Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/10/2017

Thành lập Viện Đạo đức học để làm gì ?

Tổng hợp

Có cần thiết thành lập Viện Đạo đức học dành cho cán bộ hay không ? (RFA, 20/10/2017)

Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng vừa có đề nghị thành lập Viện Đạo đức học để dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng.

daoduc1

Các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, và Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đảng toàn quốc đầu năm 2016. Photo : AFP

Phản đối

Đề nghị thành lập Viện Đạo đức học của Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Sửa đổi lối làm việc-Những vấn đề lý luận và thực tiễn", diễn ra vào sáng ngày 18 tháng 10, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, ông Nguyễn Trọng Phúc nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng cán bộ là cái gốc của Đảng và của mọi công việc nên việc thành lập Viện Đạo đức học là cần thiết để huấn luyện cán bộ và những giảng viên mẫu mực sẽ được tuyển chọn để phụ trách công tác giảng dạy. Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc còn kiến nghị Viện Đạo đức học sẽ trực thuộc quản lý bởi Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận chỉ trong vòng xấp xỉ vài giờ đồng hồ Báo mạng VnExpress.net đăng tải thông tin vừa nêu, trên trang fanpage của tờ báo mạng này có khoảng 60 ý kiến nhưng hầu hết đều phản đối, cho đó là "điều nực cười" vì "uốn tre chứ không uốn măng" ; vả lại chủ trương của Chính phủ là bộ máy nhà nước cần được tinh giản, nhưng với đề xuất này thì phải gánh thêm một cơ quan hoạt động không mang lại hiệu quả mà còn tiêu tốn ngân sách. Nhiều người lý giải rằng đạo đức phải được dạy từ nhỏ chứ không đợi đến khi trở thành cán bộ rồi mới vào Viện Đạo đức học để được huấn luyện. Một độc giả nhấn mạnh đạo đức thuộc về bản chất của mỗi cá nhân nên để thay đổi bản chất của một người là điều rất khó, nhất là trong bối cảnh vô số cán bộ từ địa phương đến trung ương bị tha hóa, tham ô tham nhũng và lạm quyền như hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi liên quan đề nghị thành lập Viện Đạo đức học dành cho cán bộ, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết ông không phản đối, nhưng ông nghĩ rằng việc thành lập này cũng chỉ là hình thức mà thôi. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA :

"Vấn đề muốn có đạo đức xã hội thì cần thay đổi nhiều lắm, đặc biệt là thể chế, thiết kế của hệ thống xã hội phải thay đổi. Nền giáo dục, kể cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cũng phải thay đổi. Trên cơ sở đó thì mới có được nhân tố con người. Và khi đã có nhân tố con người thì mới đặt ra vấn đề là học đạo đức, mà đặc biệt là đạo đức công chức ; tức là đạo đức công vụ, đạo đức làm việc để phụng sự và quản lý xã hội, gọi là đạo đức nghề nghiệp nhưng phải trên cơ sở một nền giáo dục tử tế, nhân văn thì mới hình thành được tốt.

Hai nữa, không phải chỉ có mở trường mà với một chế độ như hiện nay vẫn là tàn nhẫn với dân, vẫn là cướp bóc của dân một cách trắng trợn, tham nhũng thì không có cách gì đẩy lùi được. Thế thì việc lập một trường dạy về đạo đức cho cán bộ cũng như kiểu dán cao cho bệnh ung thư, chỉ xoa dịu giảm đau một chút nhưng thực ra bệnh hoạn vẫn trầm trọng bên trong".

Qua đề nghị của ông nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, dư luận thắc mắc rằng có phải phong trào "Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được phát động bao năm qua không đạt kết quả gì ? Tiến sĩ Hán-Nôm Nguyễn Xuân Diện từng lên tiếng với RFA liên quan phong trào này :

"Sự suy thoái đạo đức trong Đảng ngày càng trầm trọng. Cho dù Đảng và Nhà nước đã phát động rất mạnh mẽ và tốn rất nhiều tiền của cho phong trào học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng không đem lại mấy kết quả cho việc chấn hưng lại đạo đức của Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng và đạo đức của toàn xã hội nói chung".

Luật sư Nhân quyền-Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài cũng đã nói rằng một nhà nước tuyệt đối hóa quyền lực như Việt Nam thì sẽ tha hóa tuyệt đối về đạo đức và lối sống của cán bộ đảng viên, do đó họ điều hành đất nước chỉ với mục đích nắm trong tay quyền lực và lợi ích cho riêng họ.

Phản tác dụng ?

daoduc2

Cuộc thi Tuổi trẻ học tập đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Courtesy : Tuoitrehaiduong.vn

Một trường hợp minh chứng mới nhất về cán bộ tham ô nhưng được cả hệ thống lãnh đạo bao che, vừa được phổ biến trên mạng xã hội mà cộng đồng cư dân mạng quan tâm, qua chia sẻ của nạn nhân cũng là cán bộ ở tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Văn Khấn cho biết thuộc gia đình cách mạng, nghe theo lời vận động của Đảng ủy và Ủy ban nhằm thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở địa phương nên ông cùng 16 người khác tham gia vào thành lập Quỹ Tín dụng Nhân dân hồi năm 1995 và sẽ thanh lý tài sản chia cho cổ đông sau 20 năm hoạt động. Ông Nguyễn Văn Khấn, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vào năm 2008-2009 phát hiện ông Võ Văn Của, là Giám đốc Điều hành, chỉ đạo cấp dưới cố ý làm sai nguyên tắc tài chính kế toán để thu lợi bất chính. Ông Khấn kể lại :

"Khi vụ việc xảy ra thì tôi có báo với Ngân hàng Nhà nước. Ông Giám đốc Ngân hàng Nhà nước nói sẽ giải quyết, nhưng khi lập biên bản với chứng từ rõ ràng thì không xử lý. Lúc tôi họp Hội đồng quản trị để đưa ra xử lý thì ông Bí thư Đảng ủy đến dự, nhưng cuối cùng bao che cho nhau. Một ông cán bộ đảng viên như ông Của không có đạo đức mà vẫn bao che, ngoài tham ô tham nhũng còn thách thức tôi nữa. Ông ta chửi thô tục tại cuộc họp luôn".

Ông Khấn đã làm hồ sơ gửi đến cơ quan các cấp của Đảng từ địa phương đến trung ương nhưng đều không nhận được hồi đáp. Năm 2010, ông Khấn quyết định ra khỏi Đảng. Ông Khấn khẳng định với chúng tôi hoàn toàn không có niềm tin là đạo đức của cán bộ đảng viên sẽ tốt hơn nếu được huấn luyện.

Quyết định ra khỏi Đảng của của ông Nguyễn Văn Khấn không phải là cá biệt, mà trong những năm gần đây ngày càng có nhiều đảng viên tuyên bố từ bỏ tham gia Đảng Cộng Sản Việt Nam với lý do tổ chức này hiện chỉ là một tổ chức của những người "tham quyền cố vị", "mua quan bán chức", "tranh giành quyền lực" và hơn hết là "không có tâm" lẫn "không có tầm" để lãnh đạo quốc gia.

Cũng vì các lý do đó, những người dân khắp nơi ở trong nước mà Đài RFA tiếp xúc quả quyết không cần thiết xây dựng Viện Đạo đức học dành cho cán bộ, vì như thế chỉ khiến dân chúng càng bất mãn hơn đối với chính quyền mà thôi.

Hòa Ái, phóng viên RFA

****************

Lập Viện Đạo đức học 'như dán cao chữa ung thư' (BBC, 19/10/2017)

Một cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng ở Hà Nội đề xuất lập Viện Đạo đức học để "dạy những chuẩn mực trong Đảng" nhưng một cựu cán bộ Ban Dân vận Trung ương nói với BBC rằng việc này "như dán cao chữa ung thư".

daoduc3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "đạo đức của đảng viên"

Ông Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng được truyền thông Việt Nam dẫn lời nhắc lại những "căn bệnh nguy hiểm" của đảng viên theo lời Hồ Chí Minh và nói thêm :

"Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Viện sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực".

"Hai cơ quan phụ trách viện nên là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương", VnExpress dẫn lời ông Phúc.

'Ru ngủ'

Ý tưởng này đã gây ra nhiều bình luận trên mạng xã hội.

Hôm 19/10, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nói : "Bàn về vấn đề đạo đức của người dân và quan chức là quan tâm lớn của toàn xã hội vì đạo đức hiện nay suy đồi lắm".

"Tuy nhiên, việc thành lập một viện về đạo đức để giải quyết những vấn đề trầm kha như vậy như dán cao chữa bệnh ung thư, vừa tốn kém, vừa hời hợt và chỉ mang tính hình thức. Tôi phản đối đề xuất này".

"Lâu nay, các đảng viên, nếu họ muốn thực sự học về đạo đức thì đã có Điều lệ Đảng. Trước những bức xúc của xã hội về đạo đức cán bộ suy thoái trầm trọng mà giải pháp là cho thành lập viện đạo đức mang tính hình thức như thế theo tôi chỉ nhằm để đánh lừa, ru ngủ công luận và làm gia tăng tiến sĩ giấy mà thôi".

"Theo tôi, muốn tăng cường đạo đức cán bộ thật sự, nhất là cán bộ Đảng, cần làm cách khác, thực chất hơn. Ví dụ như cải cách chế độ, sửa lại hệ thống luật pháp cho văn minh, minh bạch. Ai từ ông Nguyễn Phú Trọng trở xuống có sai phạm đều cần xét xử đích đáng, sai phạm nghiện trọng thì loại khỏi hàng ngũ Đảng".

"Còn nếu muốn tăng cường đạo đức để chống tham nhũng thì cứ áp dụng ba giải pháp chính mà thế giới người ta đang làm, gồm cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cảnh sát văn minh và có tự do báo chí".

daoduc4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương

Cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói với BBC : "Tôi chưa nắm thông tin về việc đề xuất lập Viện Đạo đức học nên chưa thể bình luận".

Theo báo Nhân Dân, trong phiên tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói : "Hồ Chí Minh từng nói nhiều về tư cách người cách mệnh và coi đức là gốc của người cán bộ cách mạng. Ðảng cũng đã có nhiều nghị quyết về công tác cán bộ".

"Chúng ta làm quyết liệt, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, nhưng rất nhân văn. Xét xử phải thấu lý, đạt tình, để cảnh báo răn đe ; song còn mở đường cho người sai phạm sửa chữa, còn đường tiến. Tất cả cùng vào cuộc, không được ai đứng ngoài, phải tự giác sửa mình, bình tĩnh làm cho hiệu quả, không gây xáo trộn".

daoduc5

Đảng cộng sản đang đẩy mạnh chiến dịch chỉnh đốn trong đảng

Hồi tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo Thanh Niên dẫn lời : "Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".

"Chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung, trong khi đó, chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần hi sinh, những câu chuyện rất cảm động về các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao vượt qua mưa lũ đến trường, luôn một lòng vì các em, vì thế hệ tương lai của vùng cao mà không quản ngại, lùi bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào".

Quay lại trang chủ
Read 596 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)