Lén lút trồng cần sa, nhiều người Việt bị bắt ở nước ngoài (Tiếng Chuông)
Gần đây có nhiều trường hợp người Việt phạm tội nuôi trồng cần sa trái phép đã bị bắt giữ. Theo tin của nhật báo Stoke Sentinel hôm thứ Bảy vừa qua, một người Việt đã bị giam, sau khi trồng 1.100 cây cần sa mà từ đó có thể sản xuất một khối lượng cần sa trị giá 595.000 đô la Mỹ.
Nguyễn Văn Ty, 37 tuổi, nhập cư vào nước Anh bất hợp pháp trong năm 2013. Công việc của ông này là tưới nước cho những cây cần sa được trồng tại một tiệm làm tóc cũ tại Pinnox Street, Tunstall, trước khi nơi này bị cảnh sát khám xét vào ngày 11/7 vừa qua. Hiện ông đã bị giam 32 tháng tù và sau đó sẽ tự động bị trục xuất.
Cảnh sát Anh kiểm tra các phòng trồng cần sa.
Công tố viên Fiona Cortese cho biết "Cảnh sát có thể ngửi được mùi cần sa, và cảm thấy một lượng nhiệt rất lớn. Bên trong nhà có một xưởng trồng cần sa đại quy mô, chiếm trọn bốn tầng lầu của tòa nhà. Tổng cộng có 1,133 cây cần sa đã bị tịch thu. Số lượng này có thể sản xuất 51 ký cần sa có trị giá đường phố từ 178,500 364,200 bảng Anh. Công ty điện lực đã bị qua mặt."
Khi cảnh sát đến, bị can đang ở trong tòa nhà, nhưng đã tẩu thoát qua mái nhà. Tuy nhiên, ông đã bị bắt giữ ở gần đó.
Trước đó, khi cảnh sát khám xét một căn hộ ở Bradford hồi tháng 9/2013 và tịch thu 218 cây cần sa. Bằng chứng tại hiện trường cho thấy ông Ty Van Nguyen cũng có liên can tới vụ này.
Do hám lợi, một số kiều dân gốc Việt ở Châu Âu, Mỹ và Châu Á bất chấp luật pháp tại các nước sở tại, đã lén lút trồng nhiều hecta cây cần sa và tham gia buôn lậu ma túy, có người đã bị cảnh sát bắt.
Một trường hợp khác là một người đàn ông Việt đã bị bắt tại Milford Haven hồi giữa tháng 8 vừa qua, sau khi cảnh sát phát hiện ở đây đã trồng lượng cây cần sa trị giá tới hơn 1 triệu bảng.
Người này tên là Ho Hoang, 29 tuổi, thừa nhận mình trồng cây cần sa nhưng khai báo với cảnh sát rằng mình chỉ là người làm vườn để có tiền gửi về cho gia đình ở Việt Nam.
Cảnh sát được Hoang cho biết, trước đó tại căn nhà nhỏ ở Milford Haven này đã có ba đợt trồng loại cây cấm. Khi cảnh sát khám xét căn nhà, ở đây vẫn có 430 cây đang lớn với giá trị khoảng 360 nghìn bảng. Như vậy tổng giá trị của 4 đợt trồng là hơn 1 triệu bảng. Anh này đã bị tù 3 năm và sẽ bị trục xuất sau khi mãn hạn tù.
Án tù nặng vì trồng cần sa tại Đan Mạch
Vào ngày 2/7 vừa qua, một tòa án ở Đan Mạch đã tuyên mức án nặng cho một nhóm tội phạm chuyên sản xuất, buôn lậu ma túy do một người gốc Việt cầm đầu.
Theo trang mạng Berlingske - một trang mạng có khuynh hướng trung hữu rất nhiều ảnh hưởng tại Đan Mạch, họ gồm 9 người (8 nam, 1 phụ nữ), hầu hết là người gốc nước ngoài, phải ra hầu tòa Kolding hôm 2/7/2014 trong vụ án lớn về việc lén lút trồng cây cần sa ngay trong vườn nhà hoặc mướn đất của người khác và buôn lậu chất gây nghiện.
Được biết, cảnh sát đã bóc gỡ đường dây này và người bị cho là cầm đầu là một công dân Đan Mạch gốc Việt, 32 tuổi, thường trú tại vùng Kolding. Ông ta bị kết tội điều hành 13 trại trồng cần sa ở Jylland và Fyn, với tổng công suất thu hoạch mỗi vụ mùa khoảng 1 tấn lá cây cần sa khô.
Cũng theo hồ sơ của cảnh sát thì ông ta có một công ty tại Kolding chuyên bán phân bón hóa học và các thiết bị làm vườn, và thực hiện trồng ươm nuôi cần sa thông qua công ty này từ nhiều năm nay. Khi bị bắt tại khu vườn riêng, nhiều cây cần sa đã đến mùa thu hoạch lá. Tại hiện trường, cảnh sát thu được hàng chục ngàn cây con cần sa đang được ươm nuôi.
Tại phiên tòa, ông này cũng bị kết tội buôn lậu 10 kg chất gây nghiện Amphetamines hồi tháng 1/2013 và 4,9 kg hồi tháng 2/2013. Mức án dành cho bị cáo chủ chốt này là 16 năm tù và trục xuất vĩnh viễn khỏi Đan Mạch.
6 người Việt bị bắt ở Nhật vì nghi trồng cần sa
Nạn trồng cần sa cũng khá phổ biến trong giới tội phạm người Việt ở Châu Á. Báo Asahi Shimbun của Nhật đưa tin cảnh sát nước này hôm 12/4/2014 đã bắt 6 người mang quốc tịch Việt Nam (có cả nam lẫn nữ) ở tỉnh Hyogo vì nghi ngờ những người này trồng cần sa. Ngoài ra Cảnh sát Hyogo còn tịch thu 1.300 cây cần sa.
Được biết, số lượng 1.300 cây cần sa được trồng ở một số địa điểm, bao gồm nhà xưởng bỏ hoang ở thành phố Himeje. Cảnh sát cũng đã thu giữ nhiều thiết bị chiếu sáng được sử dụng tại các "trại cần sa" này. Cảnh sát Nhật cho rằng đây là vụ trồng cần sa có quy mô lớn, tổ chức rất chặt chẽ từ khâu chọn, ươm giống đến trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Tuy chủ nhân cố tìm mọi cách tránh tội, nhưng cảnh sát khẳng định rằng ông ta có kế hoạch làm từ khâu đầu cho đến khâu cuối, sau khi phơi sấy khô, ông chỉ đạo cho nhân viên tinh chế lá cần sa thành một loại thuốc lá điếu, rồi đóng thành từng bao. Cảnh sát cũng nhận định rằng do giới chức an ninh không giám sát chặt chẽ thị trường thuốc điếu nên tất yếu loại thuốc lá vấn từ cần sa của kẻ mới bị bắt, cũng như của một số người khác, hiện được chào bán tại tất cả các tỉnh, thành phố lớn của Nhật Bản.
Theo báo giới Nhật, nạn trồng cần sa khá phổ biến trong giới tội phạm người Việt ở Anh và Châu Âu, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên có vụ án cần sa đối với người Việt ở Nhật.
Theo Tiengchuong.vn
****************
Bắt người gốc Việt trồng cần sa ở Anh mỗi năm thu 58 tỉ (Dân Việt, 10/06/2017)
Plamen Nguyễn bị bắt hồi đầu năm nay.
3 người đàn ông đã thừa nhận tội trạng trước tòa án Anh sau khi sử dụng một boongke tránh bom từ thời Chiến tranh Lạnh để trồng cần sa. 3 người bị bắt giữ gồm 2 công dân Anh và một người gốc Việt có tên Plamen Nguyễn, 27 tuổi.
Khi cảnh sát ập vào bắt giữ, 3 nghi phạm đang trồng hơn 4.000 cây cần sa ở Wiltshire. Nơi đây từng được dùng làm boongke trú ẩn, tránh các vụ tấn công hạt nhân trong thời điểm Chiến tranh Lạnh leo thang.
Boongke được chia làm 20 phòng và chuyên trồng cần sa. Cảnh sát cho biết mỗi năm nhóm đối tượng thu lời 2 triệu bảng Anh (khoảng 58 tỉ đồng) từ hoạt động bất hợp pháp này. "Địa điểm này không còn thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, boongke vẫn nguyên vẹn và được nhóm tội phạm sử dụng vào mục đích bất chính", tòa án Anh nói.
Mỗi năm, nhóm tội phạm này mất tới 250.000 bảng Anh (khoảng 7,2 tỉ đồng) tiền điện. Việc trồng cần sa đòi hỏi các đèn công suất lớn bật suốt ngày đêm. Cảnh sát cho biết mỗi sáu tuần lại có một lứa cần sa được xuất xưởng. Cơ quan điều tra cho rằng đây là nhà máy sản xuất cần sa lớn nhất khu vực Tây Nam nước Anh.
Cảnh sát cho biết thêm, chính vị trí biệt lập và bản chất là một boongke trú ẩn nên việc phát hiện hành tung của nhóm tội phạm gặp nhiều khó khăn. Ngoài phòng trồng cần sa, nhóm tội phạm thiết kế phòng sấy, phòng y tế và phòng ở. Đây là một quy trình khép kín nhằm sản xuất cần sa quy mô lớn.
Di Pope, cảnh sát trưởng vùng Wiltshire cho biết mất tới 10 ngày mới có thể khám xét toàn bộ 20 phòng trồng cần sa.
Quang Minh
Theo Daily Mail
*****************
Hai người Việt ngồi tù vì sở hữu trại cần sa 150.000 USD (news.zing, 10/03/2015)
Hai người Việt điều hành một trang trại gồm 500 cây cần sa tại Anh và bào chữa rằng họ nghĩ loại cây này là "rau phương Tây".
Chien Nguyen và Hieu Nguyen đối mặt với án tù vì trồng cần sa tại Anh. Ảnh : Daily Mail
Tòa án tại Anh hôm 9/3 tuyên phạt Chien Nguyen, 32 tuổi, và Hieu Nguyen, 35 tuổi, lần lượt 3 năm và 3 năm 4 tháng tù với tội danh điều hành trang trạng trồng cần sa trị giá 100.000 bảng Anh (150.000 USD).
Ngày 19/10/2014, cảnh sát phát đã đột nhập căn hộ 4 tầng của Chien và Hieu ở thành phố Leeds, hạt West Yorkshire, sau khi nhiều hàng xóm thông báo rằng họ ngửi thấy "mùi rất nặng của thuốc lá loại B" từ căn hộ.
Chien nấp dưới khung ghế sofa, trong khi Hieu lần trốn bằng cách leo lên trần nhà giả khi nhà chức trách khám xét nhà của họ.
Theo Daily Mail, cảnh sát đã phát hiện hơn 500 cây cần sa trái phép trong 11 căn phòng. Hai người này cũng lắp 100 bóng đèn xung quanh căn hộ nhằm kích thích sự phát triển của cây.
Tuy nhiên, cả Chien và Hieu đều không nhận tội mà nói rằng cây mà họ trồng là một "loại rau phương Tây" và họ không biết đó là cần sa.
Theo các nhà phân tích, 500 cây cần sa trong trang trại của Chien và Hieu có thể sản xuất hơn 16 kg thuốc phiện.
Chien và Nguyen là những người nhập cư bất hợp pháp. Họ tới Anh qua Cộng hòa Czech.
Nguyễn Ngọc
**********************
Cứu người Việt trồng cần sa ở Anh (news.zing, 27/02/2015)
Những mong được đổi đời, nhiều người Việt bị đưa lậu sang Anh để trồng cần sa trong điều kiện sống tồi tệ. Cuộc sống của họ hiện lên trong phóng sự của Reuters.
Bên trong một trại trồng cần sa trị giá 2,3 triệu USD ở Hull bị cảnh sát Anh phá dỡ hồi tháng 6/2014. Hai người Việt cầm đầu nơi này là Nguyễn Văn Thư và Nguyễn Văn Thắng. Ảnh : AFP
Luật sư Philippa Southwell chỉ vào tập hồ sơ dày cộp trên bàn trong văn phòng nhỏ của bà ở nam London. Bên dưới sàn, các chồng hồ sơ đầy kín chứng tỏ hồ sơ vụ việc bà theo đuổi đang tăng lên.
Nạn nhân của bọn buôn người
Những năm gần đây, bà Southwell chuyên "cãi" cho số khách hàng cụ thể : các thanh niên bị bọn buôn người đưa từ Việt Nam sang Anh để làm việc quần quật trong các trại trồng cần sa. Họ chủ yếu đến từ các gia đình nghèo, hi vọng sang Châu Âu để mong đổi đời.
Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại ở Anh trong năm 2013. Các nạn nhân hầu hết đến từ Albania, Nigeria, Việt Nam và Romania.
Nhiều nạn nhân Việt Nam là trẻ em từng phải vượt qua hàng ngàn kilômet bằng đi bộ, tàu thuyền, xe tải và chuyến đi kéo dài hàng tháng trời trước khi tới được bờ biển nước Anh. Luật sư Southwell khẳng định : "Họ bị vận chuyển qua ngõ Nga, Ðức, Pháp. Một số người phải đi bộ qua những cánh rừng hàng ngày trời. Họ ngủ trong lán trại dựng tạm và sau đó được giấu trong thùng xe tải trong những điều kiện dơ bẩn, tệ hại". Theo bà, các nạn nhân phải im như thóc trong thùng xe tải đã được cải tiến để giấu người, thiếu không khí để thở, thậm chí họ phải tiểu tiện ngay tại chỗ.
Sang đến Anh, các nạn nhân bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và buộc phải trồng cần sa trong những ngôi nhà có hệ thống làm nóng phức tạp và đèn cao áp để trả số tiền họ nợ, đôi khi lên đến 46.000 USD. "Ở đấy rất nguy hiểm. Dây điện ở khắp nơi. Cửa sổ bị đóng đinh chặt để họ không thể bỏ trốn. Không có chút ánh sáng mặt trời", bà Southwell mô tả.
Các nạn nhân thường bị đưa đi tản mát khắp nước Anh, tránh xa các thành phố lớn để tránh tầm ngắm của cảnh sát. Nhưng theo các nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, khi bị phát hiện, thường là trong các đợt truy quét của cảnh sát, những người nhập cư lậu này lại bị coi như tội phạm chứ không phải nạn nhân.
Luật đang thay đổi
Năm 2013, tòa án ở Anh ra phán quyết các nạn nhân của nạn buôn người không nên bị truy tố khi tòa hủy bỏ phán quyết kết tội ba người Việt Nam, trong đó có một thân chủ của luật sư Southwell, vì các tội liên quan đến ma túy. Nhưng từ đó trở đi mọi chuyện ít có tiến triển.
Còn giám đốc tổ chức từ thiện giúp đỡ những trẻ em bị buôn người ECPAT ở Anh Chloe Setter cho rằng cảnh sát vẫn bắt giữ những người trồng cần sa trong khi lại không truy tìm chứng cứ giúp lật tẩy ông trùm các đường dây buôn người. Ví dụ, cảnh sát hiếm khi điều tra các số điện thoại trong điện thoại di động thu giữ được từ những nạn nhân trồng cần sa.
Luật sư Southwell còn kể rằng trong nhiều trường hợp, luật sư của các em thường khuyên các em nhận tội khi bị bắt mà không nhận ra rằng các em có thể là nạn nhân của nạn buôn người. Bởi thế, công việc của bà Southwell ngày càng bận rộn do tìm cách đảo ngược các bản án và giúp truy tố các nạn nhân.
Năm 2013, Chính phủ Anh đã công bố một dự luật nhằm giải quyết các vụ buôn người và nô lệ đang tăng lên. Ðạo luật nô lệ hiện đại, dự kiến được thông qua trước kỳ bầu cử vào tháng 5, ghi nhận rằng các nạn nhân của nạn buôn người có thể bị cưỡng ép phạm các tội hình sự.
Bà Setter nhớ lại trường hợp một bé trai đã khai : "Bọn chúng dọa chị của em. Em đành phải đi". Bà kết luận : "Ðó là nô lệ thời hiện đại. Không phải lúc nào cũng có xiềng xích và bị nhốt. Ðó là cách kiểm soát về tinh thần".
Sau khi thụ án xong, các nạn nhân thường bị trục xuất về nước. Nhưng với tiền án và thiếu sự hỗ trợ, họ quay lại đường dây buôn người cũ.
Quy mô trồng cần sa đã thu hẹp
Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ ngày 26/2, đại diện Ðại sứ quán Việt Nam tại Anh xác nhận có tình trạng người Việt tham gia việc trồng cần sa tại nước này trong những năm gần đây. Ðại sứ quán đã phối hợp với Chính phủ Anh xử lý những trường hợp này theo đúng luật pháp nước sở tại, đồng thời tiến hành bảo hộ công dân theo công ước quốc tế ký kết với Anh.
Vị đại diện này khẳng định quy mô và số lượng người Việt tham gia trồng cần sa ở Anh đã thu hẹp trong thời gian gần đây. Ðể ngăn chặn tình trạng này, Ðại sứ quán phối hợp với Chính phủ Anh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo bà con hành động trồng cần sa là bất hợp pháp và không được Chính phủ Anh chấp nhận.
Những trường hợp bị phát hiện sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc và gánh chịu hậu quả khó lường.
Ðại diện Ðại sứ quán Việt Nam đề nghị các cơ quan truyền thông ở Việt Nam tuyên truyền rộng rãi cho người dân rằng trồng cần sa ở Anh là bất hợp pháp.
Vị đại diện cho biết người dân có thể liên hệ đường dây nóng của Ðại sứ quán Việt Nam tại Anh, đường dây nóng bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, hoặc tổng đài bảo hộ công dân (04.62.844.844, nếu gọi từ nước ngoài 00.84.4.62.844.844) để được cung cấp thêm thông tin.
Ngành kinh doanh béo bở
Cần sa bị xem phạm pháp ở Anh từ năm 1928 nhưng đây vẫn là thứ ma túy thông dụng nhất ở nước này cho đến nay. 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa mỗi năm, trị giá ước tính 5,9 triệu bảng Anh (9,17 triệu USD).
Số liệu cảnh sát cho biết hầu hết cần sa tiêu thụ ở Anh được trồng trong nước. Trong giai đoạn 2011-2012, số trại trồng cần sa lậu đã tăng gấp đôi so với 4 năm trước đó, lên gần 8.000 điểm.
Việt Phương (Tuổi Trẻ)
******************
Người Việt bị bắt ở Anh vì làm việc cho nhà máy cần sa (news.zing, 01/12/2014)
Một thanh niên người Việt bị lừa sang Anh từ lúc 15 tuổi, ở tù 8 tháng và bị trục xuất sau khi bị phát hiện làm việc cho nhà máy cần sa.
Các cây cần sa do Tâm chăm sóc và quản lý. Ảnh : George Odling
Trong cuộc đột kích hồi tháng 8, cảnh sát phát hiện một khu vực trồng 279 cây cần sa, 99 cây khác đã thu hoạch cùng hệ thống tưới nước và chiếu sáng tại một căn hộ trên đường Deacons Walk, vùng Hampton, London, tờ This Is Local London đưa tin hôm 27/11.
Cảnh sát phát hiện Lê Xuân Tâm, 19 tuổi, trốn trong nhà bếp của một căn hộ có 3 phòng ngủ, đồng thời thu giữ một bản chép tay hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc cây cần sa bằng tiếng Việt.
Theo cảnh sát, với số lượng cây cần sa này, đối tượng có thể thu về 12,7 kg chất thành phẩm, bao gồm 8,1 kg từ những cây đang trồng và 4,6 kg từ những cây đã thu hoạch. Giá trị toàn bộ số hàng lên tới 68.800 USD.
Tại phiên tòa xét xử hôm 25/11, Công tố viên Alexandra Boshell cho biết, Tâm không nói được tiếng Anh, cư trú bất hợp pháp tại Anh từ tháng 1/2010, khi mới 15 tuổi. Tâm khai rằng ban đầu anh dự định tới Đài Loan để làm việc tại các công trình xây dựng nhưng bị đưa sang Thái Lan, sau đó tới Nga. Tại đây, cảnh sát Nga đã tịch thu toàn bộ giấy tờ của anh.
Tâm được đưa vào trại giáo dưỡng ở thị trấn Worthing, hạt Sussex, đông nam nước Anh. Tuy nhiên, Tâm sống tách khỏi những người chăm sóc và đi làm thuê trong các nhà hàng trước khi vào làm việc tại nhà máy cần sa.
Bị cáo cho biết, anh đang chuẩn bị rời khỏi căn hộ bởi nhiệm vụ chăm sóc đã hoàn thành, các cây trồng sắp đến thời gian thu hoạch.
Thẩm phán Birts QC cho hay, cần sa rất có hại cho người sử dụng. Mặc dù bị cáo không phải là chủ nhưng là người quản lý sản phẩm và phụ trách việc tuồn nó vào thị trường.
"Tôi đã chứng kiến ma túy hủy hoại cuộc sống của các con nghiện. Phiên tòa sẽ xem xét nghiêm túc hành động phạm tội nghiêm trọng này. Bị cáo đã phải trải qua một thời gian đau khổ do bọn buôn người lợi dụng. Chúng tôi không hoan nghênh sự hiện diện của anh ở đất nước chúng tôi và tôi không còn lựa chọn khi tuyên bố, anh bị trục xuất", vị thẩm phán tuyên bố.
Cảnh sát Constable Kris Latham thuộc Cục điều tra hình sự Richmond cho rằng, kết quả xét xử hoàn toàn thỏa đáng. Đây là một minh chứng rõ ràng về sự phối hợp giữa cảnh sát và người dân trong việc ngăn chặn các hành vi phạm tội. Bị cáo đến từ một đất nước khác nhưng không thể tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
Tuy nhiên, các nhà điều tra vẫn chưa tìm ra kẻ đứng sau điều hành hoạt động của nhà máy cần sa. Bị cáo Tâm khai anh không biết thông tin của người này.
Tống Hoa