Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tại Bangkok chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội : "Nhất thể hóa các chức danh giữa đảng và nhà nước trong bối cảnh này thì sẽ chỉ giúp tăng thêm mức độ toàn trị. Từ trước tới nay chúng ta đã phải nỗ lực giải thích cho người dân rằng đảng là đảng mà nhà nước là nhà nước. Không thể đánh đồng lẫn lộn được. Nếu ông làm cho đảng thì ông chỉ được lo việc đảng, còn đã làm cho nhà nước thì phải phụng sự ý nguyện của người dân. Tổng bí thư của đảng mà lên giọng đe nạt dân chúng thì là mất dạy, còn chủ tịch nước mà phục tùng đảng hơn là phục tùng nhân dân thì đó là ăn cháo đá bát".

Ông Sơn viết thêm : "Ngân sách dành cho hoạt động của đảng phải đến từ sự đóng góp của các đảng viên, cấm được động vào tiền thuế của dân. Nếu muốn hợp nhất đảng và nhà nước, thì chỉ còn một cách, đó là phải đa đảng và tổ chức tổng tuyển cử tự do !"

Nhà Hoạt Động Nguyễn Thị Bích Ngà bình luận trên Facebook : "Cái gì tới thì nó phải tới. Trước đây, đảng còn giấu giấu giếm diếm quyền lực thống trị lãnh đạo bao trùm bằng cách lập ra hai cơ quan : đảng và chính quyền, mị dân bằng cách lập ra Quốc hội và Hội Đồng Nhân Dân các cấp. Từng bước, đảng đưa Điều 4 vô Hiến Pháp, thấy dân không phản ứng gì cho lắm, đảng tiếp tục thâu tóm quân đội bằng chỉ thị, "trung với đảng", thấy dân cũng chưa phản đối nhiều, đảng túm luôn công an, "thanh gươm lá chắn của đảng, còn đảng còn mình", thấy dân vẫn nhậu tưng bừng, đảng quất luôn phát chót, "nhất thể hóa" công khai quyền lực tối thượng, tập trung một cách "chính đáng" dưới chiêu bài, "tinh giản bộ máy biên chế và dễ quy trách nhiệm !"

"…Để không bị cho là độc tài toàn trị, đảng đã lập ra chính phủ, Quốc hội là cái bánh vẽ cho dân ăn. Nay, thực hiện ‘nhất thể hóa’ là đảng công khai xóa bỏ cái bánh vẽ vì thấy đã thành công trong việc triệt tiêu sự phản kháng của người dân. Đảng có làm gì thì dân vẫn cứ im và chịu".

Bà Ngà phân tích : "Quyền lực sinh ra lạm dụng, lạm quyền, và nay nó được công khai hỗ trợ thêm quyền lực tập trung, vai trò giám sát giả vờ cũng đã bị vứt toẹt vào thùng rác. Điều đó thể hiện gì ? Sự khinh nhờn dân đã đến mức tuyệt đối. Đâu là đảng đâu là nhà nước ? Gộp một. Trước nay, nhìn thấy bản chất che đậy qua cái bánh vẽ nên tôi không phân biệt chính quyền với đảng, tôi luôn gộp một. Có không ít người phản biện, cho rằng đảng và chính quyền là hai cơ quan khác nhau, không thể gộp một. Vâng, ở nước khác nó thế, ở đây đảng và chính quyền là một". (T.K)

********************

Nhà báo ở Việt Nam kêu gọi dẹp ‘Thanh Tra Chính Phủ’ (Người Việt, 12/10/2017)

Báo Pháp Luật đưa tin Tổng Thanh Tra Chính Phủ cộng sản Việt Nam ông Phan Văn Sáu "sắp được (Quốc hội) xem xét miễn nhiệm" và "theo nguồn tin của phóng viên (báo này), ông Sáu sẽ nhận nhiệm vụ mới, đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh phía Nam".

hoi3

Ông Phan Văn Sáu. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Phóng viên Nguyễn Dũng của báo Tiền Phong dẫn link bài về ông Sáu và giải thích trên Facebook : "Miễn nhiệm khác bãi nhiệm chỗ nào ? Miễn nhiệm được tặng hoa, bãi nhiệm thì không có gì".

Cùng thời điểm, facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, tác giả bộ sách "Bên Thắng Cuộc" và là người am hiểu tình hình chính trị tại Việt Nam, viết rõ hơn : Ông Phan Văn Sáu "coi như được phân công" về làm bí thư Tỉnh Ủy Sóc Trăng thay cho ông Nguyễn Văn Thể (chuyển sang làm bộ trưởng Giao Thông Vận Tải).

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên viết trên mạng xã hội : "Có lẽ cùng với việc dẹp các Ban Chỉ Đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ bởi chúng ăn không ngồi rồi, thêm mâm thêm bát vớ vẩn, là ổ nảy sinh ra bao nhiêu vụ tham nhũng, thì cũng nên dẹp ngay cái gọi là cơ quan Thanh Tra Chính Phủ (tương đương cấp bộ). Lý do, qua bốn đời trùm liên tiếp là các ông Quách Lê Thanh, Trần Văn Truyền, Huỳnh Phong Tranh và Phan Văn Sáu, ông nào cũng lấm bê bết, còn thanh cha thanh mẹ được gì. Ối giời, "chân mình đã lấm bê bê/lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Một post khác cũng của ông Thông hồi tháng trước viết : "Này, tôi bảo thật ông Tổng Bí Thư (Nguyễn Phú) Trọng, nếu thiếu củi tươi đưa vào lò, chả cần kiếm rừng này núi nọ đâu xa, chọn ngay trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra của trung ương (ví dụ Thanh Tra Chính Phủ, và lực lượng thanh tra của các bộ ngành) thì có mà vô thiên khênh. Chả cháy rừng rực ấy chứ lị. Làm đi, nói mãi rác tai".

Tin về ông Sáu sắp được Quốc hội miễn nhiệm được công bố trong bối cảnh website của Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) ghi nhận phát ngôn của ông Nguyễn Quốc Dũng, ủy viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, giám đốc Học Viện Chính Trị khu vực IV, Học Viện Chính Trị Quốc Gia HCM : "Chúng ta phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau. Ví dụ như Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương có thể sáp nhập với Thanh Tra Chính Phủ ; Ban Tổ Chức Trung Ương có thể nhập với Bộ Nội Vụ ; Bộ Kế Hoạch Đầu Tư có thể gắn với Bộ Tài Chính".

Trên lý thuyết, Thanh Tra Chính Phủ được mô tả là cơ quan ngang bộ của chính phủ cộng sản Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Tuy vậy, trên thực tế, các phát ngôn và hành động của lãnh đạo cơ quan này thường khiến công luận tranh cãi. Hồi Tháng Chín, báo Tuổi Trẻ dẫn lời Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Đặng Công Huẩn nói trong 1.1 triệu cán bộ kê khai tài sản năm 2016, chỉ có ba người "thiếu trung thực".

Hồi Tháng Tám, Luật Sư Trần Vũ Hải dẫn link bài về việc Thanh Tra Chính Phủ tiếp tục lùi lịch công bố kết luận vụ "biệt phủ" Yên Bái (của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái) đến lần thứ 5 và bình luận : "Mấy cha thanh tra này về vườn đi. Việc bé bằng móng tay, vài ngày là xong, sao vẫn ‘cù cưa’ ? Thanh tra về kê khai tài sản của cấp giám đốc sở còn lâu thế, thanh tra cấp ủy viên trung ương, bộ trưởng chắc hết… nhiệm kỳ vẫn chưa xong, nên tốt nhất là không thanh tra !" (T.K)

*****************

Ông Nguyễn Phú Trọng có chỉnh đốn nổi Đảng ? (BBC, 11/10/2017)

Hàng triệu đảng viên cộng sản ở Việt Nam vẫn thờ ơ, bàng quan trước công cuộc chống tham nhũng, bất kể ông Nguyễn Phú Trọng 'tả xung hữu đột', một nhà quan sát từ Thành phố HCM bình luận tin Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc.

hoi4

Nếu công cuộc chống tham nhũng thất bại thì vị thế chính trị của ông Trọng cũng bị ảnh hưởng, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nói với chương trình thảo luận của BBC Tiếng Việt chiều 11/10/2017.

Tham gia thảo luận trên Kênh YouTube của BBC Tiếng Việt, ông Phạm Chí Dũng bình luận về sự so sánh hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, giống như cặp bài trùng Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tại Trung Quốc, dùng chiến dịch chống tham nhũng để giải quyết các vấn đề nhân sự.

Tuy thế, ông Phạm Chí Dũng nói so sánh riêng ông Trọng với ông Tập là không chính xác, vì ông Tập từ 2012 đã xử lý 1 triệu quan chức tham nhũng.

Còn ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng chỉ có '5 quan chức kê khai tài sản sai' trên cả triệu người phải khai, theo ông Phạm Chí Dũng.

Nhất thể hóa thế nào ?

Hai khách mời cũng nói về ý tưởng 'nhất thể hóa' vị trí Đảng và chính quyền ở cấp huyện và xã mà Tổng bí thư Trọng nêu ra trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương6.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 11/10, Tổng bí thư Trọng nói sẽ "cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân", ở cấp xã và huyện.

Đây là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Đảng sẽ "tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao".

Tuy nhiên, vấn đề chưa rõ là việc nhất thể hóa sau đó có được áp dụng ở các cấp cao hơn, thậm chí cao nhất trong bộ máy hay không.

Nay ông Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi :

"Nếu nhất thể hóa tới mà ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước thì ông Trần Đại Quang đi đâu ? Hoặc nếu ông Trần Đại Quang làm Tổng Bí thư Đảng thì ông Trọng đi đâu ?"

Vì thế, ông Dũng nói, "điều này chưa thể diễn ra bây giờ trong Đại hội 12 mà phải chờ Đại hội 13, nếu có Đại hội 13".

Còn blogger Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng nói rằng có khả năng 'nhất thể hóa' sẽ diễn ra ở các cấp huyện xã, rồi đô thị lớn, sau đó mới lên trung ương.

Ông Nhất cũng nói rằng trước Hội nghị Trung ương 6 có ý kiến mong đợi bầu thêm vào Bộ Chính trị nhưng hóa ra tại Hội nghị này là bầu bổ sung vào Ban Bí thư.

"Đây là một điều ngạc nhiên", ông Trương Duy Nhất nói.

Các nhân vật đang lên

hoi6

Ông Trần Quốc Vượng (bìa trái) thay ông Đinh Thế Huynh (Thường trực Ban Bí thư, bìa phải) ở vị trí có tên hơi khác là 'thành viên thường trực Ban Bí thư'

Hai vị khách cũng bình luận về vai trò tăng lên của ông Trần Quốc Vượng, và ông Phạm Minh Chính.

Trong tuần này, có ý kiến trên báo chí chính thống ở Việt Nam nói trích lời một thành viên Hội đồng lý luận Trung ương tại Việt Nam cho rằng có thể sáp nhập Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Thanh tra Chính phủ, trong nỗ lực tinh gọn bộ máy.

Ông Trần Quốc Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Còn Trưởng Ban Tổ chức Trưng ương Phạm Minh Chính cũng xuất hiện trong lễ trao chức Bí thư Đà Nẵng cho ông Trương Quang Nghĩa, người thay ông Nguyễn Xuân Anh.

"Nhân vật Phạm Minh Chính cũng là nhân vật nặng ký trong cuộc đua vào chức vụ cao nhất sau này", theo đánh giá của ông Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng.

Dư luận nghĩ gì ?

Trên trang Facebook và YouTube của BBC Tiếng Việt đã có nhiều ý kiến về chủ đề này, cho thấy sự quan tâm của dư luận.

Van Ha viết :

"Các vị bình luận cứ bảo chống tham nhũng chỉ là chiêu bài, thực chất là các phe nhóm "đánh nhau" để tranh giành quyền lực. Vậy nếu có thể thật mà nhóm thắng thế toàn tâm toàn lực vì đất nước để đưa đất nước đi lên chẳng lẽ không tốt sao ?"

Còn bạn Van Jang viết :

"Nhìn quá khứ để biết tương lai. Sợ rằng giang sơn dễ dời bản tính khó thay. Bản chất xấu đã xấu thì vào tù cải tạo thế nào cũng không thể thay đổi được. Lev Tolstoi từng nói, cái xấu không tự nó thay đổi được. Một người lười nhác ăn cắp ham rượu chè thì khó bỏ lắm..".

Còn bạn Sang Dang thì viết, "dân mất lòng tin vào chế độ, vào đảng lâu, lâu lắm rồi".

Cũng trên Facebook, Thương Vũ đặt câu hỏi, "Nói thật giờ ông có nói hay cỡ nào cũng chẳng mấy ai quan tâm, nếu ông không muốn đa Đảng, sợ mất quyền mà làm tin được ông thử cơ cấu chính quyền 5-5 xem sao, nghĩa là 5 người do Đảng cử, là đảng viên, còn 5 người do dân cử (không phải là đảng viên), Chủ tịch là người của đảng thì phó Chủ tịch là người không Đảng ?

Tóm lại phải có đối trọng để giám sát lẫn nhau, nâng cao dân chủ một bước để chống tham nhũng bè phái... còn không thì vẫn cứ là bình cũ rượu mới..".

**********************

Thường vụ Quốc hội họp ngay sau Hội nghị Trung ương6 (RFA, 12/10/2017)

Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Việt Nam nhóm họp ngay sau khi Hội Nghị Trung ương 6 bế mạc. Tại ngày họp 12 tháng 10, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Việt Nam nói tất cả 13 mục tiêu đề ra đều đạt ; trong đó tăng trưởng GDP cả năm 2017 của Việt Nam ước tính đạt 6,7%.

hoi7

Các container nằm tại cảng Đà Nẵng, ngày 16 tháng 6 năm 2017. (Ảnh minh họa) - AFP

Báo cáo của Chính phủ cho thấy năm 2017 quy mô GDP đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương 225 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là khoảng 2.400 USD.

Chính phủ dự kiến năm 2018, GDP tăng từ 6,5 đến 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây Việt Nam đạt 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những chỉ tiêu trước đó rất khó đạt được như tổng mức đầu tư xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, bội chi,…

Tuy nhiên ông Lưu cũng chỉ ra một số vấn đề như nguồn thu từ 3 khu vực kinh tế là doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự tính. Trong đó, nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh nhất, cụ thể giảm 7,7%.

Cũng tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho biết mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 đáng ghi nhận, nhưng họ băn khoăn về chất lượng của sự tăng trưởng này.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói rằng tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam dựa vào các doanh nghiệp FDI lớn như Sam Sung, Formosa.

Theo ông Bình thì doanh số của Samsung năm nay cao vượt trội, khoảng 55 tỷ USD. Nhưng ông cho rằng đây là một doanh nghiệp nước ngoài nên phải phân tích rõ các chỉ số kinh tế, ngân sách mà tăng trưởng tạo ra.

Còn Formosa là thủ phạm từng gây ra thảm họa môi trường cho các tỉnh khu vực miền Trung khi xả thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển khiến cá, hải sản chết hàng loạt từ đầu tháng 6 năm ngoái.

Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ông Nguyễn Văn Giàu đưa ra vấn đề là kinh tế Việt Nam phát triển nhưng GDP đầu người vẫn thấp hơn Lào. Trong khi đó, nhiều ý kiến chỉ ra rằng thiên tai đang ảnh hưởng đến nông nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, quỹ bảo hiểm có nguy cơ vỡ,…

********************

Ông Trọng nhắc đảng viên 'tránh đi vào vết xe đổ' (BBC, 11/10/2017)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng loan báo Đảng Cộng sản sẽ cho phép thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở "những nơi có đủ điều kiện".

hoi7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa xây dựng cơ chế 'công khai, minh bạch'

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 ngày 11/10, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam nói thêm "cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân".

Đây được xem là một phần trong kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Đảng sẽ "tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao".

"Còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn".

Cụ thể về mặt tổ chức, ông cho biết :

- Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

- Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao.

- Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ.

- Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước.

- Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân ; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện.

- Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành.

- Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm.

- Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.

Ông Trọng hứa hẹn : "Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị".

Ông cũng không quên nhấn mạnh : "Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị".

hoi9

Chính trị Việt Nam chứng kiến khá nhiều biến cố nhân sự từ sau Đại hội 12

'Tăng cường kỷ cương'

Phát biểu bế mạc hội nghị quan trọng của đảng, ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi :

-Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh.

- Khắc phục tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

- Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn.

- Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập ; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo vị Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương "nhất trí" cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội "tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực".

'Bài học đau xót'

Ông Nguyễn Phú Trọng dành một phần diễn văn để nhắc lại quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

"Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta".

Ông Trọng nhắc nhở đảng viên "tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa)".

Ông lại cam kết : "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân".

Bài diễn văn có đoạn : "Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả".

Quay lại trang chủ
Read 802 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)