Tại cuộc hội thảo khoa học "Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18/10 vừa qua, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc đã đưa ra đề xuất thành lập Viện Đạo đức học để "dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong đảng".
Hội thảo khoa học "Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" tổ chức tại Sài Gòn ngày 18/10/2017 - Hình minh họa.
Ủng hộ và phản đối
Đề xuất của ông cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng ngay lập tức khiến dư luận bàn tán xôn xao và trở thành chủ đề của hàng chục bài báo cùng vô số ý kiến bình luận, trên cả truyền thông "lề đảng" lẫn "lề dân".
Bài "Đề xuất lập Viện Đạo đức học để huấn luyện cán bộ" trên VnExpress, chẳng hạn, đã thu hút hàng chục người bình luận. Và trong tổng số 63 bình luận đến ngày 24/10, đa số ý kiến phản bác đề xuất của ông Phúc, số ủng hộ chỉ lẻ tẻ vài người.
Hai bình luận được nhiều "like" nhất là "Trời ơi ! Đang tinh giản biên chế mà còn muốn mọc ra viện đạo đức !" và "Việt Nam đi ngược với thế giới ! ‘Uốn tre chứ không uốn măng !’ Đạo đức phải được dạy từ nhỏ, chứ không phải để đợi lên làm cán bộ rồi mới vào viện này học ! Bộ máy đã không được tinh giản rồi, giờ phải gánh thêm cái viện ‘uốn tre’ này nữa !"
Ngoài ra, vài ý kiến đáng suy ngẫm khác là "Tôi nghĩ viện đạo đức không hiệu quả mà còn tốn thêm ngân sách. Thời điểm để hình thành chuẩn mực đạo đức là tuổi thiếu niên và nhi đồng, sau này làm cán bộ thì cần có cơ chế giám sát, kiểm tra và cân bằng. Xin nhắc lại, quan trọng nhất là có cơ chế giám sát và kiểm tra" ; "Quan trọng nhất là cơ chế giám sát và kỉ luật. Nếu làm tốt thì khỏi cần viện đạo đức để thêm tốn kém" ; và "Vừa bực vừa buồn cười".
VnExpress là tờ báo điện tử thuộc hệ thống báo chí nhà nước, với lượng độc giả đông hàng đầu Việt Nam, và cơ quan chủ quản là Bộ Khoa học - Công nghệ. Dưới nhãn quan của bộ máy tuyên truyền cộng sản thì đa số độc giả của VnExpress không phải là "thế lực thù địch". Vì thế, ý kiến "vừa bực vừa buồn cười" nêu trên xem ra đã chuyển tải chính xác "cảm xúc" của một bộ phận đáng kể trong dân chúng.
Các ý kiến bình luận trên hệ thống "báo chí lề dân" nhìn chung là thẳng thắn hơn nhiều, và hầu như ai cũng phản đối đề xuất của Phó Giáo sư Phúc.
"Giá trị thực tiễn"
Liên quan đến câu chuyện trên, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là : Liệu "sáng kiến" Viện Đạo đức học có được lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện thực hóa hay không ?
Mặc dù những người ủng hộ đề xuất của Phó Giáo sư Phúc chỉ là thiểu số, nhưng trong cuộc sống, chân lý chưa chắc đã thuộc về số đông. Vì thế, câu hỏi trên hoàn toàn không dễ trả lời như một phép toán cộng trừ đơn giản.
Để tìm lời giải đáp cho nó, chúng ta hãy thử đặt ra hai tình huống giả định dưới đây.
1. Nếu nguyên tắc "tự phê bình và phê bình" chưa được các đảng cộng sản trên thế giới áp dụng và bây giờ ai đó đề nghị áp dụng để thiết lập lại trật tự kỷ cương cho bộ máy công quyền ở Việt Nam thì sao ? Tương quan giữa số người ủng hộ và phản đối đề xuất đó sẽ thế nào ?
2. Nếu tại thời điểm này, Đảng cộng sản Việt Nam chưa phát động "Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và một ai đó đề xuất thực hiện cuộc vận động này để cứu vãn sự suy đồi đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức thì sao ? Tỷ lệ người ủng hộ so với phản đối sẽ thế nào ?
Câu trả lời thuyết phục nhất cho cả hai câu hỏi trên xem ra là : Số người phản đối sẽ áp đảo số ủng hộ – giống như với đề xuất của ông cựu Viện trưởng Viện Lịch sử đảng.
Nghĩa là, nếu dựa trên tương quan giữa số người ủng hộ và phản đối để quyết định số phận của hai thứ "bảo bối" thông dụng nhất mà ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn đang áp dụng nhằm duy trì kỷ cương trong đảng và ngăn chặn tình trạng xuống cấp của đạo đức công vụ thì chắc chắn cả hai đều bị loại "từ vòng gửi xe".
Tuy nhiên trên thực tế, "tự phê bình và phê bình" – một nguyên tắc do Lenin "sáng tạo" ra sau khi cầm quyền được 5 năm – đã tồn tại gần một thế kỷ nay. Và bất chấp kết cục tha hóa không tránh khỏi của bất kỳ đảng cộng sản nào sau khi trở thành đảng cầm quyền, các lãnh tụ cộng sản vẫn luôn dành cho nó những mỹ từ ấn tượng nhất.
Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là "thứ vũ khí thần diệu để đảng thường xuyên trong sạch, vững mạnh". Nhân vật khai sinh ra chế độ cộng sản Việt Nam thậm chí còn ví von : "Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí", vì vậy mà "mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong đảng sẽ không có bệnh và đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng". Lê Duẩn thì tỏ ra "mộc mạc và thẳng thắn" hơn : "Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ". Còn đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì khẳng định : "Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mấu chốt, cực kỳ quan trọng" trong công tác "xây dựng đảng".
Dù vậy, đến nay hẳn ai cũng có thể trả lời được câu hỏi : Liệu cái gọi là "vũ khí thần diệu" hay "khâu mấu chốt, cực kỳ quan trọng" nói trên có thay thế được pháp luật đúng nghĩa trong việc ngăn chặn sự tha hóa đạo đức trong đảng hay không ?
Trong khi đó, "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã ra đời ngót 11 năm. Ở mỗi cấp từ trung ương đến xã phường đều có ban chỉ đạo cuộc vận động do bí thư cấp ủy làm trưởng ban ; Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương. Mỗi năm trên cả nước, từ trung ương đến địa phương, người ta không thể thống kê nổi có bao nhiêu cuộc họp, lễ sơ kết, lễ tổng kết liên quan đến cuộc vận động, và bao nhiêu văn bản chỉ đạo, chỉ thị, hướng dẫn về cuộc vận động ; không thể thống kê hết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của mà hệ thống chính trị hiện hành đã tiêu phí cho cuộc vận động này.
Và giờ thì hẳn ai cũng dễ dàng trả lời câu hỏi : Từ khi lãnh đạo cộng sản Việt Nam phát động cái gọi là "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đến nay, đạo đức của đội ngũ "đầy tớ nhân dân" nói riêng và đạo đức xã hội nói chung đi lên hay đi xuống ? (Ở đây chưa cần xét đến thực chất của "tấm gương đạo đức" kia là thế nào).
Tóm lại, bất kể số người ủng hộ "sáng kiến" của Phó Giáo sư Phúc chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ vài %, song việc nó được lãnh đạo cộng sản Việt Nam áp dụng lại là một khả năng thực tế, thậm chí là cao. "Có bệnh thì vái tứ phương". Một khi cộng sản Việt Nam vẫn dị ứng với phương thuốc "tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng" mà nhân loại tiến bộ đã áp dụng hàng trăm năm nay thì việc họ viện đến "phương thuốc" của "thầy Phúc" là điều không có gì phải ngạc nhiên.
Và thái độ của chúng ta
Thomas Henry Huxley (1825-1895), nhà sinh vật học nổi tiếng người Anh và là người cổ suý nhiệt thành của thuyết tiến hóa, từng viết trong tác phẩm "The Struggle for Existence in Human Society" (tạm dịch : "Cuộc đấu tranh sinh tồn trong xã hội loài người") : "Thật sai lầm khi lại mường tượng rằng quá trình tiến hóa biểu thị một xu hướng liên tục hướng tới sự hoàn hảo. Quá trình đó chắc chắn liên quan đến sự thay hình đổi dạng liên tục của sinh vật nhằm thích ứng với điều kiện mới, song tuỳ thuộc vào bản chất của những điều kiện như thế mà chiều hướng của những đổi thay này sẽ đi lên hay đi xuống".
Chủ nghĩa cộng sản là một chủ thuyết phi nhân và trái quy luật. Điều đó giải thích cho sự thất bại của nó với tư cách một ý thức hệ trên phạm vi toàn cầu từ cuối thập niên 1980.
Từ góc nhìn Huxley, xã hội cộng sản rõ ràng là môi trường lý tưởng cho những "phát kiến" kiểu như "tự phê bình và phê bình", "làm chủ tập thể", "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "viện đạo đức học dạy đạo đức cho cán bộ", v.v. và v.v.
Vậy nên chúng ta có thể buồn cười chứ không cần phải bực mình nếu "sáng kiến" của Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc được lãnh đạo cộng sản Việt Nam "hiện thực hóa", bởi đó là một bước "tiến hóa" đưa hệ thống hiện hành đến gần hơn với kết cục diệt vong tất yếu của nó.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 30/10/2017
Lập Viện Đạo đức học để dạy đạo đức cho cán bộ, quan chức, đảng viên đảng cộng sản ?
Báo Tiền Phong ngày 18/10 có bài "Đề xuất thành lập Viện Đạo đức để huấn luyện cán bộ" đưa ra ý kiến của "Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để dạy đạo đức học và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng".
Lập Viện Đạo Đức Học để làm gì ? - Ảnh minh họa (Dân Trí)
Trích bài báo :
"Phó Giáo sư Phúc cũng nhấn mạnh, Hồ Chủ tịch từng căn dặn "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Trong xây dựng tổ chức Đảng, Người coi công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định : "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây gỗ quý báu.
Ông cũng đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó dạy đạo đức học và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Cán bộ là gốc, nhưng huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng. Trên cơ sở đó, tuyển chọn những người mẫu mực về đạo đức lên giảng. Dạy về đạo đức cũng là công việc của Ban Tuyên giáo trung ương. Theo ông, lo mảng xây dựng Đảng về đạo đức nên giao cho 2 cơ quan Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo trung ương.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao đề xuất của Phó Giáo sư Phúc. Ông cho biết, hiện các lớp bồi dưỡng. Phần lớn đảng viên rất tốt, một số chưa bỏ thói hư tư lợi, kiêu ngạo, xa hoa, bè phái và có nguy cơ lây lan. Việc quan trọng là phải nhận ra, có cơ chế, chế tài để tự gột rửa, như Tổng bí thư nói nếu đã nhúng chàm phải tự gột rửa."
Đề xuất này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận thông qua báo chí bên ngoài và mạng xã hội facebook. Nhiều người tỏ thái độ châm biếm, hoài nghi. Người thì so sánh : sao các nước có mô hình thể chế chính trị tự do dân chủ pháp trị như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Pháp, Đức, Thụy Điển, Na Uy v.v…họ chẳng cần đảng nào "nuôi dạy, huấn luyện" mà từ tinh thần làm việc cho tới tư cách, đạo đức của công chức và cả quan chức lại khá thế nhỉ. Còn cán bộ, đảng viên của đảng ta thì cứ càng ngày càng tệ, "tự gột rửa" cỡ nào cho sạch, mà làm sao "tự gột rửa" nổi khi chính cơ chế độc tài độc đảng này là môi trường cho mọi cái xấu nảy sinh và phát triển tràn lan như cỏ dại, như tế bào bệnh ung thư ?
Người thì dẫn chứng suốt thời gian qua nhà nước Việt Nam đã tổ chức bao nhiêu đợt, "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" rầm rộ từ Bắc vào Nam, từ cấp trung ương đến địa phương, từ thành phố đến làng xã… tốn kém không biết bao nhiêu tiền thuế của nhân dân, nhưng kết quả là đạo đức của cán bộ quan chức Việt có khá lên được chút nào đâu.
Mà cái chuyện "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong Đảng và xã hội nào có phải mới mẻ gì, mà đã có quá trình liên tục, lâu dài, qua rất nhiều đại hội đảng, với rất nhiều chỉ thị này chỉ thị kia. Đọc bài "Nội dung cơ bản của học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Tuyên giáo) thì rõ.
Trong chương trình bàn tròn điểm tin tuần (15-21/10/2017) của đài BBC, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A có nói rằng cá nhân ông ủng hộ nên lập nhiều Viện Đạo đức để dạy đạo đức cho những người cộng sản. Theo ông, việc mà ông Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc đề xuất rằng đảng cộng sản Việt Nam phải có một cái viện để dạy đạo đức, chứng tỏ họ không có đạo đức gì cả. Ai dạy, dạy cái gì hay dạy đạo đức Hồ Chí Minh, điều đó còn cần phải tranh cãi nhưng đây là một vấn đề hệ trọng và rất là cấp thiết, bởi vì cái nền tảng đạo đức rất quan trọng. Đạo đức là cái nền sâu nhất, căn bản nhất, trên cái nền đạo đức ấy cái tầng văn hóa mới được xây nên. Và cấp thiết bởi vì đạo đức hiện nay đã băng hoại đến như thế thì cần có một nhu cầu phải làm lại. Còn làm như thế nào là một chuyện khác và có nhiều cách. Người dân cũng có thể tham gia vào chuyện giáo dục họ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nói thêm rằng, theo ông, các chế độ ở các nơi bị tan rã, xét cho cùng cũng là do nền tảng đạo đức không ổn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nói đúng rằng đạo đức là cốt lõi của con người và của cả một xã hội. Đạo đức của cán bộ, quan chức Việt dưới chế độ cộng sản đã sa sút, băng hoại một cách khủng khiếp, thực tế đã phơi bày hàng ngày hàng giờ, người dân ai cũng có thể chứng kiến hoặc đọc, nghe, nhìn thấy trên báo chí, truyền thanh truyền hình.
Nhưng cũng giống như việc chống tham nhũng hay tinh giản bộ máy, việc chấn chỉnh đạo đức, phong cách của cán bộ quan chức Việt là những chuyện không thể giải quyết tận gốc rễ được. Bởi chính cái cơ chế độc tài độc đảng này là nguyên nhân, là môi trường sản sinh ra nạn tham nhũng, sự phình to của bộ máy hay những thói hư tật xấu của cán bộ, quan chức Việt : nào dối trá, quan liêu, thực lực không có vì đi lên bằng các mối quan hệ, con ông cháu cha hoặc do "chạy" tiền, "chạy" ghế, vô cảm, coi dân như cỏ rác, chỉ biết có tiền, chỉ biết "còn đảng còn mình", nhắm mắt bưng tai làm ngơ trước nỗi khổ của nhân dân, vận mệnh của đất nước, hèn hạ, quỵ lụy bợ đỡ cấp trên, "thượng đội hạ đạp", tham lam…
Trở lại việc lập Viện đao đức, ai sẽ dạy, ai có đủ tư cách gương mẫu đạo đức liêm chính cần kiệm chí công vô tư… để đứng lớp ? Dạy cái gì ? Dạy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ? Nhưng Hồ Chí Minh thì làm gì có tư tưởng, và những sự thật được bạch hóa phần nào về nhân vật này cũng cho thấy ông ta hoàn toàn không phải là một ông thánh, một người xứng đáng được gọi là "cha già của dân tộc" như đảng cộng sản cố công tô vẽ bao nhiêu năm qua, nếu không muốn nói ngược lại. Và làm sao mà họ học được, thực hành đạo đức được khi chung quanh, từ trên xuống dưới cả một bộ máy, cả một hệ thống đều vô đạo đức đến tận cùng ?
Vấn đề cốt lõi nằm ở cơ chế, ở mô hình thể chế chính trị. Chỉ khi nào Việt Nam có một thể chế tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng, pháp trị, tam quyền phân lập thì mọi thứ sẽ khác. Cơ chế tam quyền phân lập giúp kiểm soát, hạn chế quyền lực lẫn nhau giữa ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, không một đảng phái chính trị nào có thể ôm trùm cả ba được. Đa đảng tạo nên sự cạnh tranh, và có bầu cử công khai giúp tìm ra những con người có năng lực thực sự ngồi vào những vị trí xứng đáng. Pháp luật nghiêm minh sẽ trừng phạt những ai vi phạm, bất kể họ là ai.
Trong một môi trường, thể chế như vậy, con người buộc phải tự thân vận động, tự lực vươn lên bằng khả năng, nếu làm quan chức, họ sẽ bị các đối thủ chính trị của các đảng đối lập cho tới dân chúng và một nền báo chí tự do, dân chủ soi từng hành vi nhỏ nhặt, họ sẽ phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói hành động và nếu vi phạm pháp luật, họ sẽ bị trừng phạt ngay tức khắc. Vấn đề tác phong, đạo đức của họ do đó sẽ khá lên. Không cần đảng nào "nuôi dạy" cả.
Song Chi
Nguồn : RFA, 22/10/2017 (songchi's blog)
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng vừa có đề nghị thành lập Viện Đạo đức học để dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng.
Các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, và Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đảng toàn quốc đầu năm 2016. Photo : AFP
Đề nghị thành lập Viện Đạo đức học của Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia "Sửa đổi lối làm việc-Những vấn đề lý luận và thực tiễn", diễn ra vào sáng ngày 18 tháng 10, do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, ông Nguyễn Trọng Phúc nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng cán bộ là cái gốc của Đảng và của mọi công việc nên việc thành lập Viện Đạo đức học là cần thiết để huấn luyện cán bộ và những giảng viên mẫu mực sẽ được tuyển chọn để phụ trách công tác giảng dạy. Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc còn kiến nghị Viện Đạo đức học sẽ trực thuộc quản lý bởi Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận chỉ trong vòng xấp xỉ vài giờ đồng hồ Báo mạng VnExpress.net đăng tải thông tin vừa nêu, trên trang fanpage của tờ báo mạng này có khoảng 60 ý kiến nhưng hầu hết đều phản đối, cho đó là "điều nực cười" vì "uốn tre chứ không uốn măng" ; vả lại chủ trương của Chính phủ là bộ máy nhà nước cần được tinh giản, nhưng với đề xuất này thì phải gánh thêm một cơ quan hoạt động không mang lại hiệu quả mà còn tiêu tốn ngân sách. Nhiều người lý giải rằng đạo đức phải được dạy từ nhỏ chứ không đợi đến khi trở thành cán bộ rồi mới vào Viện Đạo đức học để được huấn luyện. Một độc giả nhấn mạnh đạo đức thuộc về bản chất của mỗi cá nhân nên để thay đổi bản chất của một người là điều rất khó, nhất là trong bối cảnh vô số cán bộ từ địa phương đến trung ương bị tha hóa, tham ô tham nhũng và lạm quyền như hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi liên quan đề nghị thành lập Viện Đạo đức học dành cho cán bộ, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết cho biết ông không phản đối, nhưng ông nghĩ rằng việc thành lập này cũng chỉ là hình thức mà thôi. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA :
"Vấn đề muốn có đạo đức xã hội thì cần thay đổi nhiều lắm, đặc biệt là thể chế, thiết kế của hệ thống xã hội phải thay đổi. Nền giáo dục, kể cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cũng phải thay đổi. Trên cơ sở đó thì mới có được nhân tố con người. Và khi đã có nhân tố con người thì mới đặt ra vấn đề là học đạo đức, mà đặc biệt là đạo đức công chức ; tức là đạo đức công vụ, đạo đức làm việc để phụng sự và quản lý xã hội, gọi là đạo đức nghề nghiệp nhưng phải trên cơ sở một nền giáo dục tử tế, nhân văn thì mới hình thành được tốt.
Hai nữa, không phải chỉ có mở trường mà với một chế độ như hiện nay vẫn là tàn nhẫn với dân, vẫn là cướp bóc của dân một cách trắng trợn, tham nhũng thì không có cách gì đẩy lùi được. Thế thì việc lập một trường dạy về đạo đức cho cán bộ cũng như kiểu dán cao cho bệnh ung thư, chỉ xoa dịu giảm đau một chút nhưng thực ra bệnh hoạn vẫn trầm trọng bên trong".
Qua đề nghị của ông nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, dư luận thắc mắc rằng có phải phong trào "Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được phát động bao năm qua không đạt kết quả gì ? Tiến sĩ Hán-Nôm Nguyễn Xuân Diện từng lên tiếng với RFA liên quan phong trào này :
"Sự suy thoái đạo đức trong Đảng ngày càng trầm trọng. Cho dù Đảng và Nhà nước đã phát động rất mạnh mẽ và tốn rất nhiều tiền của cho phong trào học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng không đem lại mấy kết quả cho việc chấn hưng lại đạo đức của Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam nói riêng và đạo đức của toàn xã hội nói chung".
Luật sư Nhân quyền-Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài cũng đã nói rằng một nhà nước tuyệt đối hóa quyền lực như Việt Nam thì sẽ tha hóa tuyệt đối về đạo đức và lối sống của cán bộ đảng viên, do đó họ điều hành đất nước chỉ với mục đích nắm trong tay quyền lực và lợi ích cho riêng họ.
Cuộc thi Tuổi trẻ học tập đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Courtesy : Tuoitrehaiduong.vn
Một trường hợp minh chứng mới nhất về cán bộ tham ô nhưng được cả hệ thống lãnh đạo bao che, vừa được phổ biến trên mạng xã hội mà cộng đồng cư dân mạng quan tâm, qua chia sẻ của nạn nhân cũng là cán bộ ở tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Văn Khấn cho biết thuộc gia đình cách mạng, nghe theo lời vận động của Đảng ủy và Ủy ban nhằm thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo ở địa phương nên ông cùng 16 người khác tham gia vào thành lập Quỹ Tín dụng Nhân dân hồi năm 1995 và sẽ thanh lý tài sản chia cho cổ đông sau 20 năm hoạt động. Ông Nguyễn Văn Khấn, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vào năm 2008-2009 phát hiện ông Võ Văn Của, là Giám đốc Điều hành, chỉ đạo cấp dưới cố ý làm sai nguyên tắc tài chính kế toán để thu lợi bất chính. Ông Khấn kể lại :
"Khi vụ việc xảy ra thì tôi có báo với Ngân hàng Nhà nước. Ông Giám đốc Ngân hàng Nhà nước nói sẽ giải quyết, nhưng khi lập biên bản với chứng từ rõ ràng thì không xử lý. Lúc tôi họp Hội đồng quản trị để đưa ra xử lý thì ông Bí thư Đảng ủy đến dự, nhưng cuối cùng bao che cho nhau. Một ông cán bộ đảng viên như ông Của không có đạo đức mà vẫn bao che, ngoài tham ô tham nhũng còn thách thức tôi nữa. Ông ta chửi thô tục tại cuộc họp luôn".
Ông Khấn đã làm hồ sơ gửi đến cơ quan các cấp của Đảng từ địa phương đến trung ương nhưng đều không nhận được hồi đáp. Năm 2010, ông Khấn quyết định ra khỏi Đảng. Ông Khấn khẳng định với chúng tôi hoàn toàn không có niềm tin là đạo đức của cán bộ đảng viên sẽ tốt hơn nếu được huấn luyện.
Quyết định ra khỏi Đảng của của ông Nguyễn Văn Khấn không phải là cá biệt, mà trong những năm gần đây ngày càng có nhiều đảng viên tuyên bố từ bỏ tham gia Đảng Cộng Sản Việt Nam với lý do tổ chức này hiện chỉ là một tổ chức của những người "tham quyền cố vị", "mua quan bán chức", "tranh giành quyền lực" và hơn hết là "không có tâm" lẫn "không có tầm" để lãnh đạo quốc gia.
Cũng vì các lý do đó, những người dân khắp nơi ở trong nước mà Đài RFA tiếp xúc quả quyết không cần thiết xây dựng Viện Đạo đức học dành cho cán bộ, vì như thế chỉ khiến dân chúng càng bất mãn hơn đối với chính quyền mà thôi.
Hòa Ái, phóng viên RFA
****************
Lập Viện Đạo đức học 'như dán cao chữa ung thư' (BBC, 19/10/2017)
Một cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng ở Hà Nội đề xuất lập Viện Đạo đức học để "dạy những chuẩn mực trong Đảng" nhưng một cựu cán bộ Ban Dân vận Trung ương nói với BBC rằng việc này "như dán cao chữa ung thư".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "đạo đức của đảng viên"
Ông Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng được truyền thông Việt Nam dẫn lời nhắc lại những "căn bệnh nguy hiểm" của đảng viên theo lời Hồ Chí Minh và nói thêm :
"Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Viện sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực".
"Hai cơ quan phụ trách viện nên là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương", VnExpress dẫn lời ông Phúc.
'Ru ngủ'
Ý tưởng này đã gây ra nhiều bình luận trên mạng xã hội.
Hôm 19/10, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nói : "Bàn về vấn đề đạo đức của người dân và quan chức là quan tâm lớn của toàn xã hội vì đạo đức hiện nay suy đồi lắm".
"Tuy nhiên, việc thành lập một viện về đạo đức để giải quyết những vấn đề trầm kha như vậy như dán cao chữa bệnh ung thư, vừa tốn kém, vừa hời hợt và chỉ mang tính hình thức. Tôi phản đối đề xuất này".
"Lâu nay, các đảng viên, nếu họ muốn thực sự học về đạo đức thì đã có Điều lệ Đảng. Trước những bức xúc của xã hội về đạo đức cán bộ suy thoái trầm trọng mà giải pháp là cho thành lập viện đạo đức mang tính hình thức như thế theo tôi chỉ nhằm để đánh lừa, ru ngủ công luận và làm gia tăng tiến sĩ giấy mà thôi".
"Theo tôi, muốn tăng cường đạo đức cán bộ thật sự, nhất là cán bộ Đảng, cần làm cách khác, thực chất hơn. Ví dụ như cải cách chế độ, sửa lại hệ thống luật pháp cho văn minh, minh bạch. Ai từ ông Nguyễn Phú Trọng trở xuống có sai phạm đều cần xét xử đích đáng, sai phạm nghiện trọng thì loại khỏi hàng ngũ Đảng".
"Còn nếu muốn tăng cường đạo đức để chống tham nhũng thì cứ áp dụng ba giải pháp chính mà thế giới người ta đang làm, gồm cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cảnh sát văn minh và có tự do báo chí".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương
Cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói với BBC : "Tôi chưa nắm thông tin về việc đề xuất lập Viện Đạo đức học nên chưa thể bình luận".
Theo báo Nhân Dân, trong phiên tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói : "Hồ Chí Minh từng nói nhiều về tư cách người cách mệnh và coi đức là gốc của người cán bộ cách mạng. Ðảng cũng đã có nhiều nghị quyết về công tác cán bộ".
"Chúng ta làm quyết liệt, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, nhưng rất nhân văn. Xét xử phải thấu lý, đạt tình, để cảnh báo răn đe ; song còn mở đường cho người sai phạm sửa chữa, còn đường tiến. Tất cả cùng vào cuộc, không được ai đứng ngoài, phải tự giác sửa mình, bình tĩnh làm cho hiệu quả, không gây xáo trộn".
Đảng cộng sản đang đẩy mạnh chiến dịch chỉnh đốn trong đảng
Hồi tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo Thanh Niên dẫn lời : "Tôi rất trăn trở khi nghe các thông tin về lối sống phô trương, lãng phí, gây nhiều phản cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một vài tỉnh miền núi của chúng ta".
"Chính những cán bộ đó đang làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh ở địa phương, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự phát triển chung, trong khi đó, chúng ta vô cùng xúc động trước tinh thần hi sinh, những câu chuyện rất cảm động về các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao vượt qua mưa lũ đến trường, luôn một lòng vì các em, vì thế hệ tương lai của vùng cao mà không quản ngại, lùi bước trước bất kỳ khó khăn, gian khổ nào".