Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/10/2017

Khó hiểu dân tộc Việt Nam : hội chứng Oslo cộng sản

RFA tiếng Việt

PEW : dân chúng Việt Nam nói dân chủ tốt nhưng vẫn ủng hộ chính phủ phi dân chủ (RFA, 16/10/2017)

Trung tâm Nghiên Cứu PEW, trụ sở tại Washington D.C, vào ngày 16 tháng 10 công bố báo cáo cho thấy trên khắp thế giới xu hướng ủng hộ cho nền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên cũng có những ý kiến thuận với các giải pháp thay thế phi dân chủ khác.

pew1

Hình minh họa. Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại tòa án thành phố Nha Trang hôm 29/6/2017. AFP

Theo báo cáo đưa ra thì hơn phân nửa số người được hỏi ý kiến thăm dò tại 38 quốc gia cho rằng nền dân chủ đại diện là cách rất tốt hay cũng tốt phần nào đó cho công cuộc quản trị đất nước.

Tại tất cả các nước có người được hỏi ý kiến, thái độ ủng hộ nền dân chủ cùng tồn tại, theo những mức độ khác nhau, với thái độ mở đối với những hình thức quản trị đất nước không dân chủ gồm có sự quản trị bởi giới chuyên gia, bởi một nhà lãnh đạo cứng rắn, hay bởi quân đội.

Có nhiều yếu tố tác động đến chiều sâu của công chúng trong cam kết đối với dân chủ đại diện so với giải pháp phi dân chủ. Người dân tại những quốc gia giàu có hơn và tại những nơi mà hệ thống dân chủ đầy đủ hơn thường có khuynh hướng cam kết hơn với dân chủ đại diện. Và tại nhiều quốc gia, những người dân ít được giáo dục hơn, những người theo ý thức hệ cực hữu và những người không hài lòng với cách nền dân chủ vận hành tại đất nước họ thì lại mong muốn xem xét những giải pháp phi dân chủ hơn.

Trung bình có 66% người được hỏi trên toàn thế giới cho rằng dân chủ trực tiếp (theo đó chính công dân hơn là những viên chức được bầu ra, bỏ phiếu cho những vấn đề lớn) sẽ là cách tốt để quản trị đất nước.

Việt Nam cũng nằm trong số 38 quốc gia mà PEW tiến hành cuộc thăm dò vừa nêu. Kết quả thăm dò cho thấy có đến gần 80% người Việt Nam được hỏi cho rằng dân chủ đại diện là tốt nhưng cũng đồng thời ủng hộ ít nhất một hình thức chính phủ không dân chủ.

Thăm dò ở Việt Nam cũng cho thấy có 31% những người được hỏi ý kiến cho rằng họ tin chính quyền đang làm điều đúng cho đất nước.

Khi được hỏi ‘một hệ thống dân chủ nơi mà công dân, chứ không phải những viên chức, bỏ phiếu trực tiếp cho những vấn đề lớn của đất nước nhằm đưa ra luật lệ sẽ tốt hay xấu cho quốc gia của bạn’, có 16% cho rằng rất xấu.

Có 47% người được hỏi ý kiến tại Việt Nam trả lời rằng ‘hoàn toàn xấu’ ; khi được nêu câu hỏi ‘Một hệ thống mà theo đó một nhà lãnh đạo cứng rắn có thể đưa ra quyết định không cần sự can thiệp của quốc hội hay tòa án là cách tốt hay xấu trong quản trị đất nước ?’

Báo cáo của PEW về dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện như vùa nêu được tiến hành từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 8 tháng 5 vừa qua dựa trên trả lời của gần 42 ngàn người tại 38 nước.

******************

Việt Nam vẫn không chận được nạn phá rừng (RFA, 16/10/2017)

Sau những cơn lũ chết người mà báo chí Việt Nam gọi là lịch sử vào đầu tháng 10 năm nay, 2017, một viên chức đã về hưu của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn của tỉnh Hòa Bình nói với đài Á Châu tự do rằng nạn phá rừng là một trong những nguyên nhân chủ yếu.

pew2

Rừng bị phá tại tỉnh Đắc Lắc. Ảnh chụp tháng Ba, năm 2013. AFP

Nạn phá rừng tại Việt Nam hiện nay đang được kiểm soát ra sao ?

Chỉ trong khoảng thời gian vài tháng của năm 2017, báo chí chính thống của nhà nước đã đưa tin về nhiều vụ phá rừng lớn.

Ngày 15 tháng Bảy, báo Vnexpress đưa tin về một vụ phá rừng gỗ quí pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, trong đó có một phó đồn công an biên phòng bị khởi tố vì thông đồng với những người phá rừng (lâm tặc.)

Ngày 18 tháng Tám, báo mạng Pháp Luật plus đăng phóng sự điều tra về nạn phá rừng ở tỉnh Yên Bái, trong đó người dân có nói rằng lâm tặc sở dĩ hoành hành tại tỉnh Yên Bái vì họ có người chống lưng cho những hoạt động phá rừng.

Cũng trong tháng Tám, báo điện tử VTC news đăng bài về sự lo ngại của người dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình lo ngại vì rừng đầu nguồn bị phá, ảnh hưởng đến cuộc sống, nhất là nguồn nước của họ.

Chúng tôi có liên lạc với một số người có trách nhiệm tại Chi cục kiểm lâm tỉnh Hòa Bình để hỏi về việc phá rừng ở tỉnh này, cũng như ảnh hưởng của nạn phá rừng đến tác hại ngày càng lớn của lũ lụt, nhưng đều bị từ chối trả lời.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nói với chúng tôi rằng pháp luật cần phải rất nghiêm khắc để chống lại nạn lâm tặc :

"Đừng có theo đuôi lâm tặc, cứ theo pháp luật mà xử lý. Chổ nào vi phạm thì xử lý chổ nấy, không bao che nhau".

Tuy nhiên khi được hỏi là với cung cách nghiêm khắc như vậy của pháp luật thì rừng ở Duy Xuyên hẳn là có thể được bảo tồn tốt, thì ông lại trả lời :

"Duy Xuyên còn rừng đâu mà phá. Phá từ xưa đến giờ rồi, giờ chỉ còn rừng trồng thôi".

Ông Nguyễn Xuân Hồng nói là việc trồng rừng hiện nay để tăng diện tích rừng, là chủ trương chung của cả nước, gắn chặt với các hộ gia đình, sống nhờ vào những khoảng rừng mà họ trồng.

Theo số liệu được chính phủ Việt Nam đưa ra vào năm 2016 thì tính đến cuối năm 2015, diện tích rừng tại Việt Nam phủ lên 40,84% diện tích của quốc gia.

Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Cần Thơ, nghi ngờ về con số này, ông nói :

"Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải mình trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỉ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là trên 30%, tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%. Những người làm bên lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ khoản hơn 20% thôi".

Trong bức tranh khá ảm đạm về nạn phá rừng tại Việt Nam, có một khu rừng được xem là được bảo vệ tốt là rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, người từng làm việc cho cơ quan quản lý khu rừng quốc gia này, và hiện nay đang thành công trong việc điều hành một khu du lịch dựa vào thiên nhiên tại đây, nói với chúng tôi rằng phải làm cho người dân có ý thức bảo vệ nguồn lợi rừng :

"Mình phải gắn quyền lợi của họ với rừng. Họ ngăn chận lâm tặc thì họ phải có nguồn lợi từ rừng. Họ có thể vào rừng hái măng, đọt mây, những sản phẩm không phải là gỗ, không phải thú rừng hay cây thuốc, thì cho họ hưởng lợi. Cái thứ hai là du lịch, cái thứ ba là vười quốc gia tạo công ăn việc làm cho họ. Người dân thấy được là phải giữ được rừng thì mới được lợi. Không có rừng thì họ không có lợi. Khi ý thức được như vậy thì lâm tặc không vào được".

Bên cạnh đó ông cũng cho rằng việc kiểm soát nạn phá rừng từ phía các cơ quan pháp luật phải nghiêm khắc.

Ông Nguyễn Văn Diện, hiện là Giám đốc rừng quốc gia Nam Cát Tiên nói về việc thực thi pháp luật tại tỉnh Đồng Nai, nơi có rừng quốc gia Nam Cát Tiên :

"Ở Đồng Nai thì chúng tôi xử lý nghiêm những vụ vi phạm phá rừng".

Tuy nhiên nạn phá rừng vẫn không thể tránh được hoàn toàn tại tỉnh Đồng Nai. Vào tháng Sáu năm nay, 2017, đài truyền hình Việt Nam đưa tin về vụ ba hectare rừng gỗ tek được trồng từ lâu tại Huyện La Ngà, tỉnh Đồng Nai bị phá. Và trong vụ này những người phá rừng làm đường vận chuyển gỗ đi ngay trước mặt trạm kiểm lâm tại đây.

Đứng trước nạn lâm tặc cấu kết với một số giới chức chính quyền, thậm chí là cơ quan kiểm lâm để phá rừng, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nói với chúng tôi là ông không nhìn thấy một giải pháp nào, trừ việc nếu có vụ việc nào bị lộ, thì sẽ đem ra pháp luật, giống như việc chống nạn tham nhũng hiện nay.

Trở lại tỉnh Yên Bái, nơi người dân nghi ngờ rằng có những thế lực trong cơ quan chính quyền đứng đằng sau nạn phá rừng, liên tục trong nhiều tháng vừa qua dư luận trên mạng xã hội cũng như báo chí của nhà nước nói rất nhiều về chuyện ông Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này xây cất nhà cửa rất nguy nga gọi là biệt phủ, và ông này là em của bí thư tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, người có quyền lực cao nhất ở địa phương.

Cho đến nay, nhiều tháng sau khi chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam được phát động, vẫn không có thông tin gì về vụ biệt phủ ở Yên Bái.

Kính Hòa

Quay lại trang chủ
Read 691 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)